You are here

Nhạc sĩ Huy Du: Chuyện đời và nhạc (phần 3)

Tác giả: 
Huy Du

(Tiếp theo)

Chặng đường sáng tác ca khúc - những kỷ niệm

Theo suy nghĩ của tôi, tác phẩm âm nhạc nào cũng có nguồn gốc từ đâu đến bởi vì âm nhạc không thể từ trên trời rơi xuống mà phải từ cuộc sống mọc lên. Các sáng tác của tôi đều có nguồn gốc của nó mà trong đó phần nhiều tác phẩm vẫn có hơi hướng từ những cái mình đã sống từ thời tuổi thơ. Giống như anh Nguyễn Xuân Khoát đã từng nói, âm nhạc phải vào máu mình từ thuở nhỏ. Khi âm nhạc đã ngấm vào máu thì nó không phải là cái mô phỏng nữa. Ngay bây giờ nếu tôi viết những bài sử dụng chất liệu ở vùng Quảng Trị - Hà Tĩnh là tôi viết cũng khó bởi vì lúc bé tôi không được tiếp thu, không được nghe dân ca của vùng đó nên chất liệu âm nhạc đó nó chưa ngấm vào tôi. Tôi có thể dùng kỹ thuật để viết nhưng nó không được sâu sắc, không thể viết Giữa Mạc Tư Khoa tôi nghe câu hò Nghệ Tĩnh hay như anh Trần Hoàn được. Anh Trần Hoàn viết rất nhuần nhuyễn bởi vì anh là người Quảng Trị.

Tôi vốn sinh ra ở vùng Kinh Bắc, thuở bé sống ở Hà Nội nên có điều kiện tiếp thu nhạc Tây. Tôi đã học violon từ rất sớm, hồi đó không có tiền học thầy nên tôi học bạn. Tôi mượn được mấy quyển method, anh em bạn bè chỉ bảo thêm và cứ thế là tập. Thời đó cũng chỉ tập để chơi giai điệu của một vài bài ca khúc trữ tình như Con thuyền không bến, La Cumparsita và một số điệu nhảy để có thể phục vụ hay đi chơi ở những tiệm nhảy, quán bar. Tôi đã từng cầm đàn violon chơi ở rạp Tố Như giữa những màn chen (interscène), chơi mấy bài dưới sự chỉ đạo của ông bầu. Bước đầu tôi đi vào nhạc cụ rồi sau đó dần dần tôi bắt đầu muốn sáng tác.

Trước Cách mạng tôi đã sáng tác một số bài như Chiều nơi sa trường, Quê hương. Những sáng tác lúc đó vẫn còn “lãng mạn kiểu vu vơ” nhưng cũng được in ở nhà in Librairie Ngoạn. Sách in bằng giấy mỏng được bày ở mẹt bán vỉa hè. Để được in sách cũng phải kiểm duyệt nghiêm túc giống như Nhà xuất bản Âm nhạc bây giờ. Lúc đó tôi với anh Phong Nhã rủ nhau đi gửi bài để duyệt. Nơi duyệt là Bộ Thông tin và anh Thẩm Oánh là người duyệt tác phẩm. Tôi còn nhớ sau khi đưa tác phẩm đến duyệt, mấy hôm sau đến lấy thì thấy được phê một chữ “sai luật”. Những người hiểu biết giải thích là “anh làm không cân đối”, không theo đúng luật cân đối L’équilibre. Thế là mình cứ đinh ninh cái L’équilibre có nghĩa là câu nào cũng phải cân đối. Cái đó ảnh hưởng rất ghê. Từ cách hiểu sơ đẳng đó, khi viết Tôi yêu hòa bình thì câu nào cũng dài đúng bằng nhau:

“Tôi yêu hòa bình như đôi chim xinh ríu rít ca bình minh

Tôi yêu quê người ánh mắt sáng ngời đang hát vui bên giời

Tôi yêu hòa bình tôi yêu nhân dân thắm thiết như mùa xuân…”

Bài có bốn câu cân đối, mỗi câu mấy measure (nhịp) là đúng như thế. Đấy cái hiểu sơ đẳng lúc mình chưa được học hành, nhưng bởi vì phải có xúc cảm mới viết nên bài này thời ý cũng phổ biến.

