You are here

Nghề phê bình âm nhạc: Tích cóp từ chuyên ngành nghiên cứu (Phần 2)

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

Phần 1: https://hoinhacsi.vn/nghe-phe-binh-am-nhac-tich-cop-tu-chuyen-nganh-nghien-cuu-phan-1

Chuẩn bị

(Tiếp theo)

Coi như ta đã mua sắm đủ “nguyên vật liệu”, giờ chuyển sang sơ chế thôi. Nói nôm na, đây là các thao tác cắt, thái, pha, trộn... Các bà nội trợ thời hiện đại ít thời gian dễ coi nhẹ bước này, thậm chí còn bỏ qua việc ướp tẩm nên vị ngon của sản phẩm bị giảm đi nhiều.

Gọi là “sơ chế” theo giọng bếp núc cho dễ hiểu thế thôi, chứ đây là công đoạn phức tạp đòi hỏi các kỹ năng chuyên ngành nghiên cứu. Xử lý tư liệu càng kỹ lưỡng chừng nào thì việc viết bài càng thuận lợi hơn chừng ấy.

Trước hết là khâu đọc văn bản chữ viết. Nhà nghiên cứu thường bị mang tiếng là “sách vở”. Cái ý chê bai này hàm chứa một sự thật: đã hành nghề nghiên cứu thì bạn không thể tránh khỏi nhiệm vụ tiêu thụ sách báo bài vở một các tự nguyện hoặc bắt buộc. Thật không may nếu bạn dị ứng với đọc mà lại bị số phận đưa đẩy vào lĩnh vực nghiên cứu. Cũng chẳng may mắn gì nếu đọc nhiều mà lại không quản lý được những gì đã đọc.

Cái sự đọc của dân “ngâm cứu” chắc chắn còn nhọc nhằn hơn cánh báo chí. Một khi đọc không còn đơn thuần như một sự thưởng thức nữa, mà phải huy động đầu óc phân tích mổ xẻ, bạn thấy mau mệt và mau quên những gì đã đọc, bạn dễ bị uổng công phí sức nếu chỉ đọc khơi khơi và hoàn toàn không ghi chép gì hết. Kể cả ghi chép cẩn thận rồi mà nhiều khi vẫn công toi vì nhét vào đâu lúc cần đến kiếm không ra.

Sau kha khá công trình nghiên cứu với kha khá kinh nghiệm trong quản lý và xử lý tài liệu, tôi vẫn thấy việc này đôi lúc quá mệt mỏi rối ren. Sơ suất vẫn xảy ra bất cứ lúc nào nếu tôi quá ỷ lại sự trợ giúp tuyệt hảo của bộ nhớ siêu việt là máy vi tính, hoặc quá lạm dụng một bộ nhớ sinh học đã có tuổi thuộc quyền sở hữu của tôi, một bộ nhớ quá tải đang ngày càng đòi hỏi nhiều hơn quyền được nghỉ hưu.

Vì phải làm song song một lúc nhiều việc khác nhau, tham gia viết vài đề tài khác nhau, tôi luôn sử dụng cùng lúc cả đống sổ tay dành cho các vụ việc khác nhau. Cuốn này chuyên về tác giả, cuốn kia phân tích tác phẩm, cuốn nữa dành cho sách… Những gì không thuộc chuyên ngành âm nhạc dồn vào cuốn tạp-pí-lù. Trong máy tính của tôi folder tạp-pí-lù cực lớn, được phân theo từng năm và chia thành nhiều tệp tin chủ đề khác nhau. Những tưởng đã quy củ và khoa học lắm rồi, thế mà vẫn tướt bơ trong khâu tìm kiếm, nhiều khi tình cờ lại thấy cái trước đó mình cần mà tìm mãi không ra và giờ thì việc đã qua mất rồi.

Ngoài việc ghi chép sổ sách là lưu trữ vào các kiểu đĩa mềm đĩa cứng rồi USB, các loại ổ cứng ổ rời rồi Onedrive. Giờ bỏ tiền ra gửi dữ liệu vào “đám mây” thoải mái rồi, tôi vẫn loay hoay thử thêm các cách khác để lưu trữ ghi nhớ. Một trong những cách đó là lập phiếu mà tôi học được từ ông giáo già người Nga của tôi. Có thể lúc này bạn cũng như tôi thuở ấy chẳng muốn quan tâm đến cái thao tác buồn tẻ và quá thủ công so với ứng dung tin học hiện đại, nhưng đảm bảo bạn thực sự thấy được giá trị của việc làm phiếu khi phải thực hiện những công trình nghiên cứu liên quan đến nhiều bài viết phải đọc và nhiều tác phẩm phải phân tích.

