You are here

Richard Strauss (1864-1949)

Tác giả: 
Văn Toàn (tổng hợp)

“Tôi có thể không phải là một nhà soạn nhạc ở hàng thứ nhất, nhưng tôi là nhà soạn nhạc đứng đầu ở hàng thứ hai!” – Richard Strauss

Richard Strauss sống vào thời kỳ hậu Lãng mạn, là một nhà soạn nhạc nổi bật vào lúc đó. Strauss cùng thời với Mahler nhưng không giống Mahler, người dành tâm huyết cả đời cho giao hưởng, còn ông đặc biệt quan tâm tới 2 thể loại là tone poem (thơ giao hưởng) và opera. Nổi tiếng với vai trò sáng tác nhạc, Strauss đồng thời cũng là một nhạc trưởng trứ danh, với hầu hết các tác phẩm của ông đều được ông chỉ huy trong lần đầu công diễn.

Richard Strauss sinh ngày 11/06/1864 ở thành phố Munich (lúc đó thuộc vương quốc Bavaria), con của Franz Strauss, nhạc công horn chính của Munich Court Opera. Do đó, Strauss nhận được sự giáo dục âm nhạc từ người cha ngay từ nhỏ và có sáng tác đầu tiên khi mới 6 tuổi. Bắt đầu từ đó ông sáng tác liên tục cho đến khi qua đời. Ngay từ nhỏ, Strauss có may mắn được vào xem các buổi diễn tập của Munich Court Opera, nhờ đó mà ông có thêm hiểu biết về nhạc lý và việc sáng tác cho dàn nhạc từ người trợ lý của nhạc trưởng dàn nhạc. Năm 1874, Strauss lần đầu tiên được nghe các tác phẩm của Richard Wagner như Lohengrin, Tannhäuser và Siegfried. Ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc với những tác phẩm ấy, Strauss đã bị lôi cuốn và âm nhạc của Wagner đã lập tức thấm sâu vào ông mãi mãi. Tuy nhiên cha ông ngăn ông học tập theo Wagner. Thực chất thì gia đình ông không đánh giá cao Wagner nên việc ngăn cấm con của cha Strauss là đều dễ hiểu. Cuối đời, Richard Strauss đã bày tỏ về sự đáng tiếc ấy.

Năm 1882, Strauss vào học ở trường đại học Munich, ngành triết học và lịch sử, chứ không phải là âm nhạc, nhưng chỉ một năm sau đó ông phải bỏ dở để đến Berlin. Ở nơi ở mới, Strauss nhanh chóng được Hans von Bülow để ý và được nhận làm người trợ lý của vị nhạc trưởng tài năng này. Sáng tác của ông trong thời kỳ này không có gì đặc biệt, chúng đều tuân theo những khuôn mẫu của Robert Schumann hay Felix Mendelssohn không một chút sáng tạo, mà cha ông đã dạy ở nhà. Nổi bật trong số đó là Horn Concerto No. 1 được sáng tác trong thời gian 1882 – 1883. Phong cách sáng tác của Strauss bắt đầu thay đổi khi ông gặp nhà soạn nhạc và nghệ sĩ violin trứ danh Alexander Ritter, chồng của cháu gái Richard Wagner. Chính Ritter làm thay đổi quan điểm của Strauss và khuyến khích nhà soạn nhạc trẻ sáng tác tone poem; ông cũng giới thiệu những tiểu luận của Richard Wagner và Schopenhauer cho Strauss, từ đó giúp định hình tư duy sáng tác trong tương lai của Strauss. Strauss tiếp tục chỉ huy một trong những vở opera của Ritter và về sau Ritter đã viết một bài thơ dựa trên chính tác phẩm “Tod und Verklärung” của Strauss.

