You are here

“Lý con sáo” Nam bộ từ dân ca đến vọng cổ và cải lương

Tác giả: 
Châu Hoài Phương

Trong dân ca, “Lý con sáo” là điệu lý đã phát triển lên rất nhiều dị bản, có mặt ở cả ba miền Bắc - Trung – Nam trên đất nước ta. Cũng như một số điệu lý khác ở Nam Bộ, “Lý con sáo” theo chân của người lưu dân đến vùng đất phương Nam trong quá trình khẩn hoang, mở đất.

Đến đây, “Lý con sáo” mang đậm dấu ấn của con người, vùng đất nơi này. Từ trong dân gian, “Lý con sáo Nam Bộ có sự phát triển và trở thành một bài bản quen thuộc, phổ biến đi vào các sáng tác chuyên nghiệp, trong đó có vọng cổ - một bài bản cổ nhạc phổ biến và cải lương - một loại hình nghệ thuật độc đáo của Nam Bộ.

Ảnh minh họa

1. Khái quát về Lý con sáo và Lý con sáo Nam Bộ

“Ai đem con sáo sang sông

Để cho con sáo sổ lồng bay xa”

Từ câu ca dao trên, người ta đã xướng lên vô số làn điệu khác nhau. Theo thống kê của nhà nghiên cứu Lư Nhất Vũ - Lê Giang trong công trình “Lý trong dân ca người Việt” thì dân ca ba miền Bắc - Trung - Nam có 42 bài “Lý con sáo”. Bên cạnh sự đa dạng về làn điệu, tùy theo phương ngữ từng nơi mà ca từ trong “Lý con sáo” trải dài khắp ba miền có nhiều những đặc điểm khác nhau về ca từ trong lời ca dao cho đến những tiếng đệm, tiếng đưa hơi trong bài lý.

Ví dụ:

“Lý con sáo sang sông” trong hát quan họ Bắc Ninh mang phong cách quan họ, có những tiếng đệm thường có trong hát quan họ như “ấy mấy người đôi người ơi”, “ tình tình”, “tình bằng ”, kết hợp với tiếng đưa hơi “i… i…”, “a.. a… ”…

Ai mang con sáo sang sông này sang sông. Để cho là con sáo đôi ấy mấy người là đôi người ơi mà này cũng có (a) sổ lồng mà này cũng có a sổ lồng tình tình bay con sáo bay tình tình bay con sáo bay…

“Lý con sáo” (Thừa Thiên - Huế) thường có tiếng đưa hơi “ư… hư…ư” hoặc “ư…ư…ư…”, tiếng đệm thường là “ơi người ơi”, “tình bằng”, “làm răng”… làn điệu mang âm hưởng sâu lắng, nhẹ nhàng, thâm trầm. Đó cũng là chất giọng đặc trưng của người Huế.

Ai đem con sáo sang sông để cho, để cho con sáo ơi người ơi sổ lồng ơi người ơi bay xa, sổ lồng ơi người ơi bay xa.

Đến với vùng đất Nam Bộ, Lý con sáo phát triển mạnh mẽ. Lý con sáo ở Nam Bộ chiếm đến 23 bài trong số tổng 42 bài Lý con sáo của cả nước. Khi hát, tiếng đệm trong Lý con sáo Nam Bộ rất phong phú, rất đặc trưng như “ơ rường ơ oa tu hỡi”, “ôi nàng ôi”, “thiềng thị ơi”, “lu là”, “hò xự xang”, “cống xế xang”,… Tiếng đưa hơi đơn giản, mộc mạc, thường là “ơ…ơ…”, một số ít là “ưng, ưng…ưng…” hay ư…ư…ư”.

