You are here

Liên hoan âm nhạc tại ĐăkLăk: Phát biểu khai mạc và bế mạc của Chủ tịch Hội NSVN

Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh

KHAI MẠC LIÊN HOAN

Hôm nay tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk - thành phố năng động và phát triển nhanh nhất vùng Tây Nguyên của Tổ quốc, nơi hội tụ nền văn hóa dân tộc truyền thống cách mạng, giàu đẹp và mến khách, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng với UBND tỉnh Đăk Lăk, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk, cùng các Cơ quan, Ban, Ngành của tỉnh long trọng tổ chức Lễ Khai mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I năm 2022.

Xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân, các Sở, Ban, Ngành của tỉnh Đăk Lăk đã đến dự Lễ khai mạc hôm nay.

Thay mặt Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, tôi xin nhiệt liệt chào mừng gần 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ tham dự Liên hoan.

Kính thưa quí vị đại biểu,

Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I năm 2022 mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, đã hội tụ các Hội Âm nhạc và Chi hội Âm nhạc 20 tỉnh, thành: Đắk Lắk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Nam Định, Thừa Thiên - Huế.

Liên hoan là cuộc gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, giao lưu âm nhạc giữa các nhạc sĩ trong khu vực. Mục đích là để giới thiệu những tác phẩm âm nhạc mới viết, mới sáng tác của các nhạc sĩ trong thời gian vừa qua, giới thiệu các gương mặt trẻ, các giọng hát hay, là nhân tố quyết định cho hoạt động nghề nghiệp hôm nay và trong tương lai.

Đây còn là dịp để các nhạc sĩ cả nước được đến với Đăk Lăk – vùng đất giàu truyền thống lịch sử, thể hiện giá trị văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số, vùng đất của thi ca và âm nhạc sẽ gợi lên nhiều cảm xúc trong giới nhạc sĩ với những tác phẩm của mình.

Đây cũng là dịp để các nhạc sĩ, nghệ sĩ một lần nữa chiêm nghiệm những giá trị âm nhạc truyền thống của khu vực Tây Nguyên… tiếp tục chú trọng công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và hướng tới sự phát triển âm nhạc mới theo hướng từ dân tộc truyền thống đi lên hiện đại.

Liên hoan âm nhạc càng có ý nghĩa hơn khi thành phố Buôn Ma Thuột  - vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc, của đất nước, Kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1974 - 30/4/2022) và kỷ niệm 47 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2022); kỷ niệm 68 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2022); kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022).

Đăk Lăk là vùng đất có Kho tàng văn hóa phi vật thể của nhân loại: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được thể hiện qua ngôn ngữ, phong cách diễn tấu,... riêng biệt và độc đáo, chính vì thế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; Loại hình văn học dân gian truyền miệng cũng là di sản văn hóa phi vật thể phong phú của các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có sử thi Đam San, có nhiều danh thắng nổi tiếng, đã trở thành biểu tượng văn hóa - niềm tự hào của đất nước cũng như thành phố Buôn Ma Thuột ngày nay là một thành phố đô thị loại I, được chọn là 1 trong 10 đô thị sạch, xanh của cả nước. Buôn Ma Thuột đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên con đường phát triển và đổi mới đi lên.

Thay mặt Hội Nhạc sĩ Việt Nam, xin cám ơn sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đăk Lăk, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đăk Lăk, đã tạo điều kiện thuận lợi để Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I năm 2022 vinh dự được tổ chức trên quê hương Đăk Lăk -  “Thủ phủ Cà Phê” thế giới.

Chúc cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam ngày càng phát triển, mãi đồng hành cùng dân tộc. Xin chúc cho Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I năm 2022  tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk thành công rực rỡ.

Kính chúc các quí vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

 

TỔNG KẾT LIÊN HOAN

Thiếu tướng, nhạc sĩ  Nguyễn Đức Trịnh

Liên hoan Âm nhạc Toàn quốc đợt I năm 2022 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk đã thành công tốt đẹp.

