You are here

Duyên nợ "Hò sông Mã"

Tác giả: 
Đặng Hoành Loan

Năm 1951 tôi lên 8, mẹ con chúng tôi dắt díu nhau tản cư vào Thanh Hóa (vào thời điểm này Thanh Hóa là vùng tự do) để trách các cuộc càn quét rộng của lính Pháp khắp khu III (vùng đồng bằng sông Hồng). Mẹ con chúng tôi định cư tại Phố Mới, Phủ Quảng, Vĩnh Lộc (phố do những người chạy giặc vào đây lập ra). Phố Mới nằm gần Phố Cũ, phố của cư dân bản địa. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều phải dựa vào Phố Cũ. Phố Cũ nằm kề bên sông Mã, có bến đò Chùa (chả là chùa nằm gần bến đò nên có tên gọi như vậy). Cách phố Mới vài trăm mét là thành nhà Hồ. Tôi không nhớ được gì nhiều ở di tích này ngoài những cánh cổng gỗ to, nặng đẩy không được và những vườn ổi ngút ngàn (thuở bé cái gì cũng được bội lên thì phải) mà chúng tôi thi nhau hái từ khi quả còn chát xịt, ăn không được thì ném nhau. Nhiều lần bị ông giữ vườn quát đuổi chạy văng cả dép. Ấy vậy mà chứng nào lại tật ấy.

Thú vị nhất là vào những chiều hè, được mẹ cho phép xuống sông vùng vẫy và xem những chiếc thuyền buôn ngược xuôi, kẻ chèo, người chống hò hát ầm ĩ trên sông. Vào những hôm đò cập bến Chùa, từ giữa sông người ta lao sào xuống nước chì choạp, rồi tỳ sào vào ngực để ghìm thuyền. Khi ấy chân họ giậm lên mạn thuyền, miệng thì hát vui, tiếng hát như thúc giục mấy bà buôn nhanh chóng dọn hàng dời thuyền, để thuyền còn kịp ngược Cẩm Thủy. Hàng lên bờ đủ loại gà, vịt, chó, lợn, đồ đan lát, lại có cả bác bán kẹo bông, món ăn mà nhìn thấy là lũ trẻ chúng tôi không kìm được cơn thèm.

Rồi thời gian chồng chất thời gian, biến động chất chồng biến động, cuộc đời tôi qua nhiều đường quanh, khúc quẹo. Tôi đã lên lão, đã xa bến sông ấy hơn 60 năm. Vậy mà những "điệu hò hát ầm ĩ" thuở nào đã ngấm sâu vào tuổi thơ tôi, tạo ra một vùng âm thanh trong kí ức, găm lại suốt cuộc đời và trở thành duyên nợ. Đến nay, mỗi khi vùng âm thanh ấy vang lên là dòng sông ấy, con đò ấy, bến thuyền ấy, tuổi thơ ấy lại hiện về tạo ra một xung động tâm lí khác lạ, vừa hoài niệm vừa tiếc nuối. Có những giây phút như thế, tôi thầm cảm ơn quá khứ. Không có nó, những "điệu hò hát ầm ĩ" ở khúc sông Mã thuở nào chắc gì tôi đã gắn bó, đã đắm đuối với những âm giai mộc mạc, những lời ca say đắm tình người, không lưu hận chiến tranh, không thù ghét, hằn học, chỉ cầu xin bình yên, hạnh phúc trong những khúc dân ca của xứ sở này.

Nhiều năm công tác ở viện Âm nhạc (1976 đến 2005) tôi đã được tham gia nhiều đề tài, dự án, nhưng dự án "Nghiên cứu bảo tồn Hò Sông Mã" là dự án tôi tâm đắc nhất. Và cũng là dự án chúng tôi tốn nhiều công sức, nhiều thời gian và cả tiền bạc của nhà nước nhất. Bởi lẽ, muốn thực hiện dự án phải có thuyền đinh (đò dọc), phải có trai đò biết hò hát, phải có những người khách buôn. Nhưng ngày nay lấy đâu ra thuyền đinh, thuyền đinh không còn hiện hữu trên sông Mã từ lâu lắm rồi (nghe đâu nó biến mất từ những năm 1955 - 1956 gì đấy). Còn các trai đò - những nghệ sĩ vô danh của Hò Sông Mã thuở tôi còn nhỏ, không biết tản, tụ nơi đâu? Bao nhiêu cụ còn sống, bao nhiêu cụ còn nhớ lời ca điệu hát? Liệu có tìm được những cụ bà, cụ ông, những người đi buôn đò dọc thuở xưa để làm đối chứng khoa học?