Tôi lười cắt xén bìa làm phiếu như thầy hướng dẫn, thêm nữa, vẫn chưa phai hẳn thói quen tiết kiệm giấy của con nhà nghèo thời bao cấp nên tất cả các blog lịch được biếu đã không được treo tường để bóc để coi mỗi ngày, mà bị tôi trưng dụng nguyên cục ghi nội dung phiếu đọc vào mặt sau tờ lịch. Tôi đã ghi hàng nghìn phiếu dành riêng công trình Đánh giá tài liệu nghiên cứu - lý luận - phê bình thế kỷ XX. Không may chồng phiếu cho công trình này (và những công trình sau) đã bị mối xông sạch sành sanh cùng với toàn bộ giá sách gia đình tôi - một vụ mất mát khủng khiếp, tổn thất lớn gần bằng cháy nhà.

Khỏi kể lể chi tiết cần ghi chép những gì và trình bày phiếu thế nào cho dễ kiếm, vì mỗi người tự tìm ra cách phù hợp nhất cho mình, cốt sao trước khi đặt bút viết bài bạn dễ dàng rà soát và sắp xết phiếu một cách linh hoạt theo trình tự vấn đề cần xem xét.

Chỉ xin vắn tắt vài bước sử dụng phiếu như sau:

- bước 1 - lập phiếu cho mỗi văn bản cần nghiên cứu (bài viết hoặc tác phẩm)

1/ các thông tin liên quan: tác giả, chủ đề, thể tài (nghiên cứu, sưu tầm hay báo chí, phê bình) đối với văn bản chữ viết; thể loại và hình thức đối với văn bản nốt nhạc, năm và nơi xuất bản hoặc công diễn, tóm tắt nội dung;

2/ ghi lại những nhận xét của mình về đối tượng nghiên cứu theo kiểu gạch đầu dòng từng ý cho dễ kiểm soát;

3/ những đoạn trích dẫn đáng chú ý từ văn bản chữ viết, các ô nhịp trong tác phẩm cần dẫn thí dụ nốt nhạc;

- bước 2 - tổng hợp lại những khía cạnh xuất hiện nhiều trong các phiếu để từ đó xây dựng dàn ý;

- bước 3 - khi viết đến vấn đề cụ thể nào (chẳng hạn nội dung lời ca hoặc cấu trúc, hòa thanh, v.v) lại lựa ra những phiếu có liên quan, sắp xếp thứ tự trước sau để bình luận sao cho hợp lý...

Rồi cứ thế giải quyết lần lượt từng tiểu mục theo đề cương lập sẵn.

Việc lập phiếu được dùng không những với tư liệu chữ viết mà còn hữu dụng khi phải phân tích nhiều bản nhạc. Nếu xử lý văn bản chữ viết không khó, chỉ cần bạn không mù chữ, thì xử lý bản nhạc là điều không thể với người mù nhạc. Đây là phần việc của nhà nhạc học, là trọng trách và ưu thế của riêng nhà nghiên cứu trong lĩnh vực phê bình âm nhạc.

Nhạc sĩ Doãn Nho từng nhận xét: “Âm nhạc phải đi bằng cả hai chân - thanh nhạc và khí nhạc - thì mới là một nền âm nhạc khỏe mạnh”. Chúng ta với bản tính tiết kiệm thường nhảy lò cò một chân ca khúc.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp từng phát biểu: “Âm nhạc phát triển tốt là phải tạo được thế kiềng ba chân: sáng tác - biểu diễn - lý luận”. Chúng ta vẫn đề cao tinh thần tiết kiệm chỉ xài kiềng hai chân, còn cái chân thứ ba - lý luận phê bình - gần như teo tóp. Giảm biên chế gia đình Táo công một bà hai ông chỉ còn một vợ một chồng, cái anh chồng hờ kia có cũng như không.

Ông trời khoái thử thách tôi hay sao mà luôn đẩy tôi vào tình cảnh phải nhận đặt hàng viết về mảng khí nhạc, nghĩa là bình về cái phần dặt dẹo nhất từ vị thế của anh chồng hờ.

Cái khó bó cái khôn, hay là ló cái khôn chính tôi cũng không chắc. Vì thế, sau nhiều cú tự đặt vào mình vào thử thách phân tích tác phẩm âm nhạc, đặc biệt là khí nhạc, sao cho cả người ngoại đạo cũng “tiêu hóa” được, tôi vẫn không dám nhận viết giáo trình phê bình âm nhạc chuyên nghiệp.

Phân tích tác phẩm âm nhạc không thể chỉ bằng mắt mà thiếu “đường nghe”. Nếu có điều kiện, tôi thích được nghe tác phẩm trước khi phân tích, nhưng nhiều khi lại không có cơ hội lựa chọn, nhất là với tác phẩm khí nhạc.