Liên hoan đã thu hút gần 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ của 20 tỉnh, thành tham dự Liên hoan, với 51 tác phẩm âm nhạc sáng tác mới được dàn dựng và trình diễn trong 2 ngày qua tại sân khấu Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk, đã tạo nên một bữa tiệc âm nhạc khá lý thú, để lại cho công chúng yêu nhạc nơi đây nhiều cảm xúc, ấn tượng tốt đẹp.

Thay mặt Hội đồng nghệ thuật, tôi xin báo cáo nhận xét như sau:

1. Về Sáng tác trong Liên hoan:

Có 51 tiết mục gồm 49 ca khúc, 2 tác phẩm khí nhạc (1 tứ tấu và 1 độc tấu).

- Các ca khúc vẫn còn thiếu sự độc đáo mới lạ, hoặc nổi bật gây ấn tượng. Một số ca khúc viết có kỹ thuật, cấu cú, bút pháp nhưng lại thiếu hồn (tức rung động trái tim). Nên khó tiếp cận khán giả - hoặc 1, 2 câu hay lại không phát triển được hoặc phát triển quá xa (mất nút) – chưa biết tận dụng chất liệu quí hiếm hay ho của dân gian.

Ngược lại, tuy chưa nhiều nhưng một số ca khúc giản dị, nhưng đã có cảm xúc cùng với cách viết biết tận dụng chất liệu hay, nên đã gây được tình cảm với khán giả, như: “Về đây em phải thế” nhạc: Phi Ưng, thơ: Xuân Thủy (Gia lai); “Khúc tháng Riêng” thơ: Mường Mán, nhạc: Nguyễn Xuân Thành (Phú Yên); “Làng” của Bá Quang (Bắc Ninh); “Hồi Sinh” của Lê Tự Minh (Thừa Thiên Huế)...

- Về khí nhạc: còn nghèo nàn

Hòa tấu (Tứ tấu) và độc tấu chưa mang tính tác phẩm, mặc dù các nhạc công khá điêu luyện về biểu diễn, rất linh hoạt nhưng vẫn là các mảng màu, sảo thuật, nhại tiếng động, tiếng thiên nhiên...

Hy vọng sẽ có những tác phẩm mang tính sáng tạo ở các kỳ liên hoan sau.

2. Về biểu diễn và các yếu tố trợ giúp biểu diễn:

- Nhạc đệm (phối khí, nhạc beat). Đây là điều đáng bàn nhất, đôi khi làm cho sáng tác bị gò ép, hoặc lúc bí – liên hoan âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam chủ yếu sẽ phải là sáng tác, nhưng nếu tất cả khâu biểu diễn được đầu tư, chú trọng chắc chắn sẽ hiệu quả hơn. Ước mơ các kỳ liên hoan tới sẽ có dàn nhạc của Ban tổ chức phục vụ các nhạc sĩ sáng tác gửi về bản phối khí.

Kính thưa quí vị,

Trong cuộc Liên hoan lần này Đăk Lăk, đơn vị chủ nhà đã rất thành công trong việc sử dụng dàn nhạc – tốp nhạc đệm cho những sáng tác của mình.

- Rất tiếc Liên hoan âm nhạc còn thiếu những thể loại hát với Piano hoặc hát Top Acapella (không nhạc đệm), thậm trí hát với một nhạc cụ gõ hoặc không nhạc...).

Một chút để nói, tuy Liên hoan thành công nhưng vẫn còn những tác phẩm âm nhạc ít tính sáng tạo, đâu đó vẫn một màu giống những bài của các bậc đàn anh đi trước, còn thiếu tác phẩm âm nhạc hay, độc đáo, mới lạ, đặc biệt là dân ca các vùng miền rất phong phú, nhưng chưa được khai thác phát triển tốt, một số tác giả có sử dụng nhưng lại thiếu phần phát triển nên gây cảm giác qúa quen thuộc, dễ nhàm chán... Mong rằng các nhạc sĩ tìm tòi nhiều chất liệu hơn nữa thay vào một số cung quãng đã quá quen thuộc hàng ngày. Hy vọng điều đó sẽ tác động đến sự sáng tạo của các nhạc sĩ ở các liên hoan kỳ sau.

 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.