You are here

Nhạc sỹ Lưu Hữu Phước và những bản hùng ca

Những giai điệu trong sáng tác của Lưu Hữu Phước thấm đẫm chất thời đại, thể hiện hào khí mãnh liệt của dân tộc trong những giai đoạn phát triển đầy vinh quang. 

Cách mạng tháng Tám thành công cách đây 76 năm (ngày 19/8/1945), nhiều ca khúc về sự kiện lịch sử này đã ra đời. Trong đó, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có các ca khúc Lên đàng, Khải hoàn ca, cho thấy âm nhạc của ông luôn có mặt trong những bước ngoặt quyết định của vận mệnh dân tộc.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921 – 1989), ông được xem là một cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ông là một trong những nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên sử dụng thể loại hành khúc để thức tỉnh, kêu gọi thanh niên tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Các ca khúc Xếp bút nghiên, Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên… là tiền đề cho những ca khúc của ông trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ cứu nước: Tuổi hai mươi, Xuống đường, Giải phóng miền Nam, Bài ca giải phóng quân, Thanh niên ba sẵn sàng, Hành khúc giải phóng, Tiến về Sài Gòn…

Những giai điệu trong sáng tác của Lưu Hữu Phước thấm đẫm chất thời đại, thể hiện hào khí mãnh liệt của dân tộc trong những giai đoạn phát triển đầy vinh quang. Đặc biệt, trước, trong cách mạng tháng Tám năm 1945, Lưu Hữu Phước đã để lại dấu ấn với người dân cả nước với hai ca khúc: Lên đàng và Khải hoàn ca.

Ca khúc Lên đàng, với phần lời của Huỳnh Văn Tiểng, được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phổ nhạc và ra đời vào năm 1944 như lời kêu gọi, cổ vũ quần chúng hòa vào làn sóng đấu tranh cách mạng. Lên đàng mang âm hưởng dân gian truyền thống, nhịp điệu hành khúc, tiết tấu nhanh, mạnh theo nhịp bước đi nên dễ phổ biến, tạo ra không khí sục sôi, thúc giục thanh niên “cùng nhau xông pha, lên đàng/kiếm nguồn tươi sáng”… Trải qua hơn 70 năm, Lên đàng vẫn là ca khúc phổ biến trong tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên…

Đầu tháng 2/1945, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được trả tự do sau khi bị thực dân Pháp bắt giam vào Khám lớn Sài Gòn cùng với Huỳnh Văn Tiểng. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Trước khí thế hừng hực của quần chúng, cao trào chống Nhật cứu nước, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa dâng lên như vũ bão khắp trong nước, Lưu Hữu Phước và Nguyễn Mỹ Ca nghĩ đến ngày thắng lợi của cách mạng đã gần kề và kỷ nguyên độc lập và tự do của dân tộc nhất định sẽ tới. Với cảm xúc sôi nổi dâng trào, chỉ trong vòng ít ngày, Lưu Hữu Phước và Nguyễn Mỹ Ca đã hoàn thành sáng tác Khải hoàn ca - một ca khúc hát mừng thắng trận.

Nói về bài hát Khải hoàn ca, PSG-TS. Vũ Tự Lân cho biết: “Khải hoàn ca có nghĩa là thắng lợi - như chính tên gọi của nó. Được sáng tác vào năm 1945 khi tình hình cách mạng đang sục sôi, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã viết nên những ca từ hùng dũng, tươi sáng dành cho ngày độc lập với hy vọng đất nước luôn thắng lợi đi lên”. Và quả thực, khúc Khải hoàn ca ra đời như hồi kèn báo trước ngày toàn thắng sẽ tới. Để rồi ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra và thắng lợi trong cả nước.

Có thể nói Lưu Hữu Phước như một nhà viết sử bằng âm nhạc. Những ca khúc cách mạng của ông có sức cổ vũ mạnh mẽ mọi tầng lớp công chúng, luôn xốc họ dậy, hòa vào dòng thác cách mạng mà rất nhiều thế hệ người Việt Nam từng thuộc lòng. Ông còn là tác giả của hai bài hát trữ tình thành kính, sâu lắng rất nổi tiếng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh là Ca ngợi Hồ Chủ tịch và Tình Bác sáng đời ta, cũng như một số ca khúc dành cho thiếu nhi sống mãi với thời gian.

(Nguồn: https://vovworld.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.