Khi nghe lần đầu (nhạc sống hoặc CD), tôi chỉ muốn được thưởng thức như một thính giả thông thường, không bị áp lực nghề nghiệp, không bị can thiệp bởi bất kỳ sự mổ xẻ soi mói nào của cái đầu ham phân tích. Thử để nhà lý luận trong bạn ngủ quên đi. Quên luôn bạn là ai đi. Dù là cử nhân hay không bằng cấp, dù là sư (giáo sư, phó giáo sư) hay sĩ (thạc sĩ, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học)… thì mọi thính giả đều hoàn toàn bình đẳng trước âm nhạc.

Một lần trong bữa tiệc ở sứ quán Nauy có một nhóm nhạc thính phòng biểu diễn, nhạc sĩ Tô Vũ bất ngờ quay sang tôi:

- Này Minh Châu, bài đó có phải hai đoạn đơn không nhỉ?

- Cụ ơi con không biết! - câu hỏi đơn giản làm tôi ngay đơ với bộ dạng của đứa trò dốt bị thầy truy bài bất chợt.

Thực tình tôi không biết và không cố biết, vì thưởng thức nhạc cũng như thưởng thức tiệc là lúc hơn bao giờ hết tôi chỉ muốn quên mọi thứ lý thuyết.

Nếu không thể nghe trước khi phân tích thì sau đấy tôi vẫn muốn được một lần nghe tác phẩm theo cách đó. Có được cảm nhận của một thính giả như mọi thính giả ngoại đạo rồi mới tới lúc đánh thức nhà lý luận “lai tỉnh”. Với CD có trong tay, bạn chủ động nghe lại tác phẩm khí nhạc bao nhiêu lần tùy ý sau khi xem kỹ tổng phổ, rà soát những ghi chú trong phân tích (các chủ đề chính - phụ, phân đoạn...), bổ sung dần những nhận xét mang tính chuyên ngành.

Có lúc bí bét, tức là chưa quyết định nên nói gì hay viết thế nào, tôi thường nghe các buổi tập duyệt trước công diễn, đôi khi từ đó lại bật ra vài chi tiết đáng giá. Nếu đối tượng bài viết là nghệ sĩ biểu diễn thì ngoài đêm diễn chính thức tôi không muốn bỏ qua các buổi tập và duyệt chương trình.

Để sắp xếp lại đống ghi chép lộn xộn, tôi thường đi theo trình tự từ tổng quát đến chi tiết với các khía cạnh sau:

- ngôn từ (nhan đề, tựa đề, tiêu đề, lời ca, chỉ dẫn âm nhạc, nếu là tác phẩm khí nhạc không nhan đề thì chỉ còn dựa vào các chỉ dẫn tốc độ, cường độ, sắc thái…);

- nốt nhạc (đối với ca khúc là giai điệu và công năng hợp âm hoặc phần đệm nếu có, đối với khí nhạc là tổng phổ);

- riêng tác phẩm thanh nhạc còn phải xem xét mối quan hệ giữa nhạc với lời (nghệ thuật phổ thơ, dấu giọng).

Đây chính là chỗ khác nhau giữa dân nghiên cứu âm nhạc chuyên nghiệp với nhà báo. Trình tự tôi tự vạch cho mình thường bắt đầu từ nội dung đề tài, rồi đến nghệ thuật biểu hiện qua bút pháp sáng tác, cuối cùng là nghệ thuật biểu diễn.

Điểm tổng quát trước tiên là đề tài, cái mà dân nghiên cứu thường “nâng lên thành quan điểm” bằng cái từ rất chi là lý luận theo tinh thần định hướng: chủ đề tư tưởng.

Chủ đề tư tưởng tác phẩm thanh nhạc thường lồ lộ ngay từ nhan đề và được củng cố thêm qua nội dung lời ca, tức là các nhà bình luận thường suy diễn qua phần ngôn từ tác phẩm, chứ có mấy ai nhọc công kiếm tìm trong ngôn ngữ âm nhạc đâu. Thật khó xác định ở tác phẩm không lời, càng khó với tác phẩm khí nhạc chỉ đánh số và không có nhan đề, không có bất kỳ câu chữ nào để bấu víu. Trong kho tàng khí nhạc nhân loại có những tác phẩm nổi tiếng với tên gọi không phải của tác giả mà do người đời “luận” ra từ nhạc không lời, như sonate Ánh trăng của Beethoven, etude Triste của Chopin được Việt hóa thành Nhạc buồn… Chưa thấy trường hợp tương tự nào trong nhạc đàn Việt Nam.

Song cũng may cho các nhà bình luận âm nhạc là đa phần tác phẩm khí nhạc của ta có sẵn nhan đề, thậm chí có tác phẩm còn được diễn giải bằng cả một kịch bản văn học nữa. Có lẽ điều này thích hợp với cái tạng của nhạc sĩ, nghệ sĩ cũng như công chúng Việt Nam, trong đó đương nhiên bao gồm các nhà bình luận và nghiên cứu âm nhạc.

