You are here

Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9/2022: Chương trình nghệ thuật “Hát lên Việt Nam”

Tác giả: 
Thanh Nhã

Sáng 31 tháng 8 năm 2022, tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hát lên Việt Nam” chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XIII (3/9/2010 – 3/9/2022). Chương trình được phát trực tiếp trên fanpage chính thức Hoinhacsi.vn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và MUCA của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Đến dự chương trình có: Đồng chí Lê Hoài Trung – Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương.

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội; nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương - Trưởng Ban Kiểm tra; và các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội; các nhạc sĩ lão thành: TS, nhạc sĩ Doãn Nho – Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, PGS Chu Minh - Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật; đại diện lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, đông đảo các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ của Thủ đô và các phóng viên báo đài đến dự và đưa tin chương trình…

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, khẳng định:

Âm nhạc luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Âm nhạc có thể chia sẻ với chúng ta rất nhiều điều, từ những khó khăn trong cuộc sống, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc… Âm nhạc còn là sợi dây vô hình kết nối tình yêu thương giữa con người với con người, giữa các dân tộc trên thế giới xích lại gần nhau hơn, xóa bỏ những rào cản về vị trí địa lý, chính trị xã hội, những ngăn cách về ngôn ngữ để hòa nhập cùng nhau. Ngôn ngữ của âm nhạc là ngôn ngữ chung của tất cả mọi thế hệ và mọi dân tộc; ai cũng hiểu được nó, bởi nó được hiểu bằng trái tim”.

Từ thế kỷ thứ XV, Nguyễn Trãi – Vị danh nhân văn hóa thế giới của đất nước chúng ta trong lần chuẩn bị soạn nhã nhạc cho triều đình đã nói: “Thái bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc”. Trên bước đường xây đắp và phát triển nền thái bình của đất nước Việt Nam hiện đại hôm nay, Đảng, Bác Hồ, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng con người mới là nền tảng, động lực và mục tiêu của nền văn hóa mới, âm nhạc cùng với các loại hình văn học nghệ thuật khác đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp cao cả ấy.

Ngày 3/9/1960, Bác Hồ bắt nhịp cho dàn nhạc, hợp xướng và toàn thể quần chúng nhân dân hát vang bài ca Kết đoàn. Sự kiện trọng đại ấy trở thành biểu tượng của Ngày Âm nhạc Việt Nam - Ngày hội tôn vinh nền Âm nhạc Việt NamHội tụ và lan tỏa những điều tốt đẹp nhất với tất cả mọi người.

Ngày Âm nhạc Việt Nam động viên chúng ta cùng phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của nền âm nhạc Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm âm nhạc hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa phục vụ công chúng. Cùng các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia và xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

65 năm qua Hội Nhạc sĩ Việt Nam luôn giữ vững truyền thống Đồng hành cùng dân tộc và càng tự hào hơn, Ngày Âm nhạc Việt Nam là những ngày đồng hành cùng Mùa thu Cách mạng Việt Nam.

Kính chúc quý vị đại biểu và quý vị khán giả luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và chúng ta hãy cùng Hát – Lên – Việt – Nam!

Ngày Âm nhạc năm nay, với tinh thần “Âm nhạc hội tụ và lan tỏa”, các nghệ sĩ của chương trình đã mang đến cho khán thính giả thưởng thức những tiết mục đặc biệt:

Hòa tấu “Trống hội ngày xuân”, sáng tác: Nguyễn Chín, biểu diễn: Dàn nhạc dân tộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chỉ huy: NSND Phạm Ngọc Khôi

“Suy tư” - Độc tấu đàn Tỳ bà và dàn nhạc, sáng tác: NSND Mai Phương, biểu diễn: Diệu Thảo, chỉ huy: NSND Phạm Ngọc Khôi

“Mẹ yêu con”, sáng tác: Nguyễn Văn Tý, biểu diễn: Anh Thơ, chỉ huy: NSND Phạm Ngọc Khôi

“Kể chuyện dòng sông” - Độc tấu sáo trúc và dàn nhạc, sáng tác: Đinh Linh, biểu diễn: Đức Thao, chỉ huy: NSND Phạm Ngọc Khôi

“Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên”, sáng tác: Lê Lôi, biểu diễn: ca sĩ: Ngô Hương Diệp, piano: NSND Phạm Ngọc Khôi

Độc tấu cello “Trăng trên vịnh”, sáng tác: Lê Lan, biểu diễn: Hà Miên, piano: Huy Phương

“Mong”, sáng tác: Đỗ Hồng Quân, biểu diễn: ca sĩ Đào Tố Loan, piano: Huy Phương

Độc tấu violin “Miền Nam quê hương tôi”, sáng tác: Huy Du, biểu diễn: Dương Minh Chính, piano: Huy Phương

“Bài ca Hà Nội”, sáng tác: Vũ Thanh, biểu diễn: Phương Mai, piano: Phạm Ngọc Khôi

Dàn nhạc nhẹ Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội cùng các tiết mục:

“Giấc mơ yêu thương”, sáng tác: Đức Tân, biểu diễn: Lan Anh

“Thương lắm tóc dài ơi”, sáng tác: Phú Quang, biểu diễn: Lương Nguyệt Anh

“Nhan sắc”, sáng tác: Lê Anh Thúy, biểu diễn: Tốp nữ Đoàn Văn công Quân khu I

“Thì thầm mùa xuân”, sáng tác: Ngọc Châu, biểu diễn: Khánh Linh

“Tướng quân Võ Nguyên Giáp”, sáng tác: Bùi Hoàng Yến, biểu diễn: Hoàng Viết Danh

“Giai điệu Tổ quốc”, sáng tác: Trần Tiến, biểu diễn: Nhóm Dòng thời gian

“Mừng ngày Âm nhạc Việt Nam” sáng tác: Đỗ Hồng Quân, biểu diễn: Tập thể nghệ sĩ

Lãnh đạo Hội chụp ảnh cùng các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương tới dự chương trình

Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam và NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội, trao Chứng nhận cho các Hội viên mới được xét kết nạp đợt I năm 2022. Vào dịp Hội lần thứ 4, khóa X vừa qua, Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã quyết định kết nạp thêm 75 nhạc sĩ hội viên mới.

Xem ảnh tại đây: https://hoinhacsi.vn/ngay-am-nhac-viet-nam-2022-chum-anh-1

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.