You are here

Hội nghị Kiểm tra, khảo sát việc triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ

Tác giả: 
Thanh Nhã

Đoàn kiểm tra của Ban Tuyên giáo Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào sáng 10 tháng 6 năm 2022 tại 43 Nguyên Hồng, Hà Nội.

Thành phần Đoàn kiểm tra, khảo sát gồm: Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - Trưởng đoàn; đồng chí Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ; đồng chí Lâm Thị Bích Nguyệt - Phó Chánh Văn phòng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Linh – Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản; đồng chí Trần Vương Việt - chuyên viên Vụ Đoàn thể Nhân dân, Ban Dân vận Trung ương, thư ký đoàn; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương: Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương; Vụ Lý luận chính trị; Vụ Tuyên Truyền; Vụ Báo chí - Xuất bản; Vụ Tổ chức Cán bộ; Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế; Vụ Tổng hợp; Văn phòng Ban Chỉ đạo 35; Vụ Văn hóa  Văn nghệ...

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh – Chủ tịch Hội; nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Trưởng Ban Kiểm tra; nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Tổng giám đốc Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam; NSND Nguyễn Quang Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành; nhạc sĩ Đinh Công Thuận - Ủy viên Ban Chấp hành; Trưởng các ban chuyên môn và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Hội.

Hội nghị có hai nội dung chính: 1/kiểm tra, khảo sát về chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức, quy chế và tổ chức hoạt động của Hội (theo Kế hoạch số 04 -KH/BCĐ ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Ban Chỉ đạo Đề án 103 về Hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng “Đề án nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” và “Đề án Quy chế hoạt động của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ”); 2/kiểm tra, khảo sát việc triển khai, thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ (theo Kế hoạch số 130-KH/BTGTW ngày 30/3/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương).

Hội nghị đã được nghe trình bày các nội dung: Báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết; Chương trình hành động Thực hiện Nghị quyết 23- NQ/TW của Bộ Chính trị khoá X “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới”; chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và kế hoạch triển khai một số hoạt động trọng điểm về thực hiện Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCHTW khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Báo cáo Ban Chỉ đạo đề án 103; Điều lệ Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Quy chế làm việc của Ban chấp hành nhiệm kỳ X (2020-2025); Quy chế làm việc của Ban Kiểm tra nhiệm kỳ X (2020-2025); Quy chế hoạt động của Văn phòng Hội; Quy chế hoạt động các Chi hội; Quy chế Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Quy chế chi tiêu nội bộ; Quy chế Hỗ trợ Đầu tư sáng tác… và nghe các ý kiến trao đổi trực tiếp:

Đồng chí Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ có phát biểu nhận xét:

Đoàn kiểm tra đánh giá cao ghi nhận thành tích của Hội trong suốt thời gian vừa qua, là một trong những Hội hoạt động có hiệu quả, đoàn kết. Chính điều đó tạo nên sức mạnh triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, của các cấp trên rất tốt, tạo thành sự tác động rất lớn; tuy nhiên cũng chưa tận dụng được một cách mạnh mẽ và đột phá việc thực hiện các Nghị quyết, mà chỉ thực hiện nhiệm vụ chứ chưa xem đây là một cơ hội tận dụng để trở thành đề án, nguồn lực phát triển cơ hội của mình để thực hiện các đề án lớn gần đây như bảo tàng lưu trữ, số hóa các tác phẩm để quản lý khoa học…; cần tập trung đầu tư phát huy hơn nữa vai trò phản biện xã hội của Hội thông qua công tác lý luận phê bình, góp phần định hướng cho cái đẹp thẩm mỹ, giá trị chuẩn mực cho âm nhạc Việt Nam, tham mưu chủ trương chính sách về âm nhạc với các cơ quan quản lý văn hóa…

