You are here

Nhạc sĩ Võ Thắng với Hò, Xự, Xang, Xê, Cống

Tác giả: 
Nguyễn Minh

Tôi biết anh khá lâu, nhưng để có một buổi trò chuyện quả là không dễ dàng chút nào, bởi nơi mà người ta thường gọi là “miệt sông nước” và cũng bởi anh “đa đoan” công việc... và bởi, bởi rất nhiều thứ. Nên có được dịp là tôi tranh thủ, không bỏ lỡ.

Đúng giờ, thân thiện - đó là tính cách của nhạc sĩ Võ Thắng (Hội viên Hội Nhạc Sĩ Việt Nam). Anh đang là Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang với công việc quản lý gần 900 giảng viên và hơn 13.000 sinh viên, ngoài ra anh còn đứng lớp một vài buổi trong tuần nữa.

Nhưng, giới âm nhạc biết nhiều đến anh qua những chương trình hội thi ca - múa nhạc, các chương trình giao lưu sinh viên của trường do anh thiết kế và gần đây là game show: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống mà trường quay là sân khấu lớn của Trường ĐH An Giang.

Tôi thắc mắc? Anh vui vẻ nói: “Tôi đã tham gia hoạt động âm nhạc từ lâu. Ngay khi làm cán bộ quản lý của Trường ĐH An Giang, tôi vẫn sáng tác, biên tập, chỉ đạo nghệ thuật các chương trình văn nghệ dự các hội thi cấp khu vực và toàn quốc: Liên hoan Búp Sen hồng toàn quốc, Giọng hát hay toàn quốc học sinh THPT hay Giai điệu tuổi hồng, đặc biệt là Tiếng hát sinh viên toàn quốc và nhiều chương trình giao lưu với văn nghệ sĩ khác.

Mới đây, tôi phối hợp với Công ty Mặt trời hồng tổ chức chương trình Hò, Xự, Xang, Xê, Cống dành cho lứa tuổi từ 6 đến 15. Đây là một chương trình xuất phát từ ý tưởng hay. Trên thực tế, chương trình này gặp không ít khó khăn về khâu tổ chức nhưng bù đắp lại, nó được khán giả và các nhà chuyên môn ủng hộ rất nhiệt tình. Tôi nghĩ, vấn đề tổ chức được chương trình Hò, Xự, Xang, Xê, Cống là việc làm cụ thể để thực hiện một cách thiết thực và hiệu quả việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đã một thời gian dài chúng ta nói khá nhiều về vấn đề này nhưng những việc làm cụ thể thì còn quá ít. Đây chính là lý do vì sao tôi quyết định thực hiện chương trình này”.

Còn những ca khúc mà báo chí thường gọi là “thảm họa” nhạc Việt, với tư cách là nhạc sĩ sáng tác, Võ Thắng nói: “Công bằng mà nói, hiện nay, bên cạnh những ca khúc loại này cũng có những ca khúc tốt, có tính nghệ thuật cao. Tuy nhiên, tôi thấy nó còn ít. Với cái nhìn của triết học thì trên con đường phát triển của sự vật, hiện tượng, đôi khi có sự tụt lùi, khủng hoảng cũng là điều không lạ. Vấn đề là làm sao để nó phát triển theo hướng tiến bộ, tích cực”.

Khi hỏi về tác phẩm đầu tay, nhạc sĩ Võ Thắng tiếp tục chia sẻ: “Năm 1985, tôi mới có tác phẩm đầu tay của riêng mình. Ca khúc này có tựa đề là Mỗi ngôi trường như một quê hương, phổ thơ Ngọc Trâm. Lúc còn là học sinh và sinh viên, tôi hát cho Đội Văn nghệ các trường mà tôi học. Khi công tác tại Trường CĐSP An Giang (tiền thân Trường ĐH An Giang), tôi nghĩ rằng, mình không thể đi hát hoài được nữa. Đặc biệt là thời gian tôi làm Trưởng ban Văn nghệ, tôi thấy việc thích hợp nhất đối với mình trong hoạt động văn hóa – văn nghệ lúc bấy giờ là sáng tác, một phần là do yêu thích, một phần là muốn có thêm ca khúc về học sinh, sinh viên, thầy cô, mái trường cho sinh viên của mình hát, bởi lẽ, lúc bấy giờ, có rất ít ca khúc hay về chủ đề này”. Anh cũng nói về những tác phẩm của mình, đa phần là viết về tuổi học trò, trong đó có những tiếng cười, có những “giọt mưa mùa hạ” rơi trong những mùa thi, mùa phượng nở và cũng có những mối tình thật lãng mạn mà hồn nhiên của tuổi học trò....

Dẫu anh không nói ra, nhưng tôi hiểu, ẩn sau làn kính trắng kia là sự bao dung mà cũng nhiều nỗi trăn trở, nhọc nhằn của một người thầy, người quản lý và sâu thẳm hơn là trái tim của một nhạc sĩ, khi nghĩ về thời buổi âm nhạc đang có phần “nhiễu nhương”.

“Theo tôi, đã đến lúc mỗi cơ quan quản lý văn hóa, mỗi cá nhân có trách nhiệm cần phải nhận ra điều này để cùng chung tay góp sức cho những việc làm cụ thể nhằm định hướng thẩm mỹ cho thế hệ trẻ hiện nay. Với chúng tôi, hằng năm, Trường đều tổ chức ít nhất 2 lần hội thi ca - múa nhạc trong toàn trường cho sinh viên và cả thầy cô. Qua những chương trình này, nếu việc thẩm định, chấm chọn các tiết mục đạt giải và công diễn một cách nghiêm túc, đảm bảo tính nghệ thuật thì nó sẽ góp phần giáo dục và định hướng thẩm mỹ rất tốt cho sinh viên, thầy cô và rộng hơn nữa là xã hội”.

Tháng 9, dòng sông Hậu nước ngày càng đầy thêm, làm ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt của người dân miền sông nước, nhưng lại nôn nao một mùa bội thu tôm cá. Nghe những dòng suy nghĩ của anh, tôi cũng “rộn ràng” vì rồi đây, những người yêu nhạc “đàng hoàng” sẽ có lúc được bội thu.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 31)

 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.