You are here

Những giọng ca vàng trên "sóng"

Tác giả: 
Thôn ca

Công chúng mãi mãi không thể quên một thế hệ ca sĩ đã in dấu ấn rất sâu đậm trong đời sống tinh thần của mình. Tên tuổi họ gắn với lịch sử, với mọi sự kiện xã hội, và gắn với những bài hát bất hủ để đến hôm nay và còn mãi về sau, không thể phai nhòa.

Phần lớn họ, dẫu được đào tạo chính quy ở trong nước hay nước ngoài, hoặc chưa có dịp theo học trường lớp có bài bản; dẫu công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) hay ở các đơn vị nghệ thuật khác, đều khẳng định sự nghiệp, trở nên nổi tiếng, được nhân dân ái mộ bắt đầu từ việc hát trên làn sóng.

Tình hình nhiều chục năm qua có khác hôm nay. Bây giờ, nhiều ca sĩ trẻ thành danh có thể chưa một lần hát trên làn sóng mà chỉ nổi lên từ các sân khấu, tụ điểm âm nhạc, video, clip, rồi làm băng, đĩa hoặc đi diễn khắp từ Nam ra Bắc, có thể cả ở nước ngoài. Cũng có khi họ được biết đến từ những cuộc thi được quảng bá rộng rãi trên truyền hình như "Sao mai điểm hẹn", "Bài hát Việt" v...v...

Song, cần thấy một thực tế là phần lớn họ chỉ được giới trẻ biết tới và một bộ phận hâm mộ, còn thì các đối tượng công chúng khác (người có tuổi, bà con nông dân, giới trí thức hầu như không để ý, thậm chí còn dị ứng với cách lựa chọn bài, cách trình diễn của họ). Còn các thế hệ những giọng ca vàng nói trong bài viết này thì khi sung sức, phát huy tác dụng tốt nhất đã được tất thẩy công chúng thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội, đủ mọi lứa tuổi ưa thích.

untitled-8.jpg -0

NSND Thương Huyền (1923 - 1989).

Người đầu tiên phải nhắc tới là Thương Huyền. Khi mới xuất hiện, bà được coi là con chim sơn ca của Đài TNVN. Nổi lên từ trước Cách mạng Tháng Tám, đến năm 1947, lúc 24 tuổi (sinh năm 1923 ở Hà Tây cũ), bà được mời về hát tại Đài TNVN đóng ở chiến khu Việt Bắc. Từ đó, bà liên tục phục vụ trên làn sóng phát thanh. Giới ca hát có thể coi bà như người chị cả. Người nghe đặc biệt ấn tượng với giọng hát mềm mại, nuột nà, thanh khiết như tiếng chim của Thương Huyền qua nhiều bài ca bất hủ: "Tình trong lá thiếp" (Phan Huỳnh Điểu), "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" (Nguyễn Đức Toàn), "Câu hò bên bờ Hiền Lương" (Hoàng Hiệp), "Hà Nội- Huế- Sài Gòn: (Hoàng Vân), "Đóng nhanh thóc tốt" (Lê Lôi)... Bà được phong danh hiệu NSND ngay từ đợt đầu tiên (năm 1985) và qua đời năm 1989.

Nhìn sang lĩnh vực dân ca, những tên tuổi như Châu Loan, Hồng Lê, Kim Đức, rồi Linh Nhâm, Kim Cúc, Kim Liên đều được công chúng rất ái mộ qua việc thể hiện các làn điệu chèo, dân ca mọi vùng, miền. Các chị đều được Nhà nước phong các danh hiệu NSND, NSƯT ngay từ đợt đầu tiên.

Tiếp theo bậc đàn chị như Thương Huyền, người nghe đã không thể quên những nữ ca sĩ tên tuổi mà mỗi chị đều gắn với ít nhất một bài hát nào đó, tạo nên dấu ấn trong lòng người nghe để đến hôm nay vẫn như là những cái bóng khiến thế hệ hậu sinh khó vượt qua. Đó là những Tân Nhân với "Xa khơi" của Nguyễn Tài Tuệ, Khánh Vân với "Bài ca hy vọng" của Văn Ký, Tường Vi với "Bóng cây Kơ nia" của Phan Huỳnh Điểu và "Cô gái vót chông" của Hoàng Hiệp.