Strauss kết hôn với ca sĩ giọng soprano Pauline Maria de Ahna ngày 10/09/1894. Cô là giọng hát nổi tiếng vào lúc đó, nhưng cũng nổi tiếng về tính lập dị và thẳng thắn. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này đã đem lại hạnh phúc cho cả hai và chính người vợ là nguồn cảm hứng vô tận trong các sáng tác của Strauss sau này. Có thể thấy, phần lớn các bài hát mà ông sáng tác đều dành cho giọng nữ cao (soprano), vì vợ ông là một soprano.

Thơ giao hưởng là thể loại sáng tác ưa thích của Strauss và cũng là thể loại thành công nhất của ông (cùng với opera). Tác phẩm đánh dấu sự thời kỳ đỉnh cao của ông là Don Juan. Khi tác phẩm được ra mắt năm 1889, một nửa khán giả hết lời khen ngợi trong khi nửa còn lại tỏ ra phản đối kịch liệt. Mặc dù thế, Strauss vẫn vui vẻ nhận ra rằng mình đã đi đúng đường, ông nói “Tôi cảm thấy phấn khởi khi biết rằng mình đã chọn đúng con đường để đi và hoàn toàn nhận thức rằng không có một người nghệ sĩ nào dễ dàng từ bỏ nó chỉ bởi những người xung quanh.” Tiếp theo sau, một loạt những tone poem ra đời như Aus Italien (1886), Tod und Verklärung (Cái chết và biến dạng, 1888 – 1889), Till Eulenspiegels lustige Streiche (Những trò chơi khăm thú vị của Till Eulenspiegels, 1894 – 1895), Also sprach Zarathustra (Zarathustra đã nói như thế, 1896), Don Quixote (1897), Ein Heldenleben (Chuyện người anh hùng, 1897–1898), Sinfonia Domestica (Giao hưởng Gia đình, 1902-1903) và Eine Alpensinfonie (1911-1915).

Cuối thế kỷ 19, Strauss bắt đầu quan tâm đến opera. Hai thử nghiệm đầu tay của ông, Guntram (1894) và Feuersnot (1901), không để lại ấn tượng gì và còn bị giới phê bình chỉ trích. Tuy thất bại, nhưng ông vẫn kiên trì với thể loại này, và vào năm 1905, ông đã thành công rực rỡ với Salome (nội dung dựa theo vở kịch của Oscar Wilde) như ông đã từng thành công với Don Juan. Nhưng khi tác phẩm biểu diễn ở Metropolitan Opera, New York thì lại không được thành công, khán giả đã tỏ ý phản đối câu chuyện trong vở opera và nhà hát buộc phải ngừng diễn chỉ sau lần biểu diễn đầu tiên đó. Nguyên nhân chính của sự phản đối ấy là hành vi “trái luân lý” trong vở kịch của Oscar Wilde và một phần nguyên nhân nữa là cách sử dụng kĩ thuật nghịch tai của Strauss, điều hiếm thấy ở nhà hát opera lúc đó. Dù bị thất bại ở Mỹ, nhưng vở opera lại rất thành công ở những nơi khác, nó đã hỗ trợ tài chính cho Strauss trong việc hoàn tất mái ấm của vợ chồng ông ở Garmisch-Partenkirchen. Trong Salome, Strauss đã sử dụng kỹ thuật nghịch tai, nhưng đến Elektra kỹ thuật ấy mới được ông tận dụng triệt để. Đây cũng là vở opera đầu tiên ông cộng tác với nhà thơ Hugo von Hofmannsthal. Hai người về sau còn nhiều lần hợp tác với nhau. Vào giai đoạn sau, Strauss đã giảm bớt tính nghịch tai trong tác phẩm mà thay vào đó là sự hài hòa du dương hơn. Thành công đầu tiên của sự chuyển hướng này là Der Rosenkavalier (Hiệp sĩ Hoa hồng, 1910), một vở opera mang tính hài hước đã thành công vang dội. Strauss tiếp tục sáng tác đều đều đến những năm 1940, gồm Ariadne auf Naxos (1912), Die Frau ohne Schatten (1918), Intermezzo (1923), Die ägyptische Helena (1927) và Arabella (1932), tất cả những vở opera này ông đều cộng tác với Hofmannsthal; Die schweigsame Frau (lời của Stefan Zweig, 1934); Friedenstag (1936) và Daphne (1937); Die Liebe der Danae (1940) và Capriccio (lời của Clemens Krauss, 1941).