Tin rằng, với năng lực của Hội và định hướng dẫn dắt, để đề xuất những sự kiện lớn trong quá trình tổ chức hoạt động của mình trong việc thực hiện Nghị quyết 23, Nghị quyết 33, các kết luận 01, thiết thực thực hiện Chỉ thị 05 “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh”… chuẩn bị cho việc tổng kết nền văn học nghệ thuật nước nhà sau 50 năm ngày đất nước thống nhất…

Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản:

Cần quan tâm hơn nữa hoạt động truyền thông âm nhạc trên các đài phát thanh, truyền hình, xuất bản… Cần có những chương trình âm nhạc lớn; các ấn phẩm về âm nhạc như sách nhạc, đĩa CD… ngày càng ít đi mà hiện nay chủ yếu trên các nền tảng số; cần đẩy mạnh công tác truyền thông về âm nhạc, nhất là âm nhạc đương đại tới công chúng trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Trần Hoàng Việt – Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại:

Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã triển khai các hoạt động thực hiện các Nghị quyết của Đảng rất tốt. Về hoạt động đổi mới trong sáng tạo, quảng bá các tác phẩm âm nhạc, đặc biệt là các ca khúc về phòng chống Covid-19, trong hai năm vừa qua. Trong thời đại công nghệ số hóa, các ấn phẩm, xuất bản phẩm, các ca khúc cần đầu tư, tuyên truyền, đẩy mạnh sáng tác ca khúc tuyên truyền về biển đảo, xây dựng nông thôn mới… Hội Nhạc sĩ đã quan tâm đến công tác đào tạo thể hiện ở việc xây dựng Trung tâm đào tạo tài năng trẻ ở Quảng Ninh; đẩy mạnh công tác đối ngoại, thúc đẩy hợp tác giao lưu trao đổi văn hóa bằng tổ chức và tham dự các Festival âm nhạc quốc tế rất uy tín hiệu quả.

Đồng chí Đinh Văn Thuần – Phó Chánh Văn phòng Hội đồng lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương:

Trong những năm vừa qua, đội ngũ lý luận phê bình văn học nghệ thuật cũng như lý luận phê bình âm nhạc cùng có những hạn chế. Cần có những giải pháp để nâng cao công tác lý luận phê bình âm nhạc, đặc biệt là vai trò phản biện xã hội, định hướng sáng tác cũng như thị hiếu thưởng thức trong đời sống âm nhạc là rất quan trọng; về vấn đề bản quyền tác giả âm nhạc là vấn đề quan tâm rất lớn của dư luận nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng, cần có các hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, những giải pháp tích cực hơn trong thời gian tới.

Đồng chí Lê Trọng Nin – Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương: với các ý kiến quan tâm:

Lĩnh vực sáng tác là chủ yếu và cũng là thế mạnh của âm nhạc Việt Nam là ca khúc, đa dạng, trong khi đó khí nhạc vẫn là một loại hình khó, đòi hỏi đầu tư công sức, thời gian, chi phí dàn dựng mà lại kén khán giả, đó là lý do một số nhạc sĩ được đào tạo bài bản nhưng quay sang viết ca khúc, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giữa thanh nhạc và khí nhạc, là vấn đề đặt ra cho những nhà quản lý âm nhạc. Trong thời gian tới cần có những giải pháp nào để phát triển hài hòa cả hai lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc; vấn đề khuyến khích đầu tư cho sáng tạo tác phẩm âm nhạc, quảng bá tác phẩm được đầu tư.

