You are here

Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam kỳ 5 khóa 10

Tác giả: 
Thanh Nhã

Sáng 24 tháng 12 năm 2022, tại Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành khóa X, nhằm tổng kết hoạt động năm 2022 và đề ra Phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2023.

Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có: đồng chí Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chủ trì Hội nghị, và các nhạc sĩ trong Ban Thường vụ: nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội; NSƯT Trần Vương Thạch – Phó Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Trưởng Ban Kiểm tra; các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội, và lãnh đạo các Ban chuyên môn của Hội...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh vào 3 nhóm vấn đề: Ghi nhận những nỗ lực và thành tích đạt được của Hội trong năm vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các đồng chí vẫn giữ được truyền thống đoàn kết quý báu mà bao thế hệ qua Hội đã giữ gìn được; tổ chức hoạt động đạt được nhiều mặt kết quả như 6 mảng công việc: từ công tác Chi hội, tổ chức Liên hoan âm nhạc; Giải thưởng âm nhạc, sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình, thậm chí còn làm được nhiều việc hơn… Thay mặt Ban Tuyên giáo, trân trọng ghi nhận và tiếp thu những thành tựu mà Hội đã đạt được.

Nhạc sĩ Đức Trịnh trình bày báo cáo 6 tháng cuối năm 2022 và phương hướng hoạt động năm 2023 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; trong đó có báo cáo của Trung tâm Bản quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam; Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam; Ban Truyền thông; Báo cáo của Phòng công tác hội viên về công tác quản lý chi hội, hội viên; Website, Tạp chí Âm nhạc Việt Nam; Công tác đầu tư hỗ trợ sáng tạo tác phẩm; báo cáo hoạt động và một số kiến nghị của các chi hội địa phương; báo cáo của các ủy viên Ban Chấp hành về công tác chi hội, hoạt động âm nhạc ở các địa phương, vùng miền...

Hội nghị đánh giá cao kết quả các hoạt động của Ban Chấp hành trong 6 tháng cuối năm 2022:

Về hoạt động chuyên môn: phối hợp tổ chức Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc, đợt 2 năm 2021, từ ngày 17 đến 30/6/2022 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk; tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XIII (3/9/2010 – 3/9/2022) với chủ đề “Hát lên Việt Nam” tại Hà Nội và một số Chi hội Nhạc sĩ ở các tỉnh, thành khác; tổ chức được các trại sáng tác, thu hút được các nhạc sĩ khắp các vùng miền trong cả nước: Tam Đảo, Vũng Tàu, Quảng Ninh; ra mắt “Câu lạc bộ Ươm mầm tài năng trẻ” tại Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ và Sáng tác, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh...

Về Công tác Lý luận: Lãnh đạo Hội: Nhạc sĩ Đức Trịnh, Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Thị Minh Châu, Nguyễn Thị Mỹ Liêm, tham dự và có tham luận các Hội thảo khoa học chuyên đề Hội đồng Lý luận Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Hội thảo của Ban Tuyên giáo Trung ương về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và triển khai kế hoạch công tác báo chí, xuất bản, văn hóa văn nghệ; Hội thảo khoa học “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” của Ban Tuyên giáo Trung ương...

Về công tác đối ngoại: Tham dự trực tuyến Festival Âm nhạc Mới thế giới - Hiệp hội Âm nhạc đương đại quốc tế (ISCM) - Hội nghị Festival Liên đoàn các nhà soạn nhạc châu Á (ACL) do Hiệp hội các nhà soạn nhạc New Zealand đăng cai tổ chức; tham dự Festival Âm nhạc “Âu – Á” lần thứ XV được tổ chức tại thành phố Kazan, nước Cộng hòa Tatarstan (9/2022).

Đặc biệt, các hoạt động nghệ thuật kỷ niệm 65 năm thành lập Hội (1957-2022):

Nhân 100 năm ngày sinh của nhac sĩ Đỗ Nhuận (10/12/1922 - 10/12/2022) - Nguyên Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (khóa I, khóa II, từ năm 1957 đến năm 1983), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I (năm 1996), Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Lễ Khánh thành Nhà lưu niệm Nhạc sĩ Đỗ Nhuận tại quê hương Ông, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957-2022) và Lễ trao Giải thưởng Âm nhạc năm 2022 được tổ chức tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với sự tham dự của đông đảo giới nhạc sĩ, nghệ sĩ và đại biểu các cơ quan Ban, ngành Trung ương, Hà Nội.  