Những tác phẩm solo và thính phòng thời kỳ đầu của Strauss, chủ yếu là cho piano với sự hài hòa trong kết cấu theo kiểu truyền thống mà cha ông đã dạy, hầu hết đã thất lạc, trong đó gồm một tứ tấu đàn dây (Op.2) ít khi được biểu diễn, Violin sonata in Eb major, Op. 18 nổi tiếng được ông sáng tác vào năm 1887, cũng như một vài tiểu phẩm về sau.

Tác phẩm cho nhạc cụ độc tấu với dàn nhạc cũng là thể loại đáng chú ý của Strauss với nhiều sáng tác có giá trị, trong đó phải kể đến 2 horn concerto, 1 violin concerto, 1 burleske (tác phẩm mang tính khôi hài) cho piano và dàn nhạc, 1 oboe concerto (lấy cảm hứng sau cuộc gặp mặt một quân nhân và cũng là nghệ sĩ chơi oboe người Mỹ sau chiến tranh, John DeLancie), đặc biệt là thơ giao hưởng Don Quixote viết cho cello, viola và dàn nhạc, và tác phẩm cuối cùng của ông, bản duet concertino cho bassoon và clarinet (1947). Strauss đã tự nhận định rằng tác phẩm cuối cùng đó khá đặc biệt, trong đó clarinet tượng trưng cho một nàng công chúa và bassoon tượng trưng cho con gấu, khi hai nhân vật khiêu vũ cùng nhau, con gấu hóa thân thành một chàng hoàng tử.

Có nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề về vai trò của Strauss thế nào khi đảng Quốc xã cầm quyền ở Đức. Một số cho rằng ông hoàn toàn thờ ơ với chính trị, trong khi số khác cho rằng ông phục vụ cho bộ máy cầm quyền của Hitler. Một vài nhạc sĩ tỏ ý không tán thành việc ông tiếp tục cầm đũa chỉ huy ở Đức khi Hitler lên nắm chính quyền, tiêu biểu là Arturo Toscanini với câu nói nổi tiếng: “Với Strauss, nhà soạn nhạc, tôi xin ngả mũ; với Strauss, con người, tôi đội nguyên mũ.” Tháng 11/1933, giới cầm quyền không hỏi qua ý kiến của Strauss, đã chính thức bổ nhiệm ông chức vụ điều hành Reichsmusikkammer (Viện Âm nhạc Quốc gia). Tuy bị chỉ trích bởi người trong giới âm nhạc, ông vẫn chấp nhận chức vụ mới ấy (thực chất trong hoàn cảnh ấy, ông không có nhiều chọn lựa), nhưng vẫn tỏ thái độ không quan tâm đến chính trị. Trong khi giữ chức vụ mới, Strauss là người sáng tác và chỉ huy bài hát chính Olympic trong lần Thế vận hội 1936 diễn ra tại quê hương ông. Mặt khác, ông cũng tỏ ra giao hảo với giới chức cấp cao của Quốc xã, nguyên nhân rõ ràng là việc ông muốn bảo vệ cô con riêng Alice, vốn là người Do Thái, khỏi bị khủng bố. Năm 1935, Strauss buộc phải từ bỏ chức vụ điều hành ở Reichsmusikkammer, vì ông quyết định vẫn giữ tên người bạn ông, nhà văn Stefan Zweig (người Do Thái), trong áp phích quảng cáo vở opera Die schweigsame Fraudo ông sáng tác và người viết lời chính là Zweig. Ông gửi một bức thư động viên cho Zweig, chỉ trích đảng Quốc xã, nhưng không may bức thư bị cơ quan mật vụ Đức (Gestapo) bắt được.

