You are here

Nhạc sĩ Huy Du: Chuyện đời và nhạc (phần 4)

Tác giả: 
Huy Du

(Tiếp theo và hết)

Về khí nhạc

Tôi không viết nhiều khí nhạc vì đó không phải là sở trường của tôi. Tôi nhớ có lần anh Trần Quý bảo tôi là anh phải viết về khí nhạc thì mới trở thành nhà soạn nhạc được. Nhưng quan điểm của tôi hoàn toàn khác. Tôi cũng nghe rất nhiều tác phẩm của Shostakovich, Rachmaninoff Nếu mình học, mình có thể viết được, nhưng dại gì mình bỏ cái sở trường của mình để chạy theo một cái mà nghe thì oai, có vẻ bác học. Giờ lớp trẻ cứ viết, nhưng cái gì cũng thế, cuối cùng nó cũng phải có đời sống, không có đời sống không có ý nghĩa gì cả. Nếu như sau khi đi học về, tôi mà chỉ ngồi viết khí nhạc thì không có Huy Du hôm nay. Tất nhiên nói như vậy không phải coi thường anh em viết khí nhạc, bởi đấy là cái thích thú của từng người, nhưng tránh cái quan niệm viết ca khúc thì không phải tầm cỡ nhạc sĩ! Cái đó hoàn toàn sai, cũng có rất nhiều người viết ca khúc có trình độ. Trên thực tế giao hưởng ở ta chưa hề có một truyền thống từ xa xưa, tuy nhiên tôi vẫn khuyến khích việc phải làm thì vẫn phải làm, nhưng không có nghĩa là không viết giao hưởng thì chưa phải là nhạc sĩ.

Về khí nhạc tôi chủ yếu viết nhạc phim, nhạc cho sân khấu. Khi tôi viết Miền Nam quê hương ta ơi!, nhiều anh em bảo tác phẩm đó nghe có vẻ nhạc viện quá! Thì đúng là tôi học ở Nhạc viện ra thì tôi phải hơi Nhạc viện một chút, như Đàm Linh viết thì rất Shostakovich. Khi viết khí nhạc, tôi rất trọng giai điệu nên ở trong tác phẩm tôi cố vận dụng đưa các chất liệu dân gian, đưa cả Cải lương, dân ca vào. Trong khí nhạc, tôi có quan niệm còn đang gây tranh luận - đó là dù là giao hưởng, mà mất đi chất giai điệu là không hay. Mình là người Việt Nam, nghĩ cho cùng mình viết cho ai? Khí nhạc phải xem lại nên viết như nào cho thích hợp. Có những tác phẩm khí nhạc rất đi vào lòng người như khúc đàn bầu của anh Huy Thục bởi vì nó có cái gì đó gắn vào quê hương vào dân tộc, tất nhiên phải áp dụng kỹ thuật hòa thanh, áp dụng các thủ pháp.

