You are here

Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 4

Tác giả: 
Thanh Nhã

Ngày 29 và 30/7/2022, tại Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ và Sáng tác, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành khóa X, nhằm tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 và đề ra Phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022.

Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có: đồng chí Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chủ trì Hội nghị, và các nhạc sĩ trong Ban Thường vụ: nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội; NSƯT Trần Vương Thạch – Phó Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Trưởng Ban Kiểm tra; các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội, và lãnh đạo các Ban chuyên môn của Hội...

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, đã phát biểu chỉ đạo Hội nghị:

Đây là một kỳ họp rất quan trọng trong nhiệm kỳ X, nhiệm kỳ này Ban Chấp hành đã hội tụ đầy đủ thành viên các chuyên ngành âm nhạc và dải khắp các vùng miền. Vào tháng 1/2022, được sự nhất trí của Ban Bí thư và Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Ban Chấp hành đã tổ chức Hội nghị trực tuyến kiện toàn Ban Chấp hành, nhạc sĩ Đức Trịnh -  nguyên Phó Chủ tịch thường trực 3 khóa liền đã được bầu làm Chủ tịch. Lần đầu tiên có sự chuyển giao giữa hai Chủ tịch để điều hành công việc của Hội.

Trọng tâm Hội nghị là nhìn lại 6 tháng đầu năm 2022, đánh giá những việc đã làm được và đưa ra cách giải quyết những vấn đề cụ thể: Sáng tác, Lý luận phê bình, Biểu diễn, Đào tạo... trao đổi để đưa ra giải pháp thực hiện các hoạt động tiếp theo: Cần đổi mới Tạp chí, thành lập Ban chỉ đạo nội dung; đặc biệt là Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ và Sáng tác tại Quảng Ninh, ra mắt Câu lạc bộ ươm mầm tài năng trẻ. Trong thời gian tới cần hướng tới đối tượng nhạc sĩ, nghệ sĩ trẻ, bao gồm cả những người chưa hội viên để bồi dưỡng, đào tạo, tránh sự đứt gãy giữa các thế hệ, để tiến tới thành lập Trung tâm âm nhạc Trẻ. Tập trung vào chương trình kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam; nâng cao chất lượng các Liên hoan âm nhạc khu vực, toàn quốc; đẩy mạnh công tác Lý luận phê bình; tổ chức Festival Âm nhạc Á – Âu lần thứ IV, mở rộng mặt trận đối ngoại nhân dân trên lĩnh vực âm nhạc...

Nhạc sĩ Đức Trịnh – Chủ tịch Hội, trình bày Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng hoạt động công tác 6 tháng cuối năm của Ban Chấp hành.

Hội nghị đánh giá cao các hoạt động mà Ban Chấp hành đã làm được trong 6 tháng đầu năm như:

Về hoạt động chuyên môn:

Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí… xây dựng các chuyên mục âm nhạc, viết bài về các hoạt động âm nhạc, lý luận phê bình âm nhạc…

Tiếp tục truyền bá việc sáng tác các tác phẩm âm nhạc về chủ đề “Học tập, làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Kế hoạch và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Phối hợp với các tỉnh, thành, các cơ quan, ban, ngành tổ chức các cuộc thi, vận động sáng tác: Xây dựng nông thôn mới, xây dựng con người, văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; cuộc thi sáng tác ca khúc về Quảng Ninh, Giải thưởng Nguyễn Khuyến của tỉnh Hà Nam; Cuộc thi sáng tác ca khúc về Đại hội đại biểu Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII.

Khai trương Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ và Sáng tác Âm nhạc và tổ chức Tọa đàm “Vai trò của nhạc sĩ với công cuộc cống Covid”.

Tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I năm 2022 tại Đắk Lắk; tổ chức Trại sáng tác Âm nhạc tại Vũng Tầu cho các nhạc sĩ các tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long, với nội dung Romance, Thính phòng; phối hợp với Ban Tuyên giáo TW, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức cho Đoàn Nhạc sĩ của Hội đi thăm, thâm nhập sáng tác về đề tài “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải Quân” tại quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1; tổ chức các Đoàn Nhạc sĩ đi thực tế sáng tác tại Lào Cai, Bắc Giang; phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc, đợt 2 năm 2021.

