You are here

Giá trị của các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung

Tác giả: 
Lê Thị Thơ

Trong kho tàng ca khúc Việt Nam, có một số lượng không nhỏ các ca khúc được sáng tác ra trên cơ sở khai thác chất liệu từ dân ca. Ở đó, các ca khúc phát triển chất liệu dân ca miền Trung, mà người ta còn gọi là ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung, là một trong những loại được sử dụng nhiều trong sinh hoạt ca nhạc ở nước ta những năm gần đây. Thử nhìn lại khoảng 20 năm trở lại đây, chúng ta sẽ nhận thấy, trong các chương trình, tiết mục ca nhạc biểu diễn ca khúc mới (ca khúc Việt Nam thuộc mảng âm nhạc mới) trên sân khấu, trên sóng phát thanh truyền hình, trên băng đĩa, trên mạng internet…, từ các chương trình biểu diễn lớn, các cuộc thi, cho đến các album, các băng đĩa chương trình, dự án của cá nhân hoặc nhóm ca sĩ, nghệ sĩ… hầu như không nhiều thì ít, chỗ nào cũng có ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung. Điều đó chứng tỏ loại ca khúc này được cả người biểu diễn cũng như người thưởng thức ưa thích và xếp hạng nó vào loại có giá trị đáng trân trọng. Hơn thế nữa, chính những ca khúc này đã góp phần không nhỏ làm nên tên tuổi của khá nhiều ca sĩ, nhạc sĩ ở nước ta. Vậy, giá trị của những ca khúc ấy là ở những mặt nào? Dưới đây chúng tôi sẽ trình bày và trao đổi về vấn đề này trên các mặt: sáng tác, biểu diễn, đào tạo thanh nhạc và phục vụ nhu cầu của công chúng thưởng thức âm nhạc[1].

1. Về mặt sáng tác:

Để có được những tác phẩm đạt chất lượng tốt, được công chúng ghi nhận và mến mộ, trong quá trình sáng tác các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung, các nhạc sĩ đã phải tiến hành chọn lọc và sử dụng các chất liệu dân ca tiêu biểu, đặc sắc, mang đậm sắc thái của người Việt ở miền Trung bằng các thủ pháp sáng tác của mình. Chính vì thế, người ta có thể tìm thấy ở đó chất liệu của những làn điệu, thể loại dân ca phổ biến, nổi bật nhất của các địa phương miền Trung. Trong số đó có các loại như: Hò sông Mã, dân ca Đông Anh (Thanh Hóa), Ví Dặm (Nghệ - Tĩnh), các điệu hò, điệu lý hay gặp ở vùng Bình - Trị - Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi (hò giã gạo, hò khoan, hò hụi, hò mái nhì, hò mái đẩy, hò giựt chì, lý hoài xuân, lý tình tang, lý giao duyên, lý dạ khúc, lý thương nhau…), các điệu hát ru ở Bình Định, Phú Yên…

Từ việc sử dụng chất liệu dân ca, ngữ điệu của người Việt ở miền Trung, các nhạc sĩ đã tạo ra một mảng ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung chiểm tỷ lệ không nhỏ trong ca khúc ở nước ta. Chúng tôi đã thử khảo sát một số tập sách bài hát xuất bản từ sau năm 1975 đến nay, kết quả cho thấy, các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung chiếm số lượng và tỷ lệ rất đáng lưu ý. Có thể tham khảo một vài số liệu cụ thể như sau: Tiếng hát Việt Nam, tập 2, Nxb Văn hóa, 1977, có 34 bài /125 bài, chiếm tỷ lệ 27,2%; Tiếng hát Việt Nam, tập 3, Nxb Văn hóa, 1985, có 9 bài /63 bài, chiếm tỷ lệ 14,28%; Tuyển tập ca khúc Trần Hoàn, Nxb Âm nhạc, 1995, có 32 bài /104 bài, chiếm tỷ lệ 30,76; Tập 100 ca khúc chào thế kỷ, Nxb Thanh niên, 2000, có 19 bài /100 bài, chiếm tỷ lệ 19%; Tập bài hát Giai điệu Tổ quốc, Nxb Lao động, 2003, có 11 bài /100 bài, chiếm tỷ lệ 11%; Tập bài hát Hồ Chí Minh, Người sống mãi với non sông, Nxb Thanh niên – Bảo tàng Hồ Chí Minh, 2005, có 16 bài /115 bài, chiếm tỷ lệ 13,91%; Tập bài hát Những bài ca đi cùng năm tháng, Nxb Âm nhạc, 2006, có 20 bài /107 bài, chiếm tỷ lệ 18,69%...

