You are here

Johannes Brahms - Giao hưởng số 2 Rê trưởng

Tác giả: 
Mai Hạnh

Nghe Brahms, ta như nghe được thanh âm và nhìn được cảnh sắc của núi rừng châu Âu: từ âm khu trầm như thung lũng sâu, cho tới tiếng sáo réo rắt tựa tiếng suối hay chim ca. Điều này thể hiện rõ nhất trong các giao hưởng của ông, đặc biệt là Giao hưởng số 2 Rê trưởng.

Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Op. 73, được Johannes Brahms sáng tác vào mùa hè năm 1877, trong chuyến thăm Pörtschach am Wörthersee, một thị trấn ở tỉnh Carinthia của Áo. Quá trình sáng tác của bản số 2 rất ngắn so với 21 năm Brahms dành để hoàn thành Bản đầu tiên của mình.

Không khí dịu dàng, vui tươi mang chất đồng quê của bản giao hưởng thường được sánh với giao hưởng 6 của Beethoven. Có lẽ để gây bất ngờ cho công chúng, Brahms đã viết cho bên nhà xuất bản của mình rằng bản giao hưởng "u sầu đến mức không thể chịu đựng được. Tôi chưa bao giờ viết bất cứ điều gì buồn như vậy, và bản nhạc khi đem ra sẽ buồn đến tang thương”. Và đến khi tác phẩm vang lên thực sự vào buổi ra mắt tháng 12 năm 1877 tại Vienna, mọi người như được an ủi bởi âm nhạc ông viết thật đẹp, thật vui như khúc hoan ca.

Tác phẩm gồm có 4 chương:

Chương I được Brhams đề là Allegro non troppo – không quá nhanh. Bè cello và contrebass mở đầu chương với cảm giác yên ả, nhẹ nhàng, giới thiệu nét giai điệu chủ đề 1. Các kèn hơi liền tiếp nối ngay, dẫn dắt giai điệu đi tiếp. Tổng hoà âm sắc ở đoạn mở đầu khiến người nghe như thấy mình lạc vào một không gian huyền ảo giữa núi rừng. Giai điệu chủ đề chính trước tiên do Violon dẫn dắt, rồi sáo flute nhắc lại ngay sau đó; và motif 4 nốt của mở đầu được củng cố thêm. Các cây kèn gỗ tiếp tục triển khai âm hình, dần dần các nhạc cụ khác cùng tham gia và đưa cường độ lên mức forte – mạnh. Khi khán giả nhận ra giai điệu Lullaby (hát ru) nổi tiếng vang lên trên bè viola và cello, đó cũng chính là khi chủ đề 2 của chương 1 được mở ra. Thoạt đầu chủ đề này ở màu giọng thứ, sau chuyển sang trưởng với bè flute chạy những nốt cao ở trên, càng thêm duyên dáng và ngọt ngào. Hai chủ đề của chương 1 không thực sự tương phản, mà bổ trợ cho nhau trong một mạch âm nhạc mềm mại nhịp nhàng của điệu valse.

Phần phát triển nhấn mạnh lần nữa motif mở đầu và triển khai bằng thủ pháp phức điệu (fugue) rồi đưa chương nhạc đến cao trào. Khi bè trombone thổi vang motif 4 nốt, là khi chương nhạc đi vào phần tái hiện, kết hợp với chủ đề 1 được trở lại ở hình dáng cũ trên khối đàn dây. Chủ đề 2 trong phần tái hiện có phần tươi mới và sáng sủa hơn so với khi mới trình bày ở đầu chương. Để chuẩn bị kết thúc chương nhạc, Brahms chỉ định In tempo, sempre tranquillo, và trạng thái này bao trùm cho đến hết chương.

