You are here

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước hay là chú Tư Siêng của chúng tôi

Tác giả: 
Trần Mùi

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước để lại rất nhiều ca khúc đã đi vào lịch sử của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Từ Lên đàng, Giải phóng miền Nam cho đến Tiếng gọi thanh niên mà chính quyền Ngô Đình Diệm tới Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam vẫn dùng làm Quốc ca, cho dù họ biết rằng Lưu Hữu Phước là cộng sản. 

NSND Tô Lan Phương, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Trần Mùi trong chiến khu Nam bộ.

Trái sang: tác giả Trần Mùi, NSND Tô Lan Phương, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước gặp nhau tại Khách sạn Russia Moskva (Nga).

Hồi ở trong chiến khu miền Đông Nam bộ chúng tôi vẫn gọi nhạc sĩ là "chú Tư Siêng" tôi cũng không rõ cái tên Tư Siêng mà chú đặt xuất phát từ ý nghĩa gì, như thế nào...

Có người đoán già đoán non: Tư là thứ tự trong gia đình, còn Siêng là siêng năng, cần mẫn. Hoặc là chú lấy từ Huỳnh Minh Siêng trong ca khúc Giải phóng miền Nam”?

Thôi thì mọi người đoán sao, nghĩ sao cũng được vì tất cả mọi anh chị em gốc gác từ nhiều ngành nghề chuyên môn khác nhau - nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ, nhạc sĩ cho tới họa sĩ trong Ban Tuyên Huấn ở R ai ai cũng gọi chú trìu mến như thế. Và tôi cũng không là ngoại lệ.

Anh chị em còn ví von chú là ông Bụt bởi tính tình hiền lành và nhẹ nhàng. Ít thấy chú nổi giận hay cau có hay nặng lời với ai.

Những năm tháng ở R, chú sống giản dị, ăn mặc giản dị.

Tôi nhớ lần nào gặp, chú cũng chỉ với bộ đồ áo quần bà ba đen bạc màu, chân luôn đi đôi dép nhựa đúc sẵn không quai, ăn uống giản dị và tiết kiệm, có lần đến thăm chú tại căn nhà cây lợp lá “trung quân” ở căn cứ được chú chiêu đãi nước trà kèm với đậu phộng rang ăn chơi. Tôi có thói quen bỏ lớp màng đậu rồi mới ăn. Chú nói: "Ăn đậu phộng mà bỏ vỏ như vầy thì làm sao bổ". Chú phân tích giảng giải lớp màng vỏ mỏng bao quanh hạt đậu nó có chất gì, dinh dưỡng ra sao...

Chú luôn dạy bảo chúng tôi những điều hay lẽ phải như cha dạy con. Với anh chị em nghệ sĩ trẻ mới từ miền Bắc vào, chú có một sự ưu ái, quan tâm đặc biệt, chú thương anh chị em xa nhà, lạ nước lạ cái, lại ở chiến trường chịu bom chịu đạn, gian khổ...

Chú khuyên Tô Lan Phương ca sĩ chính của Đoàn Văn công Giải phóng ngoài hát các bài tân nhạc nên tập hát cải lương. Bởi bà con chiến sĩ miền Nam rất thích nghe cải lương cũng như vọng cổ 6 câu. Một ca sĩ được chiến sĩ đồng bào đã ái mộ mà hát cải lương phát âm giọng Nam bộ thì còn gì bằng... Chú mong Tô Lan Phương ca được như vậy.

Chú đã nói và giới thiệu với nghệ sĩ - soạn giả cải lương nổi tiếng là chú Ba Thanh Nha trực tiếp dạy cho Tô Lan Phương bài "Gởi anh, người chiến sĩ miền Đông" soạn lời bài này là nhà báo Đinh Phong (báo Giải Phóng) bài này thể hiện theo điệu Khốc Hoàng Thiên.

Những lần biểu diễn phục vụ chiến sĩ đồng bào miền Nam ai cũng đề nghị Tô Lan Phương hát Khốc Hoàng Thiên và người đệm đàn guitare cổ là nhạc công trong Đoàn Cải lương Giải phóng.

Phải nói, với những lời khuyên của chú Tư cùng với sự giúp đỡ tận tâm, tận tình của chú Ba Thanh Nha, Tô Lan Phương lại càng được đồng bào, chiến sĩ miền Nam yêu mến.

Âu, đó cũng là một phần của những kỷ niệm không quên về chú Tư Siêng với chúng tôi.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.