You are here

Nhạc sĩ Phú Quang: Không bao giờ người ta thấy tôi khóc

Tác giả: 
Hoàng Lê

Hầu như năm nào Phú Quang cũng làm một hay nhiều hơn một đêm nhạc. Năm thì kết hợp với nhạc Văn Cao, năm thì với nhạc Trịnh, còn tháng Tư này là: Chuyện đời tôi… bây giờ mới kể. Phú Quang thì còn chuyện gì mà chưa kể?

“Kẻ đã trót dấn thân vào trò chơi sáng tạo sẽ là kẻ tự hành xác mình đến cùng trong cuộc kiếm tìm chẳng chút bình yên” – Phú Quang đã chia sẻ như vậy về những điều mà ông sẽ gửi đến khán giả trong đêm nhạc Phú Quang – Chuyện đời tôi… bây giờ mới kể.

* Tên chương trình khiến tôi tò mò quá, thưa ông? Nhạc sĩ Phú Quang thì còn chuyện gì mà chưa kể?

- Lúc 14 tuổi tôi suýt nhảy vào tàu hỏa tự tử. Vì tôi đau quá, không nghĩ người ta lừa mình thế. Tôi đã hoàn toàn mất lòng tin, nhưng vì thương mẹ tôi đã quyết định không chết.

Càng lớn càng hiểu không việc gì phải thế. Lúc đó tôi học giỏi, nhà trường cử đi nước ngoài. Người ta không có cách gì gạt mình ra, thì vu cho mình kiêu ngạo. Tôi đã cực kỳ thất vọng, đã khóc. Khi tôi khóc, tôi nhìn lên thấy những người hãm hại mình tỏ ra hả hê; còn những người tử tế thì không dám bênh vực. Từ đó tôi ghét cả hai gương mặt ấy như nhau. Và từ đó cũng không bao giờ có người nhìn thấy tôi khóc.

* Ông có tin vào định mệnh?

- À, nếu tin định mệnh là thế thì đỡ phải vùng vẫy. Càng vùng vẫy, giẫy giụa, chỉ càng trầy da tróc vảy mà thôi. Như chuyện tôi tin rằng mình không làm được gì khác ngoài âm nhạc. Như kinh doanh chẳng hạn, tôi là hạng bét.

* Tôi nghĩ ông giỏi kinh doanh đấy chứ, trong giới nhạc mọi người đều nói như vậy.

- Bạn nhầm đấy. Người ta thấy tôi có tiền thì tưởng mình giỏi buôn. Nhầm hết. Chỉ có khán giả thương tôi thôi, đĩa đắt, vé đắt cũng bỏ tiền mua. Hồi sang Tiệp Khắc, 50 cái đĩa giá 500.000 đồng được Việt kiều bên đó đem ra đấu giá. Họ đòi bán với giá 275 euro, lúc đó là khoảng 7 triệu đồng. Thậm chí, một cô muốn mua cho em, họ không đồng ý vì quy định mỗi người chỉ được mua một đĩa, thế mới "gấu" chứ.

* Ông nghĩ mình đã làm gì để có được sự tin yêu của khán giả?

- Cứ thật thà thôi. Thật thà là cha giả dối. Tôi biết có ông chưa bao giờ đi bộ đội thế mà lên sân khấu kể chuyện đi chiến đấu ở nơi này nơi kia như thật khiến nhiều bà nhiều chị ngồi dưới khóc sướt mướt. Tôi là người hay nói thật, cũng có khi bị thiệt lắm, nhưng khi hiểu ra, người ta dễ tha thứ.

* Bản thân ông có sợ đối mặt với những sự thật?

- Chưa bao giờ.

* Tôi có một kỷ niệm tác nghiệp… đau buồn với nhạc sĩ. Hồi đó, trong lần phỏng vấn ông, khi hỏi về chuyện bệnh tật, bỗng nhiên bị ông giận đùng đùng từ chối cuộc phỏng vấn luôn…

- Không, tôi không giận ai khi nhắc tới bệnh tật. Không phải khi bạn tôi mới bị “cảnh cáo” về bệnh tật. Năm 23 tuổi, có bác sĩ ở viện E nói với tôi rằng: “Ông ranh con ạ, giỏi lắm ông chỉ sống đến năm 30 tuổi”. Tôi bị đau cột sống, mỗi bước đi là nước mắt cứ tự nhiên bật ra vì đau quá. Hồi đó, Trung Đức (NSND Trung Đức – PV) ở nhà tôi, mỗi lần đang nằm mà muốn dậy lại phải gọi: Đức ơi, Đức bê anh dậy với… Sau này, có ông thầy dạy Yoga thì tôi mới hết bệnh tật.