Nội dung, đề tài được thể hiện trong các ca khúc ấy rất phong phú và đa dạng. Trước hết là những nội dung đề tài phản ánh về con người, cảnh vật, nhịp sống, sắc thái văn hóa, tập quán… của người Việt ở miền Trung1. Có những bài nói về các địa phương mà người ta thường gọi là “tỉnh ca” như: Thanh Hóa anh hùng (Hoàng Đạm), Quảng Bình quê ta ơi (Hoàng Vân), Tiếng hò trên đất Nghệ An (Tân Huyền), Huế tình yêu của tôi (Trương Tuyết Mai), Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (Nguyễn Văn Tý), Quảng Nam yêu thương (Hoàng Minh Nhân)… Có những bài thể hiện về tinh thần của người miền Trung trong đấu tranh bảo vệ quê hương, thống nhất đất nước như: Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Hát mừng các cụ dân quân (Đỗ Nhuận), Bài ca thành Huế (Đào Việt Hưng), Giữ biển trời Xô viết Nghệ An (Hồ Bắc), Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng (Hương Lan)… Có những bài phản ánh về cuộc sống của người miền Trung trong lao động, dựng xây như: Cây lúa Hàm Rồng (Đôn Truyền), Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (Nguyễn Văn Tý), Nghệ Tĩnh mình đây (Xuân Giao)… Những ca khúc về đề tài tình yêu được cất lên với âm điệu và tiếng lòng của người miền Trung có một số lượng khá lớn và được nhiều người ưa thích như: Sợi nhớ sợi thương (nhạc: Phan Huỳnh Điểu, thơ: Thúy Bắc), Huế thương, Ca dao em và tôi (An Thuyên), Về xứ nghệ cùng anh (nhạc: Xuân Hòa, thơ: Phương Thảo), Đi tìm người hát lý thương nhau (Vĩnh An)… Bên cạnh đó còn có nhiều nội dung đề tài khác, không chỉ ở phạm vi miền Trung. Chẳng hạn như, đề tài về Bác Hồ: Từ làng Sen (Phạm Tuyên), Trông cây lại nhớ tới Người (Đỗ Nhuận), Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác (An Thuyên), Lời bác dặn trước lúc đi xa (Trần Hoàn)…; đề tài về người lính: Xe ta ơi, lên đường (Trương Tuyết Mai), Bài ca bên cánh võng (Nguyên Nhung), Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (nhạc: Hoàng Hiệp, thơ: Phạm Tiến Duật), Người lính mùa xuân về (Doãn Nho), v.v.

Qua việc sử dụng chất liệu dân ca đưa vào tác phẩm, các nhạc sĩ không chỉ giới thiệu được cái hay, cái đẹp, những nét đặc sắc của dân ca người Việt ở miền Trung đến với đông đảo công chúng, mà cũng từ đó còn góp phần vào bảo tồn, lưu truyền, phát triển vốn dân ca ấy, giúp cho nó trường tồn và tiếp tục hiện diện trong đời sống xã hội.