Năm 1938, Strauss trình làng vở opera 1 màn Friedenstag, kể về việc một pháo đài bị bao vây trong thời kỳ Chiến tranh 30 năm. Vở opera là một bài ca ca ngợi hòa bình tự do, vì thế nó bị bọn Quốc xã phê bình gay gắt. Đặt trong hoàn cảnh lúc bấy giờ Hitler đang ráo riết chuẩn bị cho chiến tranh, mà Strauss lại cho ra đời vở opera ấy quả là một việc làm gan dạ. Tác phẩm đề cao sự tự do, hòa bình và ánh sáng, trái ngược với tình hình lúc đó là sự nô dịch, chiến tranh và bóng tối, là tác phẩm mang tư tưởng giống với vở opera Fidelio của Beethoven nhất trong số những sáng tác opera của Strauss. Tác phẩm bị ngưng biểu diễn vào năm 1939 khi chiến tranh bùng nổ.

Khi Alice bị quân Đức bắt giữ ở Garmisch vào năm 1938, Strauss đành phải dùng mối giao hảo với những nhân vật cấp cao ở Berlin như thị trưởng thành phố Berlin Heinz Tietjen để giúp đỡ. Không những ông bảo vệ cho người thân mà còn dùng chức vụ của mình để cố gắng bảo vệ những người bạn và đồng nghiệp gốc Do Thái. Tuy nhiên vào thời điểm gay gắt này, ông cũng không làm được gì nhiều.

Năm 1942, Strauss cùng gia đình chuyển đến sống ở Vienna, nơi Alice và các con của bà được sự che chở của Baldur von Schirach, người của Gauleiter (một đảng phái ở Vienna do Quốc xã thành lập). Tuy nhiên không vì thế mà ông không gặp rắc rối. Vào đầu năm 1944 khi ông đang ở xa, bọn mật báo Đức Quốc xã bất ngờ bắt giam Alice và con trai của ông trong 2 đêm. Chỉ có sự can thiệp mang tính cá nhân ở chức vụ của Strauss mới có thể cứu được hai người và chuyển họ đến sống ở Garmisch trong tình trạng bị giam lỏng, cho đến khi kết thúc chiến tranh.

Năm 1945, khi cục diện chiến tranh đến hồi kết thúc với sự thất bại hoàn toàn của phe phát xít, Strauss sáng tác tác phẩm Metamorphosen, viết cho 23 nhạc cụ dây. Tác phẩm là sự than vãn về khung cảnh điêu tàn của nước Đức, quê hương ông, sau khi chấm dứt chiến tranh; đặc biệt là nhà hát opera yêu thích của ông bị sụp đổ do bom đạn.

Năm 1948, Strauss cho ra đời tác phẩm cuối cùng, Vier letzte Lieder (Bốn bài ca sau cùng), viết cho giọng soprano và dàn nhạc. So với xu thế sáng tác lúc đó, tác phẩm của ông có phần “lạc hậu”, nhưng từ khi ra đời cho đến nay, Vier letzte Liederluôn thu hút sự chú ý của người nghe lẫn người biểu diễn. Tác phẩm được ông viết cho Kirsten Flagstad, vì thế lần ra mắt đầu tiên được biểu diễn bởi chính Flagstad (cũng như được ghi âm lần đầu tiên) ở London vào ngày 22/05/1950 cùng với Philharmonia Orchestra do Wilhelm Furtwängler chỉ huy. Không như mong đợi, buổi diễn không mấy thành công. Tuy nhiên, Strauss không bao giờ được chính tai nghe tác phẩm của mình được biểu diễn, ông đã mất trước đó ở Garmisch-Partenkirchen vào ngày 08/09/1949, thọ 85 tuổi.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.