You are here

''Du kích sông Thao'' và mối duyên tình cờ

Tác giả: 
Cảnh Linh

Cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922 - 1991) là cây đại thụ trong làng âm nhạc Việt Nam. Năm 1949, ông sáng tác ca khúc “Du kích sông Thao”, sau chiến thắng của quân dân ta trong Chiến dịch Sông Thao (4-1949).

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Năm 1949, sau thời gian bị đày ở nhà tù Sơn La, ông và các bạn tù vượt ngục và thoát được ra ngoài. Trên đường xuôi xuống Ấm Thượng, Phú Thọ, ông nhớ đến những người bạn cũ, trong đó có cô du kích tên Hà từng giúp ông và đồng đội trên đường công tác. Cô gái lúc đó được phân công nhiệm vụ chở đò đưa cán bộ, chiến sĩ qua sông.

Từ câu chuyện và cảm xúc về cô du kích, trên đường di chuyển sau đó, Đỗ Nhuận vừa đi bộ vừa cầm ghi ta và sáng tác “Du kích sông Thao” (theo hồi ký “Âm thanh cuộc đời”). Nhịp trường ca dâng trào theo bước chân hối hả của nhạc sĩ trên đường về xuôi. Những câu hát cứ dồn dập: “Ven sông đoàn du kích họp chiều chiều/ Khi bơi thuyền đi thúc giục nhịp chèo/ Nghe dòng sông réo, đứng lên giết thù...”. Bài hát kết thúc khi tác giả vừa về tới nhánh sông Việt Trì.

Bài hát nhanh chóng được phổ cập rộng rãi trong toàn quân. Nhưng chính tác giả cũng không ngờ “Du kích sông Thao” còn mang đến cho ông mối nhân duyên quý giá. Số là một lần nhạc sĩ Đỗ Nhuận đi tuyển diễn viên cho đoàn văn công quân đội đã dừng chân trên đồi Cháy ở Nhã Nam, Bắc Giang (1953). Đây là nơi nhiều văn nghệ sĩ sơ tán, thuộc vùng kháng chiến. Đỗ Nhuận ở nhờ gia đình nhà văn Nguyên Hồng trên lưng đồi cao.

Một buổi tối trăng lên, bất ngờ nhạc sĩ thấy có người cất tiếng hát bài “Du kích sông Thao”. Một giọng nữ trong trẻo, tha thiết ngân vang: “Hồng Hà chơi vơi dâng nước trên nguồn về khơi/ Sông Thao ngoài bến Việt Trì/ Có những chàng áo nâu về say mê dòng nước... vui tràn trề...”. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đứng bật dậy, sững sờ với cảm xúc khác lạ trong đêm trăng dát vàng trên đồi cao. Lúc này nhà văn Nguyên Hồng mới đến bên, nói rằng đó là giọng hát của em gái ông - cô Nguyễn Thị Túc vừa tròn đôi mươi. Một tia chớp bừng lên trong tâm hồn nhạc sĩ. Đúng là tình yêu sét đánh qua âm nhạc. Sau đó nhà văn Nguyên Hồng đứng ra tổ chức lễ thành hôn cho hai người. Một tiệc cưới giản dị trong kháng chiến.

Ít ngày sau, nhạc sĩ Đỗ Nhuận lại phải lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Mãi cho tới khi chiến dịch thành công, nhạc sĩ mới trở về đoàn tụ gia đình. Sau đó vài năm, hai người sinh con đầu lòng, chính là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.

(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.