You are here

Ơi.M"drăk - YMoan- Nguyễn Cường

Tác giả: 
Tân Linh

Hát giữa mọi người không ngại ngần…"

Đó là những câu thơ của Trần Hòa Bình viết tặng Moan từ năm 1987 trong bài thơ Y Moan và chiếc micro điện tử. Tôi không hiểu sao lúc ấy, làm thơ tặng Moan, khi cả hai còn rất trẻ trung yêu đời, thế mà Bình đã viết như một điềm báo như vậy: Và thật ra nếu có thể chết trong bài hát của đời mình/ Cũng tuyệt vời cái chết...Bình đã viết như vậy về Y Moan 23 năm về trước...            

Ơi M'Drak - (Nguyễn Cường) - Y Moan

Ngày 8/8/2010 lúc tôi đến phòng trọ của Y Moan ở Nam Thành Công, Hà Nội sau đêm nhạc Ngọn lửa cao nguyên,  Moan bảo tôi: "Moan phải ở lại Hà Nội vài ngày nữa để gặp gỡ anh em bạn bè Thủ đô vì ít có cơ hội lại ra hát nữa rồi. Moan phải về để hát cho bà con buôn làng lần cuối cùng…". Hình như lúc ấy Moan tiên lượng về sức khỏe của mình và nghĩ đến ngày ra đi đang đến gần…

Thấy tôi đến Moan vui lắm. Anh reo lên với Nguyễn Cường và bạn bè ngồi trong phòng: "Đây là ông bạn của tôi”. Nắm cánh tay Moan thấy mạch yếu, thần sắc kém rồi nhưng cứ phải động viên rằng thì hy vọng gặp thầy gặp thuốc… Hôm tôi đến tiễn Moan ra sân bay để vợ chồng anh về Ban Mê thì Moan bảo có chú H. lãnh đạo bộ Công an gọi cho Moan bảo hủy chuyến bay và ở lại thêm để chú giúp chạy chữa.

Moan đã sống những ngày cuối cùng ở Hà Nội trong vòng tay bè bạn như vậy. Ai cũng chúc Moan bình phục…Nhiều nước mắt  trong đêm nhạc Y Moan trên sân khấu nhà hát Âu Cơ. Tôi rưng rưng đọc lại lưu bút của khán giả. Moan thật hạnh phúc vì anh đã sống giữa cuộc đời, được "Hát giữa mọi người không ngại ngần…" và được yêu quý như vậy. Moan đã sống, đã dâng hiến và ra đi. Sự dâng hiến của Moan cho đại ngàn, cho âm nhạc đến tận cùng và anh đã nhận được tình yêu thương của mọi người.

Người nghệ sĩ nào, dù tài danh đến mấy có lẽ cũng chỉ mơ ước vậy. Có lẽ trong lịch sử âm nhạc chưa có một đêm nhạc nào lạ lùng cảm động thế. Người yêu mến Moan khóc cho đời Moan sớm mang trọng bệnh. Và có lẽ cùng tại vì Moan đã làm cái việc tổ chức đêm hát như một lần cuối…

Nhạc sĩ - nữ sĩ Linh Nga Niekdam bay từ Ban Mê ra Hà Nội nhưng không ngồi hàng ghế VIP dành cho chị mà chị nấp bên cánh gà theo dõi Y moan hát và khóc ròng. Linh Nga coi Moan như một đưa em của mình. Rơ Chăm Pheng cũng khóc trên sân khấu. Sau mỗi bài hát, Moan lại vào để thở oxy, xong lại ra hát tiếp. Đêm Lửa cao nguyên cho Hà Nội nghìn năm, Moan hát bằng cả tình yêu, một tình yêu lần cuối gửi cuộc đời:

Ngồi cùng Y Moan sau mười lăm năm bao nhiêu kỷ niệm dồn về. Thời tôi ở Ban Mê, cách nhà Y Moan hai cây số. Moan khi ấy mới ngoài hai mươi đã nổi đình nổi đám. Mấy lần qua nhà chơi Moan tất bật với các chương trình biểu diễn phục vụ buôn làng, khi ấy cả ba đứa con Moan còn nhỏ. Nhà khu tập thể văn công cạnh vườn cao su mùa mưa ngập lội. Nghèo quá, Moan tính trồng cà phê, cũng đi làm rẫy như một người Ban Mê thực thụ.

Y Moan hát giữa buôn làng 1983

Rẫy cà phê của Moan xa thành phố, sáng phải đi thật sớm đem theo bi đông nước, chai cà phê đen không đường với con dao phát cỏ. Mấy lần Moan rủ tôi vào rẫy nhậu thịt gà thả trong rẫy nhưng chưa thực hiện thì tôi chán trồng cà phê và thú đi săn và bỏ ra Hà Nội rồi ở luôn đến năm 1996 mới trở vô thăm lại Ban Mê…

Khi ấy Y Moan 39 tuổi, cùng nhạc sĩ Nguyễn Cường xuyên rừng, trên vai là chiếc ba lô đầy mì tôm và quần áo trẻ em đến với mấy chục buôn làng Ê đê, M’ Nông, Gia rai… Đi đến đâu Y Moan và Nguyễn Cường hát say sưa, hát trong bữa rượu cần, hát sau lễ cúng cơm mới… Y Moan thì vẫn thế, vạm vỡ, chất giọng vẫn âm vang như chưa hề mệt mỏi.