Vấn đề lý luận phê bình cũng vô cùng quan trọng. Thời gian vừa qua, Tạp chí của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và trên các diễn đàn báo chí Trung ương và địa phương đã có các bài viết chuyên sâu về lĩnh vực âm nhạc, tuy nhiên phải nhận thấy rằng lực lượng các nhà lý luận phê bình âm nhạc trên các phương tiện thông tin đại chúng góp phần định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng mỏng và mờ nhạt; có những nhà bình luận “tay ngang” như hiện thượng thông tin một chiều, thương mại hóa, khiến cho một bộ phận lớn khán giả hiểu lầm Bolero là dòng nhạc chủ lưu một thời gian. Cần theo sát đời sống âm nhạc đại chúng, để từ đó đóng góp những ý kiến phản biện dưới góc độ chuyên môn với các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn học nghệ thuật, và bên cạnh đó cần có những giải pháp cụ thể thu hẹp khoảng cách giữa giới chuyên môn và giới truyền thông báo chí trong lĩnh vực lý luận phê bình hiện nay.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Tổng Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, báo cáo về vấn đề bản quyền:

Trung tâm hiện nay đã có hàng trăm nhân viên, có trụ sở tại 3 miền Bắc – Trung - Nam, về kỹ thuật đã sử lý được phần mềm chạy tương tác toàn thế giới, có trên 5.300 tác giả đã ủy quyền cho Trung tâm, đại diện trên 4 triệu tác giả nước ngoài, ký hợp đồng song phương với 200 quốc gia và lãnh thổ trên toàn thế giới dựa trên các luật và nghị định, công ước mà Việt Nam đã tham gia chính thức. Trung tâm là một tổ chức phi lợi nhuận, nhưng trong nhiều năm vẫn đóng thuế cho Nhà nước hàng trăm tỷ như một doanh nghiệp. Đặc biệt, đã quan tâm ủng hộ, giúp đỡ các nhạc sĩ già yếu, bệnh tật, khó khăn, nhiễm Covid-19, làm công tác từ thiện thường xuyên…

Mặc dù dịch bệnh kéo dài, gây khó khăn trên các lĩnh vực, nhưng Trung tâm đã đàm phán thành công với Google, Youtube, Facebook với  những thỏa thuận về quyền tác giả, quyền  liên quan, mang lại những giá trị to lớn về nhiều mặt trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng công nghệ số. Trung tâm càng ngày càng phát triển mạnh, có uy tín, trong thời gian đại dịch Covid-19, nhưng đã đạt doanh thu 154% so với trước…

Nhà Lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội, có những ý kiến đề xuất về việc xây dựng thư viện lưu trữ số hóa các tác phẩm âm nhạc, về thực trạng công tác lý luận phê bình:

Là nơi tập trung nhiều nhất các nhạc sĩ sáng tác, biểu diễn, đào tạo, lý luận phê bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam là nơi tốt nhất có thể hợp lực gây dựng một thư viện âm nhạc quốc gia có hệ thống số hóa. Vậy mà cho đến nay Hội không có điều kiện lưu trữ, nhiều tác phẩm của các thế hệ nhạc sĩ bị thất lạc, mối xông. Không có kế hoạch bảo quản có hệ thống các tác phẩm giải thưởng hàng năm, liên hoan quốc gia và quốc tế, các cuộc thi, các Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, cả phần âm thanh của các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú… Hội có thể kết hợp với các Đài Phát thanh Truyền hình, Viện Âm nhạc, các đơn vị để khôi phục, tập hợp lại, nhưng trước tiên phải có đề án, dự án kinh phí và nhân lực, có cơ sở vật chất để lưu trữ các tài liệu văn bản, âm thanh và hình ảnh. Cần xây dựng một thư viện âm nhạc, một ngân hàng dữ liệu được số hóa để lưu trữ tài sản quốc gia từ quá khứ đến hiện tại cho thế hệ trẻ. Việc lưu trữ có tác dụng rất lớn về mặt quản lý, quảng bá trong và ngoài nước các tác phẩm âm nhạc có giá trị lịch sử và nghệ thuật.

