You are here

Jazz Việt và những khai phá mới mẻ

Tác giả: 
Linh Nguyễn

Mấy năm trước, jazz Việt chỉ là một dòng chảy lặng lẽ trong đời sống âm nhạc Việt Nam, thậm chí có những lúc, nghệ sĩ ưu tú Quyền Văn Minh, người khai mở con đường jazz Việt lo lắng, jazz sẽ biến mất khỏi đời sống. Nhưng hai năm trở lại đây, jazz Việt bắt đầu có những khai phá mới mẻ, táo bạo, mang đến những sắc màu mới cho đời sống âm nhạc Việt Nam.

1. Tôi còn nhớ, năm 2020, khi khoa Jazz của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức kỷ niệm 5 năm thành lập, rất nhiều nghệ sĩ đã chia sẻ tâm huyết mong muốn nhạc jazz có một đời sống mạnh mẽ hơn ở Việt Nam. Nghệ sĩ Quyền Văn Minh, người đặt nền móng đầu tiên cho jazz Việt lo lắng, ai sẽ tiếp nối dòng chảy của Jazz Việt khi ông đã già. 

Thực tế, jazz không hoàn toàn vắng bóng trong đời sống âm nhạc. Ở đâu đó, trong các bài hát, âm hưởng jazz vẫn len lỏi. Có một số nghệ sĩ lớn đã tiên phong đi con đường thử nghiệm với jazz như album "Chat với Mozart" của ca sĩ Mỹ Linh, rồi Hồ Trung Dũng, Thái Thùy Linh, Phạm Thu Hà đều có những thể nghiệm thành công với jazz. Và khán giả vẫn dành cho jazz một tình yêu đặc biệt, dù cộng đồng đó chưa thực sự lớn.

Nghệ sĩ Tuấn Nam đang nỗ lực đưa Jazz đến gần công chúng.

Nếu như nghệ sĩ Quyền Văn Minh và con trai ông, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc là những người tiên phong đưa jazz lên sân khấu biểu diễn và tôn vinh cây đàn saxophone thì năm 2020, sau 10 năm du học ở nước ngoài trở về, nghệ sĩ Tuấn Nam, một người trẻ đầy khát vọng đã tiếp tục hành trình với jazz bằng những dự án dài hơi hơn. 

Anh theo đuổi con đường không chỉ với tư cách là một nghệ sĩ biểu diễn mà của một nhà sản xuất album cho các nghệ sĩ đam mê theo đuổi jazz. Anh nhìn thấy rất nhiều gương mặt nghệ sĩ mới muốn khai phá con đường jazz nhưng ở Việt Nam thiếu những nhà sản xuất chuyên nghiệp, thiếu sân chơi dành cho họ. 

Thay vì chọn con đường biểu diễn như các nghệ sĩ Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc và Trần Mạnh Tuấn, những người đã đưa cây kèn saxophone lên đỉnh cao thì Tuấn Nam chọn con đường của một nhà sản xuất và đồng hành với anh là cây đàn piano. 

Thực tế, trên thế giới cũng không có nhiều nghệ sĩ piano jazz, ở Việt Nam, nó càng xa lạ. Nhưng những biến tấu tự do, phóng khoáng, phá bỏ cả những giới hạn của Tuấn Nam trong đêm nhạc ra mắt của mình tại Hà Nội đã minh chứng cho sức hấp dẫn của piano jazz, cho tài năng của Tuấn Nam và hơn thế, cho cả tình yêu của anh với jazz. Tuấn Nam đang tiếp tục hành trình với những dự án làm album phòng thu cho các nghệ sĩ mang màu sắc của jazz.

2. Điều thú vị là, năm 2021, nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc trình làng một dự án mới đầy hấp dẫn khi kết hợp jazz với âm nhạc truyền thống. Anh rút lui khỏi sân khấu biểu diễn mà tiếp tục hành trình jazz với vai trò là Giám đốc âm nhạc. Liên tục hai dự án "Dân gian trên jazz/ Dân gian trên Dây" và "Jazz Duyên" ra đời đã mở ra những không gian đa chiều cho nhạc jazz. 

Anh chia sẻ: "Tôi muốn thể nghiệm jazz với âm nhạc dân gian và từ góc nhìn của người làm jazz, với tôi đương nhiên cầu nối giữa dân gian và giao hưởng phải là nhạc jazz. Ngôn ngữ chính của jazz là sự ngẫu hứng, nó dùng cái ngẫu hứng để nói lên cá tính của nghệ sĩ. Và chính cái ngẫu hứng đấy của jazz gặp được cái ngẫu hứng của dân tộc. Bản thân tôi đã có 6 - 7 năm làm việc với các nghệ nhân, làm việc với âm nhạc dân tộc, và từ rất lâu rồi cũng đã muốn làm một chương trình solo với dàn dây, nên muốn tranh thủ sự kết hợp này để thể nghiệm xem dân gian, jazz, giao hưởng gặp nhau sẽ thế nào, để nghe xem hiệu quả của âm nhạc dân tộc đấy - khi jazz là cầu nối ở giữa và kết hợp với giao hưởng thì tổng thể nó lên như thế nào". 