Ví dụ:

Ợ… ợ… Ai xui mà con sáo cái nó sang sông cái nó sang sông (ơ). Cho nên cái mà con sáo ợ…ợ… sổ lồng cái kìa bay xa, cái kìa bay xa, cái lý sông mã, cái lý xàng xê. Đôi ta về thiềng thị ơi sáo bay ơi. Đôi ta về thiềng thị ơi sáo bay ơi… [4, tr.263]

Những câu ca dao thường không thể xác định chính xác thời điểm, hoàn cảnh ra đời, ngoài trừ một số bài ca dao gắn với với sự kiện, nhân vật lịch sử. Về câu ca dao “Ai đem con sáo sang sông. Để cho con sáo sổ lồng bay xa”, có một vài câu chuyện gắn với câu ca dao này.

Theo “Quốc văn đời Tây Sơn”, dân gian tương truyền năm 1786, Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân ra Bắc Hà diệt Trịnh phù Lê rồi được ở lại giúp trấn thủ Bắc Hà. Sau đó, Nguyễn Hữu Chỉnh được vua Lê Chiêu Thống phong tước quận Bằng, dọc ngang ở Bắc Hà, đòi đất Nghệ An, ngang nhiên tranh giành với Nguyễn Huệ.

Vì thế, đương thời có câu “Ai đem con sáo sang sông. Nên chi con sáo sổ lồng sáo bay” [5, tr.56].

Theo câu chuyện tác giả Minh Phương sưu tầm đăng trong tạp chí Văn hóa Bình Trị Thiên số 8-1980, ngày xưa có anh học trò yêu một cô gái bên kia sông và cũng được cô gái yêu lại. Một hôm trên đường đi chợ về, cô gái ghé thăm anh nhưng anh không có nhà. Cô gái xách lồng chim sáo mang về với ý muốn anh sang nhà mình để nhận lại con sáo. Nhưng anh nhút nhát không sang, rồi cô gái cũng vô ý làm con sáo bay mất. Thời gian sau, một chàng trai khác ở thành thị về quê gặp cô gái, ngỏ ý với cô và cô đã đến với người này.

Dân làng đặt câu ca dao trên có ý trách cả chàng trai và cô gái, cũng để khuyên đôi lứa yêu nhau đừng để tình yêu bị mất đi như vậy [6, tr.90, 91]. Câu ca dao và hai câu chuyện trên không biết cái nào có trước vì tất cả đều được truyền miệng và được ghi chép lại. Có điều hình ảnh “con sáo sổ lồng”, “sang sông, bay xa” đã trở thành hình tượng nghệ thuật phổ biến từ dân gian đi vào trong các sáng tác chuyên nghiệp văn, thơ, cổ nhạc, tân nhạc… hết sức tuyệt vời.

Trong câu ca dao, con sáo là hình tượng nghệ thuật. “Con sáo” là cái biểu đạt gắn với hàng loạt hành động: “sổ lồng”, “sang sông”, “bay xa” mang nhiều thông điệp. Trong tự nhiên, chim sáo là loài chim tuy bé nhỏ nhưng rất nhanh nhẹn, thông minh có thể học nói được tiếng người. Con sáo ríu rít nơi cành cây, đồng rộng… là môi trường tự nhiên của nó.

“Có con sáo đậu bờ rào

Nhìn em tưới nước hát chào líu lo”.

(Ca dao)

 “Nhởn nhơ vui thú cảnh tình

 Có con sáo đậu trên cành líu lo”.

 (Ca dao)

Chiếc lồng không phải là môi trường thích hợp của con sáo nên sáo được sổ lồng, con sáo sẽ bay xa. Hình ảnh con sáo bay về bầu trời cao rộng là ước mơ được sổ lồng để con sáo được tự do về với môi trường tự nhiên của nó. Đối với người nuôi sáo khi con sáo sổ lồng, bay xa thì đó là nỗi tiếc nuối về con sáo đã sổng lồng bay mất.

