You are here

Nhạc sĩ Nguyễn Cường gửi gắm gì trong ca kịch 'Khát vọng Đam San'?

Tác giả: 
Tuy Hòa

Nhạc sĩ Nguyễn Cường ở tuổi 78 vẫn sáng tác và dàn dựng ca kịch 'Khát vọng Đam San' cho Đoàn ca múa dân tộc Đăk Lăk công diễn tại Ban Mê Thuột.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường sinh năm 1943 tại Hà Nội. Thế nhưng, không ai hình dung nhạc sĩ Nguyễn Cường là một gã trai Hàng Bạc hào hoa mà luôn thấy ông như một lãng tử Tây Nguyên phóng túng. Nhạc sĩ Nguyễn Cường gắn bó với Đoàn ca múa Đam San đóng ở Thủ đô vào thập niên 60 và lang thang sáng tác ở Tây Nguyên thập niên 80 của thế kỷ 20.

Nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Cường là nhắc đến những ca khúc rạo rực âm hưởng Tây Nguyên. Bàn chân nhạc sĩ Nguyễn Cường từng in dấu đất đỏ Đăk Lăk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum để vang lên những giai điệu “Xôn xang, mênh mang cao nguyên Đăk Lăk”, “Đôi mắt Pleiku”, “Còn thương nhau thì về Ban Mê Thuột”, “Ơ, M’drac”, “Ly cà phê Ban Mê”, “H’ren lên rẫy”, “Em muốn sống bên anh trọn đời”...

Nhạc sĩ Nguyễn Cường thú nhận: “Chưa có mảnh đất nào mang lại cho tôi nhiều cảm xúc như Tây Nguyên. Cứ một lần đến thôi cũng làm tôi muốn đến mãi và tôi đã cho ra đời những tác phẩm viết riêng về vùng đất này”. Thế nhưng, những ca khúc quen thuộc với công chúng vẫn chưa đủ để nhạc sĩ Nguyễn Cường bày tỏ hết lòng mình với Tây Nguyên. Vì vậy, qua tuổi “cổ lai hy”, ông vẫn chấp nhận “lão chưa an” để viết ca kịch “Khát vọng Đam San”.

Đề án Ca kịch “Khát vọng Đam San” được UBND tỉnh phê duyệt ngày 14/4/2021, với tác giả kiêm tổng đạo diễn là nhạc sĩ Nguyễn Cường. Đặt ra mục tiêu bảo tồn và phát triển văn hóa Ê Đê, ca kịch “Khát vọng Đam San” gồm 5 chương: “Đam San và H’Nhi”, “Xử tội Mtao Msei”, “Buôn sang trông cậy”, “Nơi miền sáng” và “Mặt trời lên trên cao nguyên bao la”. Hỗ trợ cho nhạc sĩ Nguyễn Cường thực hiện ca kịch “Khát vọng Đam San” có Hồng Hoa biên kịch và Nghệ sĩ Nhân dân Y San Aliô biên đạo múa.

Ca kịch "Khát vọng Đam San" là một dự án bảo tồn văn hóa Ê Đê.

Như vậy, sau 10 năm, kể từ bản hợp xướng “Ngàn năm Thăng Long - Nổi trống Lạc Hồng”, nhạc sĩ Nguyễn Cường lại có thêm một tác phẩm hoành tráng là ca kịch “Khát vọng Đam San”. Với thời lượng hơn 60 phút, ca kịch “Khát vọng Đam San” được Đoàn ca múa dân tộc Đăk Lăk công diễn tại thành phố Ban Mê Thuột, đã làm nức lòng giới mộ điệu.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường có sở trường viết ca khúc về Tây Nguyên thì ai cũng thừa nhận. Thế nhưng, một vở ca kịch “Khát vọng Đam San” dựa theo trường ca nổi tiếng của người Ê Đê thì rất nhiều thử thách. Bởi lẽ, không nhiều người Việt Nam đọc được toàn bộ tác phẩm và thấu hiểu trọn vẹn trường ca Đam San. Nói cách khác, nội dung và tinh thần của trường ca Đam San không phải dễ tiếp cận để thoải mái hát và múa theo sở thích.

Trường ca Đam San (hay còn gọi là “Sử thi chàng Đam San”) có tên gọi theo tiếng Ê Đê là “Klei khan y Đam San”. Trường ca Đam San được công sứ Pháp - Leopold Sabachier sưu tầm ở Đăk Lăk đầu thế kỷ 20 và công bố bằng song ngữ Ê Đê - Pháp tại Paris vào năm 1927. Đến năm 1933, trường ca Đam San được dịch giả Đào Tử Chí chuyển ngữ sang tiếng Việt, có độ dài 2.077 câu và chia làm 7 chương.

Trường ca Đam San kể câu chuyện chàng Đam San tranh đấu để thoát khỏi sự ràng buộc của những luật lệ lạc hậu là tập tục nối dây. Những nhân vật xoay quanh Đam San không chỉ có ông cậu Y Kla và hai chị em cùng tuổi H’Nhi, H’Bhi mà còn có tù trưởng Quạ, tù trưởng Sắt, Nữ Thần Mặt Trời... Rất kiên cường và rất dũng mãnh, nhưng Đam San vẫn thất bại. Và điều còn lại cuối cùng để mọi người cùng suy ngẫm chính là khát vọng réo gọi muôn đời về tự do.

Tiết tấu của Tây Nguyên, vũ đạo của Tây Nguyên luôn mang nét đặc sắc. Tuy nhiên, ca kịch “Khát vọng Đam San” muốn lan tỏa xa rộng thì tác phẩm phải thể hiện được giá trị cốt lõi mà chàng Đam San từng dõng dạc trong sử thi: “Ơ các em trong làng! Ơ các cháu trong nhà! Ơ nghìn chim sẻ, ơ vạn chim ngói! Ơ tất cả tôi tớ của ta. Chúng ta hãy mở hội ăn đông uống vui mừng mùa khô năm mới. Chúng ta hãy làm lễ cáo thần, cáo tổ tiên, cáo linh hồn các tù trưởng xưa cũ. Chúng ta sẽ cúng thần Núi, Thần Nước, Thần trên cao, thần dưới thấp, Thần phía Đông Thần phía Tây. Cầu cho chúng ta luôn luôn khoẻ mạnh, năm tháng yên vui. Cầu cho đất đai mãi mãi xanh tươi, sông suối không bao giờ ngừng chảy, mía chuối luôn luôn nảy lộc đâm chồi, không bao giờ bị héo hon vàng lụi”.

Ca kịch “Khát vọng Đam San” cũng xem như khát vọng của nhạc sĩ Nguyễn Cường trong hành trình đánh thức vẻ đẹp Tây Nguyên. Nhạc sĩ Nguyễn Cường tâm niệm: “Mỗi khi sáng tác, tôi hình dung về đại ngàn kỳ vĩ, những thảo nguyên bao la, để gửi vào đó tình yêu thiên nhiên, yêu cội nguồn. Hồn của tôi là hồn cao nguyên. Với nơi bí ẩn, thiêng liêng ấy, tôi tin mình nghe được tiếng đại ngàn. Nhiều lúc ở Thủ đô, mà tưởng tượng mình như đại bàng bay, như ngựa phi trên thảo nguyên vô tận”.

(Nguồn: https://nongnghiep.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.