Tổ chức cuộc Hội thảo chuyên đề và chương trình nghệ thuật “Đỗ Nhuận - Âm thanh cuộc đời” cùng Lễ phát hành bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, đã phát biểu chỉ đạo Hội nghị:

Bằng cả trách nhiệm của mình với tình yêu âm nhạc với Văn học nghệ thuật, đồng chí đã có bài phát biểu tâm huyết mở ra chìa khóa để cho Hội ta tiếp tục hoạt động trong thời gian tới.

Nhìn lại thời gian giai đoạn 2 năm từ khi Đại hội X, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, nhạc sĩ Đức Trịnh nhận nhiệm vụ mới được 12 tháng, đã có nhiều chuyển biến làm được rất nhiều việc, các hoạt động liên tục theo chiều hướng phát triển tiến lên ở hai khía cạnh: nội bộ của văn phòng Trung ương Hội được củng cố và nề nếp hơn và hoạt động có hiệu quả hiệu suất lao động cao hơn và hơn nữa là quan hệ đối với toàn bộ hệ thống chi hội trong cả nước tăng lên chặt chẽ hơn, hợp lý hơn.

Thứ nhất, là công việc xem xét các đơn của các hội viên, xem xét lý lịch hồ sơ để bỏ phiếu kết nạp trong các lĩnh vực: sáng tác, biểu diễn, lý luận và đào tạo. Cần lưu ý đây là Hội Chính trị - xã hội - nghề nghiệp, ngày càng cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp, ngoài việc phát triển về bề rộng phải tính đến chất lượng giá trị của các Hội viên như là tiêu chí để nâng cao tính chuyên nghiệp. Trong giai đoạn này, cần nâng cao vị trí vai trò tính chuyên nghiệp của các Hội VHNT, tính tiên phong của các văn nghệ sĩ chúng ta, một việc quan trọng là phát triển hội viên. Thời gian gần đây, Hội phát triển hội viên theo bề rộng, theo tinh thần lấy các Chi hội là cánh tay nối dài của Hội, nhưng cần nâng cao chất lượng hội viên.

Thứ hai, cần kết hợp các hoạt động chuyên môn với các nhiệm vụ chính trị, theo tinh thần là quán triệt thực hiện các Quyết định, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban ngành về các hoạt động văn hóa văn nghệ trong thời kỳ mới.

Tại Chi bộ Văn phòng Hội, các nhạc sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm về nghề nghiệp, nhưng già yếu nghỉ sinh hoạt, một số chấp hành theo quy định mới về sinh hoạt tại địa phương, vì vậy số đảng viên ít đi, nhưng vẫn là nòng cốt trong các hoạt động của Hội gắn với sinh hoạt của Chi bộ.

Thứ ba, mối liên hệ giữa Trung ương Hội và các Hội Âm nhạc địa phương như: Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng…  nên có mối quan hệ chặt chẽ thông qua các trao đổi, giao lưu trực tiếp, có các tương tác, phối hợp các hoạt động. Như Hội Hà Nội hoạt động rất tốt với đêm nhạc tác giả “Tình yêu Hà Nội” hàng năm. Đối với các chi hội, các đồng chí Ủy viên BCH nên có những cuộc đi thực tế, đến từng chi hội hoặc khu vực hàng năm để tạo sự gắn kết, ví dụ như chuyến đi vòng cung Tây Bắc vào tháng 2 năm nay của đoàn nhạc sĩ từ Hòa Bình – Sơn La – Lai Châu - Lào Cai – Yên Bái, khiến các hội viên rất phẩn khởi có điều kiện trao đổi giao giao cùng nhau giới thiệu tác phẩm mới và nẩy sinh sáng kiến thành lập Trung tâm Âm nhạc Tây Bắc tại Sơn La.