Những chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp về nhạc sĩ Huy Du

* Nhạc sĩ Hoàng Dương: Nói về anh Huy Du thì GS Trần Quốc Vượng đã khái quát đủ rồi. Tôi cảm nhận chất trữ tình, chân thành trong âm nhạc của anh ý. Ngày xưa ở liên khu III tôi đơn ca rất nhiều bài của anh Huy Du như: Những gác chuông giáo đường, Ba Vì năm xưa… Tôi rất thích. Bài Những gác chuông giáo đường rất hay và là một trong những thành công của Huy Du theo tôi đánh giá, nó rất đặc sắc bởi vừa mở đầu là cất cao trào ngay ở âm khu cao, như một lời tuyên ngôn; đấy là một đặc điểm rất ít có ở các ca khúc khác. Rất hoành tráng, ngay từ đầu tạo dáng dấp nguy nga, bề thế của Thánh ca (Choral). Trong suốt tiến trình của tác phẩm, nó rất logic và tạo tình huống đầy xúc cảm - lúc day dứt, lúc trầm lặng, khi đầy tính huyền bí (religion) rất lắng đọng (chỗ tay làm dấu nguyện Cha - Con và Thánh thần – Amen). Tôi hát bài đó với phần đệm dàn nhạc thì lúc ấy rất nhiều người khóc. Sau này tôi cũng chính là một thính giả rất yêu bài Đường chúng ta đi, vợ tôi cũng thế, hai vợ chồng mùa xuân nào cũng được nghe vào lúc giao thừa. Đấy là một niềm vui cảm khái vô cùng, nhất là câu “mà vui sao ta chẳng nói nên lời”, cái ý đẹp lắm, nó đầy chất chính ca nhưng lại rất quyến rũ, thể hiện tinh thần dân tộc rất cao nhưng không khoa trương, nói về những việc rất lớn nhưng không cường điệu mà vẫn lắng sâu vào tâm hồn của người nghe. Theo tôi đấy là một thành công, có giá trị như một bản giao hưởng hùng tráng. Một tác phẩm như Đường chúng ta đi còn mang sức mạnh về âm nhạc và cảm xúc nghệ thuật rất lớn, có giá trị với cuộc sống, có cả chất lãng mạn, sử thi hoành tráng và tình yêu nước, tất cả nó bao quát trong tác phẩm đó, lần nào tôi nghe cũng thấy xúc động.

* Nhạc sĩ Trần Quý: Tôi có may mắn là học trò của anh Huy Du. Anh là người thầy dạy tôi những nốt nhạc đầu tiên và đưa tôi vào con đường âm nhạc cách đây 55 năm ở trường Thiếu sinh quân của Liên khu III. Tôi cùng anh Phan Phúc - học trò violon của anh Huy Du đều là thiếu sinh quân. Cho nên hôm nay gặp nhau ở đây rất nhiều cảm xúc. Anh Du có nhắc đến làng Ngọc Nhị ở chân núi Ba Vì mà anh sáng tác bài Ba Vì năm xưa làm chúng ta nhớ lại những năm tháng đó. Thế rồi chúng tôi hành quân lên Vũ Ẻn ở Phú Thọ, nơi mà cả thầy lẫn trò ăn sắn với cọ 6 tháng giời, chán quá nghiền sắn làm xôi ăn cho đỡ chán. Những kỷ niệm đó không thể quên được. Lúc ý anh Du dạy chúng tôi học nhạc cùng các thầy khác dạy văn hóa, chính trị, quân sự. Chúng tôi thích và quý lắm. Hồi đó vào giờ nghỉ buổi tối hay đêm trăng, chúng tôi cứ lẻn ra nghe anh kéo violon ngoài đồi. Anh Trần Quốc Vượng hay chúng ta đều nhận thấy ở trong anh Huy Du có tính chất trữ tình, lãng mạn trong sáng đẹp và thấm sâu ghê lắm qua các ca khúc trước cách mạng và trong cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp. Khi trên đội Thiếu sinh vệ quốc quân do anh Đỗ Nhuận, anh Trọng Loan phụ trách tuyển những thiếu sinh có năng khiếu âm nhạc, chính anh Du đã chọn tôi, anh Phúc, anh Lê Lan và vài anh nữa. Sau đó anh Nhuận, anh Trọng Loan dạy chúng tôi về âm nhạc và đấy là những bước đi đầu tiên đến với âm nhạc trong cuộc đời của tôi. Cứ gặp anh Huy Du chúng tôi lại nhớ một người anh, người thầy đã dìu dắt chúng tôi đi vào con đường nghệ thuật.

Năm 1987 Hội Nhạc sĩ Liên Xô mời đoàn nhạc sĩ Việt Nam sang biểu diễn những tác phẩm giao hưởng của Việt Nam, trong đó có tác phẩm của anh Huy Du, chị Nhung, anh Nguyễn Đức Toàn, Đàm Linh, Chu Minh, Ca Lê Thuần, Hoàng Việt. Tôi may mắn được cử đi chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng Novosibirsk, tôi tập với các nhạc công ở đó, họ có nhận xét: Họ thích bài Miền Nam quê hương ta ơi của nhạc sĩ Huy Du do nghệ sĩ Tạ Bôn chơi, giai điệu rất đẹp, để lại nhiều cảm xúc khi nghe.