Lần đầu tiên 4 loại hình âm nhạc truyền thống là chèo, tuồng, cải lương, âm nhạc bản địa mang âm hưởng miền núi Tây Bắc kết hợp với jazz tạo nên những sắc thái mới cho âm nhạc. Hơn 40 nghệ sĩ nhạc dân tộc và nhạc jazz trình diễn các sáng tác mới kết hợp gữa âm nhạc truyền thống, nhạc jazz, dàn dây và kèn đồng của nhạc giao hưởng. 

Đặt nền tảng cơ bản là âm nhạc dân tộc, kết hợp nhạc jazz phóng khoáng, bay bổng, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc đã mang đến một không gian âm nhạc hòa trộn giữa truyền thống và hiện đại. Nhạc jazz trên nền âm nhạc truyền thống trở nên gần gụi, mang hơi thở đương đại hơn còn âm nhạc truyền thống, cũng mới mẻ hơn, nhiều sắc màu hơn khi kết hợp với jazz. 

Sau thành công đó, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc sẽ tiếp tục với dự án "Jazz Duyên", đưa những làn điệu quan họ da diết cùng chất phiêu của dòng nhạc jazz kết hợp với nhau tạo nên một trải nghiệm âm nhạc đầy phá cách. "Jazz Duyên" là nơi gặp gỡ, là điểm chạm âm nhạc đầy chất "duyên" giữa hai âm hưởng đến từ hai nền văn hóa và thời đại khác biệt. "Một nốt jazz vang lên và bạn biết đó là quan họ" là cách mà nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc miêu tả về dự án của mình. 

Với "Jazz Duyên" và dự án "Jazz trên Dây" trước đó, khán giả sẽ cảm nhận sâu sắc sự "đồng hiện" của hai dòng nhạc mang âm hưởng tưởng chừng như đối lập, nhưng lại cùng hiện hữu và hòa âm thật tự nhiên, giống như cách âm nhạc phá vỡ mọi biên giới, mọi tên gọi, mọi định nghĩa, để vươn tới tự do.

Một tiết mục trong hòa nhạc Dân gian trên Jazz.

"Jazz Duyên" là cột mốc tiếp theo trên hành trình thể nghiệm jazz và các chất liệu dân gian sau "Dân gian trên Jazz/Dân gian trên Dây" của nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc. Là một nghệ sĩ Jazz Việt Nam, anh vẫn luôn ấp ủ khát vọng mang âm hưởng dân tộc Việt xuất hiện trên bản đồ nhạc jazz thế giới. Dù nhận được nhiều lời mời làm việc tại châu Âu, Mỹ, nhưng anh đều từ chối và chuyên tâm với con đường nghệ thuật ở Việt Nam, với khát vọng được cống hiến cho âm nhạc nước nhà. 

Trên hành trình đó nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc luôn nghiên cứu và tìm kiếm các khả năng kết hợp khác nhau của jazz với âm nhạc dân gian hay nhạc cụ truyền thống, với mong muốn phát triển âm nhạc truyền thống trong những không gian âm nhạc mới lạ và đương thời hơn. 

Hòa nhạc "Dân gian trên Jazz/Dân gian trên Dây" tổ chức tháng 12/2020 và hòa nhạc "Jazz Duyên" tới đây chính là những cột mốc đầu tiên trên hành trình thể nghiệm đó và hứa hẹn sẽ còn nhiều hơn nữa những dấu ấn vẫn còn ấp ủ trong thời gian sắp tới. Điều đáng nói là dự án đã quy tụ được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, như nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hoàng Anh với cây sáo trúc huyền thoại, nghệ sĩ trống Lê Việt Hùng, nghệ sĩ ghi ta Hoàng Xuân Tùng.... 

Nghệ sĩ Lê Việt Hùng là một tay trống "lão làng" trong giới nhạc jazz Việt Nam và là một cái tên đã khá quen thuộc trên các sân khấu trong nước và quốc tế. Lần này đến với "Jazz Duyên" là một trải nghiệm đặc biệt của "tay trống" Lê Việt Hùng khi anh được chơi jazz và cảm nhận jazz theo một cách rất "dân tộc", rất "Việt Nam". 

Cũng như những người "đồng nghiệp" cùng đến với buổi hòa nhạc này, anh gửi gắm tình yêu nhạc jazz và trái tim của một người con Bắc Bộ vào mỗi tác phẩm với mong muốn truyền tải những tinh hoa hòa quyện ấy đến với người yêu nhạc Việt Nam. 

Còn với nghệ sĩ Hoàng Xuân Tùng, mối duyên giữa anh và quan họ có lẽ đã bắt đầu khi anh vẫn còn là một cậu sinh viên theo học tại Ba Lan, tác phẩm jazz hòa phối đầu tiên của anh có nguyên tác là một bài quan họ cổ. 

Cũng từ đây, niềm đam mê và sự hứng thú với âm nhạc dân tộc của một nghệ sĩ jazz lớn dần trong anh, thôi thúc anh tìm tòi nhiều hơn, khám phá nhiều hơn và sáng tạo nên những tác phẩm mới mẻ...

Rõ ràng, jazz Việt đang có những khai mở mới trên con đường tiếp cận công chúng, định hình rõ nét hơn nữa vị thế của mình. Và con đường đó, càng ngày càng có nhiều nghệ sĩ dấn thân, đồng hành, mang đến những sắc màu mới cho đời sống âm nhạc Việt Nam.

(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.