Từ hình ảnh đơn giản này, khi đi vào tác phẩm, con sáo và người nuôi sáo đã trở thành hình tượng nghệ thuật chuyển tải thông điệp, nội dung tác phẩm. Người nghệ sĩ sáng tác thường mượn hình ảnh chim sáo sang sông để chỉ sự hoài vọng, tiếc nuối một tình yêu dang dở, người yêu đã sang ngang. Con sáo sổ lồng bay xa là hình tượng nghệ thuật mang tinh thần phóng khoáng, năng động, khát vọng tự do. Có lẽ, ý nghĩa và tinh thần ấy cũng chính là tâm tư, khát vọng, tình cảm của những cư dân vùng đất mới trên bước đường khai khẩn.

Khi đến Nam Bộ, “Lý con sáo” đã phát triển thật mạnh mẽ về ca từ và làn điệu. Cũng là câu ca dao trên, hình tượng con sáo ở mỗi dị bản “Lý con sáo” ở Nam Bộ lại thể hiện một tâm trạng, cảm xúc khác nhau qua từng làn điệu của dị bản. Hình tượng nghệ thuật của ngôn ngữ văn học được thành tố âm nhạc tác động không làm thay đổi ý nghĩa mà còn biểu đạt được nhiều cung bậc tình cảm trên nền tảng ý nghĩa chung của hình tượng đó.

Theo nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, tính chất da diết của một số dị bản “Lý con sáo” ở Nam Bộ thể hiện ở âm kết của “Lý con sáo” Nam Bộ khác với các vùng khác là “ được bổ sung thêm nốt mi: Sol - đô - la - sol - fa - mi - fa, mang hơi thở thang âm điệu thức đô oán: Đô - mi - fa - sol - la - đô”.

Thông qua lời ca và sự tác động của âm nhạc, hình tượng con sáo trong các bài “Lý con sáo” ở Nam Bộ vừa mang ý nghĩa chung như đã phân tích ở trên, vừa chứa đựng những nỗi niềm tâm sự riêng của người dân Nam Bộ. Các dị bản “Lý con sáo” ở Nam Bộ là rất đa dạng về làn điệu, có buồn ai oán, có vui tươi, có hồn nhiên mộc mạc như chính cuộc sống và tâm tình của lưu dân trong buổi đầu đến vùng đất mới. Những con người với nhiều hoàn cảnh, nhiều thành phần khác nhau rời bỏ quê quán cũ mà đến đây chắc chắn sẽ mang nhiều tâm sự trong lòng: có vui, có buồn, có sự phóng khoáng, tự lập, tự tin, lạc quan, có u uất, khắc khoải, nhớ nhung…

Thí dụ: Qua giai điệu, bài “Lý con sáo” này thể hiện nỗi ai oán, u uất, chứa chan nỗi buồn, những tiếng đưa hơi “ưng…ưng… ưng…” được cất lên nghe như tiếng nghẹn trong cổ họng, có sự u uất, dồn nén trong lòng.

Ai ai đem ai đem bằng chim sáo (ừng ưng ứng ưng ừng). Sang sang sang sang sang sông ai đem chim sáo sang sông. Tình bằng sang sông (ứng ưng ưng ưng ưng ưng). Cho nên cho nên bằng chim sáo (ừng ưng ứng ưng ừng). Sổ sổ sổ sổ sổ lồng cho nên chim sáo sổ lồng. Tình bằng bay xa (ứng ưng ưng ưng ưng ưng).

Đặc biệt, con sáo sang sông trong “Lý con sáo Gò Công” qua giai điệu thì mang màu sắc hồn nhiên,vui tươi của những đôi lứa yêu nhau, hẹn hò chuyện nợ duyên rất dễ thương, mộc mạc.

Ai đem con sáo mà sang sông. Lâm cái ly ta hồi con sáo ơi nàng ơi. Xuân tú xuân ờ ta tú hồi. Đôi hường nhan phập phồng lá gan. Đôi hường nhan phập phồng lá gan.

Tuy “Lý con sáo” ở Nam Bộ có nhiều dị bản trong dân ca nhưng chỉ có hai dị bản trên được các tác giả, soạn giả sử dụng hòa kết âm nhạc trong bài vọng cổ và kịch bản cải lương.

