You are here

Giới thiệu sách Hà Tây xưa - Dòng sông âm nhạc vẫn mênh mang

Tác giả: 
Fan Fương

1. Sơ lược về Hà Tây xưa:

SƠN TÂY: Tên gọi Sơn Tây có từ thời nhà Lê. Để bảo vệ phía bắc và tây bắc Kinh đô, năm 1469 vua Lê Thánh Tông đặt ra một khu hành chính rộng lớn gọi là Thừa Tuyên Sơn Tây. Các đời vua sau của nhà Lê đặt ra 4 Trấn bao quanh kinh đô:

- Trấn Kinh Bắc: gồm các tỉnh Phúc Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang sau này.

- Trấn Sơn Nam (Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ): gồm các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình sau này.

- Trấn Sơn Tây: gồm các tỉnh Sơn Tây, một phần tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Yên sau này.

- Trấn Hải Đông: gồm các tỉnh Hải Dương, Kiến An, Hải Phòng, một phần tỉnh Hưng Yên và Quảng Ninh sau này.

Về sau, các Trấn gọi là Xứ: Xứ Kinh Bắc, Xứ Sơn Nam, Xứ Đoài (Sơn Tây), Xứ Đông (Hải Dương).

Thời nhà Nguyễn: năm 1822 vua Minh Mệnh cho xây thành Sơn Tây - là một thành trì quan trọng bảo vệ phía bắc.

Năm 1831 vua Minh Mệnh đổi tên các đơn vị hành chính cũ như: Đạo, Dinh, Trấn thành các Tỉnh. Cả nước có 30 tỉnh, Sơn Tây là 1 trong 13 tỉnh thành lập sớm nhất.

Sau khi thực dân Pháp xâm lược Bắc Kỳ lần thứ 2, từ ngày 16.12.1883 đến đầu 1945 tỉnh Sơn Tây do Pháp bảo hộ. Tỉnh lỵ là thị xã Sơn Tây.

Ngày 3.8.1954 bộ đội ta về tiếp quản Sơn Tây.

HÀ ĐÔNG: Năm 1888 thành lập tỉnh Cầu Đơ gồm các phủ, huyện của trấn Sơn Nam Thượng xưa (Phủ là cấp hành chính có diện tích và dân số lớn ít nhất gấp 3 lần cấp Huyện). Ngày 6.12.1904 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định đổi tên tỉnh Cầu Đơ thành tỉnh Hà Đông và đưa huyện Đan Phượng của Sơn Tây sáp nhập về. Tỉnh lỵ là thị xã Hà Đông.

Ngày 6.10.1954 bộ đội ta về tiếp quản Hà Đông.

Để phù hợp với sự phát triển của đất nước và kế sách bảo vệ tổ quốc, Nhà nước đã quy hoạch lại các đơn vị hành chính trên toàn quốc. Phía tây Thủ đô quy hoạch như sau:

- 1.7.1965: sáp nhập 2 tỉnh Hà Đông và Sơn Tây thành tỉnh Hà Tây.

- 26.7.1968: sáp nhập 3 huyện Bất Bạt, Quảng Oai, Tùng Thiện của tỉnh Sơn Tây cũ thành huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây.

- 27.12.1975: sáp nhập 2 tỉnh Hà Tây và Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình.

- 29.12.1978: tỉnh Sơn Tây cũ (trừ huyện Quốc Oai) tách khỏi tỉnh Hà Sơn Bình để sáp nhập về Hà Nội.

- 12.8.1991: sau 16 năm thành lập, tỉnh Hà Sơn Bình lại tách thành 2 tỉnh Hà Tây và Hòa Bình. Phần tỉnh Sơn Tây cũ đã sáp nhập về Hà Nội năm 1978 được tách khỏi Hà Nội để sáp nhập lại về tỉnh Hà Tây.

- 27.12.2006: thành lập thành phố Hà Đông.

- 2.8.2007: thành lập thành phố Sơn Tây.

- 1.8.2008: toàn bộ tỉnh Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, thành phố Hà Đông trở thành 1 quận của Hà Nội, thành phố Sơn Tây trở thành thị xã vành đai của Hà Nội.

Việc thay đổi địa giới các tỉnh thời nào cũng có, tỉnh Hà Tây xưa qua 2 lần thành lập, 27 năm tồn tại vẫn là vùng cửa ngõ và phên giậu bảo vệ phía tây Thủ đô, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng và phong phú với nhiều núi rừng, đầm, suối, hang động, đất gò đồi bán sơn địa xen lẫn đồng bằng phì nhiêu ven lưu vực các sông Đà, sông Hồng, sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ. Hà Tây xưa còn uy nghi với hàng trăm đình, chùa, đền, miếu, di tích lịch sử và di tích cách mạng được Nhà nước xếp hạng, xứng đáng là một vùng văn hóa tâm linh nổi tiếng của cả nước. Người dân chất phác hiền hòa, các dân tộc bao đời nay sống hòa thuận cùng nhau xây dựng quê hương bằng khả năng sẵn có như nghề rừng, nghề nông và nghề thủ công.

Vùng đất này còn là nơi sinh ra nhiều hào kiệt, những nhân vật lịch sử và văn hóa lừng danh, là vùng đất 2 vua, đặc biệt là vua Ngô Vương Quyền - người anh hùng dân tộc đã có công tích vĩ đại là chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, hàng nghìn con em Hà Tây nhiều thế hệ đã cống hiến tuổi thanh xuân để bảo vệ quê hương và giành độc lập thống nhất cho tổ quốc.

