You are here

Kirill Kondrashin - Người tạo dựng âm thanh độc đáo cho các dàn nhạc

Tác giả: 
Ngọc Tú tổng hợp

Trong các nhạc trưởng Liên Xô, không có ai có được một kịch mục biểu diễn bao trùm lên các bản giao hưởng, các vở opera cũng như cộng tác với nhiều nghệ sĩ độc tấu như Kirill Kondrashin.

Kirill Kondrashin.

Kirill Kondrashin chắc chắn là nhạc trưởng Liên Xô nổi tiếng nhất trong bối cảnh cuộc Chiến tranh lạnh đang diễn ra. Mặc dù Evgeny Mravinsky đã xây dựng được cho mình một đế chế không gì sánh được tại Leningrad Philharmonic nhưng khi đó, ông hiếm khi biểu diễn tại phương Tây và chỉ được họ biết đến thông qua một số bản thu âm ít ỏi. Trong khi đó, Kondrashin là nhạc trưởng Xô viết đầu tiên được mời đến chỉ huy, thu âm tại Mỹ và đã nhanh chóng gây dựng được tiếng vang cho mình trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, việc ông quyết định rời bỏ quê hương Liên Xô để định cư tại Hà Lan càng khiến cho tên tuổi của ông được biết đến rộng rãi. 

Thật đáng tiếc khi sự nghiệp biểu diễn của ông tại phương Tây chỉ kéo dài trong hơn hai năm. Nhưng đó cũng là một khoảng thời gian đáng kể để Kondrashin thoải mái bộc lộ cá tính nghệ thuật của mình. Sự qua đời đột ngột của Kondrashin vì một cơn đau tim vào năm 1981, khi ông vừa được bổ nhiệm lời mời làm nhạc trưởng chính của Bavarian Radio Symphony Orchestra đã ngăn cản ông thực hiện những đam mê âm nhạc của mình, và đó cũng là một tổn thất lớn lao đối với những người yêu nhạc cổ điển.

Khởi đầu suôn sẻ

Ông Peter Kondrashin, cha của Kirill là một nghệ sĩ violin và viola tài ba, dù không nhận được một sự giáo dục âm nhạc chính thống. Năm 1909, nhạc trưởng Serge Koussevitzky sau những tháng ngày biểu diễn tại châu Âu đã trở về Moscow và thành lập dàn nhạc của riêng mình và Peter đã trở thành thành viên của dàn nhạc. Năm 1913, trong một chuyến lưu diễn của dàn nhạc dọc bờ sông Volga, Peter đã gặp Anna Tamina, một cô gái gốc Do Thái ít hơn mình 13 tuổi và cũng là một nghệ sĩ violin tài năng. Yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên và cùng trở về Moscow, họ kết hôn, bất chấp sự khác biệt về tôn giáo. Anna sau đó cũng trở thành thành viên của dàn nhạc Koussevitzky và ngày 6/3/1914, đứa con duy nhất của họ, Kirill ra đời. Cuộc sống của gia đình họ trở nên vất vả khi tháng 3/1917, với những biến động về tình hình chính trị và kinh tế, Koussevitzky phải giải thể dàn nhạc của mình. Ông Peter phải chơi nhạc cho những quán ăn, quán cà phê, công việc mà ông đã từng làm trước khi cộng tác cùng Koussevitzky. Còn bà Anna thì may mắn hơn, được tham gia dàn nhạc của Bolshoi Theatre Orchestra và là người phụ nữ đầu tiên có được vinh dự này. Sau đó, Peter cũng trở thành thành viên của dàn nhạc với vai trò nghệ sĩ viola. Có những giai đoạn, họ biểu diễn mà không nhận được tiền, chỉ được trả bằng hiện vật, thường là một túi khoai tây hoặc hộp thức ăn. Vì lịch biểu diễn và tập luyện của cha mẹ cậu trùng nhau nên có nhiều khoảng thời gian trong ngày, Kirill thường phải ở nhà một mình trong cũi. 

Sinh ra trong một gia đình âm nhạc nên không có gì ngạc nhiên khi lên 6 tuổi, Kirill bắt đầu được cha mẹ cho theo học piano tại trường Âm nhạc thiếu nhi Stasov. Ông nhớ lại: “Trong thời niên thiếu của tôi, Moscow có một dàn nhạc không có nhạc trưởng mà cha mẹ tôi là thành viên. Họ thường dẫn tôi tới các buổi luyện tập của dàn nhạc. Đến năm 13 tuổi, sự yêu thích nghiêm túc của tôi đối với âm nhạc đã được xác định - tôi chọn dàn nhạc giao hưởng là sự nghiệp của mình”. 

