You are here

Dvorak: Giao hưởng số 8

Tác giả: 
Cobeo (tổng hợp)

Tác giả: Antonín Dvořák.
Tác phẩm: Giao hưởng số 8 giọng Son trưởng, Op. 88, B. 163
Thời gian sáng tác: Từ 26/8 đến 8/11/1889.
Công diễn lần đầu: Ngày 2/2/1890 tại Prague với tác giả chỉ huy dàn nhạc.
Độ dài: Khoảng 37 phút.
Tác phẩm có 4 chương:
Chương I – Allegro con brio
Chương II – Adagio
Chương III – Allegretto grazioso – Molto vivace
Chương IV – Allegro ma non troppo
Thành phần dàn nhạc: 2 flute (flute 2 kiêm piccolo), 2 oboe (oboe 1 kiêm English horn), 2 clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 2 trumpet, 3 trombone, tuba, timpani và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Bản giao hưởng số 8 được Dvořák viết trong mùa hè và mùa thu năm 1889, chủ yếu tại dinh thự nghỉ hè của mình tại Vysoka. Môi trường này, nơi Dvořák cảm thấy thoái mái nhất, dường như phản ánh tâm trạng chung của bản giao hưởng. Không gian này đã tạo nên một tác phẩm đầy ắp niềm vui trong cuộc sống và sự ngưỡng mộ của ông với vẻ đẹp thiên nhiên, đồng thời một lần nữa, bản giao hưởng cho thấy sự yêu mến của nhà soạn nhạc với âm nhạc dân gian Czech và Slav. Bản giao hưởng số 8 của Dvořák đặc trưng cho sự biến đổi tâm trạng mà mở đầu là một chuỗi đầy màu sắc những hình ảnh đồng quê được theo sau bằng những hành khúc và điệu nhảy và cuối cùng là sự thăng hoa đầy kịch tính. Về chất liệu chủ đề, tác phẩm được ghi chú bằng phong cách catabile, sở hữu những đường nét dứt khoát và đặc biệt là những âm thanh lấy từ thiên nhiên như tiếng kèn đi săn, tiếng chim hót. Như nhà âm nhạc học Hans-Hubert Schönzeler từng nhận xét: “Khi đi dạo bên khu rừng xung quanh ngôi nhà nghỉ của Dvořák trong ngày nắng hè với tiếng chim hót và lá cây xào xạc trong làn gió nhẹ, chúng ta thực sự có thể nghe thấy âm nhạc”.

So với bản giao hưởng số 7 trầm lắng và giằng xé được sáng tác 4 năm trước đó, tác phẩm này rõ ràng lạc quan và trẻ trung hơn nhiều. Bản thân Dvořák đã giải thích: “Khác với những bản giao hưởng khác, với những suy nghĩ cá nhân được thực hiện theo một cách mới”. Mặc dù đôi khi bùng phát sự kịch tính, tính chất chủ đạo của tác phẩm là cảm giác hưng phấn tột độ, niềm vui tuyệt đối khi được sống trong một thế giới đầy kỳ quan thiên nhiên. Như nhạc sĩ Otakar Šourek đã nhận xét: “Rõ ràng vùng đất Vysoka đã mang lại cho Dvořák không chỉ tâm hồn tươi trẻ và yên bình mà còn là niềm cảm hứng hạnh phúc cho công việc sáng tạo mới. Trong sự giao hoà với thiên nhiên, sự hài hoà trong âm thanh của nó và nhịp điệu rung động của cuộc sống, vẻ đẹp trong sự thay đổi tâm trạng và diện mạo, tư duy trở nên tự do hơn… Tại đây ông đã hấp thụ những ấn tượng và tâm tình thi vị, Dvořák tận hưởng cuộc sống và đau buồn vì sự suy tàn hiển nhiên của nó, ông đắm mình trong sự suy tư triết học về bản chất và ý nghĩa về sự tương quan giữa thiên nhiên và cuộc sống”.

Phân tích

Chương I

Mặc dù trong bản phác thảo thô, Dvořák tuân thủ cấu trúc của một bản giao hưởng cổ điển (4 chương nhạc với các nhịp điệu được thiết lập trước), tác phẩm là sự ngạc nhiên về việc chứa đựng nhiều sự cách tân. Bản thân nhà soạn nhạc đã bày tỏ ý định sẽ đối xử với các chất liệu âm nhạc theo một cách khác, tránh “hình thức thông thường, được phổ biến và được công nhận”. Chương I, đúng như ý tưởng của Dvořák, được tập hợp lại theo một cách mới. Đoạn nhạc mở đầu ở giọng Son thứ, thay vì Son trưởng như giọng chính của tác phẩm, có chức năng như một phần giới thiệu, mặc dù, khá đáng kể, nó có cùng nhịp điệu với phần còn lại của chương. Đoạn nhạc này được lặp lại hầu như không thay đổi khi bắt đầu mỗi phần – giới thiệu, phát triển và tái hiện (chúng ta có thể tìm thấy một ví dụ tương tự ở đầu bản piano sonata số 8 “Pathetique” của Beethoven).

