You are here

Phát triển văn hóa - khơi nguồn sức mạnh nội sinh

Tác giả: 
Nhóm phóng viên

Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc". Trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trân trọng giới thiệu loạt bài: “Phát triển văn hóa - khơi nguồn sức mạnh nội sinh”.

Các loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội. Trong ảnh: Chương trình biểu diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ (huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội), tháng 10-2020.

Bài 1: Giá trị truyền thống gắn với tinh thần thời đại

Trong từng giai đoạn lịch sử, chính sách về văn hóa của Đảng ta đều có những bước phát triển phù hợp, song luôn thống nhất trên cơ sở phát huy những giá trị tư tưởng của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại; coi văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực phát triển đất nước. Dưới ngọn cờ của Đảng, nhân dân ta đã kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời không ngừng sáng tạo, tiếp thu những giá trị mới từ tinh hoa văn hóa thế giới, đưa đất nước vững bước trong xu thế phát triển chung.

Từ kế thừa, phát huy truyền thống...

Truyền thống tốt đẹp của dân tộc là những giá trị tinh thần (tư tưởng, tính cách, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp…) hình thành trong lịch sử, trên cơ sở bồi đắp, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhận diện những giá trị tinh thần nổi bật nhất của dân tộc, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn văn hóa - xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng: “Người Việt ta có lòng yêu nước, ý chí tự cường, tình đoàn kết, tương thân, tương ái. Những giá trị này đã và đang được đại bộ phận nhân dân trân trọng, gìn giữ và phát huy, mỗi khi nơi nào đó có thiên tai, dịch họa, đồng bào ta lại sẵn lòng tương trợ, giúp đỡ”.

Ý thức sâu sắc về sức mạnh của văn hóa dân tộc, xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng ta luôn đề cao nhiệm vụ “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; trong đó, bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị truyền thống tốt đẹp, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua hàng ngàn năm lịch sử. Nhờ vậy, lĩnh vực văn hóa đạt nhiều kết quả to lớn và quan trọng. Đặc biệt, trong 35 năm đổi mới (1986-2021), những thành tựu của khoa học - công nghệ đã thổi luồng gió mới tác động tích cực lên mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có đời sống văn hóa.

Với đặc trưng nền văn hóa thống nhất trong sự đa dạng, ngành Văn hóa và các địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh công tác bảo tồn và khai thác các giá trị truyền thống, tạo thành những sản phẩm đặc sắc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của người dân. Công tác xã hội hóa đã thu hút đông đảo các tổ chức và cá nhân tham gia, góp phần tích cực gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp, dần loại bỏ những lỗi thời, lạc hậu. Những giá trị văn hóa Việt Nam tỏa sáng, được thế giới công nhận là một phần không thể thiếu trong kho tàng văn hóa quý giá của nhân loại.

Theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ, công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc đạt nhiều tiến bộ. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị. Nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng được đáp ứng... Trong hàng chục nghìn di sản văn hóa, có 28 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO ghi danh, 119 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 3,5 nghìn di tích quốc gia, 364 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Thị trường điện ảnh Việt Nam đang phát triển rất nhanh với mức doanh thu tăng trung bình khoảng 20%/năm trong hơn 10 năm qua. Trong ảnh: Một cảnh trong phim “Mùa xuân ở lại”.

... đến tiếp thu, sáng tạo những giá trị văn hóa mới

Cũng trong 35 năm đổi mới và phát triển, dưới sự dẫn dắt của Đảng, nhiều giá trị mới về văn hóa, chuẩn mực đạo đức được khẳng định, nhân rộng trong xã hội. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước ngày càng thẩm thấu vào đời sống văn hóa. Đặc biệt, xây dựng văn hóa tri thức, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở, văn hóa gia đình, khu dân cư đã trở thành phong trào phát triển, chuyển hóa thành ý thức, trách nhiệm trong mỗi người để lan tỏa những điều tốt đẹp; lên án, đẩy lùi cái xấu.

Trong không gian đổi mới và hội nhập quốc tế, “sức mạnh mềm” văn hóa quốc gia tiếp tục được khẳng định. Người dân được thụ hưởng những thành tựu của các nền văn hóa khác nhau, tiếp cận với các giá trị văn hóa, nghệ thuật của thế giới, từ đó tiếp thu, sáng tạo những giá trị văn hóa mới.

Theo Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam Trần Ly Ly, nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam đang có những tiềm năng khá tốt; trong đó, tài sản lớn nhất là dân số trẻ, đa dạng và tài năng. Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan, trong hơn 10 năm qua, với mức doanh thu tăng trung bình khoảng 20%/năm, thị trường điện ảnh Việt Nam đang phát triển rất nhanh, thậm chí là một trong những thị trường điện ảnh phát triển nóng trên thế giới. Trong khi đó, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) Vũ Thị Phương Hậu cho rằng, trong chiến lược đối ngoại hiện nay, các sản phẩm văn hóa đang đảm nhiệm vai trò giao lưu, kết nối, đối ngoại giữa các quốc gia, góp phần làm nên sức hấp dẫn, “sức mạnh mềm” của quốc gia.

Tổng quan về những thành tựu của công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội, con người Việt Nam thời gian qua, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hóa khởi sắc. Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm sai trái gây hại đến văn hóa, lối sống con người được chú trọng”.

(Còn nữa)

(Nguồn: https://hanoimoi.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.