Niềm đam mê với âm nhạc của Kirill ngày càng trở nên mãnh liệt khi vào năm 1929, cậu theo học những bài học tư về lý thuyết âm nhạc với Nikolai Zhilyaev- một nhà âm nhạc học nổi tiếng, từng là học trò của Sergei Taneyev tại nhạc viện Moscow và sau là thầy giáo của những nhà soạn nhạc nổi tiếng như Aram Khachaturian, Lev Knipper hay Samuil Feinberg. Chính Zhilyaev đã mở ra một chân trời âm nhạc mới cho Kirill. Những bài học về hòa thanh, phức điệu và phân tích tác phẩm của Zhilyaev đã giúp Kirill có một cái nhìn tổng thể xuất sắc về âm nhạc và hỗ trợ cậu rất nhiều trong việc trở thành chỉ huy dàn nhạc trong tương lai. Chỉ sau hai năm học với Zhilyaev, năm 1931, khi 17 tuổi, Kirill đã trở thành trợ lý nhạc trưởng tại Nhà hát thiếu nhi Moscow đồng thời theo học lớp chỉ huy opera và giao hưởng tại Nhạc viện Moscow trong lớp của nhạc trưởng danh tiếng Boris Khaikin.

Tài năng của Kondrashin ngay lập tức đã được thể hiện khi anh vẫn đang là sinh viên. Ngày 25/10/1934, khi chỉ mới 20 tuổi, Kondrashin đã có buổi chỉ huy đầu tiên trong cuộc đời mình khi anh là nhạc trưởng trong vở opera Les cloches de Corneville (Robert Planquette) tại Nemirovich-Danchenko Music Theatre, Moscow và được nhận làm trợ lý nhạc trưởng tại nhà hát này. Năm 1936, anh tốt nghiệp nhạc viện. Khaikin được bổ nhiệm làm nhạc trưởng chính tại Nhà hát opera và ballet Maly, Leningrad và ngay lập tức ông đã đưa cậu học trò tài năng của mình về làm trợ lý tại đây. Kondrashin đã nhận được sự tin tưởng của người thầy giáo của mình. Bên cạnh việc trợ giúp Khaikin trong công việc luyện tập và dàn dựng các tác phẩm, Kondrashin cũng đã được nhiều lần trực tiếp chỉ huy trên sân khấu như trong các vở opera Madama Butterfly (Giacomo Puccini), Đám cưới Figaro (Wolfgang Amadeus Mozart) hay Boris Godunov (Modest Mussorgsky).

Năm 1938, chàng trai trẻ 24 tuổi Kondrashin tham gia cuộc thi chỉ huy toàn Liên bang Xô viết lần thứ nhất tại Moscow với ban giám khảo gồm những tên tuổi nổi tiếng như Samuel Samosud (trưởng ban), Nikolai Myaskovsky, Heinrich Neuhaus, Alexander Gauk, Dmitry Kabalevsky và một số tên tuổi khác. Kondrashin chỉ được nhận bằng khen nhưng đó là một cơ hội quý báu để anh tiếp xúc với những nhạc trưởng trẻ tuổi ưu tú khác. Người đoạt giải nhất là Mravinsky. Cũng chính từ cuộc thi này, tài năng của Kondrashin đã thu hút sự chú ý của David Oistrakh. Nghệ sĩ violin xuất chúng này đã mời Kondrashin biểu diễn cùng ông và Moscow Philharmonic vào tháng 12/1938. Đây là lần ra mắt của Kondrashin với dàn nhạc này, mở đầu cho một sự cộng tác dài lâu sau đó. Trong đêm diễn, Kondrashin đã chỉ huy bản giao hưởng số 4 Italian và concerto violin của Felix Mendelssohn. Chỉ sau một buổi diễn tập, Kondrashin đã nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ Oistrakh, đánh dấu sự khởi đầu cho một mối quan hệ âm nhạc chặt chẽ và hiệu quả kéo dài hơn 30 năm. 

Gây dựng danh tiếng

Trong những năm trước chiến tranh, Kondrashin ngoài công việc trợ lý chỉ huy cho Khaikin còn thường xuyên làm việc với những dàn nhạc tại Moscow. Anh hầu như không chỉ huy Leningrad Philharmonic, nơi Mravinsky đang dần dần tạo dựng dấu ấn của mình. Buổi biểu diễn bản giao hưởng số 1 của Dmitri Shostakovich của anh đã khiến nhà soạn nhạc hết sức ấn tượng. Sau này Kondrashin chính là nhạc trưởng đầu tiên trên thế giới thu âm trọn bộ các bản giao hưởng của Shostakovich.