Chương II

Chương II Adagio có lẽ là chương chậm được thay đổi nhiều nhất trong các bản giao hưởng của Dvořák. Nó mang đến một chiếc kính vạn hoa đa dạng về tính tương phản của nhiều tâm trạng và nổi bật về sự phong phú hình tượng của các nhạc cụ. Về mặt hình thức, nó có thể được gọi là rondo tự do với cấu trúc ABACB’A’. Âm nhạc trầm lắng nhưng vẫn mang lại cảm giác vui vẻ, nhẹ nhàng, đặc biệt trong những câu nhạc dành cho bè dây và kèn gỗ, là một ví dụ điển hình cho sự phức tạp và mâu thuẫn được kết hợp trong một đoạn nhạc tuyệt vời. Cao trào xuất hiện ở giữa chương nhạc với những câu kèn lệnh của trumpet trên nền những tiếng gõ của timpani thật ấn tượng. Chương nhạc như một tác phẩm thơ giao hưởng miêu tả cuộc sống điền viên tại Czech dưới con mắt của một người đàn ông nhạy cảm. Một chút đau đớn xuất hiện trong phần mở đầu và dần trở nên rõ ràng hơn nhưng không xoá nhoà được cảm giác hạnh phúc. Âm nhạc gợi nhớ lại chút gì đó tương tự như bản giao hưởng số 6 “Đồng quê” của Beethoven, một ngày hè bình dị bị những đám mây đen làm gián đoạn, rồi mặt trời xuất hiện trở lại, lấp lánh nổi bật trên những hạt mưa.

Chương III

Chương III có lẽ không phải là một khúc scherzo thông thường mà bản chất giống một điệu waltz nhịp nhàng, rực rỡ. Giai điệu phần trio giữa chương nhạc khá tương đồng với aria Tonik trong vở opera hài một màn Những người yêu nhau ngang bướng (The stubborn lovers), được viết 15 năm trước đó. Một trong những chương nhạc đẹp về giai điệu, du dương về tiết tấu và mang đậm dấu ấn Bohemia nhất của Dvořák.

Chương IV

Tiếng trumpet vang dội mở đầu chương IV. Như nhạc trưởng lừng danh người Czech Rafael Kubelík, mà những tác phẩm âm nhạc của Dvořák trở thành một trong những di sản quý giá nhất của ông, đã tuyên bố: “Hỡi những quý ông, ở Bohemia tiếng kèn không bao giờ kêu gọi những trận chiến – nó luôn luôn mời gọi khiêu vũ”. Chương nhạc tiếp nối với một chủ đề được chơi trên bè cello và sau đó là sự xuất hiện của hàng loạt các biến tấu, từ tiếng flute mang đến ánh nắng ấm áp cho đến khúc quân hành rộn ràng. Sau khi trở lại nhịp điệu chậm rãi, trữ tình, tác phẩm kết thúc trong một coda vẫn trong tiếng trumpet chói lọi hòa cùng âm thanh timpani dồn dập.

Buổi biểu diễn ra mắt tác phẩm vào ngày 2/2/1890 tại Prague với tác giả chỉ huy dàn nhạc đã được cả khán giả và giới phê bình đón nhận. Sau đó, ngày 24/4, Dvořák được mời tới London để tiếp tục công diễn bản giao hưởng số 8 này và tiếp tục là những thành công vang dội. Báo chí Anh đã tung hô ông và miêu tả Dvořák như là “nhà soạn nhạc còn sống duy nhất được coi là người kế thừa Beethoven”. Dvořák đã miêu tả những trải nghiệm về buổi hoà nhạc với người bạn Vaclav Juda Novotny: “Buổi hoà nhạc đã diễn ra thật tuyệt vời, có lẽ hơn tất cả những gì trong quá khứ. Sau chương I tất cả đã vỗ tay, sau chương II thậm chí còn to hơn, sau chương III thì như sấm khiến tôi phải quay lại cảm ơn khán giả vài lần nhưng sau khi kết thúc thì là một cơn bão – từ phía khán giả trong khán phòng, hành lang, cả từ phía dàn nhạc và những người ngồi phía sau đàn organ – họ vỗ rất lớn, gần như không thể chịu nổi. Tôi được gọi lại bục chỉ huy vài lần chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả đều rất tuyệt vời và chân thật, như lần ra mắt tại Prague quê nhà. Tôi vui mừng và cảm ơn Chúa khi mọi việc trở nên tốt đẹp”. Khán giả Vienna được tiếp cận với tác phẩm trong buổi hoà nhạc vào ngày 4/1/1891. Nhạc trưởng Hans Richter ngay lập tức đã thông báo cho Dvořák về thành công của chương trình: “Ông chắc chắn sẽ phấn khích về buổi biểu diễn này. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy đây là một tác phẩm xuất chúng và đó là lí do tại sao chúng tôi lại nhiệt tình với nó. Chiến thắng vừa nồng nhiệt vừa chân thành”.

Mặc dù đạt được những thành tựu vang dội nhưng việc xuất bản tác phẩm lại gặp phải những khó khăn nhất định. Nhà xuất bản Fritz Simrock, người từng đưa ra mức giá 3.000 mark với Dvořák trong việc xuất bản bản giao hưởng số 7 trước đó lần này chỉ đưa ra mức giá 1.000 mark. Cảm thấy bị xúc phạm, Dvořák đã chuyển bản thảo cho nhà xuất bản Novello tại Anh và ngay trong năm 1890, bản in tác phẩm đã được lưu hành.

Năng lượng âm nhạc trong bản giao hưởng số 8 của Dvořák không chỉ truyền sức sống mới vào trong các tác phẩm của chính ông mà nó còn chỉ ra cách mà một bản giao hưởng cuối thế kỷ 19 trở nên sâu sắc mà không cần truyền tải những thông điệp lớn lao. Dvořák cũng không cần bấu víu vào những gì được gọi là truyền thống Đức-Áo để khẳng định được vị trí của mình với tư cách là một nhà soạn nhạc. Bản giao hưởng số 7 trước đó, bản giao hưởng số 8 và sau này là bản giao hưởng số 9 “Từ thế giới mới” đã đưa tên tuổi ông trở thành một trong những nhà soạn nhạc giao hưởng vĩ đại nhất thế giới.

Nghe tác phẩm: https://youtu.be/QXAv-NGppFw

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.