You are here

Nhạc sĩ Lê Thương: Hòn vọng phu còn đó…

Tác giả: 
Nguyễn Trọng Mừng

Nhạc sĩ Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ. Ông sinh năm 1914 tại phố Hàm Long, Hà Nội. Theo thông tin từ nhạc sĩ Phạm Duy thì ông là một thầy tu hoàn tục. Nhiều tài liệu ghi bố mẹ ông là những người rất mê cổ nhạc. Có chỗ còn khẳng định họ là nghệ sĩ.

Cùng thế hệ với các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Dương Thiệu Tước, Lê Yên, Doãn Mẫn, nhạc sĩ Lê Thương được ghi nhận như một trong những tác giả tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam. Cùng với thời gian, mặc dù tới nay còn một số dữ liệu liên quan đến cuộc đời nhạc sĩ Lê Thương vẫn phải để ngỏ; một số chi tiết vẫn còn ít người biết đến, song nhắc tới sự nghiệp âm nhạc của ông, nhiều khán thính giả vẫn không quên “Hòn vọng phu” và “Bản đàn xuân” – những nhạc phẩm nổi tiếng từng làm nên thương hiệu “vang bóng một thời” của Lê Thương…

Nhạc sĩ Lê Thương (1914-1996)

Lê Thương theo học trường Nhân Bắc ở Hà Nội, cho đến năm 1935, ông chính thức thành nhà giáo. Thuở còn đi học, Lê Thương rất tích cực tham gia các phong trào ca hát. Sau này, khi thuyên chuyển về dạy học ở Hải Phòng, ông đã cùng với Hoàng Quý, Hoàng Phú (tức nhạc sĩ Tô Vũ), Phạm Ngữ… tụ hợp thành nhóm ca sĩ, nhạc sĩ trẻ để sáng tác và hát phụ diễn cho Ban kịch Thế Lữ mỗi khi ban kịch này có chương trình biểu diễn tại Hải Phòng.

Năm 1938, độc giả và bạn yêu âm nhạc bắt gặp trên Báo Phong Hóa do nhà văn Nhất Linh làm chủ bút các nhạc phẩm như “Bông cúc vàng”, “Kiếp hoa” của Nguyễn Văn Tuyên, “Bình minh” của Nguyễn Xuân Khoát, “Khúc yêu đương” của Thẩm Oánh… Trong số này, người ta thấy xuất hiện ca khúc “Bản đàn xuân” của Lê Thương. Hiện có tác giả cho rằng, “Bản đàn xuân” là nhạc phẩm đầu tay của Lê Thương, nhưng cũng lại có ý kiến cho rằng, ca khúc “Tiếng đàn âm thầm” viết năm 1934 mới là tác phẩm đầu tay của ông. Có thể còn ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này, tuy nhiên một điều ta có thể khẳng định chắc chắn là, “Bản đàn xuân” là tác phẩm đầu tiên đưa tên tuổi Lê Thương đến với đông đảo công chúng, là tác phẩm nổi tiếng đầu tiên của ông. Đây cũng là ca khúc đầu tiên của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam được ghi nhận là thành công về chủ đề mùa xuân, hiện vẫn được biểu diễn mỗi dịp tết đến, xuân về.

Xin trích ra đây khúc đầu trong số 3 khúc của “Bản đàn xuân” mà chỉ cần nhắc ca từ, nhiều thính giả sẽ nhớ tới giai điệu ngân vang của nó:

Đàn xuân tủi lòng nẩy cung đợi mong
Reo ai oán trong khuê phòng
Tình tang tang tính tính tình
Tình tang tang tính tính tinh
Lạnh lùng hơn gió ngoài đồng
Ngồi xe chỉ hồng hỏi ai hiểu không
Tiếng oanh muốn nhắn lời thay những tiếng ngân
Như chiếc bóng người chưa dám nhấc chân
Chờ tin thơ chim hoàng oanh đưa
Còn xa bay trong áng sương mờ

