You are here

Mozart: Giao hưởng số 40

Tác giả: 
cobeo

Tác giả: Wolfgang Amadeus Mozart

Tác phẩm: Giao hưởng số 40 giọng Son thứ, K.550

Thời gian sáng tác: Năm 1788.

Công diễn lần đầu: Mozart đánh dấu tác phẩm hoàn thành vào ngày 25/7/1788. Một phiên bản mới với 2 clarinet được thêm vào và ngày nay được chơi nhiều hơn đã được biểu diễn tại Vienna vào ngày 16 và 17/4/1791 với nhạc trưởng là nhà soạn nhạc Antonio Saliari.

Độ dài: Khoảng 25-30 phút.

Tác phẩm có 4 chương:

Chương I – Molto allegro

Chương II – Andante

Chương III – Menuetto. Allegretto – Trio

Chương IV – Finale. Allegro assai

Thành phần dàn nhạc: flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 2 horn và dàn dây.

Trong tổng số 41 bản giao hưởng của mình, Mozart chỉ viết 2 bản ở giọng thứ. Bản đầu tiên số 25 huyên náo và được ra đời sớm hơn nhiều, cũng ở giọng Son thứ. Còn bản thứ hai, số 40 này (đôi khi được gọi là bản giao hưởng Son thứ lớn để phân biệt với bản giao hưởng Son thứ nhỏ số 25) cùng với 2 bản giao hưởng khác số 39 và 41 được sáng tác vào mùa hè năm 1788. Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn trong cuộc đời Mozart. Vợ ông bị ốm và sức khoẻ bản thân ông cũng không tốt đẹp gì. Đứa con gái 6 tháng tuổi mất vào tháng 7. Vở opera Don Giovanni đón nhận sự hờ hững từ phía khán giả Vienna khi ra mắt tại đây vào tháng 5. Ông không có nhiều cơ hội tham gia vào các buổi hoà nhạc quan trọng và nợ nần rất nhiều. Nhưng chỉ trong 2 tháng ngắn ngủi, Mozart đã sáng tác ra 3 bản giao hưởng tuyệt vời nhất đời mình.

Ngày nay chúng ta có rất ít thông tin về lần biểu diễn đầu tiên 3 bản giao hưởng này của Mozart. Các nhà âm nhạc học nghiên cứu về Mozart thời kỳ này hầu hết đều có chung quan điểm rằng Mozart không sáng tác nhạc để đút vào ngăn kéo mà để biểu diễn trong những buổi hoà nhạc được ấn định trước (một điều dễ hiểu nếu để ý đến tình trạng tài chính của ông) nhưng hoàn toàn không có tài liệu nào cho thấy các buổi biểu diễn như vậy đã diễn ra trong năm 1788.

Thật khó để đánh giá rằng hoàn cảnh cuộc sống của nhà soạn nhạc có ảnh hưởng lên tác phẩm của họ. Áp dụng vào trường hợp bản giao hưởng số 40 này có vẻ hợp lý nhưng chúng ta nên nhớ rằng tác phẩm này kẹp giữa bản giao hưởng số 39 giọng Mi giáng trưởng vào số 41 “Jupiter” giọng Đô trưởng đều có không khí tươi vui, tưng bừng.

Nhiều nhà âm nhạc học đánh giá rằng nếu Mozart sống lâu hơn thì chắc chắn hướng đi của bản giao hưởng số 40 sẽ là sự lựa chọn của nhà soạn nhạc. Bản giao hưởng này rất gần với âm nhạc Lãng mạn, một sự cách tân hơn nhiều so với âm nhạc Baroque và Cổ điển thời đó, đồng thời cho thấy một sự phá vỡ quy tắc ở khắp nơi. Tại sao lại vậy? Chúng ta hồi tưởng lại một chút. Ở thời Mozart, âm nhạc chủ yếu được sáng tác để phục vụ cho giới quý tộc. Mà âm nhạc được sáng tác để phù hợp với tâm trạng và thị hiếu bất chợt của đám đông, những người có thể đến hoặc không để nghe buổi hoà nhạc. Lấy ví dụ, một bản overture Pháp, mục đích sáng tác là để những nhà quý tộc có thời gian ngồi vào ghế mà không mất bất kỳ một “điều tốt đẹp” nào. Một phần giới thiệu âm nhạc trên bất kỳ tác phẩm nào cũng có thể phải hoàn thành chiến công khiến khán giả phải câm lặng! Nó phải đủ ầm ĩ và dài để người nghe nhận ra rằng buổi biểu diễn đã bắt đầu. Vậy Mozart đã bắt đầu bản giao hưởng số 40 thế nào? Một giai điệu lặng lẽ thì thầm trong tiếng violin. Một đoạn mở đầu chắc chắn không thể hoàn thành nhiệm vụ mà nó thường được đảm nhận trong bối cảnh thời bấy giờ.

