You are here

Quan họ ở Trường Sa

Tác giả: 
TS Trịnh Lan Hương – Trường Đại học VHNT Quân đội

Được viết từ những trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống, với lối biểu đạt giàu cảm xúc, hình ảnh phong phú, biểu tượng sâu sắc... của một nghệ sĩ ngôn từ, Quan họ ở Trường Sa là một bài thơ hay, kết nối các tầng lớp ý nghĩa văn hóa, chính trị và giàu tính nghệ thuật. Năm 2017, “đứa con tinh thần” của chị đã có thêm hình hài mới, khi nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang chắp thêm đôi cánh âm nhạc (ca khúc cùng tên) để lan tỏa, vang xa.

Mẹ Bích Hồng và con Đỗ Quang Thùy ở Trường Sa năm 2011

Tháng tư, mùa đi biển. Khi thời tiết bớt khắc nghiệt hơn, những con sóng ở vùng biển đảo vốn được mệnh danh là “quần đảo bão tố” đã trở nên hiền hòa hơn, trời yên biển lặng... thì cũng là dịp ở các Nhà giàn DK1, đảo nổi, đảo chìm của huyện đảo Trường Sa tấp nập những chuyến tàu cập bờ. Đặt chân lên những“mảnh đất thiêng”, nhìn lá cờ tổ quốc tung bay trong nắng, nghe tiếng vọng của lịch sử trong tiếng sóng hòa gió biển mặn mòi, tận mắt chứng kiến cuộc sống kiên cường của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây... – mỗi bước đi đều khắc sâu trong tâm trí những ấn tượng và niềm tự hào, cảm động của tất cả mọi người, dù lần đầu tiên hay đã nhiều lần đến với vùng biển đảo thiêng liêng. Với PGS. TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng, chị gửi gắm tình cảm ấy vào trong bài thơ Quan họ ở Trường Sa.

Lật những tấm ảnh lưu niệm trong cuốn album về chuyến đi Trường Sa 10 năm trước (2011), bằng giọng xúc động, PGS. TS Lê Thị Bích Hồng (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương) kể: “Giữa tháng tư năm ấy, tôi tham gia đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương đi Trường Sa. Đoàn chúng tôi như có “duyên” với con số 9: Có 99 người, đi trong 9 ngày, đến thăm 9 đảo, nhà giàn DK1 và đi trên tàu HQ 957 thuộc Hải đội 5, Lữ đoàn M25 – tiền thân của đoàn tàu không số anh hùng. Trưởng đoàn công tác số 9 là Đại tá Đỗ Minh Thái – Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân; Phó Trưởng đoàn số 9 là đồng chí Chu Văn Đạt – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Với 2/3 thời gian trong năm gắn với biển, với đảo, với sóng gió, bão tố..., tàu HQ 957 vẫn miệt mài như con thoi trên biển, vừa làm nhiệm vụ cứu hộ trên biển vừa đưa những đoàn công tác ra Trường Sa an toàn, mang hơi ấm từ đất liền đến đảo, đến nhà giàn DK1. Chuyến đi của chúng tôi khá thuận lợi, suôn sẻ. Đêm giao lưu giữa biển trời lộng gió. Trăng rằm tháng 3 soi tỏ lung linh từng đóa hoa bàng vuông, từng cây phong ba chắn bão. Trăng tròn vành vạnh rơi xuống biển ánh bạc tầng tầng san hô…Đêm hát trên đảo ấm áp tình đất liền. Những chiến sĩ hải quân, người dân trên đảo và đoàn công tác cùng “Nối vòng tay lớn”, bịn rịn câu hát “Người ở đừng về”…

Nói đến đây, chị cho xem một bài thơ được viết trên tàu, giữa bồng bềnh sóng biển và dạt dào cảm xúc. “Ban ngày, đoàn chúng tôi lên thăm nhà giàn và các đảo, còn buổi tối là thường là lúc nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các tiết mục biểu diễn nghệ thuật. Và, sau một lần nghe hát bài quan họ, những dòng thơ Quan họ ở Trường Sa bỗng cứ thế tuôn trào, xúc động, tự nhiên, chân thật nhất:

Em mang tình quan họ đến Trường Sa

Gặp lại mình trong giấc mơ không tuổi

Khúc dân ca nồng đằm vị muối

Nối biển bờ thương nhớ chẳng nguôi quên

Tài hoa và sự thăng hoa cảm xúc của chị đã tạo nên một không gian và thời gian vô cùng đặc biệt trong bài thơ, mà ở đó những “chiếc xuồng”, “hoa bàng vuông”, “màu áo xanh”, “buông neo” của không gian đời thực đã hòa quyện với không gian nghệ thuật, những “thuyền nan”, “chị Cả”, “hương sen”, “tựa mạn thuyền”... 