Bên cạnh đó, với tư cách là Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, sau một năm thấy rằng làm việc khảo sát các Hội VHNT chuyên ngành rõ ràng thấy chúng ta thiếu các mối quan hệ giữa các Hội chuyên ngành Trung ương, và các tỉnh, thành… với nhau, ít có sự giao lưu và chính vì thế làm cho sức mạnh tập thể khó nâng lên, mà chúng ta rất cần các mối quan hệ với Hội Sân khấu, Hội Múa, Điện ảnh, Nhiếp ảnh, Hội VHNT các dân tộc thiểu số, Văn nghệ dân gian, Kiến trúc… bắt tay liên doanh thì vị thế vai trò của Liên hiệp sẽ tăng lên và trở thành trung tâm có lực lượng văn nghệ sĩ xuất sắc và tiêu biểu của cả nước, là chỗ dự cho Đảng và Nhà nước trong công tác văn hóa, văn học nghệ thuật và hơn nữa là sau một năm thực hiện chương trình kết luận của đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng về vấn đề phát triển Văn hóa, đưa văn hóa phát triển ngang tầm với Kinh tế - Chính trị; hay tổng kết 15 năm thực hiện NQ23-BCT về tiếp tục phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Về hoạt động chuyên môn của Hội, trong thời gian tới cần chú ý nâng cao về mảng Lý luận, cần trở thành hệ thống. Cần thu hút được các nghệ sĩ biểu diễn, các ca sĩ, dàn nhạc… để làm sao mở ra các trung tâm âm nhạc Trẻ (Thịnh hành).

Điều quan trong nhất, cần đẩy mạnh quan hệ quốc tế, đây chính mũi nhọn, là thế mạnh của chính Hội chúng ta đã có truyền thống, có thực tế, kết quả trong những năm gần đây. Việc quan hệ quốc tế bằng âm nhạc là hữu hiệu nhất. Đặc biệt là tiếp tục tổ chức Festival âm nhạc mới Á- Âu…

Nâng cấp website, chương trình chuyển đổi số quốc gia; duy trì mối quan hệ với các tập đoàn lớn như Vietel, FPT…

Cải tiến hệ thống giải thưởng hàng năm của Hội, để phù hợp với tiêu chuẩn xét kết nạp NSND, NSƯT… tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ biểu diễn.

Phát huy những thành tích đã đạt được, Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đề ra Phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023:

- Tổ chức “Festival quốc tế Âm nhạc Mới Á - Âu lần thứ IV - Việt Nam” và kết hợp mời Dàn nhạc lực lượng Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga sang thăm và thực hiện chuyến lưu diễn, dự kiến qua 5 thành phố: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, TP. Hồ Chí Minh (nếu đủ điều kiện).

- Phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng tác, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức 02 trại sáng tác âm nhạc tại Nha Trang, Cần Thơ. Mở một số trại sáng tác tại Trung tâm Hỗ trợ sáng tạo của Hội tại Quảng Ninh.

- Dự kiến tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2023 tại Đồng bằng Sông Cửu Long và Miền núi phía Bắc. Ban Tổ chức lo dàn nhạc đệm cho ca sĩ hoặc biểu diễn nhạc khí trực tiếp (không dùng nhạc Beat) tại các cuộc Liên hoan hàng năm.

- Tiến hành các thủ tục thành lập một số Trung tâm Âm nhạc tại Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ và Trung tâm Âm nhạc trẻ Việt Nam.

- Tổ chức phát động sáng tác âm nhạc chủ đề “Bài ca thống nhất” hướng tới kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (1975-2025).

- Tổ chức đoàn sang biểu diễn, tham gia Hội thảo về Âm nhạc  tại Festival Âm nhạc “Trung Quốc - ASEAN” lần thứ 12 tại Nam Ninh, Trung Quốc (tháng 10/2023).

- Tham dự Ngày Âm nhạc thế giới ISCM 2023 “World Music Days” của Hiệp hội Âm nhạc đương đại quốc tế sẽ diễn ra tại Johannesburg và Soweto, Nam Phi, từ ngày 24/11 – 3/12 năm 2023.

- Triển khai tổ chức hoạt động Câu lạc bộ Bồi dưỡng tài năng nghệ thuật – Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Nhân dịp này, Ban Chấp hành đã tổ chức xét kết nạp hội viên mới, với 35 hồ sơ, đã xem xét và bỏ phiếu, kết nạp được 17 hội viên mới (các chuyên ngành: Sáng tác: 09 ; Lý luận: 01; Đào tạo: 06; Biểu diễn: 01).

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.