You are here

"Mừng tuổi Mẹ" khúc hát tri ân

Tác giả: 
Nguyễn Duyên

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam có nhiều bài hát tôn vinh ca ngợi công ơn cha mẹ, rất hay như bài Ơn nghĩa sinh thành của Dương Thiệu Tước, Lòng mẹ của Y Vân, Bông hồng cài áo của Phạm Thế Mỹ... hay nói lên sự gian khổ hy sinh của người mẹ trong chiến tranh như bài Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy, Tấm áo mẹ vá năm xưa của Nguyễn Văn Tý…

Từ lâu, người ta biết nhiều đến nhạc sĩ Trần Long Ẩn với những bài hát khí thế đấu tranh thời phong trào sinh viên học sinh xuống đường trước năm 1975 như các bài Người mẹ Bàn Cờ, Người cha bến tàu... Sau giải phóng năm 1975 nhạc sĩ để lại dấu ấn với bài Tình đất đỏ miền Đông, tiếp đến là một số bài thịnh hành như Xin làm người hát rong, Đêm thành phố đầy sao, Một đời người một rừng cây... Lúc này nét đặc thù trong bài hát của ông đa số mang ý nghĩa triết lý nhân sinh, như “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ sẽ dành phần ai, ai cũng một thời trẻ trai cũng từng nghĩ về đời mình”, hay: “Cũng đành xin làm người đến sau, để nghe niềm đau phía trước, tình như chiếc môi dịu ngọt, treo hờ hững trên cây hoang đường “...

Rồi mãi đến cuối những năm thập niên 2000 nhạc sĩ Trần Long Ẩn bất ngờ đã cho ra bài hát mang phong cách khác lạ, đậm chất dân gian rất tình cảm mượt mà và được mọi người đón nhận nồng nhiệt đó là Mừng tuổi mẹ. Bài hát rất ý nghĩa, rất cảm động nói về hình tượng người mẹ. Việc tri ân đấng sinh thành là truyền thống tốt đẹp của dân ta, từ xưa ai cũng nhớ câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Từ thời thơ ấu khi mới bước chân vào trường tiểu học, ai mà không thuộc nằm lòng câu ca dao nầy.

Mừng tuổi mẹ là một bài hát nhớ mẹ, thấm đẫm tình mẹ con. Dựa trên câu ca dao xưa ông phát triển thành bài hát: “Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng con rày mồ côi”. Ngoài ra còn có một câu ca dao khác lưu truyền trong dân gian cũng nói về mẹ như: “Mẹ già như chuối ba hương/ Như xôi nếp mật như đường mía lau”.

Nói chung, câu ca dao nào cũng thể hiện tình mẹ cao cả, hình ảnh người mẹ già tuổi cao sức yếu chẳng khác nào như ngọn đèn rung rinh trước gió. Trong bài Mừng tuổi mẹ tình cảnh mẹ già cũng giống như vậy: mẹ già như chuối chín cây lung lay trước gió không biết bao giờ rụng? Có thể ra đi bất cứ lúc nào. Đối với dân gian việc mừng tuổi mẹ trong dịp Tết là hình ảnh rất thiêng liêng tỏ lòng tôn kính tri ân các đấng sinh thành. Bài hát vô đầu toát lên hình ảnh người mẹ già thân thương mỗi năm mỗi già theo thời gian: “Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi/ Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần”, mẹ tôi già thêm một tuổi có nghĩa là ngày tôi xa mẹ càng gần, báo hiệu một cuộc chia xa rất mong manh. Bài hát bố cục gồm ba đoạn với nhịp 2/4 thể hiện trên cung mi thứ rất nhẹ nhàng tình cảm, giai điệu mang âm hưởng dân ca Nam bộ, nhất là nhạc sĩ khéo dùng những nốt thăng bất thường tạo nét lạ, nghe rất thuận tai, nhạc cảm tốt như ở đoạn hai (điệp khúc): “Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi/ Mồ côi tội lắm ai ơi/ Đói cơm khát nước biết người nào lo/ Đói cơm khát nước biết người nào lo”. Đây cũng là một mô típ âm nhạc riêng trong các bài hát của Trần Long Ẩn như: Xin làm người hát rong, Đêm thành phố đầy sao, Đi qua vùng cỏ non... Nghe man mác buồn phảng phất âm điệu của bài Lý chiều chiều và cái kết bài cũng rất ấn tượng từ cung thứ chuyển sang trưởng: “Mỗi mùa xuân về mẹ thêm tuổi mới/ Mỗi mùa xuân mới con mừng tuổi mẹ” nghe rất tự nhiên êm ái.