Về lý luận phê bình: dù là khâu yếu kém nhất trong thế “kiềng ba chân”: sáng tác - biểu diễn - lý luận, song lý luận phê bình không phải không có tính phản biện. Có phản biện, và chỉ biểu hiện lẻ tẻ ở ý kiến cá nhân, hiệu quả xã hội không cao, lại dễ bị “đánh” và mang tiếng “thiếu chính trị” nên người viết phê bình âm nhạc chuyên nghiệp mang tính phản biện dù có tâm và can đảm cũng mau nản. Xuất bản khó khăn, thêm khâu quảng bá kém nên sách lý luận phê bình âm nhạc rất khó đến với nơi cần có. Lý luận phê bình còn bị bỏ quên trong khâu bảo vệ quyền tác giả trong thời buổi “đạo văn trong âm nhạc” đã trở thành quốc nạn. Trung tâm bảo vệ  quyền tác giả âm nhạc chỉ bảo vệ sáng tác âm nhạc, chứ không quan tâm đến quyền tác giả lý luận phê bình âm nhạc… Giá như có một kênh truyền hình âm nhạc dành riêng cho các nhạc sĩ sáng tác, biểu diễn, lý luận chuyên nghiệp, không chỉ quảng bá tác phẩm còn là diễn đàn cho các nhà lý luận “không phải tay ngang” có thể trao đổi với giới nhạc và đối thoại với người yêu âm nhạc.

NSND Nguyễn Quang Vinh, có ý kiến về việc xác định, thống nhất về quyền hạn hoạt động của Hội, vai trò, vị trí trong xã hội hiện nay:

Là Hội chính trị - xã hội – nghề nghiệp do Đảng thành lập, cần được xác định cụ thể về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn xã hội, nhưng Hội chủ yếu kêu gọi sự sáng tạo của người làm nghề. Hiện nay có những hoạt động chưa đồng bộ, lệch chuẩn trong sáng tác âm nhạc, cần có sự quản lý, giám sát, xây dựng hình thức chuẩn mực mà Nhà nước coi đó là thước đo. Cần có các đề án vai trò của Hội và thống nhất sự quản lý đối với các Hội âm nhạc, chi hội, phân hội âm nhạc trên toàn quốc, cần đơn giản hóa cơ cấu để trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam quản lý, cần có kinh phí hoạt động và hỗ trợ. Trong thời gian qua có những việc chưa hợp lý, chưa đúng, Hội cần xác thực và tham mưu cho Nhà nước về chính sách ban hành tổ chức các hoạt động âm nhạc…

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam, với các ý kiến nhận xét, nhận định:

Hội Nhạc sĩ Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp do Đảng và Bác Hồ thành lập năm 1957, trong đó có 10 Hội Văn học nghệ thuật Trung ương, mỗi Hội đều có lịch sử phát triển cho đến hôm nay hệ thống cấu trúc của các Hội đã đã được định hình rõ ràng, có các chi hội ở hầu hết các tỉnh, thành. Đời sống âm nhạc hiện nay rất phong phú đa dạng, nhiều màu sắc, vươn ra thế giới… nhưng thực tế âm nhạc phát triển chưa đồng đều, hài hòa giữa thanh nhạc và khí nhạc, chủ yếu là nhạc Pop. Nếu chúng ta không cân bằng được đời sống âm nhạc, thì âm nhạc chủ yếu là giải trí, thời trang, tiêu dùng…

Chính vì vậy, làm sao để phấn đấu phát triển nền âm nhạc hài hòa, vai trò nhiệm vụ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam rất nặng, rất quan trọng; cũng như chương trình số hóa các tác phẩm âm nhạc, đặc biệt các tác phẩm kinh điển - di sản âm nhạc Việt Nam rất cần thiết.

Cần nhìn nhận lại sự phát triển âm nhạc Việt Nam hiện nay, để kiến nghị với các cơ quan quản lý văn hóa để có sự thống nhất và hợp lực. Cần có đề án kiến nghị Nhà nước để thành lập một Hội đồng âm nhạc quốc gia trực thuộc Chính phủ, trong đó có các chuyên gia âm nhạc, để giải quyết, thẩm định những giá trị đích thực nhất về âm nhạc; về đào tạo đội ngũ trẻ kế cận nên giao cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam việc phát hiện, tuyển chọn và giới thiệu đi đào tạo ở nước ngoài, cho hướng nhìn lâu dài; tổ chức các cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp lớn quốc tế và trong nước.