Năm 1944 bắt đầu chuẩn bị cho khởi nghĩa, theo trào lưu dân tộc, tôi tham gia vào những hoạt động của thanh niên cứu quốc. Chúng tôi tổ chức được một đội nhạc cách mạng của Thanh niên cứu quốc: anh Phong Nhã thổi sáo, anh Thụ và tôi chơi violon, chủ yếu phổ biến những bài nhạc mang chất Cách mạng đã được in ấn thành bản thời đó như: Ải Chi Lăng, Lên đàng… Đến khi tổng khởi nghĩa bắt đầu, về chiến khu II, vì bên trên thấy mình chơi violon nên mới đưa tôi về đội tuyên truyền, sau có cả Nguyễn Đức Toàn tham gia ở chi đội 2 của Đỗ Nhuận sáp nhập vào thành đội tuyên truyền của quân khu II. Thời đầu cách mạng, những bài như Con thuyền không bến, Thiên thai được nhiều người nghe, kể cả các cán bộ cũng rất thích thú, chẳng có ai phê phán. Kể từ khi mình tiếp xúc với lý luận văn hóa của Trung Quốc, quan điểm về văn hóa có những cái mới, phục vụ dân sinh. Chịu ảnh hưởng của trào lưu mới, tôi cũng chuyển hướng. Ngày đầu kháng chiến, năm 1946 tôi viết bài Sóng nước Ngọc Tuyền:

Thuyền ai bập bềnh trên sóng

Vương theo tơ đồng trầm buông

Con thuyền bập bềnh theo sóng nước

Đấy là bài có chất lãng mạn nhiều, ảnh hưởng của Pháp với tiết tấu nhịp điệu tango. Vì tôi nghĩ là đã có bài Thiên Thai thì tại sao không có bài Sóng nước Ngọc Tuyền? Tất nhiên mình không thể so sánh mình với ông Văn Cao được nhưng do lúc đó tự tình cảm của tôi có một cảm xúc đặc biệt nên tôi vẫn chọn đề tài này. Sau đó tôi bước vào những đề tài chiến đấu với những bài viết về những nơi mình sống. Thời đó nếu được học có thể tôi sẽ viết theo lối sonate hay viết ca khúc có refrain (điệp khúc) câu đoạn rõ ràng nhưng vì chưa được học mà mình lại muốn nói nhiều nội dung vấn đề nên tốt nhất là viết nhiều đoạn. Cho nên ngày xưa, đa số tôi viết nhiều đoạn nhưng là viết tự do chưa có bài bản, không có biến đổi nhiều về hòa thanh, có khi chỉ loanh quanh trong Tonic, Dominant, Sub dominant, v.v… Thời chống Pháp có mấy bài quần chúng hát nhiều như Ba Vì năm xưa, Sẽ về thủ đô. Ba Vì năm xưa tôi cũng viết form như Sẽ về thủ đô được chia rất nhiều đoạn. Ba Vì năm xưa được viết khi tôi sống ở đất Ba Vì, Sơn Tây. Đất Ngọc Nhị, mở mắt ra là nhìn thấy đỉnh núi Ba Vì, nó gợi cảm xúc nên khi tôi đi họp với anh Quang Dũng tôi đã viết ngay bài đó trên đường đi.

Bài Những gác chuông giáo đường thì ít người nghe hơn vì bài thuộc khu vực công giáo nhưng ở khu III thì cũng nhiều người biết. Bài được viết lúc tôi đi công tác vào vùng địch hậu ở Nam Định, Thái Bình - là đất của nhà thờ. Đây cũng là bài sát với tình hình chính trị nhưng không khô cằn. Bài cũng được viết theo kiểu nhiều đoạn, dựa theo thơ của nhà thơ Hữu Loan nổi tiếng thời ý:

Những gác chuông giáo đường giữa đô thành tiêu thổ

Những dãy nhà chung mở muôn cửa sổ.

Giáo dân nghe cảm động và khóc, vì nó phản ánh thực tình cảnh của họ, và tất nhiên có cả tác dụng của lời ca và âm nhạc nữa.

Qua ba bài chống Pháp, có thể nói chất nhạc của mình sáng tác thời đó còn bản năng và chịu ảnh hưởng từ âm nhạc trước cách mạng, nó bám vào cuộc sống phản ánh được đề tài của cuộc sống. Không có cảm xúc chẳng có ý nghĩa gì cả và kinh nghiệm cuộc đời tôi là những bài thành công là những bài xúc động thực sự. Có những bài mình tưởng là thành công thì lại không được bởi vì nó chưa đạt được đến cảm xúc.