Cho dù tác phẩm có nhan đề hay vô đề, chỉ xin nhắc một điều, cả hai trường hợp đều đòi hỏi cách bình luận mang tính gợi mở, cố tránh diễn giải theo kiểu minh họa hình ảnh cụ thể. Kể cả khi tác giả giải thích chủ đề này là ai, chủ đề kia là gì, thì bạn vẫn có quyền cảm nhận âm nhạc theo cách của mình, không tự đóng khung vào lời chỉ dẫn quá cụ thể của chính tác giả. Rồi với tư cách cầu nối từ tác phẩm và ý đồ của tác giả tới công chúng, đến lượt bạn cũng chớ trói buộc người nghe vào những lời chỉ dẫn áp đặt có thể bóp chết trí tưởng tượng.

Đưa người đọc tiến sâu hơn vào nghệ thuật biểu hiện, bạn cũng dễ dàng hơn nếu chọn đi từ cái cụ thể tới tính trừu tượng. Cụ thể ở đây là lời ca trong tác phẩm thanh nhạc và nhan đề tác phẩm khí nhạc (đôi khi còn có tiêu đề các chương hoặc các tiết mục). Lời ca cụ thể vẫn gợi ra những hình ảnh trừu tượng đa nghĩa, như trong một số bài hát của Trịnh Công Sơn, nhưng đó không phải là trường hợp phổ biến. Tính trừu tượng trong tác phẩm âm nhạc là những gì được biểu hiện qua âm thanh, nghĩa là nó nằm trong chính ngôn ngữ âm nhạc.

Ngôn ngữ âm nhạc là gì? Các nhà nghiên cứu sẽ trả lời: đó là những gì liên quan đến thể loại âm nhạc, cấu trúc tác phẩm, hình thức âm nhạc, chất liệu âm nhạc…; chi tiết hơn nữa là giai điệu, tiết tấu, nhịp điệu, âm vực, khoảng âm, thang âm, điệu thức, điệu tính, hòa thanh, phức điệu, phối khí, âm sắc, sắc thái, cường độ..., thậm chí cả tiếng động, tiếng ồn (âm thanh ngoài âm nhạc) trong xu hướng nhạc hiện đại (modern music) và nhạc đương đại (contemporary music).

Hãy để con mắt nhà nghiên cứu trong bạn soi rọi vào từng khía cạnh kể trên, từ đó rút ra những nhận định đáng chú ý. Nếu là tác phẩm giao hưởng nhiều chương, thì sau mỗi khúc nhận xét cho từng chương lại đúc kết nhận xét tổng hợp cho toàn tác phẩm.

Bạn chưa thể dừng lại ở đây nếu bài viết của bạn liên quan đến nhiều tác phẩm. Sau khi phân tích các tác phẩm riêng biệt là bước tiếp theo: liệt kê đặc điểm chung, tìm những nét giống và khác giữa chúng. Tóm lại chẳng tội gì mà không tận dụng những phương pháp nghiên cứu mà bạn được học từ trên ghế nhà trường khi viết tiểu luận và luận văn, đó là thống kê - tổng hợp - so sánh - phân loại.

Về công đoạn “sơ chế” chiếm nhiều thời gian và chất xám này có thể tóm lược qua vài lời nhắn nhủ sau:

Khi đọc văn bản, nghe và phân tích tác phẩm bạn đừng quên kịp thời ghi lại mọi cảm nhận, rồi từ đó rút ra những điểm đáng chú ý, cứ tạm gọi đó là những “tiểu kết”, trong đó bạn sàng lọc và giữ lại những gì đáng nói, loại bỏ thứ chưa thực sự cần. Chớ có tham, bởi sớm muộn bạn cũng ngộ ra rằng không nhất thiết phải thành khẩn khai báo tất cả những gì mình biết. Một bài viết quá tải thông tin chỉ làm mệt mỏi người đọc mà thôi.

Bước tiếp theo là tổng hợp, sắp xếp các phần ghi chép rời rạc, các “tiểu kết” thành từng cụm từng mục liên quan đến cùng một vấn đề, đánh số các cụm các mục đó nối tiếp nhau sao cho liền mạch và hợp lý. Thứ tự này quyết định dàn bài và nhan đề. Đây là lúc chọn thể tài, cấu trúc, phác thảo dàn bài (dựng khung xương). Thể loại nào dàn bài ấy. Đương nhiên bạn chọn cái thích hợp từ những gì đang có và thử mường tượng mình sắp nấu món gì.

(Còn nữa)

Lược trích bản thảo sách chưa xuất bản Phê bình âm nhạc - đạo và đời (2011-2022).

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.