You are here

Lễ Khánh thành Nhà lưu niệm Nhạc sĩ Đỗ Nhuận

Tác giả: 
Nguyễn Quang Phúc

(Bài diễn văn của đồng chí Nguyễn Quang Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương)

Kính thưa anh linh nhạc sĩ Đỗ Nhuận,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo đại diện các bộ, ban, ngành, các cơ quan Trung ương, địa phương,

Kính thưa các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể nhân dân và đại gia đình nhạc sĩ,

Hôm nay, trong không khí tự hào, xúc động, kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 50 năm chiến thắng trong chiến dịch 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, 65 năm ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chúng ta vui mừng dự Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh và khánh thành Nhà lưu niệm Người chiến sĩ cách mạng, người nghệ sĩ tài hoa - Đỗ Nhuận, Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đồng thời là một cán bộ Việt Minh tiền khởi nghĩa, một nhà báo, nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng.

Được sự phân công và ủy quyền của Thường trực Tỉnh ủy, thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương, tôi xin trân trọng gửi đến các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể nhân dân và gia đình nhạc sĩ lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất chèo Hoạch Trạch, Thái Học, Bình Giang, lại có bố phục vụ trong đội quân nhạc, Đỗ Nhuận sớm đã cảm hứng và đam mê âm nhạc. Ngay thủa thiếu thời, song song với việc học văn hóa, Đỗ Nhuận đã say sưa học nhạc. Năm 14 tuổi, ông đã sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc như: Sáo trúc, Tiêu, đàn Nguyệt, đàn Tứ, đàn Bầu.v.v... Bước vào những năm học trung học, ông bắt đầu tiếp xúc với âm nhạc phương Tây, nhưng khác với phần đông các nhạc sĩ thời đó theo khuynh hướng lãng mạn, Đỗ Nhuận bước vào làng âm nhạc bằng những bài ca yêu nước.

Năm 1939 ở tuổi 17, ông có tác phẩm đầu tay “Trưng Vương”. Năm 1941 ông hoàn thành ca - kịch “Nguyễn Trãi - Phi Khanh” và nhiều sáng tác khác. Những tác phẩm của ông được trình diễn đã góp phần cổ vũ lòng yêu nước và phong trào cách mạng của nhân dân ta tại thời điểm đó.

Cũng chính bởi những ca khúc này, cùng nhiều hoạt động yêu nước khác, ông được Mặt trận Việt Minh giao việc: in và rải truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng, vận động học sinh, thanh niên hưởng ứng các phong trào do Mặt trận Việt Minh phát động, ông đã trở thành cán bộ nòng cốt của Mặt trận Việt Minh trong thanh niên, học sinh thời kỳ đó.

Do tham gia các hoạt động của Việt Minh, Đỗ Nhuận bị bắt và đưa về giam ở nhà lao Hải Dương. Cuối năm 1943, ông bị xét xử và chuyển lên giam tại Nhà tù Hỏa Lò và sau đó bị đầy lên Sơn La. Chính tại những nơi này, Đỗ Nhuận được gặp “những nhà cách mạng đàn anh” như: Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng (tức Sao Đỏ), Xuân Thủy.v.v... và được phân công tham gia tờ “Suối Reo” - tờ báo bí mật của nhà tù Sơn La và phụ trách văn nghệ của nhà tù.

Ra tù, cảm hứng về Sơn La, về đời tù, về đồng đội, về chiến khu đã thôi thúc ông hoàn thành hàng loạt những ca khúc cách mạng nổi tiếng như: Du kích ca, Nhớ chiến khu, Tiếng súng Nam Bộ, Tiếng hát đầu quân, Đoàn lữ nhạc.v.v... Những tác phẩm của ông đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân ta vùng lên, chắc tay súng, vững tay cày, chiến đấu chống kẻ thù, bảo vệ độc lập, tự do của đất nước..

Năm 1955, tổng kết 9 năm hoạt động văn học nghệ thuật phục vụ kháng chiến, nhạc sĩ Đỗ Nhuận vinh dự được nhận giải Nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam về chùm ca khúc liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta kéo dài suốt 20 năm, là một trong những cuộc kháng chiến chống xâm lược lâu dài, gian khổ, và ác liệt nhất đã mang lại thắng lợi vẻ vang, tạo một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Và đây cũng chính là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong sự nghiệp sáng tác của Đỗ Nhuận. Các tác phẩm của ông bám sát cuộc sống, cổ vũ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như: Quê hương tôi; Vui mở đường; Trống hội tòng quân; Hát mừng các cụ dân quân; Trông cây lại nhớ tới Người; Em là thợ quét vôi.v.v... đã ra đời trong bom đạn của chiến tranh, khích lệ quân dân ta vững tay búa, chắc tay súng bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện sức người, sức của giải phóng miền Nam.

Có thể khẳng định rằng, chính những năm bị giam cầm và tra tấn trong nhà ngục tù của thực dân Pháp trước Cách mạng tháng Tám cũng như hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống hết thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ xâm lược đã tôi luyện ông - một cán bộ Việt Minh thời Tiền khởi nghĩa thành một chiến sĩ kiên cường, người cộng sản kiên trung trên Mặt trận văn hóa - văn nghệ.

Với công lao to lớn đóng góp cho Cách mạng, cho nhân dân và quân đội, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I (năm 1996) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Khánh thành Nhà lưu niệm Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là sự kiện văn hóa vô cùng ý nghĩa bởi cùng các địa chỉ văn hoá khác, công trình sẽ trở thành nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, nghệ thuật quý báu về cuộc đời một người con quê hương tài hoa; nơi giáo dục truyền thống văn hiến cho các thế hệ con em quê hương xứ Đông qua cuộc đời, sự nghiệp trước tác, qua tình cảm mà người nhạc sĩ tài danh đã đặt nền móng cho âm nhạc Việt Nam.

Với nhạc sĩ Đỗ Nhuận, quê hương Hải Dương luôn một lòng tự hào và tin yêu. Giản dị bởi Hải Dương là mảnh đất nơi ông sinh ra, chính mảnh đất này đã bồi đắp, dung dưỡng tâm hồn ông, là nơi khơi nguồn cảm hứng để ông sáng tác ngay từ những ca khúc đầu tiên. Sau này, nhạc sĩ Đỗ Nhuận được cử đi đào tạo âm nhạc bài bản tại Nhạc viện Tchaikovsky, gặt hái nhiều thành tựu trên con đường hoạt động nghệ thuật song quê hương Hải Dương vẫn luôn đau đáu trong trái tim ông.

Trong niềm xúc động của Lễ Khánh thành Nhà lưu niệm Nhạc sĩ Đỗ Nhuận, tôi xin phép được chung vui với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, với địa phương và gia đình nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Tỉnh Hải Dương mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ đóng góp về hiện vật liên quan đến cuộc đời nhạc sĩ Đỗ Nhuận của các tố chức, cá nhân để nhà lưu niệm ngày càng khang trang, trở thành điểm đến văn hóa ý nghĩa không chỉ của giới văn nghệ sĩ, những người yêu mến nhạc sĩ đỗ Nhuận mà còn trở thành địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào của dân tộc cho các thế hệ trẻ của Hải Dương.

Một lần nữa, thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương, tôi trân trọng gửi tới các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể nhân dân sức khỏe và hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn!

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.