Thật kì lạ, mọi khó khăn chỉ như thoáng qua. Một "cái gì đấy" từ quá khứ gợi lên niềm say mê, thúc bách tôi phải thực hiện bằng được dự án nghiên cứu khoa học này. Ước mong, chỉ để trả lại cho các em nhỏ ngày nay con đò dọc và giọng hát trên con đò để chúng lớn lên cũng lại có những kí ức dân gian như tôi thuở ấu thơ - kí ức ấy là nguồn cội của tình yêu quê hương (tôi cứ nghĩ như thế). Thế là, như một con thiêu thân, tôi lao vào công việc.

Tôi tập hợp nhân sự, thành lập nhóm nghiên cứu đề tài. Nhóm, lúc bấy giờ gồm toàn sinh viên mới tốt nghiệp Nhạc Viện Hà Nội. Chân ướt chân ráo, mới về viện, họ rất biết nghiên cứu cấu trúc tác phẩm âm nhạc có tác giả, nhưng còn non nớt và nhút nhát, không chỉ cách tiếp cận mà cả phương pháp nghiên cứu âm nhạc cổ truyền phi văn bản. Lỗi không phải của họ, lỗi tại giáo trình đào tạo để nghiên cứu Âm nhạc học dân tộc hồi bấy giờ chưa có.

Khác với lối nghiên cứu âm nhạc học (nghiên cứu âm nhạc có tác giả, có chữ viết), muốn nghiên cứu âm nhạc dân gian (thứ âm nhạc phi văn bản, phi tác giả), phải thực hiện công tác điều tra khảo sát, điền dã thu thập tư liệu liên quan đến cư dân, địa bàn cư trú, lịch sử, văn hóa, môi trường diễn xướng, các phương tiện sử dụng trong diễn xướng, các thể thức diễn xướng và nghệ nhân - những người trực tiếp thực hành diễn xướng là đối tượng của nghiên cứu - gọi là phương pháp nghiên cứu Dân tộc nhạc học.

Tôi cứ ngẫm trong bụng, phải tin vào lớp trẻ, tin vào kiến thức âm nhạc đã được đào tạo của họ, phải "ném" họ vào thực tiễn, để từ tiếp cận thực tiễn họ sẽ dần hiểu ra những ngõ ngách của công việc nghiên cứu điền dã. Sau nhiều tháng cùng nhau lăn lộn ở địa bàn, có sự cộng tác hết mình của nhà nghiên cứu văn hóa xứ Thanh, Hoàng Anh Nhân, chúng tôi đã gỡ được dần từng mối.

Đầu tiên chúng tôi tìm gặp cụ nghệ nhân có nghề đóng thuyền đinh (theo nhà nghiên cứu văn hóa xứ Thanh, Hoàng Anh Nhân, đây là cụ thợ đóng thuyền đinh duy nhất còn sống) mục đích để xác định kích thước, trọng tải, nguyên vật liệu và tốp thợ làm thuyền; đi gặp từng cụ hốp đò sống xuyên thời gian (hốp đò thuyền đinh là người phải am tường mọi công việc sông nước, phải biết hò hát, biết giao lưu với khách buôn). Mục đích để tìm hiểu khả năng ca hát và những câu chuyện liên quan đến nghệ thuật Hò sông Mã; đi tìm gặp các cụ ông, cụ bà xưa kia là những người đã từng đi buôn trên đò dọc; khảo sát truyền thống văn hóa, tín ngưỡng và sinh hoạt thương mại của các làng nằm trên triền sông Mã từ cửa Đại (cửa biển) lên đến Cẩm Thủy (rừng xanh) để nghiên cứu những hình thức tín ngưỡng và sinh hoạt đời sống ảnh hưởng như thế nào, tác động ra sao đến những chuyến đò dọc và đến sinh hoạt các chàng trai hốp đò.

Công việc tiến hành đang xuôi chèo mát mái. Thuyền đinh chở nặng 25 tấn đóng xong, hạ thủy ngon nghẻ. Các cụ nghệ sĩ hốp đò[1] thuở xưa đã được gom lại, tập dượt cùng nhau nhiều ngày, rồi về Hà Nội chuẩn bị thu thanh bằng hệ thống máy thu hiện đại.