Giai đoạn chống Mỹ là giai đoạn mình đã được học nên cũng viết chắc tay hơn như: Anh vẫn hành quân, Nổi lửa lên em, Đường chúng ta đi… Riêng trong chống Mỹ, tôi nghĩ rằng thời kỳ đó người ta rất chú ý đến tiết tấu, nên tôi mạnh dạn dùng tiết tấu vào Nổi lửa lên em và đưa cả một đoạn trong Đường chúng ta đi. Các bài có thành công phải thông qua cuộc sống của nó, chỉ có cuộc sống mới chứng thực được giá trị thật sự của tác phẩm, chứng thực tác phẩm đó có đi vào lòng người ta hay không.

Tôi có nhớ rằng thời đi Bạch Long Vĩ tôi viết Bạch Long Vĩ đảo quê hương, Có chúng tôi trên hải đảo xa xôi và một hợp xướng Tiếng kèn cứu nước. Nhưng lúc về thì bản hợp xướng đó không được dựng, bị phê phán là đang lúc nước sôi lửa bỏng lại viết trữ tình. Mình cũng phải chấp nhận thôi vì mỗi tác phẩm khi nó chưa vào cuộc sống thì khó nói. Ngay gần đây nhất tôi vào Sài Gòn, tôi với anh Hồ Bắc được Đài Truyền hình mời viết bài, đặt rõ là tình ca, đấy là đề tài hóc búa đối với tuổi 78. Thế mà có một đêm đi với anh Hồ Bắc đến quán nhạc tên là Thanh Xuân có dàn nhạc sống, ở đấy chúng tôi gặp một nữ đại tá quân đội hát rất hay và được trò chuyện với cô; đêm hôm ấy về rất nhiều cảm xúc, tôi viết ngay bài Đêm Sài Gòn:

Đêm Sài Gòn anh gặp em, trong cơn mưa, cơn mưa chiều dịu mát

Đêm Sài Gòn anh gặp em dưới ánh đèn lung linh, đôi mắt em cười xinh đang ca vang khúc ca hùng tráng

Đêm Sài Gòn anh gặp em, nhớ tới năm xưa trên con đường giải phóng, anh dẫn em đi khi mùa xuân tỏa nắng

Này em ơi, này em ơi! thời gian dẫu có trôi qua bao mùa gió chướng nhưng tình anh vẫn trông về một hướng

Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố của niềm tin bao nghĩa bao tình.

Cái khó nhất vẫn là xúc cảm, xúc cảm nó phải có cuộc sống của nó, tất cả tác phẩm của tôi người thực việc thực. Khi tôi đi Đường Chín Khe Sanh, có một cô ở Bộ tư lệnh nuôi quân rất là xinh, rất chu đáo với anh em cán bộ chiến sĩ. Bọn tôi Xuân Sách, Thanh Tâm, đi đâu về là cô gói cho nắm gạo rang, hay nắm cơm... Có hôm tôi đi về được chiêu đãi rau rừng cho nên mới có:

Một gánh rau rừng còn ủ kín yêu thương

Nhớ nắm gạo rang đường ra chiến trận

Phút ngọt bùi thiếu nắm cơm ngon.

Bài này gốc là thơ của Giang Lam, cũng là thiếu sinh quân học tôi ngày xưa, sau là phóng viên của nội thương, cậu ấy viết bài Em cũng hành quân ca ngợi cô cấp dưỡng của bên nội thương. Tôi bổ sung thêm lời sửa lại thành Nổi lửa lên em. Sau tác giả Giang Lam cũng đổi tên là Nổi lửa lên em chứ không để Em vẫn hành quân.

Một số vấn đề phổ thơ cho nhạc

Nói chuyện âm nhạc gắn liền với thơ, tách ra thì khó. Nhân tiện đây tôi cũng muốn trình bày quan niệm của tôi. Ai đã làm nhạc cũng biết phổ thơ có rất nhiều hạn chế. Thực tế thơ mang hình tượng của thơ là hình ảnh và từ ngữ tạo nên hình tượng của thơ, âm nhạc tạo hình tượng của âm nhạc, từ hình tượng của thơ sang hình tượng âm nhạc là hai vấn đề khác nhau. Không phải đơn giản cứ có thơ là có nhạc, như thế gọi là hát thơ, giữa các nhà thơ và nhạc đang có những tranh luận chưa có hồi kết.

Bài Tình em được sáng tác năm 1962. Lúc đó tôi mới ở Trung Quốc về, đất nước bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Một hôm giở báo Văn nghệ đọc được bài Tình em của Ngọc Sơn và chả biết tác giả là ai, tôi rất xúc động bởi vì tất cả hình ảnh nó gợi cho mình những thời mình đã sống. Kháng chiến chống Pháp cũng đi cũng phải xa nhà, đi 6-7 năm có về nhà đâu, mẹ mất không về, lang thang suốt cuộc đời như thế, vì vậy khi đọc bài thơ ý là rung động ngay, viết một tối đã xong.