2. “Lý con sáo” Nam Bộ từ dân ca đi vào vọng cổ và cải lương

Vọng cổ có nguồn gốc từ bản “Dạ cổ hoài lang” 20 câu nhịp 2 do nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác khoảng năm 1919. Từ đó, bản “Dạ cổ hoài lang” không dừng ở nguyên dạng như các bản cổ nhạc khác, mà dần dần qua từng giai đoạn đã phát triển về mặt hình thức tăng nhịp thành nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64…

Đến nay, bài vọng cổ nhịp 32 vẫn chiếm vị trí chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong nhạc Tài tử - Cải lương với một sức sống mãnh liệt trong lòng nghệ sĩ và khán giả chưa bài bản nào thay thế được. Bài Vọng cổ nhịp 32 có 6 câu hoặc rút gọn thành 4 câu, mỗi câu có 32 nhịp gồm 20 nhịp gắn với ca từ, 12 nhịp còn lại nhạc sĩ diễn tấu.

Do đặc điểm về cấu trúc rút gọn câu, mở rộng lòng bản, số lượng ca từ tăng, Vọng cổ nhịp 32 có thể hòa kết với nhiều thể loại âm nhạc. Hòa kết âm nhạc trong bài Vọng cổ nhịp 32 là sự kết hợp hòa quyện một cách hài hòa, chặt chẽ giữa bản nhạc Vọng cổ với các bài bản âm nhạc khác trong sáng tác qua hình thức gối đầu để vào câu Vọng cổ hoặc đan xen giữa câu Vọng cổ.

Cải lương là một loại hình nghệ thuật ca kịch truyền thống của Nam Bộ được ra đời khoảng năm 1918. Ngôn ngữ của các nhân vật trong kịch bản Cải lương gồm có nói và ca. Các bài ca dùng để xây dựng thành kịch bản trong Cải lương rất đa dạng từ cổ nhạc đến tân nhạc trong đó có các điệu lý thường được các soạn giả sử dụng.

Khi hòa kết “Lý con sáo” trong vọng cổ và cải lương, các tác giả, soạn giả đã kế thừa giai điệu là cấu trúc bản nhạc và kế thừa tư tưởng, tinh thần dân gian qua hình tượng văn học nghệ thuật của “Lý con sáo” để thực hiện chức năng hòa kết âm nhạc, biểu đạt nội dung, tư tưởng, tình cảm… trong tác phẩm.

Khi hòa kết trong Vọng cổ và Cải lương thì bài “Lý con sáo” với tính chất buồn thường biểu đạt những thông điệp, những hoàn cảnh: Nhân vật xa quê, xa xứ, nhớ quê hương; chuyển tải nỗi buồn của nhân vật khi tình yêu tan vỡ, người yêu sang ngang, người yêu quên lời hẹn ước…

Trích 5 câu đầu bản kí âm gồm 10 câu trong cổ nhạc của bài “Lý con sáo”:

1/ Xang xang xảng xang hò xê xang y

2/ Y ý y hò xang cống xê cống hò y xề ỳ xề phan liu

3/ Liu hò liu ý xề phan liu u xáng u liu phạn xề phan liu

4/ Liu hò liu xế xang y xề liu ỳ ý xề liu phan xàng ỳ liu

5/ Liu hò liu xề phan liu u xề xế xáng u liu liu ý cồng…

(Đỗ Quốc Tú. (2017). “Tự học guitar phím lõm”. Tp. HCM: Văn hóa - Văn nghệ)

Ví dụ:

“Lý con sáo” thể hiện tâm trạng của kẻ ly hương trở về thăm quê cũ sau những năm xa cách trong bài vọng cổ “Bông ô môi” của soạn giả Viễn Châu.

Lý con sáo:

Bông ô môi, gió cuốn rụng đầy trên sông

Nhìn mây trời mênh mông,

Kẻ ly hương nay đã quay về,

Sao trong dạ não nề.