Khi đưa các cụ vào phòng thu, máy bật, tất cả 6 cụ đứng im, người nọ nhìn người kia, không hát. Các cụ nói: "Hát thế này không hát được, hát phải có sào chống, phải có thuyền để dậm chân". Sao vậy, tôi tự hỏi? Và tôi cũng nhanh chóng tìm ra câu trả lời: "Phải có thuyền để dậm chân", tức là phải có chỗ để chơi tiết tấu, có tiết tấu thì vào hát mới đồng đều, mới đúng nhịp điệu của lối Hò sông Mã trên đò. Thế nhưng trong các bản kí âm của một số nhạc sĩ xuất bản trước nay tôi không thấy ghi tiết tấu dậm chân dưới giai điệu hò và cũng chẳng thấy họ bàn tới yếu tố âm nhạc quan trọng này. Sự kiện xảy ra khi thu thanh lần này đã giúp chúng tôi phát hiện ra một phần rất quan trọng, đó là "tiết tấu gõ" trong các điệu Hò sông Mã là xương sống của hò, thiếu nó không thành Hò sông Mã đúng nghĩa được.

Để thỏa mãn yêu cầu của các nghệ sĩ hốp đò một ván sàn được kê chắc chắn giả làm mạn đò, 6 cây sào được mua về. Các nghệ sĩ hốp đò cầm sào bước lên ván, dậm chân hát thử. Rất kết quả, tất cả đều cười vui.

Sau hai ngày vật lộn với đủ thứ chuyện, chúng tôi đã thu thanh được 8 điệu hò:

1. Hò rời bến. Điệu hát khi chống sào đẩy thuyền[2] rời khỏi bến đưa thuyền đi vào luồng lạch.

2. Hò đò ngược (còn gọi là Xắng đò ngược). Điệu hò được các nghệ sĩ hốp đò hát một cách mạnh mẽ (xắng giọng) để đẩy thuyền đi ngược dòng, thường là chặng đường đi từ cửa biển lên thượng nguồn.

3. Hò đò xuôi (là điệu hò khi đò đi xuôi dòng nước, hoặc khi gió thổi căng buồm đẩy đò đi). Điệu hò thanh thảnh, nhẹ nhàng, giai điệu mềm mại, dàn trải.

4. Hò làn Văn (từ cửa Đại lên thượng nguồn sông Mã có hàng trăm đền thờ Mẫu thoải, vị nữ thần trông coi miền sông nước). Hò làn Văn là điệu hò cầu mong một chuyến đi được các vị thần sông nước và Thánh Mẫu phù hộ. Giai điệu nhạc phảng phất âm hưởng điệu hát Chèo đò trong Hát văn thờ Mẫu.

5. Hò làn ai (còn gọi là Hò ru ngủ). Điệu hò thường hò vào lúc canh khuya. Âm hưởng hò mềm mại, pha chút buồn man mác, như điệu ru buồn đưa khách đò vào giấc ngủ say.

6. Hò niệm phật. Khi đò qua cửa chùa thiêng bên sông vào ngày rằm, mồng một, các hốp đò thường dừng đò, hướng mũi đò về phía cửa chùa, cùng nhau hát câu hò niệm Phật, cầu cho chuyến đi bình an.

7. Hò mắc cạn. Nếu chẳng may, ở một bến lạ, đò mắc vào một doi cát là các hốp đò phải nhảy xuống sông, kê miếng ván vào vai, cùng hè nhau đảy thuyền tránh cạn bằng tiếng hò chắc khỏe trợ sức cho công việc nặng nhọc này.

8. Hò cập bến. (là điệu hò quay thuyền từ ngoài sông vào bến đỗ). Tiếng hò rộn ràng, không khí sảng khoái, tiết tấu rồn rập, cũng là câu hát vui tiễn khách của các hốp đò.

Ngày tiến hành quay phim thực hành diễn xướng hò trên sông diễn ra nhiều kịch tính, hai lần gió thổi quá mạnh, đò không có hàng nên "nhẹ bẫng", gió làm cho chòng chành xuýt lật. Cũng may, nhờ có các cụ hốp đò giàu kinh nghiệm nên thoát nạn. Thế là vận may lại đến với chúng tôi, cuối cùng sau nhiều ngày đánh vật với đò, với sông nước, công việc cũng hoàn thiện.