Về vai trò của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong việc phản biện xã hội và công tác lý luận phê bình, định hướng cho âm nhạc Việt Nam; công tác truyền thông về âm nhạc. Thực trạng lực lượng lý luận phê bình các Hội chuyên ngành nghệ thuật và âm nhạc so với lực lượng sáng tác ít hơn và yếu hơn, hơn nữa là tư thế nhập cuộc của các nhà lý luận phê bình trên các diễn đàn như báo nói, báo viết, báo hình… không được nổi trội nên dẫn đến tình trạng có những bài báo, thông tin sai lệch, sai lịch sử âm nhạc Việt Nam. Vì vậy, truyền thông chính là mặt trận để bảo vệ văn học nghệ thuật, văn hóa dân tộc; để tiến tới hoạt động tổng kết 50 năm văn học nghệ thuật, trong đó có cuộc vận động sáng tác chủ đề “Bài ca thống nhất” để tạo cảm hứng trong hoạt động trong thời gian tới; ngoài các giải thưởng hàng năm cần hướng tới các chủ đề quan trọng để làm giải thưởng quốc gia về âm nhạc về 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, về sự nghiệp đổi mới, về những anh hùng dân tộc, về chủ đề “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo…

Nhạc sĩ Đức Trịnh – Chủ tịch Hội, đánh giá tổng kết, ghi nhận các ý kiến:

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến rất tốt và tiếp thu một số kiến nghị như cần tổ chức các sự kiện âm nhạc lớn theo các chủ đề gắn với các Nghị quyết, sự kiện lớn của đất nước; đề án thành lập kênh âm nhạc riêng; tổ chức các cuộc thi âm nhạc lớn có giải thưởng; đầu tư cho sáng tác các tác phẩm chất lượng, đặc biệt là lĩnh vực khí nhạc; quan tâm chú trọng lĩnh vực lý luận phê bình; hoạt động bảo vệ bản quyền tác giả; đào tạo nguồn lực cho tương lai, giới thiệu tài năng trẻ đi đào tạo ở nước ngoài; công tác lưu trữ tác phẩm; về công tác truyền thông, thời gian tới, Hội sẽ đầu tư nâng cấp trang website để tạo diễn đàn cho các bài viết về âm nhạc. Hội sẽ làm rõ các ý kiến đóng góp tại Hội nghị về các nhiệm vụ, đề xuất để hoàn thiện bổ sung các báo cáo, và lập các đề án, đề xuất, phản biện với các cơ quan quản lý văn hóa, các ban, ngành, với Đảng, Nhà nước để thực hiện tốt hơn nữa các Nghị quyết, Chủ trương, Chỉ thị của Đảng về văn hóa văn nghệ.

Đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có ý kiến kết luận:

Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã nhận thức được tầm quan trọng của văn học nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, đã được Đảng và Nhà nước ta có rất nhiều chủ trương, chính sách để khẳng định vai trò, vị trí của văn học nghệ thuật, tôn trọng quyền tự do sáng tác, tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát huy tính độc lập, khơi dạy mọi nguồn lực sáng tạo cho văn nghệ sĩ, trong đó khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác phục vụ đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó có cả tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, chúng ta đã từng bước xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học nghệ thuật, văn nghệ sĩ, cùng với sự phát triển văn hóa xã hội của đất nước. Nhận thức, hành động là cả một quá trình phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, điều kiện của đất nước; từng giai đoạn đã có những định hướng, chỉ đạo quan trọng cho sự phát triển văn học nghệ thuật.

Thời gian qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có nhiều thành tích trong hoạt động, từ Chi bộ, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đã chỉ đạo, tổ chức, quán triệt, tuyên truyền, triển khai các văn bản của Đảng.