2. Về mặt biểu diễn:

Các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung đã góp phần làm phong phú thêm vốn tiết mục cho các nghệ sĩ biểu diễn, trước hết là các ca sĩ, với đủ các thể loại, hình thức biểu diễn: từ đơn ca nữ, đơn ca nam, song ca đến tốp ca, hợp ca, hợp xướng… Trải qua nhiều lần trình diễn, những ca khúc này đã tạo ra một dạng phong cách biểu diễn sử dụng cho những bài mang âm hưởng dân ca miền Trung, khác với dạng phong cách biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca các vùng miền khác (Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam bộ…). Ở góc độ kỹ thuật thanh nhạc, để đạt được hiệu quả tốt, khi biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung, các ca sĩ, nghệ sĩ vừa phải biết vận dụng những kinh nghiệm, những kỹ thuật hát cho tròn vành, rõ chữ trong âm nhạc truyền thống dân tộc, vừa phải biết kết hợp khéo léo, nhuần nhuyễn với các kỹ thuật thanh nhạc của phương Tây (chủ yếu là kỹ thuật bel canto). Trên thực tế, không thể phủ nhận loại ca khúc này đã góp phần dẫn đến thành công, tạo nên tên tuổi của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ trên sân khấu ca nhạc mới ở nước ta, từ những ca sĩ thành danh lớp trước như: Thu Hiền, Hồng Năm… rồi đến Đinh Thành Lê, Bùi Lê Mận, Phạm Phương Thảo, Bùi Thúy, Trần Thụy Miên…và những ca sĩ mới nổi gần đây như: Thanh Tài, Thanh Quí, Phạm Thị Thùy Dung, Phan Thị Quỳnh Anh…

3. Về mặt phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng:

Trên sân khấu ca nhạc mới ở nước ta, rõ ràng các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung đã tạo ra một dạng “menu” cho công chúng thưởng thức, làm phong phú thêm cho đời sống âm nhạc. Ở một chừng mực nào đó, nó đã làm hình thành nên một khuynh hướng, hay nói một cách khác, đã tạo ra một đội ngũ fan hâm mộ các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung. Nếu có điều kiện khảo sát, phân loại, đánh giá về ca khúc mang âm hưởng dân ca của các vùng miền khác nhau thì chắc chắn, ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung sẽ là một trong những loại đạt điểm cao. Cũng từ lý do đó mà nó đã và đang góp phần khuyến khích, thúc đẩy những người ưa thích âm nhạc nói chung, những người ưa thích dân ca miền Trung và ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung nói riêng, đi vào tìm hiểu, học tập dân ca miền Trung và ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung.

4. Giá trị về mặt sử dụng trong đào tạo thanh nhạc:

Miền Trung là một trong ba vùng văn hóa lớn (cùng với miền Bắc và miền Nam) của người Việt ở nước ta. Do vậy, việc giảng dạy những ca khúc viết về đề tài miền Trung, nhất là lại chứa đựng chất liệu dân ca của người Việt ở miền Trung, phản ánh bản sắc văn hóa và những đặc trưng trong phong cách âm nhạc của người Việt ở miền Trung, chắc chắn là có ý nghĩa quan trọng, cung cấp những kiến thức không thể thiếu trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp ở nước ta. Đây là loại ca khúc có nhiều tác phẩm thành công, được đông đảo công chúng thừa nhận và mến mộ, nhiều tác phẩm đạt được giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, trong đó chứa đựng những yếu tố mang tính học thuật, chuyên nghiệp đối với lĩnh vực biểu diễn, do vậy, nó là mảnh đất có nhiều tiềm năng sử dụng cho giảng dạy biểu diễn thanh nhạc. Sự phong phú, đa dạng về kỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn thanh nhạc có trong các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung đã mở ra những điều kiện thuận lợi để có thể thực hiện được nhiều yêu cầu chuyên môn trong giảng dạy của giáo viên và việc học tập, rèn luyện tay nghề của học sinh, sinh viên thanh nhạc.

