You are here

Nguy cơ từ ca sĩ ảo: Hai yếu tố khiến ca sĩ ảo "lép vế" trước ca sĩ thực (Bài 3)

Tác giả: 
Yến Thanh

Các ca sĩ Hà Lê, Đồng Lan, Cường Seven đều cho rằng, ca sĩ ảo chưa thể cạnh tranh với các ca sĩ "thực" trên thị trường âm nhạc Việt Nam trong tương lai gần.

Ca sĩ ảo Ann và khởi đầu mờ nhạt

Mới đây, ca sĩ ảo đầu tiên của Việt Nam mang tên Ann đã chính thức ra mắt thị trường âm nhạc với MV "Làm sao nói thương anh" do Kim Ngân sáng tác. Sản phẩm nhận gần 200.000 lượt view sau 3 tuần ra mắt. Ann cũng có Fanpage riêng trên Facebook với 21.000 lượt theo dõi.

Ca sĩ ảo Ann. (Ảnh: NSX)

Rapper Hà Lê cho rằng MV được đầu tư, Ann xinh xắn, dễ thương nhưng ca khúc ê-kíp lựa chọn không phù hợp: "Thể loại ballad rất cần cảm xúc. Người hát phải thể hiện tinh tế, kể được câu chuyện, qua đó mới chạm vào trái tim khán giả. Hiện tại Ann chưa làm được điều đó. Thậm chí có đoạn cô ấy hát còn chưa rõ lời". 

Theo Hà Lê, những ca sĩ ảo trên thế giới rất ít khi chọn dòng nhạc ballad, bởi tính đặc thù riêng của dòng nhạc này. "Những nghệ sĩ thành công trong ballad đều có nét riêng trong chất giọng. Tôi đã nghe nhiều ca sĩ AI trên thế giới, điểm chung của họ là giọng dễ nghe nhưng không đặc sắc. Bởi vậy, theo tôi, ê-kíp nên chọn những ca khúc mang tính giải trí, sôi động, tiết tấu nhanh, che lấp được khuyết điểm về chất giọng. Phần MV đẹp nhưng chưa sinh động, nên có đầu tư về mặt cốt truyện" - Hà Lê chia sẻ. 

Rapper Hà Lê. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, ca sĩ Đồng Lan khẳng định, sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí đơn thuần chứ chưa đạt tới giá trị nghệ thuật: "Khi nghe thông tin, tôi cũng tò mò và vào xem MV "Làm sao nói thương anh". Tôi thấy nó dễ thương và mới lạ như việc ngày bé được tặng một em búp bê mới, chứ không có cảm xúc gì đặc biệt". 

Ca sĩ Hoàng Bách đồng tình với những nhận định trên, anh cho rằng giọng hát của Ann na ná nhiều ca sĩ trên thị trường. Ca khúc Ann thể hiện cũng được xử lý máy móc, khiến sản phẩm trở nên nhạt nhòa, thiếu điểm nhấn.

Ca sĩ ảo khó vượt qua ca sĩ thực?

Các nghệ sĩ đều cho rằng, trong tương lai gần, ca sĩ ảo nhiều khả năng sẽ phát triển hơn nhưng chưa thể cạnh tranh với các ca sĩ "thực". Lý do họ đưa ra nằm ở hai yếu tố: cảm xúc và tính tương tác.

Đồng Lan cho rằng, giá trị thật luôn có vị trí bền vững: "Với riêng tôi, trong bất cứ một sản phẩm nghệ thuật nào, dù là hội hoạ, kiến trúc hay âm nhạc, nếu không có cảm xúc, tác phẩm sẽ không có linh hồn. Cảm xúc là thứ tuy không nhìn thấy nhưng chúng ta luôn tự cảm nhận một cách rõ nét. 

Để hát một ca khúc thành công, mỗi ca sĩ đã đặt cả "lịch sử" cuộc đời họ trong đó, có trải nghiệm cuộc sống, những hạnh phúc khổ đau. Đó là một cơ chế quá phức tạp và kỳ diệu của tự nhiên qua một thời gian dài tiến hoá, tương tác với xã hội bên ngoài và sâu kín bên trong mà AI không bao giờ có thể".

Rapper Hà Lê nhận định, bên cạnh yếu điểm về mặt cảm xúc, ca sĩ ảo còn hạn chế về mặt tương tác: "Tôi nghĩ trong tương lai, các ca sĩ ảo hoàn toàn có thể tạo ra một cộng đồng nghe nhạc mới, chứ khó cạnh tranh với ca sĩ thực, trừ khi có sự đột phá đặc biệt. Chúng ta đều biết, thứ quan trọng nhất và giữ chân khán giả vẫn là chất lượng âm nhạc. Bên cạnh đó, ca sĩ thực còn có sự giao tiếp, tương tác. Khán giả đều muốn được gặp, trò chuyện với thần tượng của họ ngoài đời, thay vì tưởng tượng trên internet.  Những ca sĩ có nội lực, có tài năng, có vẻ ngoài, có ê-kíp hùng hậu, họ vẫn sẽ thắng thế so với AI".

Khi được hỏi về việc ca sĩ ảo có tái định hình khái niệm sản xuất âm nhạc truyền thống, khi một nhạc sĩ có thể tự mình tạo ra một MV hoàn toàn mới mà không cần đến ai khác, Hà Lê cho rằng điều này chỉ mang tính lý thuyết: "Trên thực tế, một người hiểu biết về nhạc lý, có khả năng sáng tác, lại đam mê công nghệ và giỏi tới mức tạo ra một ca sĩ ảo là rất khó. Thêm nữa, để thành công trên thị trường âm nhạc hiện tại, một sản phẩm còn cần sự hỗ trợ lớn từ ê-kíp âm thanh, ê-kíp truyền thông, thế nên việc một người tạo nên thành công là không thể, có chăng chỉ là sự đứng tên". 

Theo ca sĩ Cường Seven, đa phần khán giả vẫn thích tương tác với nghệ sĩ thực thay vì nghệ sĩ ảo. Đặc thù của thị trường âm nhạc Việt Nam cũng có những nét khác biệt: "Nếu như tại Nhật Bản, Hàn Quốc - những nơi ca sĩ ảo phát triển, một nghệ sĩ có thể đạt doanh thu lớn từ biểu diễn trực tuyến, bán album, hàng hóa đính kèm thì tại Việt Nam, nghệ sĩ vẫn có thu nhập chủ yếu dựa vào tiền biểu diễn. Hiện tại, ca sĩ ảo vẫn khó làm được điều này".

Ca sĩ ảo đã có mặt và đạt được không ít nhiều thành công tại làng giải trí châu Á, nhất là ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tại Việt Nam, nữ ca sĩ ảo đầu tiên Ann đang chuẩn bị ra mắt mini album trong tháng 8, album vào tháng 12 năm nay. Sự xuất hiện của ca sĩ ảo là tất yếu, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thử thách mà những người sáng tạo ra chúng cần phải vượt qua để tạo ra sự đột phá tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

(Nguồn: https://danviet.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.