Trong thời gian làm việc tích cực, nghiêm túc, Hội nghị đã nhận được rất nhiều ý kiến phát biểu, chia sẻ, đặt câu hỏi tìm hiểu, trả lời và giải thích đầy đủ. Với sự chuẩn bị tốt, bộ tài liệu dày dặn, Đoàn Kiểm tra đánh giá rất cao; thứ hai là tinh thần đồng hành của giới nhạc sĩ với dân tộc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng được đề cao trong bối cảnh rất phức tạp hiện nay trải qua đại dịch Covid-19, cuộc xung đột ở Nga – Ukraina và một số nước trên thế giới ảnh hưởng đến các lĩnh vực trong đời sống xã hội hiện nay, đến tư tưởng, tác động trực tiếp đến kinh tế, cuộc chiến thông tin…

Hội đã sáng tạo linh hoạt và có các hoạt động tích cực như tổ chức sáng tác, biên soạn tập ca khúc như “Niềm tin – chúng ta là người chiến thắng”, vận động các nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn gửi đến đồng bào ở vùng rất cam go, động viên các chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, sẵn sàng phục vụ đồng bào, nhân dân, khơi dậy niềm tin để toàn Đảng, toàn dân vượt qua mọi khó khăn trong thời kỳ này.

Hội đã phối hợp tốt với các Ban, Bộ, Ngành, địa phương, cơ quan đơn vị trong các hoạt động biểu diễn, liên hoan âm nhạc, các cuộc vận động sáng tác, thẩm định tác phẩm; tích cực đẩy mạnh các hoạt động sáng tác, lý luận, đào tạo, kiên trì đầu tư, trú trọng quảng bá tác phẩm, giao lưu hợp tác quốc tế…

Công tác chi hội, hội viên, nắm bắt tâm tư tình cảm, diễn biến tâm lý, hội viên được quan tâm kịp thời. Việc khai trương Trung tâm đào tạo tài năng trẻ vừa qua, tạo điều kiện kịp thời để các nhạc sĩ tập trung sáng tác, nghiên cứu giảng dạy, nâng cao chất lượng tác phẩm.

Về những tồn tại, hạn chế, Hội cũng đã mạnh dạn đưa ra như: còn ít những tác phẩm có tính chiều sâu, tính chuyên nghiệp trong sáng tác chưa cao, chưa định hình rõ nét xu hướng dòng nhạc chủ lưu trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hòa nhập quốc tế, việc định hướng cho công chúng thưởng thức các tác phẩm âm nhạc...

Chúng ta cần có phương hướng khắc phục để cho âm nhạc phát triển đúng hướng, vai trò tư vấn, phản biện xã hội của Hội về các vấn đề âm nhạc chưa được phát huy thường xuyên kịp thời và chưa tương xứng với tổ chúc chính trị - xã hội – nghề nghiệp. Cần mạnh dạn đưa ra và có giải pháp vì sao âm nhạc đang bị lệch chuẩn, đang bị dẫn dắt. Hội cần lên tiếng và có ý kiến kịp thời; mảng sáng tác cho thiếu niên, nhi đồng ít được chú trọng, chưa bồi dưỡng đội ngũ sáng tác khí nhạc trẻ để tiếp tục sáng tác khí nhạc chuyên nghiệp, người trẻ sáng tác và sáng tác cho người trẻ là vấn đề rất quan trọng hiện nay…

Đề nghị các đồng chí trong thời gian tới quan tâm một số vấn đề: quán triệt đọc kỹ nghiên cứu các văn kiện của Đảng liên quan đến công tác văn học nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, để hiện thực hóa thành các chương trình hành động, chiến lược, chuyển hóa thành Nghị quyết, thành các đề án, báo cáo của Hội để trình lên cấp có thẩm quyền, tạo thời cơ và có được sự ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tạo dấu ấn cho nhiệm kỳ này.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.