You are here

Nhụy Kiều tướng quân

Tác giả: 
Phan Đông Viên

Triệu Thị Trinh sinh năm 226 sau công nguyên (SCN) tại miền núi Quan Yên - Quận Cửu Chân nước Nam Việt xưa (thời này gọi là Giao Châu), nay là làng Yên Thôn - xã Định Tiến - huyện Yên Định - tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình hào trưởng, giữa thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 2 ở nước ta (từ năm 43 đến năm 544 SCN).

Cuối đời Đông Hán, lục địa Trung Hoa hình thành 3 nước: phía Bắc là nước Ngụy do cha con Tào Tháo cai trị, phía Tây là nước Thục do cha con Lưu Bị cai trị, phía Dông là nước Ngô (thường gọi là Đông Ngô) do cha con Tôn Quyền cai trị, lịch sử gọi là thời Tam quốc

Do vị trí Đông Ngô gần nước ta nên Tôn Quyền đem quân sang xâm lược Giao Châu, thiết lập chế độ cai trị hà khắc để khai thác tài nguyên và nhân lực.

Căm thù giặc Đông Ngô xâm lược, năm 245 sau công nguyên, Triệu Thị Trinh lúc đó 19 tuổi đã từ chối chuyện hôn nhân để cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt tập hợp nhân dân quận Cửu Chân dựng cờ khởi nghĩa trên đỉnh núi Nưa thuộc vùng Nông Cống, Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa ngày nay.

Phong trào khởi nghĩa lan rộng ra cả 2 quận Giao Chỉ và Nhật Nam. Khi ông Triệu Quốc Đạt tử trận, Triệu Thị Trinh đã trực tiếp chỉ huy nghĩa quân, xây dựng và phát triển căn cứ, lực lượng về vùng Bồ Điền (nay là làng Phú Điền - xã Triệu Lộc - huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa) tấn công thắng giặc Đông Ngô nhiều trận, hạ nhiều thành lũy địch, giết chết thứ sử Giao Châu, giải phóng nhiều vùng rộng lớn. Những thắng lợi của nghĩa quân đã làm nức lòng nhân dân 3 quận Giao Chỉ (Bắc bộ), Cửu Chân (Thanh Hóa), Nhật Nam (Nghệ Tĩnh).

Hình ảnh Triệu Thị Trinh 20 tuổi, cao lớn, xinh đẹp, cưỡi đầu voi dữ xông lên trước trận tiền thật uy nghi lẫm liệt, được tôn vinh là Nhụy Kiều Tướng Quân, sau này còn được tôn vinh là Lệ Hải Bà Vương, nhân dân quen gọi là Bà Triệu Ẩu hoặc Bà Triệu.

Trước tình hình cấp bách do sự phát triển và thắng lợi của nghĩa quân, vua Đông Ngô sai tướng là Lục Dận đem 8000 quân tinh nhuệ sang đàn áp phong trào khởi nghĩa của nhân dân Giao Châu. Do lực lượng chưa đủ mạnh, vũ khí thô sơ, lương thực hạn chế..., cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Khi rút quân về đến núi Tùng Sơn ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn (248 SCN) Nhụy Kiều Tướng Quân không chịu để bị lọt vào tay giặc, đã rút gươm tự vẫn, năm đó Bà mới 22 tuổi.

Khắc ghi công ơn to lớn của Bà Triệu, vua Lý Nam Đế đã cho xây đền thờ Bà ở khu vực núi Gai thuộc xã Triệu Lộc - huyện Hậu Lộc - tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, từ 19 đến 22 tháng 2 âm lịch hàng năm, nhân dân Thanh Hóa và nhân dân cả nước tổ chức lễ giỗ Bà Triệu rất long trọng và thành kính để tưởng nhớ Bà.

Hai Bà Trưng và Bà Triệu là những bậc liệt nữ anh hùng dân tộc, 2 cuộc khởi nghĩa cách nhau 200 năm: Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán (năm 40 đến 43 SCN), Bà Triệu chống quân Đông Ngô (245 đến 248 SCN) đều là biểu tượng của lòng tự tôn dân tộc, ý chí quật cường truyền thống của nhân dân và phụ nữ nước ta,xứng đáng là những tấm gương rạng rỡ, sáng soi cho muôn đời hậu thế.

Trong Văn học nghệ thuật có một số tác phẩm nổi tiếng ở các thể loại ca ngợi công đức của Bà Triệu: tác phẩm chữ Nôm Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của 2 ông Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái xuất bản thời vua Tự Đức (khoảng 1870) đã có những dòng thơ ca ngợi Bà Triệu:

Bà Triệu Ẩu đánh Ngô

Binh qua trải bấy nhiêu ngày

Mới sai Lục Dận sang thay phiên thần (1)

Anh hùng chán mặt phong trần

Nữ nhi lại cũng có lần cung đao

Cửu Chân có ả Triệu Kiều

Vú dài ba thước tài cao muôn người

Gặp cơn thảo muội (2) cơ trời

Đem thân bồ liễu(3) theo loài bồng tang(4)

Đầu voi phất ngọn cờ vàng

Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha

Chông gai một cuộc quan hà(5)

Dù khi chiến tử(6) còn là hiển linh.

Chú giải trong sách:

(1)- Phiên thần: quan cai trị ngoài nước.

(2)- Thảo muội: loạn lạc, mịt mờ.

(3)- Bồ liễu: cỏ bồ và cành liễu rất mềm mại thướt tha, hình tượng ngày xưa chỉ người đàn bà.

(4)- Bồng tang: cỏ bồng và gỗ dâu ngày xưa làm vũ khí cung tên, ý nói chiến trận.

(5)- Quan hà: ý nói bảo vệ đất nước.

(6)- Chiến tử: tử trận.

Sau này, Cụ cử nhân Dương Bá Trạc (1884 - 1944) - một trong những nhà nho yêu nước sáng lập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã có bài thơ thất ngôn bát cú chữ Quốc ngữ:

Vịnh Triệu Ẩu

Khí thiêng Lô, Tản đúc nên người

Chẳng những trai hay, gái cũng tài

Vùng vẫy non sông ba thước vú

Xông pha tên đạn một đầu voi

Thằng Ngô gan thỏ kinh gần rụng

Cửa tướng, con dòng đích chẳng sai

Thua được sự thường chi sá kể

Nữ nhi ái quốc tiếng muôn đời.

Hình tượng Bà Triệu cũng xuất hiện trong nhiều bức tranh dân gian tuyệt đẹp, một số trích đoạn cải lương Nhụy Kiều Tướng Quân được nhân dân miền Nam yêu thích... Và trong sử ca Việt Nam có bài: Noi gương Bà Triệu của Nhạc sĩ Trần Quang Huy (sinh năm 1938).

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.