You are here

NSND Quang Thọ: Tôi là ca sĩ… công nhân

Tác giả: 
Quỳnh Hoa

Trong chương trình Quán thanh xuân tháng 4, chủ đề Tiếng còi tầm vừa lên sóng VTV1, NSND Quang Thọ cho biết “Tôi không phải một công nhân bình thường, mà tôi là ca sĩ công nhân”.

Sinh ra ở Quảng Ninh trong gia đình có 8 anh chị em và tài năng âm nhạc được phát lộ từ những năm tháng đất nước còn chiến tranh, đến nay NSND Quang Thọ đã gắn bó với âm nhạc hơn nửa thế kỷ. Trong chương trình “Tiếng còi tầm”, NSND Quang Thọ chia sẻ với khán giả cả nước: “Ông bà tôi ra Quảng Ninh làm trong khu mỏ, bố tôi là công nhân điện của Nhà máy cơ khí Cẩm Phả. Nhà tôi có 8 anh em, tôi làm thợ điện ở mỏ lộ thiên, nhiệm vụ là sửa chữa những máy xúc cỡ lớn. 3 em trai của tôi cũng theo tôi làm công nhân mỏ than và em gái thứ 4 cũng làm công nhân Nhà máy cơ khí Cẩm Phả”.

NSND Quang Thọ là một giọng ca xuất sắc, một trong những ca sĩ hát opera hàng đầu của Việt Nam. Tên tuổi của NSND Quang Thọ gắn liền với hàng loạt tác phẩm kinh điển như Sông Lô (Văn Cao), Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương), Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam (Chu Minh), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), Tôi là người thợ lò (Hoàng Vân), Sơn nữ ca (Trần Hoàn), Biệt ly (Dzoãn Mẫn), Tình ca (Hoàng Việt), Lá đỏ (Hoàng Hiệp)... Năm 1993 ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và năm 2001 - Nghệ sĩ Nhân dân.

NSND Quang Thọ chia sẻ với khán giả về những ngày tháng khó quên khi làm thợ điện ở mỏ than Quảng Ninh 

Được nhận vào làm thợ điện, Quang Thọ được tuyển ngay vào đội văn nghệ của mỏ than Cọc 6. Ông cho rằng có được vinh dự này vì từ hồi học lớp 8 đã là quản ca của Trường cấp 3 Cẩm Phả. Bằng tiếng hát của mình, ông đã phục vụ những người công nhân, nhân dân vùng mỏ Quảng Ninh.

Đầu năm 1971, Quang Thọ được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cử vào đội văn công xung kích của tỉnh phục vụ chiến trường miền Nam, cụ thể là đường Trường Sơn. Vào đến Tây Ninh, NSND Quang Thọ đi hát cho bộ đội tình nguyện của ta ở Campuchia. Đó là ngã rẽ thứ hai của ông trong cuộc đời. “Lúc đó, tiếng hát của tôi là tiếng hát của một người lính” – NSND Quang Thọ chia sẻ. Cuối năm 1972 thì tôi trở ra miền Bắc và đi học ở trường nhạc. Theo đó, Quang Thọ được đào tạo tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành nghệ sĩ đơn ca của Nhà hát Ca múa Nhạc Việt Nam. Với kinh nghiệm thực tiễn và năng khiếu thanh nhạc, năm 1987, ông trở thành giảng viên khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội, đồng thời đảm nhiệm chức trưởng khoa từ năm 2000-2008.

NSND Quang Thọ thể hiện ca khúc “Tôi là người thợ lò” trong Quán thanh xuân tháng 4/2021

Nhớ về khoảng thời gian 7 năm làm việc tại mỏ than ở Quảng Ninh, NSND Quang Thọ không khỏi xúc động. Ông cho biết, khi làm thợ lò thì sợ nhất là trời mưa bão. “Tôi nhớ có một buổi trưa đang trực thì mưa đổ xối xả, sấm chớp ầm ầm nhưng vẫn phải trèo lên trên vì không lên kéo được điện thì nó sẽ nhấn chìm cái máy xúc khi ấy là tiền tấn. Tôi cẩn thận lấy cái kìm gõ gõ vào dây điện, yên tâm thì tôi móc dây an toàn vào cột điện để gỡ mối dây. Đang gỡ thì tôi thấy trên đồi nhoằng một cái (sét đánh) thì tôi buông hai tay ra, nhưng không kịp và tôi rơi xuống ngay. Rất may tôi đeo dây an toàn và treo lơ lửng rồi không biết gì nữa. Sau đó mọi người lên đỡ tôi xuống và mang đi bệnh xá của mỏ để cấp cứu” – người thợ điện của mỏ than ở Quảng Ninh ngày nào hồi tưởng.

Cũng trong ký ức của NSND Quang Thọ, cuộc đời làm thợ mỏ của ông gắn với ca hát. Ngay từ đầu khi vào làm việc ở mỏ, ông đã cùng khoảng 10 anh chị em đứng trên cái xe thùng, đường thì dốc, xóc…nhưng vẫn đi đến tất cả các mỏ than từ Mông Dương đến Uông Bí, kể cả ngày lẫn đêm cứ vừa đi vừa hát. Dù đến các mỏ chỉ hát vài bài, 11 show/ngày từ sáng đến khoảng 10 giờ tối thì Quang Thọ vẫn hát tốt.

Cũng trong "Tiếng còi tầm", NSND Quang Thọ đã cất giọng và thể hiện ca khúc “Tôi là người thợ lò” gắn liền với tên tuổi và nghiệp cầm ca, nghiệp đầu đời của mình. Về ca khúc này, NSND Quang Thọ thán phục trí tuệ, sự tưởng tượng phong phú của nhạc sĩ Hoàng Vân. Chả hạn như câu : “Mỗi khi lò thủng đón cơn gió nồm nam mát rượi”. Bởi khi đào lò thì có hai nhóm cùng đào rồi gặp nhau tại một điểm, giờ phút thiêng liêng nhất của người thợ lò đó là khi lò thủng. Đúng là không có một cơn gió nào, không có một điều hòa nào tả được cái sự mát rượi trong lòng người thợ lò.

“7 năm làm ở mỏ thì tôi đã hưởng lương bậc 4/7, thời ấy tiền lương khoảng 52 đồng. Tôi không phải một công nhân bình thường, mà tôi là ca sĩ công nhân” – NSND Quang Thọ chia sẻ với khán giả Quán thanh xuân tháng 4/2021.

(Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.