Giống như Giao hưởng số 5 của Beethoven, mở đầu Giao hưởng số 40 là một giai điệu sau này trở nên vô cùng nổi tiếng. Bỏ qua phần giới thiệu, sau một tiếng thở dài đầy lo âu qua tiếng arpeggio của bè viola, chủ đề chính của phần trình bày trên tiếng đàn violin xuất hiện. Một đoạn nhạc mạnh mẽ hơn xuất hiện có tác dụng làm cầu nối dẫn đến chủ đề hai bâng khuâng hơn dù được viết ở một giọng trưởng có liên quan đến giọng Son thứ: Si giáng trưởng (cùng có 2 dấu giáng). Phần mở đầu này dễ gặp ở các tác phẩm thời kỳ Lãng mạn (như bản Violin concerto giọng Mi thứ của Mendelssohn) nhưng là khá sốc ở thời điểm đó. Trong phần phát triển giàu năng lượng hơn ở giọng Pha thăng thứ, chủ đề chính được trải qua một số biến tấu, ở những giọng và nhạc cụ khác nhau. Phần tái hiện với 2 chủ đề ở phần trình bày và đều ở giọng Son thứ. Thật đáng kinh ngạc, Mozart có thể làm sự căng thẳng xuyên suốt tăng mạnh trong một đoạn coda có cảm giác sâu sắc và tối tăm nhất.

Chương II Andante là một chương nhạc trữ tình ở nhịp 6/8, giọng Mi giáng trưởng. Chương nhạc đưa ta đến một thế giới nhẹ nhàng hơn. Sử dụng rất nhiều âm giai nửa cung, giai điệu buồn man mác khiến chúng ta đôi khi quên mất rằng âm nhạc được viết ở giọng trưởng. Nhiều chỗ trong chương nhạc, đặc biệt ở phần phát triển, sử dụng những nốt lặp lại ở phần mở đầu và những hình thái rung động ở chủ đề hai.

Chương III Menuetto. Allegretto – Trio mặc dù tuân theo tất cả các quy tắc truyền thống nhưng khúc Menuet mạnh mẽ này có thể gợi lên nhiều điều, nhưng chắc chắn không phải là về việc khiêu vũ. Phần Trio ở giọng Son trưởng là phần nhạc duy nhất trong bản giao hưởng không thay đổi trong phiên bản sửa đổi (có clarinet) tạo nên sự nổi bật của oboe. Chương nhạc được Arturo Toscanini đánh giá là một trong những chương nhạc bi thảm u tối nhất.

Chương IV mở màn với chủ đề được nhiều nhà âm nhạc học gọi là chủ đề “tên lửa” đã làm hồi sinh lại nhịp điệu giàu năng lượng của chương I. Chủ đề hai nhẹ nhàng hơn với sự chuyển điệu âm giai nửa cung. Phần phát triển cho thấy nghệ thuật sử dụng đối âm điêu luyện hiếm gặp ở một nhà soạn nhạc cuối thế kỷ thứ 18. Một khoảng lặng ngắn nhưng hùng hồn bắt đầu phần tái hiện, duy trì tâm trạng bi thương của tác phẩm cho đến khi kết thúc.

Nhà phê bình âm nhạc người Bỉ François-Joseph Fétis đã nhận xét: “Mặc dù bản giao hưởng số 40 của Mozart – không sử dụng lực lượng dàn nhạc hùng hậu, không có hiệu quả sâu rộng và to lớn như những bản giao hưởng của Beethoven – đã phát minh ra ngọn lửa trong tác phẩm này, điểm nhấn của niềm đam mê, năng lượng đã lan toả và màu sắc u buồn thống trị, dẫn đến một trong những biểu hiện đẹp nhất của tâm hồn con người”.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.