* Nhạc sĩ Huy Thục: Trong kháng chiến chống Pháp, tôi ở khu III không cùng chỗ với anh Huy Du nhưng trong chiến tranh chống Mỹ chúng tôi ở cùng tổ sáng tác. Năm 1951 tôi đã từng kéo violon bài Những gác chuông giáo đường, Ba Vì năm xưa, Sẽ về thủ đô, rồi đến giai đoạn hòa bình tôi ở gần anh Huy Du nhiều hơn và tôi rút ra từ kinh nghiệm viết của anh để học hỏi: đó là tính giai điệu với tư duy đa thanh.

Anh Huy Du coi trọng giai điệu. Trong giai điệu có tư duy đa thanh. Từ Tôi yêu hòa bình cho đến khi chúng tôi làm hợp xướng 4 chương do anh Lâm - giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam đặt: tôi viết chương I - Việt Nam toàn thắng (năm 1972), Doãn Nho viết chương II - Lên đường, anh Huy Du viết chương III - Việt Nam trên đường chúng ta đi, Lê Lan viết chương IV. Chương III do Kim Oanh đơn ca với dàn nhạc. Còn nay Đường chúng ta đi hay hát theo kiểu 3 bè Nam. Tôi mới thấy, ngay từ cái nhỏ đến cái lớn từ nhạc không lời Việt Nam quê hương ta ơi! cách viết của anh không chuyển điệu đột ngột như một số nhạc sĩ học ở nước ngoài. Từ Trên đỉnh Trường Sơn ta hát đến Nổi lửa lên em, giai điệu vẫn mang tư duy đa thanh, kể cả những sáng tác gần đây của anh vẫn thế. Trong chiến tranh chống Mỹ, anh Du viết Anh vẫn hành quân bỏ qua tất cả các thủ pháp về khúc thức học của thế giới là bởi vì nếu theo đó khi mô phỏng, nhắc lại âm hình là phải chuyển điệu. Nhưng anh Du không chuyển điệu mà chỉ treo ở nốt mi. Đấy là cách của nhạc sĩ Việt Nam gắn liền với tính giai điệu trong dân ca của ta. Dân ca của ta luôn luôn được nhắc lại, củng cố được âm hình và tạo điều kiện cho quần chúng nhớ. Dù anh viết nhỏ hay quy mô lớn cùng với chúng tôi thì anh vẫn coi trọng giai điệu và trong giai điệu, chưa kể đến lời, nó có sự kế thừa dân ca. Các anh học ở nước ngoài, các anh ý có bút pháp của các anh ý, anh Huy Du có thành công của anh. Chúng ta phải học tư duy của nước ngoài nhưng phải biết đối tượng thưởng thức nghệ thuật của mình là quần chúng, thủ pháp có cao thủ như thế nào thì đối tượng trước mặt mình cuối cùng vẫn là quần chúng.

* Nghệ sĩ Phan Phúc: Tôi là một trong những người học trò đầu tiên về violon của thầy Huy Du. Hồi đó tôi mải chơi, có lúc đến giờ thầy lên lớp mà không thấy lên lớp là bị cho cái bạt tai. Có lẽ cái bạt tai nghiêm khắc và thương yêu mang tình anh em - tình gia đình đã làm cho tôi lớn lên, tiến bộ lên và trưởng thành lên có thể đi được suốt chặng đường âm nhạc cho tới ngày nay. Tôi vinh dự là người đầu tiên biểu diễn tác phẩm của anh Huy Du - Miền Nam quê hương ta ơi, Trio Sông Hồng - cùng với anh Hoàng Dương, chúng tôi đã thu cách đây gần 50 năm do DIHAVINA phát hành và hiện nay vẫn sử dụng, không hề bị lạc hậu. Nhân đây tôi cũng xin được cám ơn người anh, người thầy.