Sau bảy năm gắn bó với nhà hát Maly, năm 1943, Kondrashin trở thành nhạc trưởng của Nhà hát Bolshoi, nơi từng rất gắn bó với gia đình ông. Những đồng nghiệp của ông tại đây là Samosud, Ariy Pazovsky và Nikolai Golovanov. Danh mục biểu diễn của Kondrashin được mở rộng với các vở opera The Power of the Fiend (Alexander Serov) hay Bartered Bride (Bedřich Smetana), những tác phẩm giúp ông giành được hai giải thưởng Stalin liên tiếp trong các năm 1948, 1949. Năm 1949, Kondrashin chỉ huy Moscow Youth Symphony Orchestra giành giải Grand Prix tại Liên hoan Budapest. Mặc dù ông còn gắn bó với Nhà hát Bolshoi cho tới năm 1956 nhưng từ cuối những năm 1940, Kondrashin chuyển sang chỉ huy các tác phẩm khí nhạc thường xuyên hơn. Ông cho biết: “24 năm đầu tiên của sự nghiệp tôi làm việc trong các vở opera. Sự sùng bái ca sĩ đang tồn tại ở Liên Xô lúc đó khiến công việc của một nhạc trưởng như một người đệm đàn. Chính vì vậy tôi đã rời bỏ công việc tại nhà hát Bolshoi và chuyển sang các tác phẩm khí nhạc”. Những năm sau đó, không có một dàn nhạc của riêng mình, Kondrashin hoạt động như một nghệ sĩ tự do trên khắp đất nước Xô viết. Cuộc sống của một người “du mục” đã khiến ông thích ứng dễ dàng với nhiều môi trường khác nhau đồng thời nâng cao đáng kể trình độ chuyên môn của mình.

Kirill Kondrashin có một sự nghiệp rực rỡ và để lại nhiều bản thu âm kinh điển. Nguồn: musicbrainz.org

Năm 1958, cuộc thi quốc tế Tchaikovsky lần đầu tiên được diễn ra. Van Cliburn đã giành chiến thắng đầy ngoạn mục trong phần thi dành cho các nghệ sĩ piano. Nhạc trưởng chỉ huy trong đêm chung kết của Cliburn chính là Kondrashin. Sau khi trở về nước, cảm phục trước tài năng của ông, Cliburn đã mời Kondrashin đến Mỹ. Cliburn cho biết: “Kondrashin là một trong những nhạc trưởng tài ba nhất mà Liên Xô đã sản sinh ra”. Được những người có thẩm quyền chấp thuận, Kondrashin đã trở thành nhạc trưởng đầu tiên của Liên Xô biểu diễn tại Mỹ. Chỉ hai ngày sau khi Cliburn chiến thắng trở về, Kondrashin và Cliburn cùng Symphony of the Air đã có buổi biểu diễn đáng nhớ tại Carnegie Hall trong piano concerto số 3 của Sergei Rachmaininov. Ngay sau đó, họ cùng nhau thu âm bản piano concerto số 1 của Peter Ilyich Tchaikovsky cho RCA Victor, một trong những đĩa nhạc thuộc dạng phải có trong bất kỳ bộ sưu tập nào. Kể từ đó, cái tên Kondrashin trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới và ông nhận được rất nhiều lời mời biểu diễn tại các nước phương Tây. Bản thân Cliburn trong lần trở lại Moscow vào năm 1962 đã đề nghị được tiếp tục cộng tác cùng Kondrashin.

Một giai đoạn mới và quan trọng nhất đã mở ra đối với Kondrashin. Kondrashin thực sự là một nhà tiên phong tại Liên Xô. Nhà phê bình âm nhạc Matthias Sokolsky nhận xét: “Chúng ta phải tri ân lòng dũng cảm và sự kiên trì, tuân thủ các nguyên tắc, sự tinh tế và thẩm mỹ âm nhạc của Kondrashin. Anh ấy đã hoạt động như một nghệ sĩ Xô viết tiên tiến, có tầm nhìn rộng rãi và sự cảm nhận sâu sắc, như một nhà tuyên truyền nhiệt huyết về sự sáng tạo của Liên Xô. Và trong thử nghiệm nghệ thuật táo bạo, sáng tạo này, anh ấy đã nhận được sự hỗ trợ của Moscow Philharmonic. Tại đây, với Moscow Philharmonic, trong những năm qua tài năng xuất chúng của Kondrashin đã được toả sáng một cách đặc biệt rực rỡ. Những bộc lộ bỏng cháy, cao trào kịch tính và sự biểu cảm nồng nàn vốn có của một Kondrashin trai trẻ vẫn là những nét đặc trưng trong nghệ thuật của Kondrashin ngày nay. Chỉ đến bây giờ, thời điểm của sự trưởng thành tuyệt vời, chân chính mới đến với anh ấy”.