Anh thả chiếc xuồng

Em thả chiếc thuyền nan

Chị Cả, anh Hai dùng dằng

Tựa mạn thuyền giữa trùng trùng

Sóng cuốn triền miên

Hoa bàng vuông lấp lánh hương sen biển lần đầu em thấy

Màu áo xanh thao thiết vầng dương thức dậy

Anh buông neo thả điệu hát miên man

Tứ thơ mới mẻ, sáng tạo góp phần biểu đạt điều bình dị mà rất đỗi đẹp đẽ, cao quý: sự gắn bó, hòa quyện giữa anh và em, giữa biển đảo Trường Sa với đất liền. Câu thơ: Chị Cả, anh Hai dùng dằng/ Tựa mạn thuyền giữa trùng trùng/ Sóng cuốn triền miên mang lại một cảm nhận nhịp điệu cuộc sống vừa êm đềm, tình tứ, thân thương vừa bão dông, thử thách. Chính tình cảm của người em, của những người từ đất mẹ đã đem đến cho anh, những chiến sĩ hải quân trên đảo những phút giây thư thái “buông neo thả điệu hát miên man”, như được đắm mình trong “trăng sao”, “lúng liếng mắt trao”... giữa bản hòa tấu sóng đại dương và làn điệu dân ca quan họ:

Ngỡ sông Cầu dậy sóng trăng sao

Ngỡ Hội Lim lúng liếng mắt trao

Thiên Thai soi bóng tầng san hô và cây phong ba đón bão

Hư hội hừ… hòa tấu đại dương

Nét đẹp nhất của bài thơ tụ lại ở những dòng thơ cuối: Giữa bốn bề đại dương xanh thẳm, giữa những đảo nổi đảo chìm kết tinh trầm tích lịch sử của dân tộc, luôn có anh và em, quân đội và nhân dân Việt Nam hiện diện ở đây để khẳng định chủ quyền quốc gia, bảo vệ “giọt máu thiêng” của dân tộc. “Thôi đừng dối mẹ, dối cha”, “Nghẹn lòng yêu nhau đứng ở đằng xa”, tạm biệt đảo, tạm biệt Nhà giàn – “bông sen biển”, giọt nước mắt “vút thành vầng mây ấm” để mãi nhớ mong, để kỷ niệm về Trường Sa mãi trong em và anh, Trường Sa mãi trong tim mỗi người Việt Nam chúng ta:

Nước mắt biển vút thành vầng mấy ấm

Bông sen biển lung linh

Ô mấy tình rằng

Ô mấy tình ơi!

Í tang tình tang ố tình là em mong mình…

Trường Sa trong anh

Trường Sa trong em

Trường Sa trong chúng ta…

Tác giả bài thơ quê cha ở Huế, quê mẹ Bắc Ninh và sinh ra tại đất mỏ Quảng Ninh. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chị về nhận công tác tại Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Gần 15 năm là giáo viên dạy văn, năm 1997 chị về Trường Đại học Sư phạm Hà Nội học Cao học và chuyển công tác về Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) từ đó. Từ một chuyên viên, chị đã học tập, phấn đầu được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương. Năm 2015, chị chuyển công tác và là giảng viên cao cấp của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Chị đã từng là giảng viên thỉnh giảng môn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” cho Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội.

Lê Thị Bích Hồng được biết đến với tư cách là một nhà văn bút lực dồi dào. Hiện chị là tác giả của gần 20 đầu sách về sáng tác, nghiên cứu văn học. Có thể kể đến một số cuốn sách của chị: Truyện ký: Vệ đê trong đêm trăng (Nxb Quân đội nhân dân), Nơi ấy là...Trường Sa (Nxb Thanh niên), Đợi nhau ở Khau Vai (Nxb Văn học)... Sách lý luận-phê bình: Thơ với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình, Những người tự đục đá kê cao quê hương, Bản sắc văn hóa Tày trong tản văn Y Phương, Thăng hoa cùng hành trình sáng tạo, Hoa chuối đỏ miền rừng Phja Bjoóc, Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc...