Trong dịp về dự Đại hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh tháng 7/2020 tôi có gặp lại nhạc sĩ Trần Long Ẩn và nói chuyện cùng ông, được biết nhạc sĩ sinh năm 1944 quê ở An Nhơn Bình Định, xa quê vào Sài Gòn học Đại học Văn khoa từ năm 1966, sau đó ông tham gia phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” và hoạt động suốt ở Sài Gòn ít có dịp về quê nên rất nhớ mẹ. Ông nhớ lại ngày xưa mỗi dịp Tết đến là con cháu về quây quần đến mừng tuổi mẹ rất vui, ấm cúng. Ông nói từ năm 1971 tôi có về Bình Định thăm gia đình nhưng giấu mẹ vì tôi chuẩn bị sửa soạn để ra vùng giải phóng, mãi đến 1975 mẹ con mới gặp lại nhau.

Do vậy nên tình nghĩa mẹ con ngày càng tha thiết đậm đà nên nhạc sĩ nhớ:“Rồi mùa xuân ấy tóc trắng mẹ bay/ Như gió như mây bay qua thời gian/ Như gió như mây bay qua đời con/ Ôi! Mẹ của tôi” một nỗi nhớ da diết nhẹ nhàng nhưng ấn đậm vào lòng người, hình ảnh tóc trắng mẹ bay bay... cũng là báo hiệu một tuổi già, một đời người mà ai cũng trải qua, nay mẹ đã mất thì càng nhớ nhiều hơn nữa. Những người trong hoàn cảnh mồ côi nhất là còn nhỏ thiếu bàn tay bao bọc của người mẹ thì thật là khổ sở thiếu thốn mọi bề: “Đói cơm khát nước biết người nào lo”. Qua trận dịch Covid nặng nề chúng ta càng thấy rõ hình ảnh nầy, hàng ngàn trẻ em phải chịu mồ côi cha mẹ thật đáng thương.

Quê hương là cái gì đó rất thiêng liêng trong mỗi con người và “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi!”, khi xa quê nỗi nhớ càng day dứt, mỗi dịp Tết lại bùng lên trong tâm tưởng mỗi người hình bóng người mẹ với làng quê, lũy tre, vườn rau, đàn gà... những nỗi niềm ấy đã quyện vào để nhạc sĩ cho ra bài hát về người mẹ thật nồng nàn cảm động cho những dịp Tết hay lễ Vu Lan:

Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi

Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần

Dù biết như thế tôi vẫn phải tin

Tôi vẫn phải tin mẹ đang còn trẻ

Mỗi mùa xuân về mẹ thêm tuổi mới

Mỗi mùa xuân mới con mừng tuổi mẹ.

Với những lời lẽ một mạc chân thành và giai điệu nhẹ nhàng tình cảm bài hát Mừng tuổi mẹ đã đi vào lòng người, được mọi người yêu thích trong thời gian qua. Đây là một trong những bài hát hay về mẹ, gây hiệu ứng mạnh trong cộng đồng, sự phổ biến và sức lan tỏa mạnh mẽ của nó trong nhiều thập kỷ qua đã chứng tỏ được điều đó. Nhiều năm qua đã được các ca sĩ tài danh trong nước, ngoài nước trình diễn như Hương Lan, Đan Trường, Thu Hiền, Quang Lê, Phi Nhung, Thùy Dương kể cả cặp ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi và Hồ Văn Cường cũng thể hiện rất thành công bài hát nầy.

Phải nói thêm nhạc sĩ Trần Long Ẩn cũng là người gắn bó nhiều với Tây Ninh, tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn thường lên đây công tác, đi giao lưu, tập huấn, sáng tác thực tế… nhạc sĩ rất có công trong việc phát triển và hình thành Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Tây Ninh. Hiện nay ông là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.