Năm 1941, nhạc sĩ Lê Thương rời Hải Phòng vào sống và làm việc tại một số tỉnh, thành ở phía Nam. Thoạt đầu, ông ở Bến Tre, sau đó lên Sài Gòn tham gia sinh hoạt âm nhạc cùng các văn nghệ sĩ ở đây. Nếu như thời kỳ ở miền Bắc, ngoài “Bản đàn xuân”, Lê Thương còn có một số nhạc phẩm ít nhiều được chú ý như “Tiếng đàn đêm khuya”, “Một ngày xanh”, “Trên sông Dương Tử”, “Thu trên đảo Kinh Châu” thì trong thời kỳ đầu định cư tại miền Nam, ông đã có một số ca khúc, mà chủ yếu là phổ thơ, như ca khúc “Lời kỹ nữ” (phổ thơ Xuân Diệu), “Bông hoa rừng” (phổ thơ Thế Lữ), “Tiếng thùy dương” (phổ thơ Huy Cận, bài “Ngậm ngùi”), “Tiếng thu” (phổ thơ Lưu Trọng Lư)…Tuy nhiên, chỉ đến khi Lê Thương cho ra đời bộ tổ hợp liên khúc “Hòn Vọng phu” (được viết lần lượt trong các năm 1943, 1946 và 1947) thì tài năng của ông mới thực sự chói sáng, tên tuổi ông mới chinh phục được những chuyên gia âm nhạc khó tính nhất. Họ cho rằng, tổ hợp liên khúc “Hòn Vọng phu” của Lê Thương đã đánh dấu sự phát triển ở mức cao nhất những thủ pháp viết ca khúc và phát triển ngũ cung. Tổ hợp liên khúc này thực chất là một câu chuyện tình mang dáng dấp sử thi, nội dung được khai thác và ảnh hưởng từ các tích truyện về người đàn bà bồng con chờ chồng trong văn học cổ, từ truyện dân gian về nàng Tô Thị tới tác phẩm thơ “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm.

Theo một số đồng nghiệp của nhạc sĩ Lê Thương cho hay, “Hòn Vọng phu” được “manh nha” từ nhạc phẩm “Nàng Hà Tiên” mà ông sáng tác những ngày tháng đầu đặt chân tới đất phương Nam. “Nàng Hà Tiên” khởi nguồn từ một mối tình âm thầm, đơn phương của ông với một kiều nữ, sau này là phu nhân của một nhạc sĩ nổi tiếng. Tất nhiên, vì mọi sự mới chỉ là tơ tưởng nên với ca khúc này, Lê Thương đã mượn chuyện khác để nói chuyện lòng mình. Trong ca khúc này, nhạc sĩ đã kể chuyện người yêu người rồi đẻ ra… tiên; tiên cũng vì yêu mà biến thành một vùng trời đất thơ mộng là thắng cảnh Hà Tiên: “Từ  mộng thuyền quyên/ Tới giấc mơ huyền/… Từ rày Hà Tiên/ Thành một bờ bến…”.

Thời gian nhạc sĩ Lê Thương sáng tác “Hòn Vọng phu” 1 được xác định là vào năm 1943 và tại Bến Tre. Mở đầu bài hát, nhạc sĩ vẽ ra cảnh người chồng theo lệnh vua ra mặt trận trong tiếng trống thúc dồn: “Lệnh vua hành quân trống kêu dồn/ Quan với quân lên đường/ Đoàn ngựa xe cuối cùng/ Vừa đuổi theo lối sông/ Phía cách quan xa trường/ Quan với quân lên đường/ Hàng cờ theo trống dồn/ Ngoài sườn non cuối thôn/ Phất phơ ngậm ngùi bay...”. Trong khi đó, người vợ ở nhà ngày ngày ôm con chờ chồng để rồi chờ mãi tới… hóa đá: “Người không rời khỏi kiếp gian nan/ Người biến thành tượng đá ôm con”.