Tác giả thơ và nhạc Quan họ ở Trường sa nhận giải thưởng

Với những nỗ lực trong sáng tác, nghiên cứu, nhà văn Lê Thị Bích Hồng đã được nhận nhiều giải thưởng sáng tác và nghiên cứu: Giải “Phong cách đặc biệt” Cuộc thi “Nước Anh trong mắt tôi” (2013); Giải Nhì Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài Biên phòng do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng tổ chức (2009); Giải Ba cuộc thi sáng tác văn học do KTV và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (2016); Giải thưởng “Cây bút Vàng” lần thứ IV do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an tổ chức (2017); Giải thưởng ca khúc “Quan họ ở Trường Sa” (phần thơ) do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao năm 2019. Bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam cho cuốn “Vệ đê trong đêm trăng” năm 2017 về đề tài Thương binh - Liệt sĩ và Người có công do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức…

Giải B sách “Những người tự đục đá kê cao quê hương”, Giải Nhì sách “Thăng hoa cùng hành trình sáng tạo” (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, 2019); Giải B sách “Hoa chuối đỏ miền rừng Phja Bjoóc” (Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, 2019).

Được viết từ những trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống, với lối biểu đạt giàu cảm xúc, hình ảnh phong phú, biểu tượng sâu sắc... của một nghệ sĩ ngôn từ, Quan họ ở Trường Sa là một bài thơ hay, kết nối các tầng lớp ý nghĩa văn hóa, chính trị và giàu tính nghệ thuật. Năm 2017, “đứa con tinh thần” của chị đã có thêm hình hài mới, khi nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang chắp thêm đôi cánh âm nhạc (ca khúc cùng tên) để lan tỏa, vang xa. Chị rất vui khi cho biết thêm, Nhạc sĩ Dân Huyền (nguyên Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam) nhận xét: “Bài hát Quan họ ở Trường Sa có khúc thức ngắn gọn, giàu suy nghĩ. Giai điệu đẹp, chất quan họ ngay từ đầu nhưng sáng tạo theo phong cách riêng hiện đại, phù hợp với giới trẻ hiện nay. Lời bài hát hay, rất tình cảm và trong sáng. Ngôn ngữ có chọn lọc, giàu chất thơ”. Còn nhạc sĩ Đức Miêng cho rằng: “Nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang tuy không phải là người con của miền quê quan họ nhưng đã rất hiểu và vận dụng uyển chuyển chất liệu của dân ca quan họ vào trong bài hát...”.Ngay sau khi được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát đã chiếm trọn cảm tình của nhiều người nghe, đạt giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2018. Và đặc biệt, đó là món quà ý nghĩa mà hậu phương gửi đến những người lính đang ngày đêm canh giữ quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

Quan họ ở Trường Sa

Em mang tình quan họ đến Trường Sa

Như gặp lại mình trong giấc mơ không tuổi

Khúc dân ca nồng đằm vị muối

Nối biển bờ thương nhớ chẳng nguôi quên

Anh thả chiếc xuồng

Em thả chiếc thuyền nan

Chị Cả, anh Hai dùng dằng

Tựa mạn thuyền giữa trùng trùng

Sóng cuốn triền miên

Hoa bàng vuông lấp lánh hương sen biển lần đầu em thấy

Màu áo xanh thao thiết vầng dương thức dậy

Anh buông neo thả điệu hát miên man

Da diết quan họ ơi nỗi khát đợi âm thầm

Loan phượng hẹn hò cùng loài chim biển

Tính tình tang… giữa ngàn trùng day dứt quá

Biển tràn dâng nỗi nhớ cơn mưa Hạ

Ngỡ sông Cầu dậy sóng trăng sao

Ngỡ Hội Lim lúng liếng mắt trao

Thiên Thai soi bóng tầng san hô và cây phong ba đón bão

Hư hội hừ… hòa tấu đại dương

Đá kết trầm tích thành đảo nổi, đảo chìm

Thôi đừng dối mẹ, dối cha

Áo mớ bảy, mớ ba giữa bốn bề lộng gió…

Sân khấu là đại dương xanh thẳm

Nghẹn lòng yêu nhau đứng ở đằng xa

Mình ơi đừng buông vạt áo em ra

Mình ơi thắm môi hồng miếng trầu tính trầu tình

Nước mắt biển vút thành vầng mây ấm

Bông sen biển lung linh

Ô mấy tình rằng

Ô mấy tình ơi!

Í tang tình tang ố tình là em mong mình…

Trường Sa trong anh

Trường Sa trong em

Trường Sa trong chúng ta…

(Nguồn: https://vanhoavaphattrien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.