Đàn em của các chị một chút có nhiều giọng hát vang bóng thời chống Mỹ cứu nước: Thanh Huyền với "Mẹ yêu con" của Nguyễn Văn Tý và "Đường cày đảm đang" của An Chung, Vũ Dậu với "Hành khúc ngày và đêm" của Phan Huỳnh Điểu, Bích Liên với "Bài ca năm tấn" của Nguyễn Văn Tý, "Đường tôi đi dài theo đất nước" của Vũ Trọng Hối, Tuyết Thanh với "Nổi trống lên rừng núi ơi!" của Hoàng Vân.

Rồi kế tiếp là Thanh Hoa với "Tầu anh qua núi" của Phan Lạc Hoa, "Mùa xuân làng lúa làng hoa" của Ngọc Khuê, Lê Dung với "Anh ở đầu sông, em cuối sông" của Phan huỳnh Điểu, Thu Hiền với "Bài ca thống nhất" của Võ Văn Di, Thúy Lan với "Đất nước tình yêu" của Lệ Giang, Hồng Liên với "Sợi nhớ sợi thương" của Phan Huỳnh Điểu...

Bên cạnh những giọng nữ vừa nói còn phải kể tiếp đến những giọng nam được công chúng rất hâm mộ. Ngoài giọng hát vàng Trần Khánh - ca sĩ suốt đời làm việc ở Đài TNVN - còn có rất nhiều nghệ sĩ mà tên tuổi của họ khiến người nghe nhớ mãi. Trước tiên không thể không nhắc đến Quốc Hương - người được công chúng ưa thích bởi ông sở hữu một giọng nam cao (ténor) ngọt ngào, hát rất dung dị, rõ lời, tha thiết, đắm say. Có cảm giác như không phải là hát mà là tâm tình, giãi bầy tấm lòng với người nghe.

Ông sinh năm 1920, quê gốc ở Ninh Bình, trong kháng chiến chống Pháp, hoạt động văn nghệ ở các chiến trường Nam bộ. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc rồi đi học thanh nhạc ở Hungari 7 năm. Về nước, Quốc Hương làm việc ở Đoàn ca múa Nhân dân TW (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam). Ông cũng được phong danh hiệu NSND đợt đầu tiên (cùng với Thương Huyền, Thanh Huyền và Tường Vi là những ca sĩ được phong danh hiệu này cùng đợt).

Tên tuổi Quốc Hương gắn với rất nhiều bài hát nổi tiếng: "Tiểu đoàn 307" của Nguyễn Hữu Trí, "Tầm Vu" của Đắc Nhẫn, "Du kích Long Phú" do ông sáng tác, "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" của Trần Kiết Tường, "Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó" của Nguyễn Tài Tuệ, "Những ánh sao đêm" của Phan Huỳnh Điểu, "Tôi - người lái xe" của An Chung, "Bài ca người thợ rừng" của Phạm Tuyên... Quốc Hương mất năm 1987.

Tiếp theo là một loạt tên tuổi nam ca sĩ làm rạng danh nền âm nhạc nước nhà, đóng góp vào việc làm phong phú đời sống tinh thần của công chúng, gắn với rất nhiều bài hát nổi tiếng được vang trên làn sóng Đài TNVN. Đó là Trần Thụ với "Quê tôi" của Lưu Cầu, "Thỏa nỗi nhớ mong" (dân ca quan họ Bắc Ninh), "Nhanh tay lưới, chắc tay súng" (tự sáng tác), "Vàm cỏ Đông" (Trương Quang Lục), "Ngọn đèn đứng gác" (Hoàng Hiệp). Đó là Quý Dương - giọng nam trung ấm áp, sang trọng, nổi tiếng từ những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước với các bài "Ước mơ" (Nguyễn Đức Toàn), "Tôi yêu quê hương tôi" (Lê Lôi)…

untitled-9.jpg -0

NSND Quý Dương (1937 – 2011).