Tất cả 8 điệu Hò sông Mã do các nghệ sĩ hốp đò kì cựu diễn xướng trên con thuyền đinh (mới đóng) được ghi hình trọn vẹn khắp các chặng đường sông từ cửa Đại lên đến ngã ba Bông, Vĩnh Lộc. Giọng hát của hai nghệ sĩ hốp đò kì cựu có nhiều trải nghiệm trên sông nước Trần Ngọc Tuy và Lê Văn Khiết hát phần xướng, các nghệ sĩ hốp đò Trần Ngọc Chữ, Mạc Văn Tần, Nguyễn Chính Thành, Trần Ngọc Bé hát phần xô được máy khuếch đại âm thanh phát vang trên mặt sông, gây ra sự náo nức lạ thường.

Cái tài tình của các nghệ sĩ hốp đò là tốc độ, tiết tấu những bài hò thu trong phòng thu hoàn toàn khớp với tốc độ, tiết tấu, không khí sinh hoạt của con đò khi thực hành xuôi, ngược trên dòng sông. Tôi thầm nghĩ, chỉ có những nghệ sĩ một đời gắn bó với đò dọc, gắn bó với khách thương; gắn bó với nghệ thuật giữ khách, để khách nhớ giọng hát mà gắn bó với đò, mới có thể có được cao độ, tiết tấu, tốc độ âm nhạc ăn sâu vào tâm can để khi hát lên đạt đến sự chuẩn chỉ như vậy.

Dự án hoàn thành, được nghiệm thu, tôi rất biết ơn Thứ trưởng Lưu Tần Tiêu đã quyết định cho phép chúng tôi đóng con đò dọc. Không có đò dọc, dự án không thể thực hiện, ước mơ của tôi sẽ tan vỡ. Những tư liệu phục hồi diễn xướng trên con đò dọc thực sự đã đem lại cho người quan tâm tới hình thức nghệ thuật này một cái nhìn toàn diện về giá trị văn hóa, nghệ thuật diễn xướng và âm nhạc của Hò sông Mã xứ Thanh.

Dự án hoàn thành, tôi nhận được lời chúc mừng của GS Trần Văn Khê từ Paris. Giáo sư viết qua Fax: "Bác đã xem đĩa "Dòng sông, con đò và những miền quê" cháu gửi cho bác. Cách làm như vậy là khoa học, đúng cách thức. Bác chúc mừng cháu, chúc mừng Viện Âm nhạc.

Còn GS. Yamaguti Osamu, trường Đại học Osaka Nhật Bản có nhận xét sau khi xem video Dòng sông, con đò và những miền quê: "Nếu hò Kéo thuyền trên sông Volga của Nga chỉ biểu hiện sức mạnh của người phu kéo thuyền, thì Hò Sông Mã của Việt Nam là sử dụng nghệ thuật làm phương tiện cạnh tranh trong thương mại, do vậy âm nhạc của nó rất hay, lời ca của nó rất uyển chuyển, thế mới là cạch tranh văn hóa ".

Con đò được GS. Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học bỏ công sức chở từ Thanh Hóa về Hà Nội, trưng bày ở sân Viện Bảo nhiều năm, đối với tôi đó là một kỉ niệm cuộc đời. Tới khi Giáo sư về hưu, thế hệ quản lí sau đã biến con đò dọc sông Mã kì công ấy thành gỗ mục. Tiếc thay!

Sông Mã ngày nay chẳng đò, chẳng hát, chẳng nhà văn hóa nghệ thuật xứ Thanh nào ra công chuyển đổi chức năng cho nó, để nó trở thành kí ức sống của dòng sông Mã - sông mẹ của những dòng sông xứ Thanh. Ước mong của tôi đổ vỡ. Các em nhỏ Thanh Hóa ngày này không còn dịp để tự hào về một sáng tạo nghệ thuật hò sông nước có một không hai trên thế giới (âm nhạc dùng trong cạnh tranh thương mại như GS. Yamaguti Osamu từng đánh giá).

Dẫu là vậy, kí ức sông Mã tuổi thơ tôi, có hò hát, có chợ búa bên sông vẫn còn đó như duyên nợ không dễ gì phai nhạt.


[1] Tôi gọi là "nghệ sĩ hốp đò" bởi không phải hốp đò nào cũng biết hát và hát hay.

[2] Đẩy thuyền bằng sào khác với chống sào và khác với chèo bằng bai chèo. Khi đẩy thuyền, các hộp đò chống sào vào ngực người khom xuống bước từng bước dùng sức toàn thân đẩy thuyền.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.