Hồi chuông buồn từ xa vẳng đưa,

Trông khói sương thêm tái tê hồn ta.

Ngồi bên bờ nhìn hoa lá rơi,

Cơn gió đưa theo nước sông buồn vơi.

Vọng cổ:

Bến nước năm xưa cội đa già chơ vơ rũ bóng, gió đông ơi lòng tôi đà ớn lạnh, sao gió đông còn thổi làm chi cho bông ô môi rã cánh rụng tơi… bời…

Hay bài vọng cổ “Tình Lan và Điệp”, soạn giả Viễn Châu lại dùng “Lý con sáo” chuyển tải tâm sự đau buồn của nhân vật Lan khóc cho tình duyên tan vỡ:

Lý con sáo

Hoa bay theo, gió cuốn rụng đầy sân rêu

Nhìn hoa tàn rụng rơi

Lan bâng khuâng tê tái tâm hồn

Bởi bao cay đắng dập dồn

Tình đầu vừa tan theo khói sương

Lan khóc than theo tháng năm sầu thương…

Vọng cổ:

Điệp ơi, tiếng mõ chuông ngân đã chấm dứt một cuộc tình duyên đầy trái ngang đau khổ. Lan phải liệm đời hoa trong lớp áo nâu sòng…

“Lý con sáo Gò Công” thì thường được các tác giả đưa vào những tình huống, hoàn cảnh như: nhân vật bày tỏ tâm tư hay tỏ tình với nhau một cách nhẹ nhàng, trong sáng.

Trích 5 câu đầu bản kí âm gồm 12 câu “Lý con sáo Gò Công” trong cổ nhạc:

1/ Liu xề liu xang ỳ xế xang

2/ Xê cống xê xang y hò

3/ Xề hò xê xang ỳ xang

4/ Xê líu công xê xang ỳ xang xế hò

5/ Xê oan líu oan xê xang ỳ xang ỳ xang xế hò …

Ví dụ: Trong bài Vọng cổ “Chợ Mới”, tác giả Trọng Nguyễn dùng bài “Lý con sáo Gò Công” gối đầu vào câu 1 của bài Vọng cổ để thể hiện mối tình đẹp, là lời hò hẹn của đôi tình nhân nơi dòng sông quê nhà gắn với địa danh chợ Mới.

Nói lối: Cái chợ có hồi nào và bao nhiêu tuổi mà ai cũng bảo là chợ Mới quê hương. Ở nơi đó, tôi có một người thương, cứ chiều chiều nàng ra bờ sông giặt áo.

Lý con sáo Gò Công

Ra bờ sông như hẹn lứa đôi

Mang áo phơi cho anh nhìn mà tình em mong người ơi

Sao nước trôi xuôi dòng sông lững lờ.

Ra bờ sông như hẹn với em

Mai mốt đây anh mang cau trầu nhờ người se duyên tình ta

Em chớ lo thêm buồn, anh sẽ thưa cùng mẹ cha

Duyên chúng ta muôn đời như nước trên dòng đầy vơi.

Vọng cổ: Chúng tôi yêu nhau đã sáu năm rồi mà chưa thành chồng thành vợ. Cha thì gật đầu còn mẹ thì quay ngang rồi bảo thằng Tâm cái tính cộc cằn sau này sợ con Hồng bị nó ăn hiếp nên bà cứ dùng dằng chưa chịu cho hai đứa cùng nhau kết nghĩa châu trần…

“Lý con sáo” khi được sử dụng trong kịch bản Cải lương, ý nghĩa biểu đạt về nội dung của “Lý con sáo” cũng như trong Vọng cổ. Do Cải lương là loại hình ca kịch nên “Lý con sáo” trong Cải lương có lúc đặt trong ngữ cảnh nhân vật tự sự một mình, có lúc thì dùng cho các nhân vật đối đáp với nhau trong những tình huống có tính kịch hơn so với trong Vọng cổ.