Chương II được chỉ định Adagio non troppo – không quá chậm, mà mang vẻ đẹp nội tâm, có suy tư sâu sắc, với cấu trúc gần như ở dạng 3 phần. 12 nhịp đầu chương là giai điệu phần thứ nhất do bè cello diễn tấu, đi cùng giai điệu đối vị của bè bassoon. Dẫu ban đầu âm hưởng đó khá nặng nề, nhưng ngay sau đó liền có nét nhạc nhẹ nhàng hơn tiếp đáp, và khung cảnh sáng dần – như Brahms muốn diễn tả thông điệp lạc quan khi đối mặt với những góc khuất cuộc sống. Chủ đề phần giữa cùng tốc độ, duyên dáng (L'istesso tempo, ma grazioso), mở đầu với lối tiết tấu đảo phách do flute thổi ở âm khu cao, đồng thời clarinet đan xen ở âm khu thấp hơn, và theo sau là âm hình dài của đàn dây. Ý nhạc này được triển khai đến cao trào, và sau đấy âm điệu chủ đề phần đầu tiên trở lại, được biến tấu thành nhiều dạng khác nhau. Chương nhạc kết thúc bằng một coda, chủ yếu xây dựng từ chất liệu chủ đề 1.

Chương III mở ra một khung cảnh êm dịu, thành phần dàn nhạc không còn trống và các kèn đồng, riêng horn sử dụng 3 cây. Nhãn Allegretto grazioso nghĩa là hơi nhanh, mà duyên dáng, hai chữ quasi andantino đi kèm diễn tả cảm giác thư thả, gần như bước dạo khoan thai. Có người cho rằng người dân thành Vienna yêu thích Giao hưởng số 2 của Brahms cũng vì trong tác phẩm có đến hai chương dùng nhịp valse 3/4 họ ưa chuộng: một là chương đầu, và thứ nữa là chương ba này. Giai điệu mở đầu do kèn oboe thể hiện, và đàn cello gảy pizzicato làm nền. Phần giữa tương phản, vẫn là cùng giai điệu như ở phần đầu nhưng gây ngạc nhiên cho người nghe bởi tiết nhịp đột ngột chuyển sang 2/4, trong nhịp độ Presto ma non assai (khá nhanh, nhưng không quá mức), khởi đầu từ dàn dây, rồi dần dần là cả dàn nhạc cùng thể hiện âm điệu chính. Sau đó âm nhạc trở lại tốc độ ban đầu với trạng thái thư thả hơn, đan xen một đoạn Presto bất ngờ rồi cuối cùng quay về không khí yên bình.

Mở đầu chương cuối Allegro con spirito (Nhanh, có tinh thần) là tiếng rì rầm nội lực của khối đàn dây. Rồi cả dàn nhạc gây bất ngờ cho người nghe với chủ đề chính, một giai điệu bừng sáng, mang sức sống như diễn tả cảnh vũ hội ngày hè. Violon trình bày chủ đề mới largamente – chậm, mênh mang, rồi các cây kèn hơi nhắc lại giai điệu đó và đưa tới cao trào. Khúc đoạn này điển hình cho chất dào dạt trữ tình của Brahms, cảm giác sống động và nồng ấm, đó là một khối hoà quyện giữa niềm xúc động của trái tim với dòng suy ngẫm rành mạch của lý trí. Giữa chương có một phần tranquillo (yên tĩnh), kìm giữ cho chương nhạc lắng đọng trước khi tiến vào phần tái hiện căng tràn sức sống. Gần như Mozart, Brahms cũng có tài năng khiến cho tâm trạng âm nhạc thay đổi linh hoạt mà vẫn thuyết phục người nghe hoàn toàn. Cuối Giao hưởng, cảm xúc của âm nhạc càng tươi mới, như tâm trạng một người trở về sau chuyến đi dài hoà mình vào thiên nhiên.

Giao hưởng số 2 Rê trưởng của J. Brahms được trình diễn vào buổi Hoà nhạc đặc biệt – Kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc vào 23 tháng 10 năm 2022, tại Phòng hoà nhạc lớn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, do nhạc trưởng Honna Tetsuji và VNSO thể hiện.

Nghe tác phẩm: https://www.youtube.com/watch?v=6nKd-ia7_Lc&ab_channel=harpsichordVal

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.