Đêm nhạc Phú Quang – Chuyện đời tôi… Bây giờ mới kể diễn ra tại NH Lớn Hà Nội vào tối 1,2,3/4 với sự tham gia trình diễn của các ca sĩ: Thanh Lam, Mỹ Linh, Tấn Minh, Ngọc Anh (3A), nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn…

* Ông có kể những câu chuyện bí mật đó cho khán giả trong đêm nhạc sắp tới?
- Điều này thì chưa thể bật mí.

* Vậy “chiêu trò” âm nhạc trong đêm nhạc Phú Quang – Chuyện đời tôi… Bây giờ mới kể là gì?

- Chiêu trò là… không có chiêu trò gì. Chỉ có lần này làm thật hơn nữa và kỹ càng hơn nữa. Tôi sẽ vẫn chỉ đạo nghệ thuật và đạo diễn chương trình. Quen thói rồi, khó lòng mà giao con cho người khác. Lần này thì không “khoe” con trên sân khấu nữa. Tôi sẽ xuất hiện ở cuối chương trình, hát Sẽ một mình thôi: "Một mình sẽ một mình thôi/ Bao câu ca cũ hát chơi một mình"… Để người ta đỡ chán mình phải xuất hiện khác đi, nhưng vẫn là Phú Quang thôi. Điều xưa nay là nhược nhưng có khi cũng là ưu điểm, mình xuất hiện không cần phải khoe mẽ.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

(Nguồnhttp://thethaovanhoa.vn)

BÌNH LUẬN

 Hồi những năm 1960-1970 Hà Nôi vắng vẻ lắm, cuộc sống lúc đó thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Cuộc sống bây giờ đầy ắp thông tin giải trí,  nào là Tivi mấy chục kênh, nào hàng trăm loại báo, nào là in tơ nét… Hồi đó đài còn chả có mà nghe, báo muốn mua phải có tiêu chuẩn, cả ngày chả biết làm gì…vv. Vì vậy ở Bờ Hồ hay có những đám xúm đông xúm đỏ, vòng trong vòng ngoài nào trẻ con nào người lớn xúm vào xem.  Họ xem cái gì vậy? xem một người đàn ông… khắc bút, hồi đó ai có cái bút máy thì quý hơn vàng bây giờ.  Một báu vật bất ly thân, họ phải chăm sóc nó, khắc tên mình vào, trang trí hoa lá cho nó đẹp… Và vì vậy mới có nghề khắc bút ở Bờ hồ Và vì có đông người xem. Thán phục nên người nghệ sĩ khắc bút tưởng mình giỏi, tự hào về nghề nghiệp lắm, nhìn vẻ mặt ông ta thật là nghiêm trọng trong cái công việc… "dấn thân vào trò chơi sáng tạo" ấy. Rồi cái đám đông cứ lớn dần, mất trật tự, lộn xộn, làm cho ông vướng víu, ngột ngạt… Tôi nhớ mãi đến bây giờ việc đám đông trầm trồ thán phục làm ông vừa sướng, vừa bực mình đến nỗi ông phải dừng công việc sáng tạo cao quý của mình lại. Ông gào lên: đi đi, giải tán đi, tránh ra cho người ta  "dấn thân vào trò chơi sáng tạo" Những nhạc sỹ tầm KHĂC BÚT ngày nay nhiều vô kể, vì sao vậy? vì ngày nay cái đám đông hâm mộ họ còn lớn gấp ngàn lần thời Bờ Hồ Hà Nội vì nhờ có công nghệ thông tin lăng xê. Có cả những Fan hâm mộ có tổ chức hẳn hoi, đông lắm chứ không phải chi là đám đông ngẫu nhiên như xưa đâu. Vì vậy những nhạc sỹ, nghệ sỹ tầm Khắc bút càng tự hào, càng tự tin khi " dấn thân vào trò chơi sáng tạo", và dĩ nhiên là càng kiếm bộn tiền…

Suốt ngày đi kiếm bút để khắc.Cái bút khắc được " những kẻ quê mùa bỗng hoá thành trí thức" rất Hâm mộ. Tôi muốn nói" cái bút" ở đây chính là mấy bài thơ, nó đang yên lành thì bị "khắc " vào nhiều khi hỏng , hoặc mất giá trị của bút. Đã gửi từ iPhone của tôi.  