Vd: Trong vở Cải lương “Đêm lạnh chùa hoang” của soạn giả Yên Lang, nhân vật Lĩnh Sơn và Bảo Xuyên là hai người yêu nhau nhưng không thể đến được với nhau vì Bảo Xuyên là công chúa Mông Cổ theo cha đi xâm lược Trung Nguyên còn Lĩnh Sơn là dũng tướng chiến đấu chống quân thù bảo vệ quê hương. Đây là đoạn hai nhân vật chia tay nhau để ngày mai mỗi người về đúng vị trí của mình, sẽ gặp nhau trên chiến trường.

- Lĩnh Sơn (nói):

Sáng mai này ta trở lại Giang Nam, đường bụi cuốn mịt mờ chân viễn xứ. Gói hành trang với chút niềm tâm sự, xa em rồi kỷ niệm cũng mù xa.

- Lĩnh Sơn (hát):

Lý con sáo

Bảo Xuyên ơi, đêm nay giữa canh trường cô liu

Ta gối đầu trên đá thèm giấc mơ yêu

Đắm hồn vào mộng liêu trai   

Để yêu em được trọn lòng

Không ngăn cách bởi biên thùy.

- Bảo Xuyên (hát):

Sầu đêm này và ngàn đêm nữa thôi

Em vẫn yêu vẫn yêu một mình anh

Dù chia lìa tình đôi phương cách xa

Ngủ đi anh một giấc mơ thần tiên.

Khi đi vào nghệ thuật chuyên nghiệp, “Lý con sáo” là một bài bản góp phần làm giàu cho kho tàng âm nhạc Tài tử và Cải lương, giúp các tác giả, soạn giả có nhiều sự lựa chọn bài bản phù hợp cho việc biểu đạt, biểu cảm trong tác phẩm nhằm đạt hiệu quả nghệ thuật một cách tốt nhất. Từ trước đến nay, có thể do thói quen trong sự kế thừa nên “Lý con sáo” ở Nam Bộ có nhiều dị bản về làn điệu nhưng chỉ hai dị bản trên được sử dụng trong Vọng cổ và Cải lương.

Theo ý kiến cá nhân người viết, với sự phong phú của các dị bản “Lý con sáo”, việc khai thác, sử dụng một số dị bản khác của “Lý con sáo” cũng là việc nên làm để bổ sung phong phú hơn nữa bài bản nhạc Cải lương Nam Bộ.

Từ dân ca đi vào sáng tác chuyên nghiệp là Vọng cổ và Cải lương trên cơ sở kế thừa, phát triển giá trị văn chương, âm nhạc từ nguồn cội dân gian, “Lý con sáo” với đặc trưng riêng về giai điệu và chức năng biểu đạt nội dung mà người nghe có thể phân biệt nó với những bài bản khác để tiếp nhận những thông điệp mà người sáng tác gửi gắm qua tác phẩm. “Lý con sáo” qua các bài ca Vọng cổ và kịch bản Cải lương đã trở thành một giá trị văn hóa nghệ thuật trong lòng người mộ điệu.

Tài liệu tham khảo:

Đỗ Quốc Tú. (2017). Tự học guitar phím lõm. Tp. HCM: Văn hóa - Văn nghệ.

Huỳnh Công Tín. (2020). Soạn giả Viễn Châu: 120 bài Vọng cổ đặc sắc. Tp. HCM: Văn hóa - Văn nghệ.

Lê Văn Hảo. (1980). Lý - Những khúc tâm tình của người Việt Nam, Tạp chí Âm nhạc, số (1), trang 35.

Lư Nhất Vũ - Lê Giang - Lê Anh Trung. (2006). Lý trong dân ca người Việt. Tp. HCM: Trẻ.

Sơn Tùng Hoàng Thúc Trâm. (1950). Quốc văn đời Tây Sơn. Sài Gòn: Vĩnh Bảo.

Viện âm nhạc. (2003). Hợp tuyển tài liệu nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. Hà Nội: Viện âm nhạc.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.