2. Bố cục tập sách

Lấy cảm hứng từ cảnh sắc thiên nhiên, phong tục tập quán cùng những thành tựu về phát triển kinh tế và đời sống từ khi bắt đầu thành lập tỉnh đến thời kỳ đổi mới, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật về Hà Tây đã ra đời, trong đó do tính đặc thù của âm nhạc, hàng chục ca khúc viết về mọi mặt của tỉnh Hà Tây đã từng nhanh chóng được phổ biến, truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, một phần những ca khúc đó được nhắc đến trong tập sách này.

Tập sách chia làm 3 phần, các phần cách nhau bằng một bài dân ca.

Phần 1: 23 bài gồm những ca khúc mà đầu bài hoặc lời ca viết đích danh về Hà Tây, đặc biệt bài Hà Tây quê lụa của nhạc sĩ Nhật Lai vì được chọn làm nhạc hiệu của Đài phát thanh và truyền hình Hà Tây nên được giữ nguyên phần đệm piano và là bài mở đầu tập sách này. Còn lại xếp thứ tự ABC theo đầu bài.

Phần 2: 6 bài xếp thứ tự theo năm sáng tác, gồm 3 ca khúc lãng mạn trước và trong những năm đầu cách mạng, đặc biệt là ca khúc dài 430 nhịp Đi chơi Chùa Hương của nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp, tiếp theo là 3 ca khúc của các nhạc sĩ Huy Du, Quang Dũng, Nguyễn An viết trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là ca khúc Nhớ Ba Vì - một ca khúc duy nhất của nhà thơ tráng sĩ Quang Dũng khi rời quê hương lên đường Tây tiến.

Phần 3: là những ca khúc sáng tác từ sau 1957 đến nay, trong đó các nhạc sĩ đã phổ một số bài thơ có từ thế kỷ 19 và trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, vì Tản Viên Sơn và Hương Tích Sơn là hai đỉnh tâm linh hùng vĩ trấn hai đầu bắc, nam tỉnh nên số lượng bài viết về Ba Vì và Chùa Hương có nhiều hơn thì cũng là đương nhiên. Phần này cũng xếp thứ tự ABC theo đầu bài.

Tập sách này là tập hợp những tác phẩm hay của nhiều thế hệ nhạc sĩ và nhà thơ cả nước viết về nhiều đề tài, nhiều lĩnh vực của Hà Tây xưa, trong đó có sự góp mặt của nhiều nhạc sĩ tiền bối, nổi tiếng từ thời kỳ đầu của tân nhạc Việt Nam và trong kháng chiến sinh từ 1930 về trước như: Nguyễn Xuân Khoát (sinh năm 1910), Lê Yên (1917), Doãn Mẫn (1919), Nguyễn Đình Phúc (1919), Hoàng Quý (1920), Lê Lôi (1920), Phạm Duy (1921), Trần Văn Khê (1921), Huy Du (1926), Trần Chung (1927), Trần Hoàn (1928), Văn Ký (1928), Phạm Đình Chương (1929), Phạm Tuyên (1930), Hoàng Vân (1930), Nguyễn An (1930), Hồ Bắc (1930) và nhiều nhà thơ có bài được phổ thành ca khúc, trong đó có những nhà thơ nổi tiếng từ thế kỷ 19, trong phong trào thơ mới và trong kháng chiến như: Chu Mạnh Trinh (sinh năm 1862), Nguyễn Nhược Pháp (1914), Nguyễn Bính (1918), Huy Cận (1919), Nguyễn Xuân Sanh (1920), Quang Dũng (1921), Anh Thơ (1921), Hoàng Cầm (1922), đặc biệt hai bài thơ Đôi bờMắt người Sơn Tây của nhà thơ Quang Dũng được nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc vì mang dấu ấn và hoài niệm về một thời thanh niên Việt Nam và thanh niên Hà Nội xếp bút nghiên lên đường kháng chiến.

Từ khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, văn hóa tâm linh, văn hóa làng nghề và văn hóa các dân tộc của Hà Tây xưa đang giao thoa và hòa nhập với văn hóa lõi của Hà Nội để hình thành vùng văn hóa đặc sắc của Thủ đô. Các nhạc sĩ vẫn đang tiếp tục có những tác phẩm âm nhạc mới, mà những cảm xúc sáng tạo của nhạc sĩ đối với vùng đất Hà Tây xưa vẫn còn rất dồi dào.

Nhân kỷ niệm 66 năm giải phóng Thủ đô, xin trân trọng chuyển đến độc giả yêu âm nhạc những ca khúc một thời là những kỷ niệm xưa, một thời là 27 năm tồn tại sôi nổi của tỉnh Hà Tây cùng những ca khúc của thời kỳ đổi mới là một phần phát triển văn học nghệ thuật của Thủ đô ngày nay.

Tất cả các ca khúc của các tác giả trong tập sách này đều có những nét đẹp riêng, ý nghĩa riêng như một vườn hoa đầy hương sắc, khiến chỉ mới lướt qua ai cũng muốn một lần về thăm Hà Tây xưa đúng như giai điệu và lời ca tha thiết trong ca khúc kết thúc tập sách này - một ca khúc trữ tình vừa như lưu luyến, vừa như rủ rê, vừa như mời gọi - đó là bài Về Hà Tây đi em của nhạc sĩ Đoàn Bổng.

Về việc biên tập, phần ca khúc của các nhạc sĩ đang hoạt động thì ít sai sót hơn bởi văn bản nhạc thường do các nhạc sĩ giao trực tiếp, còn đối với các nhạc sĩ đã khuất, có khi một ca khúc lại có nhiều văn bản nhạc khác nhau nên dù đã cố gắng nhưng cũng khó tránh khỏi sai sót, mong được độc giả yêu âm nhạc chỉ giáo và lượng thứ.

Xin chân thành cảm ơn./.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.