Các ca khúc của Phú Quang na ná giống nhau, nhiều khi lại xử dụng chung một phần nhạc dạo đầu nên dễ gây lẫn lộn bài nọ sang bài kia. Trung Đức, ca sĩ nổi tiếng, là NSND đã từng tham gia biểu diễn ca khúc của Phú Quang, Đêm diễn tại Cung văn hoá Việt Xô ấy, tốp nhạc dạo bài “Đường phố trong anh mùa đông” như giới thiệu, thì NSND Trung Đức lại hát nhầm sang bài “ Nỗi nhớ mùa Đông”. Sau khi biểu diễn xong. TĐ và Phú Quang đã cãi nhau, Trung Đức nói : “Ông sáng tác bài nào cũng giống bài nào, tôi không thể phân biệt được”. Chuyện này trong giới nhạc rất nhiều người biết. Vì vậy có nhiều người nói rằng: Ca khúc của Phú Quang dễ có đến  trên 20 năm nay vẫn cứ mang một mầu sắc giống nhau, nếu chuyển  tất cả các bài về giọng sol thứ, thì gần như bài nào cũng có nét nhạc “rề  đố là si sol” và nhịp điệu hơi chậm, phần dạo đầu của bài này thì có thể dùng cho các bài khác cũng không sao.

Tôi nghe nhạc Phú Quang chưa bao giờ nhầm cả, những ai chưa thực sự cảm mới không nhận ra sự khác nhau của chúng,.

 Phú Quang đã từng nói trên một trả lời phỏng vấn rằng Đàm Vĩnh Hưng là một người hát ca khúc của ông thành công nhất. Sao lần biểu diễn này không thấy có Mr Đàm? có phải vì cát xê cao quá làm PQ không dám mời? Nếu có Mr Đàm tôi tin rằng sẽ bán được vé rất nhiều vì Mr Đàm có hàng triệu Fun hâm mộ.

 Trong một bài phỏng vấn, Nhạc sĩ Phú Quang nói rằng : để hiểu ca khúc của Bác thì người ta phải cần thời gian từ 5 đến 7 năm. Như vậy thì có phải là các bài hát của Bác rất sâu sắc, rất phức tạp, rất cao siêu. Đối với một người không được học nhạc, văn hoá thấp thì phải có thời gian lâu tới 7 năm mới hiểu nổi phải không ạ? Vậy trường hợp của cháu và rất nhiều người bạn của cháu, tuy chúng cháu còn rất trẻ và không được học nhạc và cũng chỉ mới học hết cấp 2 nhưng khi nghe những ca khúc của Bác thì chúng cháu thấy rất dễ hiểu và hiểu ngay lập tức, như vậy có phải là chúng cháu có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc không? Và với năng khiếu như vậy chúng cháu có nên đi theo  nghành sáng tác nhạc không? Qua diễn đàn này, chúng cháu rất mong được Bác nhạc sỹ Phú Quang cho lời khuyên qua mục Phản hồi này, Chúng cháu xin được cảm ơn Bác trước  Ngọc Huyền/ Hải Phòng/Ngochuyen1989@gmail.com

cháu thấy bác Bạch Minh nói đúng quá , những bài hát của nhạc sỹ Phú Quang hầu như bài nào cũng giống bài nào , dễ dãi , nhưng thực ra chúng cháu lại thích như thế vì như vậy chúng cháu học nhanh, không phải mất nhiều thời gian & nói một cách khác là dễ hát dễ thuộc ,ai cũng có thể hát được. Cháu mong chú Quang cứ thế mà viết, chúc chú mạnh khỏe

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.