Năm 1946, Lê Thương sáng tác tiếp “Hòn Vọng phu” 2 (còn gọi là “Ai xuôi vạn lý”). Vẫn cảnh mẹ con người đàn bà hóa đá chờ chồng nhưng ngày càng gợi nỗi bi thương ngùi ngẫm: “Người vọng phu trong lúc gió mưa/ Bế con đã hoài công để đứng chờ/ Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về/ Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ…/…Có ai xuôi vạn lý, nhắn đôi câu giúp nàng/ Lấy cây hương thật quý, thắp lên thương tiếc chàng…”.

Năm 1947, Lê Thương kết thúc bộ tổ hợp liên khúc bằng “Hòn Vọng phu” 3 (còn gọi là “Người chinh phu về”). Cuối ca khúc là hình ảnh người chinh phu cưỡi ngựa trở về, nhưng là “cuộc trở về đã quá muộn màng, ai oán”: “Nhớ cố hương lưu luyến tấc lòng mau dồn chân/ Vết bước đi trên phiến đá mòn còn in dấu/ Từ bóng cây ngôi mộ bên đường/ Từ mái tranh bên đình trong làng/ Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống/ Bao mối thương vang động trong lòng“.

Có thể nói, đến nay, tổ hợp liên khúc “Hòn vọng phu” vẫn được xem là chùm tác phẩm lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Bản thân nhạc sĩ Văn Cao cũng từng thừa nhận ông đã ảnh hưởng Lê Thương trong việc học tập và kế thừa nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Trong hồi ký của mình, phần liên quan tới bậc đàn anh Lê Thương, nhạc sĩ Phạm Duy kể: “Trong số những bạn đồng nghiệp, tôi yêu nhất nhạc sĩ Lê Thương. Anh rời Bến Tre lên Sài Gòn làm nghề thầy giáo… Lê Thương làm thơ, làm nhạc rất bay bướm nhưng anh có cuộc sống rất giản dị… Vào những năm đầu của cuộc chiến Nam Bộ, cũng như hầu hết những người trai của thời đại, Lê Thương có những đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh chống xâm lăng, giành tự do, độc lập của toàn thể nhân dân… Lê Thương cũng là người chuyên soạn nhạc cho thiếu nhi, thiếu niên qua những bài “Thằng Cuội”, “Tuổi thơ”… Bài “Bà Tư bán hàng” và bài “Học sinh hành khúc” phổ biến đến độ có những câu nhại… Tôi vẫn quan niệm bài hát nào có lời ca nhại là bài hát thành công nhất”.

Nhân nhắc tới ca khúc “Bà Tư bán hàng” của Lê Thương, thiết nghĩ cũng cần nói thêm: Chính vì ca khúc này (ca khúc nói về một bà mẹ thành phố có các con tham gia kháng chiến) mà nhạc sĩ Lê Thương đã bị thực dân Pháp bắt giam vào khám Catinat (năm 1951).

Sinh thời, để mưu sinh, ngoài sáng tác ca khúc đơn thuần và sáng tác nhạc phim cho Hãng phim Mỹ Vân, Lê Thương còn tham gia giảng dạy tại một số trường tư thục ở Sài Gòn. Có thời kỳ, ông làm công chức ở Trung tâm Học liệu, Bộ Quốc gia Giáo dục. Về tình riêng, Lê Thương từng lập gia đình với một phụ nữ học ở Pháp về và có với bà này 9 mặt con. Nhạc sĩ Lê Thương qua đời tại TP Hồ Chí Minh ngày 17 tháng 9 năm 1996. Trước đó ít năm, ông rơi vào tình trạng mất trí nhớ.

Nhạc sĩ Phạm Duy từng nhận xét: “Trong làng tân nhạc, Lê Thương là người trí thức nhất”

(Nguồn: https://vanhocsaigon.com/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.