Bước ngoặt số phận và sự nghiệp

Ngày 14/7/1966, Kondrashin công diễn lần đầu cùng New York Philharmonic trong các tác phẩm của Rimsky-Korsakov, Tchaikovsky và Igor Stravinsky. Năm 1968, ông có buổi ra mắt cùng Concertgebouw Orchestra. Năm 1970, Kondrashin và Moscow Philharmonic có chuyến lưu diễn tại Mỹ. Kondrashin gắn bó với Moscow Philharmonic cho đến năm 1975. Mặc dù gặt hái được rất nhiều thành công nhưng ông cũng tỏ ra bất mãn: “Ở Liên Xô có sự khác biệt lớn về mặt tiền lương giữa các dàn nhạc với nhau. Khi tôi tiếp nhận dàn nhạc, Moscow Philharmonic không phải dàn nhạc có chất lượng tốt nhất. Trong 16 năm gắn bó, tôi đã đưa họ trở thành dàn nhạc hàng đầu nhưng vẫn có chênh lệch về tiền lương. Vì vậy, dẫn đến thực tế là các nhạc công giỏi nhất chuyển đến những dàn nhạc được trả lương cao hơn. Chất lượng dàn nhạc đi xuống và tôi bất lực trong việc ngăn cản”.

Tháng 12/1978, sau khi kết thúc chuyến biểu diễn tại Hà Lan, Kondrashin đã không trở về nước mà quyết định ở lại đây, xin tị nạn chính trị. Ngay lập tức, các bản thu âm của ông tại Liên Xô bị cấm đoán. Lý giải cho việc làm của mình, ông cho biết: “Tại sao tôi lại ở lại phương Tây? Tôi đã 64 tuổi, 47 năm đứng trên bục chỉ huy. Tuy nhiên, tôi nhận thấy bản thân mình còn nhiều cơ hội chưa được thực hiện”. Ngay sau đó, ông trở thành nhạc trưởng khách mời chính của Concertgebouw Orchestra. Trong giai đoạn này, Kondrashin cũng có những lần hợp tác cùng Berlin Philharmonic, Vienna Philharmonic và Bavarian Radio Symphony Orchestra. Một số bản thu âm của ông với các dàn nhạc phương Tây đã được thực hiện. 

Năm 1980, Bavarian Radio Symphony Orchestra ra thông báo Kondrashin sẽ trở thành giám đốc âm nhạc tiếp theo của dàn nhạc từ năm 1981. Kondrashin rất háo hức với công việc mới này: “Bản thân tôi cũng như mọi người nhất trí đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình chỉ huy của tôi sâu sắc hơn, chân thành hơn. Báo chí cũng tán dương khả năng biến đổi âm thanh trong dàn nhạc của tôi, khác với những dàn nhạc thông thường khác… Chỉ cần có sức khỏe và sức mạnh, tôi sẽ không dừng lại”. 

Tuy nhiên, điều mà cả Kondrashin và những người hâm mộ ông đang trông chờ đã không xảy ra. Ngày 7/3/1981, ông đã qua đời tại Amsterdam vì một cơn đau tim ngay sau khi ông vừa chỉ huy xong bản giao hưởng số 1 của Mahler cùng North German Radio Symphony Orchestra, chỉ một hôm sau sinh nhật lần thứ 67 của ông, khi Kondrashin còn chưa đảm nhiệm cương vị mới tại Bavarian Radio Symphony Orchestra. Mọi ý tưởng mới của ông đều đã không được thực hiện. Kondrashin được chôn cất tại nghĩa trang Westerfeld, Amsterdam.

Là một trong những nhạc trưởng xuất sắc nhất của Liên Xô và thế giới trong thế kỷ 20, Kondrashin, bằng cách riêng của mình, đã nỗ lực tạo ra một âm thanh độc đáo và không thể bắt chước cho các dàn nhạc của mình. Kirill Kondrashin luôn ấm áp, ân cần và chân thành trong mối quan hệ với những người mà ông tin tưởng và quen biết. Thật đáng tiếc khi thời kỳ tự do nhất trong phong cách biểu diễn của Kondrashin thật ngắn ngủi. Nếu như ông có thể bắt đầu một chương mới trong cuộc đời nghệ thuật của mình cùng Bavarian Radio Symphony Orchestra cũng như những dàn nhạc khác tại phương Tây, chắc chắn người yêu nhạc cổ điển trên thế giới sẽ còn được chứng kiến nhiều thành tựu phi thường hơn nữa của Kondrashin.

(Nguồn: https://tiasang.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.