Công tác lý luận phê bình:

Website: Ban biên tập vẫn đảm bảo cập nhật bài vở chất lượng về nội dung cho tất cả các mục: văn bản - âm thanh - hình ảnh: kịp thời đăng tải mọi hoạt động của Hội và tin tức đời sống âm nhạc; quảng bá tác phẩm (âm thanh kèm bản nhạc); đăng tải những bài viết mang tính học thuật với tiêu chí quảng bá tri thức âm nhạc và lưu trữ sử liệu, đặc biệt trong đó có loạt bài tự thuật và trao đổi nghề nghiệp ghi lại từ băng tư liệu Câu lạc bộ Tác giả - tác phẩm của Viện Âm nhạc - một kho tư liệu quý giá chưa công bố về các nhạc sĩ gạo cội.

Các cuộc tọa đàm sau đại dịch Covid (Quảng Ninh: Vai trò của nhạc sĩ với công cuộc chống covid; Ban Mê Thuột: Âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong đời sống âm nhạc hiện nay) đã tạo điều kiện cho lý luận đồng hành với sáng tác, kịp thời ghi nhận và đánh giá những tác phẩm mới, đồng thời trao đổi những vấn đề liên quan đến phương hướng và kỹ năng sáng tác, cũng như nâng cao thị hiếu công chúng; Lãnh đạo Hội có tham luận tại các Hội thảo tại Hội nghị của Ban Tuyên giáo Trung ương về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng  và triển khai kế hoạch công tác báo chí, xuất bản, văn hóa – văn nghệ tại Cần Thơ; Hội thảo quốc tế “Danh Nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”, tham gia thực hiện một số tập sách trong “Tổng tập Văn hóa Dân gian Nam Bộ”…

Đồng chí Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu chỉ đạo:

Đề cao Báo cáo hoạt động của Hội, đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, có nhiều hoạt động hiệu quả. Đặc biệt biểu dương sự đoàn kết, nhất trí trong Ban Chấp hành, cần phát huy.

Có được kết quả tốt, đặc biệt có sự sâu sát chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp trên, các Ban, Vụ của Ban Tuyên giáo, có nhiều hoạt động hiệu quả, đặc biệt là sự đổi mới phương thức lãnh đạo, thể hiện rõ ràng bằng các mục tiêu, đề án trong hoạt động chuyên môn; phát huy vai trò chủ động trong đời sống âm nhạc.

Các năm tiếp theo, cần tập trung xây dựng chương trình Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9, đổi mới các hoạt động, tuyên truyền hiệu quả, mở rộng tại các địa phương, phối hợp với các tổ chức, đơn vị; tiến tới xây dựng đề án cho chương trình “Bài ca thống nhất” nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Hội nghị đã nhận được các ý kiến đóng góp thiết thực:

NSND Quang Vinh: Tiếp tục tổ chức các cuộc thi, Liên hoan Âm nhạc, các chương trình nghệ thuật... chất lượng, quy mô, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Cần khai thác phát huy tính năng các hoạt động của Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ và sáng tác Quảng Ninh...

Nhạc sĩ Lê Chí Quốc Anh: Tăng cường, định hình công tác phản biện của Hội, có tiếng nói quyết định trong đời sống âm nhạc Việt Nam bằng các báo cáo chuyên đề, các cuộc hội thảo. Tập trung vào chất lượng Ngày Âm nhạc Việt Nam, cần phổ biến rộng rãi trong nhân dân, xã hội quan tâm, tổ chức các hoạt động âm nhạc nhân các ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt năm nay kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội...

Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan: Tán thành việc thành lập các Trung tâm âm nhạc ở các khu vực; đẩy mạnh công tác đầu tư sáng tạo; tổ chức Ngày Âm nhạc 3/9 ở các địa phương chưa phong phú, cần phối hợp với địa phương để tổ chức quy mô hơn. Nâng cao ý thức của các nhạc sĩ trong việc tham gia các hoạt động âm nhạc, tham gia trại sáng tác, lớp tập huấn... đặc biệt là hoạt động sáng tác...

Nhạc sĩ Thế Long: Cần quy định về việc gửi tác phẩm dự giải thưởng, tránh một số trường hợp gửi các tác phẩm cũ. Hình thức Liên hoan âm nhạc toàn quốc cần định hướng trước để các chi hội chủ động hơn về xây dựng chương trình. Về hoạt động sáng tác cần có đề án kế hoạch dài hơi...

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm: Trẻ hóa đội ngũ hội viên, những người làm âm nhạc là vấn đề cấp bách; tổ chức Hội thảo âm nhạc nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Hội tập trung vào đề tài nội dung, hiệu quả; về đề án thành lập Nhà lưu niệm cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, cần có phương án bảo quản, lưu trữ, tuyên truyền... để đông đảo công chúng, người dân biết đến...