* Một nghệ sĩ khách mời: Cái thứ nhất tôi tâm đắc với anh Huy Du là: không có cảm xúc không sáng tác được, người ta không thể vẽ ra cảm xúc. Có lần anh Khoát cũng nói với tôi là xuất phát từ cảm xúc thì kết thúc cũng hết bằng cảm xúc. Tôi cho rằng cái cảm xúc nó là cái khởi đầu cho mọi sáng tác, sự nghiệp của chúng ta. Tôi thích bởi vì nó đúng là những cảm xúc tạo nên những luồng xoáy bằng âm thanh và nó vào con người ta một cách dễ dàng. Cái đặc biệt của Huy Du là bút pháp về sáng tác của Huy Du có nghề, bay bổng lắm, không chịu vào khuôn nào cả, không giống ai, độc đáo, có đường đi rõ ràng, có môi trường riêng của nó. Tôi phục Huy Du trong cách xử lý tài tình về giai điệu. Huy Thục có nói về nốt treo, nốt chủ. Tôi nghĩ là nếu đem bài Anh vẫn hành quân ra mà phân tích thì bài đó rất dễ chỉ có 2 nốt là cao độ chính - nốt chủ (T) và nốt át (S). Cứ thế mà treo từ đầu đến cuối, thế mà nó thành ra bài hành khúc, lại được rất nhiều người yêu thích, rất hiếm, chỗ đó tôi cho là do có cảm xúc.

Các tác phẩm khác như Nổi lửa lên em, Đường ra trận, Bế Văn Đàn ơi, Nguyễn Viết Xuân cũng thế. Chúng có một giai điệu bay bổng, du dương và rất hào hùng. Cái chất hào hùng có thêm cảm xúc tốt thì nó không khoa trương, không lên gân mà vào lòng người ta rất êm dịu. Tôi cho rằng cách mở trong ca khúc của anh Huy Du rất phóng khoáng, không có gì gò bó, cảm xúc chiếm lĩnh toàn bộ ca khúc. Đó là cái quý sẽ sống mãi. Nếu tôi không nhầm thì cái bài Anh vẫn hành quân đã trở thành nhạc không lời từ ngày có đoàn nghệ sĩ Trung Quốc sang, biên tập thành độc tấu sáo và nó càng ngày càng nổi. Tôi nghĩ rằng một nhạc sĩ hoàn toàn trung thành với cảm xúc của mình, không lắp cái nọ vào cái kia, không chắp vá không đi lệch hướng của mình thì cái đó là tốt. Tôi nghĩ có thể dùng chữ libertin nghĩa là tự cởi mở mình, rất thoải mái, nhưng không sai và có quy luật. Nhiều khi hát tác phẩm của Huy Du, tôi lại liên tưởng tới văn chương của Tự lực văn đoàn ngày xưa, tôi thấy cách viết của Thạch Lam rất gần với Huy Du, rất phóng bút đúng vào ý thích của mình. Như cái cách ông Khái Hưng tả tiếng đàn dương cầm rất tự do, hoàn toàn bằng cảm xúc khi nghe âm nhạc. Nhạc của Huy Du cũng vậy!

* Nhạc sĩ Huy Du: Rất cảm ơn ý kiến của các anh chị ở đây hôm nay, tôi rất vui mừng và một lần nữa cảm ơn Viện Âm nhạc đã cho chúng tôi có dịp gặp nhau như này, với tuổi tôi bây giờ đó là điều hết sức quý giá. Cảm ơn những chia sẻ, động viên của các anh chị, các bạn đồng nghiệp đã dành thời gian để lắng nghe tôi giãi bày những tâm sự về những năm tháng mà đến hết cuộc đời tôi cũng không thể quên được. Xin chân thành cảm ơn tất cả.

(Bóc từ băng của Viện Âm nhạc: Nguyễn Hồng Loan)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.