Trên thực tế, tại các trường đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp, trong đó có cơ sở hàng đầu là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, những ca khúc được các giáo viên lựa chọn, đưa vào giảng dạy nhiều là: Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (Nguyễn Văn Tý), Chào sông Mã anh hùng (Xuân Giao), Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Ví Giặm, Lời Bác dặn trước lúc đi xa (Trần Hoàn), Quảng Bình quê ta ơi (Hoàng Vân), Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Huế tình yêu của tôi (Trương Tuyết Mai), Ca dao em và tôi, Neo đậu bến quê (An Thuyên), Ơi mẹ làng Sen (Trần Mạnh Hùng),v.v. Có một điều rất dễ nhận ra, những ca khúc hay được lựa chọn nhiều nhất chính là những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nghệ - Tĩnh, mặc dù phạm vi miền Trung là có đến hơn 10 tỉnh.

Thông qua việc giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung, chúng ta có thể đạt được những hiệu quả, tác dụng khác nhau như:

- Cung cấp cho người học thanh nhạc có được những kiến thức cần thiết về giá trị, đặc điểm, sắc thái và những yếu tố biểu hiện phong cách văn hóa, đặc trưng âm nhạc của người Việt ở miền Trung (cách thể hiện ngữ điệu, cách nhấn nhá, luyến láy…), từ đó, vận dụng vào biểu diễn và giảng dạy để có thể đạt hiệu quả tốt và góp phần vào quá trình hoàn thiện năng lực của một người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực thanh nhạc.

- Góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản âm nhạc truyền thống người Việt miền Trung, thể hiện ở những chất liệu dân ca được sử dụng đưa vào ca khúc.

- Khích lệ thêm niềm tự hào, tình yêu quê hương của những học sinh, sinh viên thanh nhạc là người miền Trung; tạo điều kiện cho họ phát huy, phát triển những bản năng sẵn có phù hợp với việc học tập và biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung. Đồng thời, thông qua đó, sau này cũng chính họ sẽ trở thành những người góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca của quê hương họ.

- Việc giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung sẽ góp phần làm đa dạng và tham gia vào quá trình từng bước hoàn thiện chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy chuyên ngành thanh nhạc ở nước ta.

Những ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung là một phần quan trọng trong các sản phẩm nghệ thuật đã phản ánh rõ nét tư tưởng, tình cảm, bản sắc văn hóa của những con người ở nơi đất đai khô cằn, nhiều nắng gió khắc nghiệt, bão lụt triền miên, sạt lở gây nhiều mất mát…, nhưng lại luôn sống thủy chung, chân tình, mộc mạc, cần cù trong lao động, kiên cường trong đấu tranh, thử thách. Với những giá trị, thành công đã được công chúng ghi nhận, các ca khúc này vẫn luôn nằm trong số các tác phẩm thanh nhạc được nhiều người ưa thích, được biểu diễn thường xuyên và sẽ tiếp tục góp phần làm rạng danh nhiều ca sĩ, nhạc sĩ ở nước ta. Những thế mạnh cũng như ích lợi của loại ca khúc này còn có thể khai thác được nhiều hơn nữa nếu chúng ta đi sâu vào nghiên cứu, tổng kết và vận dụng một cách phù hợp trong các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn và đào tạo. 


[1] Trên thực tế, ở miền Trung, ngoài người Việt (dân tộc Kinh), còn có nhiều dân tộc thiểu số cũng đã sinh sống từ nhiều đời nay như: Thái, Tày, Nùng, Mường, Dao, Mông, Chăm, Pa cô, Tà Ôi, Vân Kiều, Lự… Tuy nhiên, những ca khúc sử dụng chất liệu dân ca của các dân tộc thiểu số ấy chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, do vậy, ở đây chủ yếu chúng tôi đề cập đến những ca khúc đã khai thác chất liệu dân ca người Việt cư trú ở miền Trung.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.