Bữa ấy Cao nguyên mưa, Moan giữ tôi lại “Uống rượu với Moan đi”, vợ Y Moan - cô dâu Tây nguyên người Thái Bình đã đãi anh em tôi một bữa bún riêu cua ngon nhớ đời… Căn phòng cấp bốn khu tập thể trường văn hoá nghệ thuật Dak Lak nhỏ bé hơn khi cả nhà anh hai vợ chồng và ba đứa con hai trai một gái út đoàn tụ… Chật hơn, ấm hơn trong sáng mưa nay bởi giọng hát của ba bốn cha con... Nhìn gia đình nghệ sĩ ấy, tôi đoán thể nào rồi họ cũng theo nhau lên sân khấu hoặt chí ít thì đều làm nghệ sĩ.

Bốn cha con ấy có thể lập thành nhóm Lửa Cao nguyên chăng? Ấy là tôi mơ thế. Họ giống nhau ở chỗ ”Da nâu mắt sáng”. Giống nhất vẫn là giọng hát chứa sẵn chất rock, là năng khiếu âm nhạc mà hình như trời đã ban cho họ, những người con của núi rừng Cao nguyên. Mấy cha con Moan hát đãi tôi hay hát thường xuyên thế không biết, chỉ biết rằng căn nhà như vỡ toang ra: Ơi M’Drak, M’Drak…

Lời bài hát Moan đặt cho những ca khúc Nguyễn Cường là thơ của Moan đấy. Thơ ấy đậm chất Moan, chất Tây nguyên hoang dã và phóng khoáng: Mùa cành củi khô rụng/Mùa bồ câu rụng/Tao lại nhớ về M’drak/Nơi mẹ đẻ ra mày/Nơi mẹ đẻ ra tao/Ở gốc cây cổ thụ… Ơi M’drak, M’drak! Gái trai quê tôi da nâu mắt sáng/vóc dáng hiền hòa/… Tôi đi khắp đất trời xa xôi/Không nơi nào như quê tôi… Rượu đang vào, bỗng Y Moan làm tôi giật mình: “Thôi chết rồi. Đã đến giờ lên máy bay đi Hà Nội dự Liên hoan âm nhạc Asean!” Moan buông ly, mặc vội quần áo, tôi vơ lấy cái xe máy cà tàng Moan để ở sân rồ ga đưa Y Moan ra sân bay Buôn Ma Thuột. Vừa lúc máy bay chuẩn bị cất cánh, khiến Y Moan vừa chạy ra máy bay vừa vẫy tay la toáng lên. Cái sân bay cao nguyên bữa ấy hoảng hồn một phen, và có lẽ sẽ báo động nếu người ta không nhận ra người đang lao tới máy bay là… ca sĩ Y Moan quen thuộc… Mấy hôm sau, được tin Y Moan đoạt huy chương bạc giọng hát Asean tại Hà Nội…

Nguyễn Cường bảo tôi: Moan là tài sản của Tây nguyên, của âm nhạc Việt. Vâng! Anh đã là biểu tượng của Tây nguyên đại ngàn. Trước Y Moan và sau Y Moan sẽ khó có lại một giong ca, một con người như vậy. Có đêm diễn ở buôn làng Moan hát liền hơn chục bài. Nhớ có lần Y Moan bảo tôi sẽ về Sài Gòn hát và lập nghiệp ở đó. Nhưng rồi dăm bữa nửa tháng lại thấy Moan nhảy xe đò về lại Ban Mê... Moan phải về hát giữa mưa gió dầm dề hay trong đêm buôn làng hoang dại, là kẻ hát rong mang lời ca của Ê đê nồng nàn hoang dã...

Nhớ Y Moan ngày ấy gầy đen nhưng giọng hát thì đã được bà con buôn làng đón nhận nồng nhiệt đôi khi hơn cả những danh ca. Trông hình ảnh Moan ôm đàn hát cạnh ngôi nhà vách nứa của bà con M'nông, giữa những người dân buôn làng, những em bé chân trần, những phụ nữ cởi trần... thấy sao đẹp quá chừng. Cới trần đóng khố mà hát.

Moan kể: Ngày ấy Moan nghèo lắm. Áo quần còn không đủ mặc phải đóng khố mà vẫn đi hát cả ngày cả đêm. Hát hàng chục bài một lúc không biết mệt là gì. Sân khấu của Moan là ở những ngôi nhà dài, ở sân những ngôi nhà Rông giữa buôn làng xa xôi. Cát - sê của Moan là những bữa rượu cần, là những củ khoai, củ sắn bà con về nhà lấy đem cho... Chỗ của Moan là sân khấu cuộc đời. Hình như ở đó chất hoang dã trong Moan mới thể hiện rõ nhất.