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn: Trung Tâm Bảo vệ Bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, thời gian qua đã đạt nhiều thành tích bằng các con số. Tiến tới kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm, xúc tiến xây dựng chương trình, quy mô, mời các tổ chức quốc tế tham dự giao lưu, vinh danh những người đã cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Trung tâm; đề nghị Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng II cho Trung tâm về những thành tích đã đạt được.

Đại hội đã thống nhất bổ sung các nội dung hoạt động:

Phối hợp với VTV xây dựng các chuyên mục phát sóng, ghi hình các cuộc thi, sáng tác, biểu diễn, trao giải thưởng âm nhạc với quy mô lớn (bình chọn các bài hát, chương trình trên mạng và có một hội đồng đánh giá); Bổ sung TS, nhạc sĩ Lê Tự Minh vào Phó Ban Truyền thông của Hội; thành lập Trung tâm Âm nhạc trẻ Việt Nam; thành lập Ban Chỉ đạo nội dung Tạp chí Âm nhạc Việt Nam; tổ chức Trại sáng tác Trẻ toàn quốc; nâng cấp trang Web thông tin của Hội, số hóa các tác phẩm âm nhạc và giải thưởng của hội viên; tại các kỳ Liên hoan âm nhạc và trao giải sẽ xây dựng chương trình biểu diễn với dàn nhạc và các ca sĩ hát trực tiếp...

Nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Phụ trách Phòng công tác hội viên, Trưởng Ban Kiểm tra, báo cáo về công tác xét kết nạp hội viên

Tại kỳ Hội nghị này, Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng đã họp và xem xét 108 hồ sơ xin kết nạp hội viên mới. Kết quả có 74 hội viên mới được kết nạp: Chuyên ngành sáng tác 32; Biểu diễn 30; Lý luận phê 03; Đào tạo 09.

Phát huy những thành tích đạt được, Hội nghị đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho 6 tháng cuối năm 2022:

- Tổ chức Trại sáng tác khí nhạc – thính phòng tại Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ và sáng tác của Hội tại Quảng Ninh vào đầu tháng 8, cho các nhạc sĩ khu vực phía Bắc, miền Trung;

- Tham dự trực tuyến Festival Hiệp hội Âm nhạc đương đại quốc tế (ISCM) Ngày Âm nhạc mới thế giới năm 2022, và Hội nghị - Festival Âm nhạc Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á (ACL) tại TP Auckland và Christchurch, do Hiệp hội các nhà soạn nhạc New Zealand (CANZ) đăng cai tổ chức, từ ngày 23 - 30/8/2022.

- Tổ chức “Ngày Âm nhạc Việt Nam” 3/9 lần thứ 13 tại Hà Nội và các địa phương trong cả nước.

- Tham dự Festival Âm nhạc “Âu – Á” tại thành phố Kazan, Liên bang Nga vào tháng 9 năm 2022. Đây là Festival Âm nhạc lần thứ 15 do Hội Nhạc sĩ Liên bang Nga và Bộ Văn hóa cùng với Hội Nhạc sĩ Tatarstan tổ chức.

- Thành lập một số Trung tâm Âm nhạc tại Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ; tổ chức các đoàn nhạc sĩ thâm nhập thực tế sáng tác tại các địa phương: Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Ninh, Tuyên Quang; đẩy mạnh việc Hỗ trợ kinh phí đầu tư sáng tác hàng năm cho các Chi hội;

- Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam và 100 năm ngày sinh Nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922 - 2022) Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam như: Hội thảo, Biểu diễn âm nhạc, thành lập nhà lưu niệm Nhạc sĩ Đỗ Nhuận tại Bình Giang, Hải Dương...

- Tổ chức “Festival quốc tế Âm nhạc Mới Á - Âu lần thứ IV” tại Việt Nam vào quý I năm 2023.

Một số hình ảnh tại kỳ họp:

Nhạc sĩ Đức Trịnh – Chủ tịch Hội, phát biểu khai mạc Hội nghị

Nhạc sĩ Đinh Công Thuận – Chánh Văn phòng, giới thiệu đại biểu

 

Chương trình giao lưu âm nhạc với các nhạc sĩ, nghệ sĩ Quảng Ninh, tối 29/7

Ban Chấp hành chụp ảnh lưu niệm trước Trung tâm

Xem chùm ảnh tại đây http://hoinhacsi.vn/ban-chap-hanh-hoi-nhac-si-hoi-nghi-lan-4-chum-anh-1

 

                                                                                        

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.