Đặc biệt, giọng hát của ông đã phát huy tác dụng nhiều nhất trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước và sau ngày đất nước được thống nhất vẫn còn rất sung mãn. Người nghe không thể quên được những bài hát sôi động, hào hùng và tâm tình lắng đọng do ông thể hiện: "Đào công sự" (Nguyễn Đức Toàn), "Trên biển quê hương" (Đức Minh), "Khúc hát đảo quê hương" (Phạm Đình Sáu), "Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương" (Nguyễn Đức Toàn), "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa" (Nguyễn Văn Tý), "Nhịp cầu nối những bờ vui" (Văn An), "Tiếng hát pháo binh" (Huy Du)… Quý Dương còn là giọng hát chủ chốt trên làn sóng binh vận, góp phần thức tỉnh nhiều người con lầm lạc quay súng trở về với tổ quốc, đồng bào.

Ngoài Quý Dương, phải kể đến nhiều tên tuổi cũng rất tài năng với những đóng góp lớn cho làn sóng âm nhạc: Trung Kiên với "Chào sông Mã anh hùng" (Xuân Giao), "Thái Văn A đứng đó" (Văn An), Quang Hưng với "Có chúng tôi trên hải đảo xa xôi"(Huy Du), "Anh quân bưu vui tính" (Đàm Thanh), Đoàn Thiều với "Tiếng hát người chăn bò" (Thanh Phúc), Mạnh Hà với "Cùng anh tiến quân trên đường dài" (Huy Du), "Chiếc gậy Trường Sơn" (Phạm Tuyên), Trần Chất với "Tây Nguyên bất khuất" của Văn Ký. Lứa học trò của các nghệ sĩ Quý Dương, Trung Kiên có Quang Phác với "Hò biển" (Nguyễn Cường), "Hồ trên núi" (Phó Đức Phương). Trẻ hơn một chút có Quang Thọ, Quang Huy, Doãn Tần, Trung Đức, Tiến Thành, Ngọc Tân, Hữu Nội ...

Hiện tại, đội ngũ ca sĩ trẻ trên dưới 40 tuổi khá đông đảo. Một số giọng hát qua làn sóng đã chiếm được cảm tình của công chúng. Song, dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, nhất là gắn với những năm tháng đầy biến động của lịch sử thì lớp hậu sinh khó có thể sánh bằng lớp tiền bối. Không thể so sánh các thế hệ nhưng đã có một sự thực: Những tên tuổi ca sĩ vừa nhắc trên đã gắn với những ca khúc "vang bóng một thời", trở nên những cái bóng mà các ca sĩ lớp con, cháu bây giờ rất khó vượt qua.

Và đó cũng là những cái tên có nhiều đóng góp từ làn sóng phát thanh. Ngoài ra, còn có những tên tuổi ca sĩ cũng rất có tài nhưng gần như chỉ làm công tác giảng dạy hoặc biểu diễn trên sân khấu nên đã nằm ngoài phạm vi đề cập của bài này.

Các nghệ sĩ vừa nhắc ở trên đến hôm nay có nhiều người đã qua đời. Số còn lại phần lớn tuổi đã cao, sức đã yếu. Có người vẫn còn hát nhưng đã qua thời đỉnh cao phong độ. Nhưng dấu ấn của họ vẫn còn mãi. Dẫu tình hình ca hát trong đội ngũ chuyên nghiệp hôm nay còn nhiều điểm rất cần phải bàn khiến công chúng còn nhiều phàn nàn, nhưng người ta sẽ mãi không thể quên từng đã có những giọng hát vàng làm say đắm lòng người hâm mộ suốt một thời.

Theo vnca.cand.com.vn

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.