You are here

Kalinka – Bài hát "dân ca" đặc biệt

Tác giả: 
Nam Nguyên

Với thế giới âm nhạc thì bài hát “dân ca Nga” nổi tiếng nhất là Kalinka – giai điệu rất hay nhưng đơn giản dễ nhớ, dễ đi kèm với múa phụ họa và sôi động, cả đơn ca cả hát bè đều tốt, có gì đó gợi mở lòng hiếu khách rất giống tính cách Nga. Nhưng thực ra đây là bài hát có tác giả hẳn hoi, chỉ vì nó lan truyền nhanh quá người ta chẳng còn nhắc tới người sáng tác nữa. Và đã được coi là “dân ca” thì tức là nó đạt tới đỉnh cao của lòng mến mộ của quần chúng rồi.

Đầu tiên để bạn đọc chúng ta là người Việt đỡ loay hoay, xin nói luôn “Kalinka” trong tiếng Nga chả có ý nghĩa gì cả, tức là đừng tìm hiểu nó làm gì, không có đâu! Thậm chí còn chả phải là tiếng Nga cổ, mà chỉ nghe quen quen vậy thôi – phải chấp nhận sự thực ấy đi rồi sẽ thấy có lẽ đó là điều kiện đầu tiên để bài hát trở nên cực kỳ nổi tiếng như vậy. Bài hát còn hay được gọi với cái tên “Kalinka-malinka” – “malinka” thì có nghĩa, đó là quả dâu (raspberry). Nhưng “kalinka-malinka của tôi” thì đó là một luống cây, một khoảng vườn xanh tốt, mởn mơ – cũng như một khung trời của chàng mugic Nga yêu đời, hiếu khách vậy – một trạng thái tâm hồn! Trong tiếng Việt, âm nhạc Việt có trường hợp giống thế không? Xin thưa, có “lá diêu bông” chẳng hạn, hay tiếng Anh có O-la-di Ob-la-da cũng tương tự. Lời ca truyền tải đi một thông điệp của tâm hồn, mặc dù trong ngôn ngữ chúng ta không biết tới...

Tác giả của nó sinh thời rất nổi tiếng – Ivan Petrovich Larionov (1830-1889) và năm ra đời bài hát này là 1860. Ông Larionov khá đa tài, ngoài chuyện soạn nhạc, chỉ huy dàn nhạc lại còn viết lịch sử âm nhạc, sưu tầm dân ca hò vè... thế nên người ta cứ nghĩ “hay thế này chắc dân ca ở đâu bác ấy sưu tầm đem về tập để trình diễn” – mà ngày xưa làm gì có tiền bản quyền, lại chả có mạng xã hội, nên cãi kiểu gì? Mãi tới 2008, tức là 150 năm sau hậu thế mới chứng minh bằng vật chứng được rằng ông thực sự là cha đẻ của ca khúc này! Larionov vốn từ nhỏ theo trường thiếu sinh quân, rồi tham gia kỵ binh, 28 tuổi đã ra quân và về ở tại quê nhà Saratov. Ông chịu khó đi sưu tầm những bài hát dân ca khắp nước Nga Sa hoàng mênh mông, tổng cộng tìm được tới 400 bái hát và giai điệu, nên “Kalinka” chả ai tin là ông sáng tác cũng phải – ông và các nghệ sĩ đồng nghiệp lần đầu biểu diễn nó trong một vở nhạc kịch. Nhưng nó trở nên nổi tiếng khắp nơi nhờ vào tài năng của người bạn thân là ca sĩ nhạc dân tộc Dmitry Agrenev-Slavyanskiy. Đúng thôi, tác phẩm hay phải có người PR giỏi...

Chúng ta có lẽ quen nhất với cách trình diễn “Kalinka” gồm cả dàn nhạc, đồng ca, tốp múa và có thể cả giọng đơn ca nữa, chẳng hạn dàn nhạc quân đội mang tên Alexandrov (mà một nửa đã bị tai nạn máy bay) – vô cùng sôi động nhưng không thiếu những phút giây ngưng đọng, và màn múa kiểu dân tộc thì quả là vô đối:

Có thể nhiều bạn đã xem và yêu mến đoàn ca nhạc mang tên Alexandrov nhưng không biết đó là ai: đấy chính là nghệ sĩ, nhạc sĩ và tác giả nhạc cho quốc ca CCCP. Còn đoàn ca múa nhạc quân đội này đem âm nhạc Nga đến khắp nơi trong và ngoài nước. Thật buồn khi chiến tranh cướp đi những nghệ sĩ tuyệt vời thế này – hãy xem lĩnh xướng Golikov hát live trên radio – anh cùng 63 đồng nghiệp đã rơi máy bay trên đường bay sang chiến trường ở Syria năm 2016:

Người ta hay múa cùng với “Kalinka” tới mức vũ công nước ngoài quen gọi “Kalinka” thay cho “điệu múa dân gian Nga”. Các động tác đặc biệt của nam giới chắc các bạn đều đã thấy, quen thuộc nhất là đứng lên ngồi xuống rất nhanh với hai tay chống vào sườn rồi lại giang rộng ra, hay ngồi xổm nhưng duỗi chân ra liên tục - đặc biệt khó nhất là độ bật nhảy cực cao của các diễn viên nam bất kể là đang đi ủng da! Nếu bạn trẻ có kỹ thuật tốt lại đang phấn khích thì “Kalinka” của bạn sẽ tuyệt vời, bất kể có nhạc hay không:

Nhưng “Kalinka” của nữ thì tuy cũng rất sôi động nhưng lại đằm thắm hơn rất nhiều:

Người ta có thể nhảy múa Kalinka một mình, trên sân khấu, trên băng, trên ngựa....chẳng hạn để biểu diễn cho nữ hoàng Anh, thật hay nhưng cũng thót cả tim:

(những bài nhạc khác của show diễn này cũng đều tuyệt vời, các bạn hãy xem lại từ đầu, không phí đâu!)

Đã từ lâu “Kalinka” được coi như tấm danh thiếp của nước Nga (hay khi xưa là CCCP), còn trước cả những “Katiusha” và “Chiều Matxcơva”. Chẳng hạn tại hội nghị ASEAN năm 2016 tại Sochi có cả Việt Nam ta, đại diện nước chủ nhà Nga là người phát ngôn bộ ngoại giao Zakharova đã giữ lời hứa sẽ nhảy múa, và cô độc diễn rất hay:

Có lẽ điệu nhảy đẹp đó cũng xóa bớt đi được hình ảnh nước Nga với Tổng thống Eltsin say rượu giật lấy đũa chỉ huy dàn nhạc, rồi hát “Kalinka” khi thăm nước Đức năm 1994:

Tổng Tập cũng đón Putin bằng “Kalinka” – hay nhưng buồn ngủ, thà quậy như Yeltsin còn vui hơn...:

Vậy lời bài hát về điều gì, dù không quá quan trọng? “Em Kalinka của tôi, trong vườn đầy trái ngọt, hãy cho tôi nằm ngủ dưới gốc thông xanh. Hãy ru tôi ngủ, đừng xào xạc, hãy yêu tôi nhé, người đẹp Kalinka thân thương...!”.

Có lẽ đánh giá tấm lòng rộng mở của mugic Nga không ai hơn được... người Đức! Ivan Rebrov lớn lên ở Đức nhưng khi đã thanh niên muốn về Liên Xô học hát tiếng Nga như tiếng của cha mẹ anh – và trở thành người hát “dân ca Nga” còn hay hơn cả người Nga với giọng ca tuyệt đẹp:

Còn Helena Fisher là người Nga, lớn lên ở Siberia, sang Đức khi đã lớn, và tất nhiên cô không bao giờ giấu điều đó, cô hát ”Kalinka” trước 50.000 khán giả Đức:

Kalinka cũng trở thành một giai điệu quốc tế từ lâu, chẳng hạn các bạn... Ấn Độ rất khoái (Việt Nam ta cũng rứa thôi, còn chưa múa được thế này đâu):

Trên sân băng cặp đôi huyền thoại Rodnina-Zaisev đã thi đấu dưới nhạc “Kalinka”:

Cổ động viện Chelsea hát “Kalinka” trước mỗi trận đấu – nó trở thành bài hát riêng của họ ở Anh. Khi vòng chung kết bóng đá thế giới diễn ra ở Nga rất nhiều cổ động viên các nước đã học sẵn bài hát này – bằng tiếng Nga nhé – để cổ động cho đội mình và tất cả! Còn khi đội Nga thắng Tây Ban Nha thì tất nhiên người ta hát và múa “Kalinka” trước và sau trận đấu rồi! Không một trận khúc côn cầu nào của tuyển Nga lại thiếu “Kalinka”. Các ban nhạc metal cũng rất thích lấy giai điệu “Kalinka” để diễn vì nó khá “bạo lực”... Có lẽ vì nghĩa tiếng Nga không rõ nên hình như người ta chả phổ lời cho giai điệu này ở ngôn ngữ nào, tuy vậy âm nhạc truyền tải được tất cả! Nhạc hòa tấu có lẽ hay nhất do dàn nhạc của Paul Mauriat trình diễn, các bạn nghe kỹ sẽ thấy sau gần 30 năm ông dựng lại “Nga” hơn hẳn:

1965:

1993:

Có ít bài hát Nga nào mà lúc thì cuồng nhiệt bốc lửa, lúc thì trầm lặng sâu lắng như “Kalinka” - bỗng nhiên ta nghe và liên tưởng tới câu thơ “Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới sa nửa vời/ Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/ Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”! Có thể nghe/xem bài hát và giai điệu này mãi, xin kết thúc bởi một clip rất đẹp với phần trình diễn của tam tấu dương cầm Bel Suono cùng đoàn ca múa nhạc quân đội mang tên Alexandrov – sức sống mãnh liệt của người Nga không ai thể hiện được hay hơn:

Bonus: Aida Garifullina và Ronaldinho tại lễ chung kết bóng đá thế giới 2018:

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.