Tôi nghĩ rằng, trong ca khúc lời phải có chất thơ mà khi đi học tôi thấy Schubert phổ đa số là thơ của Schiller và Goethe. Tchaikovsky phổ của Puskin rất nhiều, phải có chất thơ ở trong nhạc. Thiếu chất thơ thiếu lôi cuốn, vậy chất thơ là cái gì? Là trong nhạc anh phải gieo đúng vần thơ vào vần nhạc.

Thế đấy tôi rút ra bài học là nếu có viết ca từ, thì cần hết sức chú ý để sao tạo cho nó chất thơ. Ví dụ bài Nhớ về cửa biển tôi viết:

Nhớ chiều nào ra khơi

Sao thương nhớ đầy vơi

Năm tháng lênh đênh theo lời biển gọi

Sao chỉ hướng chân trời xa vời vợi

Càng thêm thương thêm nhớ vô vàn

Em ơi biết chăng, biển xa sóng lớn

Lúc giông tố trùng khơi

Gối theo sóng dạt trôi

Cánh hải âu rời biển

Tình thương nỗi nhớ bao giờ nguôi

Trông ngôi sao Mai nhớ thương ai mà sao nhớ thế

Nhớ hương lúa đồng quê

Nhớ tiếng hát mẹ ru

Những ngày xa cửa biển

Thủy chung sóng vỗ

Theo nhịp tiếng đời

Biển ơi, biển ơi, biển ơi!

Phải có chất thơ, dùng hình ảnh của thơ và vận thơ phải vào với vận nhạc, đôi khi không hẳn nhà thơ nào cũng biết chuyện đó. Nhưng khi đã thành nhạc thì lời thuyết minh cho hình tượng của nhạc, khi đã phổ bài thơ có hình tượng âm nhạc thì bịt thơ đi mà vẫn có hình tượng âm nhạc, đó là sự thành công như bài Bạch Long Vĩ đảo quê hương:

Bạch Long Vĩ đảo quê hương

Em đứng trên biển Đông

Thôn xanh Phù Thủy Châu

Mênh mông sóng bạc đầu

Gió rì rào năm tháng.

Khi phổ nhạc bao giờ tôi cũng để ý đến vần thơ. Hiện tại có một số nhà thơ và nhạc sĩ nhìn nhận theo lối “công tôi nọ kia”, vấn đề đó không đúng. Nói thật có những bài mình sửa rất nhiều. Ví dụ như bài Việt Nam trên đường chúng ta đi có mấy câu không phải nguyên xi của Xuân Sách, tôi có mượn cả thơ của Hoàng Trung Thông - chả nhẽ lấy có mấy câu thơ cũng ghi hết tên vào thì hơi kỳ:

Miền Nam ơi! Miền Nam

Ôi bóng dừa xanh, ôi bóng dừa xanh

Những đỉnh núi khuất mây mù xa tắp

Ta sẽ đến nơi đâu còn giặc

Ta chưa về khi Tổ quốc chưa yên.

Ở Trung Quốc hàng tháng có xuất bản tập ca từ chuyên cho những người sáng tác chứ không phải là thơ. Năm 1980 tôi có thời gian và điều kiện đi thực tế sáng tác. Tôi thấy rõ ràng là mình phải đi tìm và thể hiện được cái gì mới nhưng vẫn giữ được bản sắc của mình. Tôi viết Nhớ về cửa biển theo điệu Bolero. Sau đi Bắc Ninh, Yên Phong tôi viết Chợ Chờ. Đôi khi mình tìm những bài thơ nói về những tình cảm riêng, ví dụ như: “Chỉ tại đường chân trời vẫn mọc xa vời vợi vẫn gợi về nhớ thương...” rồi thì:

Nhớ mỗi khi chiều đến là lòng những bồi hồi

Lưng trời dâng kỷ niệm nhắc một thời xa xôi

Không, em không có lỗi chỉ tại đường chân trời

Vẫn mọc xa vời vợi vẫn gợi về nhớ thương.

Cuộc đời đi mãi mà hình như chân lý mà mình chưa đạt được. Bài Người bộ hành và ngôi sao xanh cũng có tính triết lý. Giờ hết chiến tranh rồi, tôi viết nhiều những tâm tình riêng hơn.

(Còn nữa)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.