Nhưng không hẳn. Tôi đã thấy Moan hát cả trên những sân khấu sang trong lộng lẫy ánh đèn ở Hà Nội, ở thành phố Hồ Chí Minh và cả ở nước ngoài... Moan là một danh ca đích thực. Moan bảo anh Cường là thầy tôi, là anh tôi… Anh đã nhịn ăn nuôi tôi rồi đến lượt nuôi mấy đứa con tôi. Tôi coi má anh như má tôi… Moan rớm lệ kể: "Anh Cường đã bớt ăn tiêu để nuôi Moan, rồi nuôi con Moan ba mươi năm nay. Moan ốm, anh Cường cũng có mẹ già ốm nằm đó nhưng dành thời gian cho thằng em tận tụy như một người cha, một người anh lớn. Nghe đâu có thuốc quý, Nguyễn Cường đi tìm thầy tìm thuốc khắp miền…"

Nguyễn Cường khẳng định: Y Moan là hiện tượng âm nhạc đặc biệt, là biểu tượng của đại ngàn Tây nguyên. Y Moan Enuol là tài sản vô giá. Giọng hát Y Moan đánh thức đại ngàn. Chúng tôi gặp nhau và đó không chỉ là cuộc gặp gỡ giữa hai con người cụ thể. Đó là cuộc gặp gỡ của âm nhạc, của văn hóa thì phải.

Nhà nhiếp ảnh Trịnh Đình Tiến có mặt tại phòng Moan lúc ấy thêm: Hình như đó là cái duyên tiền kiếp. Hình như có một cuộc hẹn hò từ tiền kiếp, để Nguyễn Cường đi tìm và tìm thấy Y Moan để cùng hát lên những bài ca của núi rừng Tây nguyên...

Vâng, có lẽ Moan ra đi, nhiều người buồn nhưng với Nguyễn Cường anh buồn hơn cả tình anh em. Moan ra đi mãi mãi vào hoang dã đại ngàn thì Nguyễn Cường ơi! Tôi lại thương anh đơn độc giữa âm thanh và cuộc đời...

Chia tay nhau, mắt Y Moan rớm lệ: "Lúc nào vô Tây nguyên nhớ đến nhà Moan nhé. Moan sẽ đãi món canh kiến chua ăn với rau xa lát ngon nhất do Moan nấu.". Những cái nắm tay thân thiết và những lời chúc thật lòng. Chỉ biết chúc Moan vượt qua được sự nghiệt ngã của bệnh tật để tiếp tục ca hát. Bà con buôn làng vẫn mong chờ Y Moan trở về lành lặn và lại cất tiếng hát như ngày nào...

Nguyễn Cường tiễn chúng tôi không khác một người anh Moan tiễn khách. Những ngày này có lẽ anh không muốn rời Y Moan khi sau liveshow đầu tiên dâng Hà Nội nghìn năm, Moan không ăn uống gì được. Khi mà Y Moan làm xúc động hàng nghìn trái tim người Hà Nội, người ta chợt nhận ra rằng giữa Nguyễn Cường và Y Moan không chỉ có một tình bạn, tình anh em. Tình cảm ấy, có xuất xứ từ mạch ngầm văn hóa thì phải nó lâu bền và tha thiết hơn cả một tình yêu...

Thấy báo chí đưa hình ảnh Y Moan ngồi xe lăn nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân do UBND tỉnh Đắc Lắc và Bộ VH, TT&DL trao, tôi đã thầm thương cho Moan. Vinh quang hình như thường đến muộn. Mà với Moan vinh quang nhất có lẽ là được cất tiếng hát giữa cao nguyên, dù đó là M' drak, Ban Mê hay Đăk Nông... Cánh chim ch'rao của đại ngàn giờ đã gãy cánh và ra đi .... Thôi Moan ạ! Chả cần biết sống dài ngắn làm gì, mà là sống thế nào.

Chỉ biết rằng Moan đã đi qua cuộc sống với ấn tượng sâu đậm trăm năm chưa dễ có lại. Moan đã đi qua cao nguyên hoang dã, qua thảo nguyên hoang dã qua cuộc đời này và để lại những dấu vết trung hậu vô tư như lời bài hát hoang dã Moan cất lên. Bây giờ thì Moan đã về lại với lòng đất ba zan. Anh đã không kịp nấu cho tôi nồi canh kiến chua như đã hẹn nữa rồi.

Thương quá Y Moan ơi... Bây giờ không thể về Ban Mê tiễn Moan đi vào cõi vĩnh hằng, cầu mong cho linh hồn Moan tiếp tục phiêu du cùng những bài hát của đời mình... Moan ơi! Tiếng hát của con chim đại ngàn đã tắt, nhưng giọng ca hiếm và lạ của Moan sẽ thành huyền thoại, cũng như có một huyền thoại về tình bạn của Moan với một người trai Hà Nội là nhạc sĩ Nguyễn Cường...

(Nguồn: https://bcdcnt.net/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.