You are here

Nhạc trưởng qua đời khi đang biểu diễn

Tác giả: 
Tô Vân

 

Khi đang biểu diễn phần cuối màn một vở “The Silent Woman” của Richard Strauss ở Bayerische Staatsoper, Munich, nhạc trưởng người Áo gốc Hung xuất sắc Stefan Soltesz đã gục xuống trên bục chỉ huy.

Stefan Soltesz là nhạc trưởng thứ tư gục ngã giữa buổi biểu diễn ở Munich kể từ những năm đầu 1900. Nguồn: Ullstein Bild/Getty Images

Sau đó nhiều giờ từ bệnh viện, Michael Wuerges, người phát ngôn của Bayerische Staatsoper, thông báo ông đã qua đời ở tuổi 73.

Ông Wuerges cho biết, bác sĩ của nhà hát và một chuyên gia tim mạch trong số các khán giả đã tới sơ cứu cho nhạc trưởng Soltesz. Không lâu sau đó, tấm rèm nhung nhà hát đã được hạ xuống và Tillmann Wiegand, nhà quản lý điều hành nghệ thuật của Bayerische Staatsoper, loan báo tình trạng đột xuất và có thể sẽ phải nghỉ giải lao khoảng 30 phút. Khi khán phòng đông trở lại sau giờ giải lao, ông Wiegand thông báo là buổi diễn phải tạm ngừng. Vào 11 giờ đêm đó, Serge Dorny, người quản lý nhà hát, đã viết trên tài khoản Twitter về cái chết của nhạc trưởng Soltesz “Chúng ta mất đi một nhạc trưởng tài năng. Còn tôi mất đi một người bạn tốt”.

Tuy rất hiếm hoi mới xảy ra trường hợp chết trên bục chỉ huy nhưng Soltesz là nhạc trưởng thứ tư gục ngã trong khi đang trình diễn trên sân khấu khán phòng nhà hát quốc gia, khán phòng chính của Bavarian State Opera, kể từ những năm 1900.

Vào năm 1911, nhạc trưởng Áo Felix Mottl ngã xuống ở tuổi 56 trong khi buổi chỉ huy thứ 100 của mình, vở Tristan und Isolde của Wagner, và qua đời 11 ngày sau đó; nhạc trưởng Joseph Keilberth tạ thế ở tuổi 60 trên bục chỉ huy năm 1968 trong buổi trình tấu cũng vở opera này. Một buổi khác cũng ở Munich, vào năm 1989, nhạc trưởng người Ý  Giuseppe Patanè 57 tuổi với vở opera The Barber of Seville (Anh thợ cạo thành Seville) của Rossini, lìa đời chỉ vài giờ sau đó trong một bệnh viện.

Tại Deutsche Opera Berlin vào năm 2001, Giuseppe Sinopoli, 54 tuổi, một bậc thầy về những động tác biểu cảm dữ dội, bị đau tim khi chỉ huy Aida của Verdi. Ông qua đời sau đó vài giờ trong một bệnh viện.

Nhạc trưởng Soltesz, sinh năm 1949 tại Hungary,  từng chỉ huy ở nhiều nhà hát opera lớn khắp châu Âu trong bốn thập kỷ qua. Ông đảm nhận nhiều vị trí giám đốc âm nhạc tại State Theater của Brunswick, Đức, từ năm 1988 đến 1993, và Flemish Opera ở Antwerp, Ghent, Bỉ từ năm 1992 đến 1997. Gần đây, ông được bổ nhiệm vị trí giám đốc âm nhạc ở Essen, Đức với Aalto Theater cũng như Essen Philharmonic từ năm 1997 đến 2013.

“Đến nhà hát vùng Trung Đức ở Essen và dẫn dắt nó trong vòng 17 năm, ông đã đưa nhà hát này thành một trong những điểm đến âm nhạc xuất sắc nhất châu Âu, và khi dẫn dắt Essen Philharmonic, ông cũng đưa dàn nhạc này lên hạng A”, giám đốc opera Úc Barrie Kosky, người từng hợp tác với nhạc trưởng Soltesz qua bốn lần dàn dựng opera tại Aalto Theater vào đầu những năm 2000, cho biết như vậy ngay sau khi được tin ông qua đời. Nhạc trưởng Kosky hiện đang ở Salzburg, Áo, nơi ông đang dàn dựng một vở của Janacek, Kat’a Kabanova, sẽ trình diễn tại Festival Salzburg.

Trong suốt sự nghiệp của mình, nhạc trưởng Soltesz cũng từng biểu diễn nhiều lần ở châu Á, và vào năm 1992, ông lần đầu ra mắt nước Mỹ cùng National Opera, với Otello của Verdi tại Trung tâm nghệ thuật Kennedy ở Washington. Ông sống cùng vợ mình, Michaela Selinger, một mezzo soprano.

“Ông ấy là một nghệ sĩ vô cùng xuất sắc và đặt âm nhạc, như mọi người biết, lên vị trí số một, hơn cả bản thân mình”, Dorny, một ông bầu sân khấu người Bỉ từng biết nhạc trưởng Soltesz kể từ những năm 1990 khi điều hành Festival vùng Flanders, nói và cho biết thêm, “bản thân ông ấy là một người phụng sự hoàn hảo cho hình thức nghệ thuật này”.

Trong đêm cuối cùng của cuộc đời, nhạc trưởng Soltesz dẫn dắt màn biểu diễn phỏng theo một dàn dựng The Silent Woman từ năm 2010 của Kosky như một phần của festival mùa hè ở Bayerische Staatsoper. Trước đây, ông cũng từng phục dựng nó nhiều lần. Đó cũng là một trong số những tác phẩm mà ông và Kosky đã từng làm việc cùng nhau.

“Ông ấy là một nghệ sĩ có sức sáng tạo đáng kinh ngạc”, Kosky nói, ngụ ý đến những lần dàn dựng ở mức độ nghệ thuật cao các tác phẩm của Strauss, “ông ấy hiểu rõ cách đệm của dàn nhạc, hiểu rõ cấu trúc của vở opera một màn – hoặc opera ba màn. Ông ấy hiểu tất thảy, từ dưới hố nhạc. Đó thực sự là nhà của ông ấy”.

“Trong thế giới của những người say mê nghệ thuật”, Kosky nhận xét, “ông ấy là người say mê đích thực”.

(Nguồn: https://tiasang.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.