Tác giả Bùi Trọng Hiền đang tác nghiệp tại Tây Nguyên
Mùa mưa tháng 5 năm 2004, tôi được giao nhiệm vụ lên đường vào Trường Sơn- Tây Nguyên thu thập tư liệu về vùng văn hóa nghệ thuật cồng chiêng. Đây là một phần công việc của chương trình xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa truyền miệng và phi vật thể của nhân loại để trình UNESCO. Chuyến điền dã kéo dài tròn một tháng trời. Cả đoàn công tác di chuyển như con thoi đi về khắp 5 tỉnh trên cao nguyên Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum. Đây có lẽ là chuyến điền dã gian nan và vất vả nhất trong sự nghiệp nghiên cứu âm nhạc cổ truyền của tôi. Mùa mưa ở trên cao nguyên thật khủng khiếp. Bùn nhão đất đỏ ba gian trơn tuột. Nhiều đoạn ôtô không di chuyển được, cả đoàn công tác phải cuốc bộ hàng cây số. Hay có những nơi khi xe chúng tôi đi vào thì thời tiết nắng ráo, nhưng khi trở ra thì trời đổ mưa tầm tã. Con đường trở nên một thứ hồ dính đặc quánh, đành phải thuê xe tải buộc cáp mà lôi xe con trượt đi trong mưa. Thời tiết thay đổi liên tục, nắng to đan xen mưa dầm, ngày nóng rực lửa, đêm đến lại trở nên giá lạnh. Cứ thế, chạy đua với cái nắng, cái gió, cái biển mưa dầm dề mà tiếp cận với đồng bào các tộc người Mạ, Chu Ru, Cơ Ho, Gia Rai, Bah Nar, M'nông, Êđê, Xê Đăng... để học hỏi, sưu tầm, góp nhặt, thu thập mọi thứ có thể về nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên.
Kết thúc chuyến điền dã là bắt đầu ngay một hành trình khám phá, giải mã liên tục trong 5 tháng trời trên cơ sở các dữ liệu thu thập được. Cốt sao để chứng minh được rằng cồng chiêng Tây Nguyên phong phú, đa dạng và độc đáo như thế nào. Đây là một nhiệm vụ nặng nề mà tôi được giao phó, nhằm góp phần minh xác giá trị của nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên trong tập hồ sơ trình UNESCO. Chỉ thế thôi! Hàng loạt câu hỏi được đặt ra trong tôi- một người mà có lẽ ngoài những điều ít ỏi đọc được qua sách vở thì những hiểu biết khác về cồng chiêng Tây Nguyên mới chỉ là lần đầu, lơ ngơ và lỗ mỗ...
Bên cạnh đó, số phận cũng đưa đẩy tôi vào một hoàn cảnh khá trớ trêu. Một bên phải hoàn thành gấp rút công trình nghiên cứu mới toanh này, một bên thì cậu con trai đầu lòng cất tiếng chào đời ngay khi tôi vừa từ Tây Nguyên trở ra Hà Nội. Một cuộc chạy đua thật không mấy cân sức. Sau 5 tháng trời nghiên cứu bất kể ngày đêm, ăn- cồng chiêng, ngủ- cồng chiêng và thức dậy cùng chiêng cồng, khi bản thảo đầu tiên công bố, tôi bị sút đúng 9 cân (70kg-61kg). Công trình thân thương này đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy!
Đến giờ nhìn lại, thực lòng tôi vẫn không tưởng tượng nổi lúc đó mình đã vượt qua mọi khó khăn lao khổ như thế nào. Đặc biệt là nỗi cực nhọc của các tác nghiệp nghiên cứu như quy trình đọc hệ thống tư liệu vang, đo đạc thang âm các dàn cồng chiêng với số lượng tổng cộng gần 100 chiếc, ký âm tổng phổ các bài cồng chiêng... dưới cái nóng như thiêu của mùa hạ 2004.
Năm 2005, được sự tài trợ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, tôi tiếp tục mở rộng công trình nghiên cứu của mình. Từ đó đến nay, công trình đã được bổ sung và chỉnh sửa nhiều lần so với trước, lần điền dã gần đây nhất là đợt trở lại Kon Tum và Gia Lai vào cuối năm 2019. Công trình cũng đã được công bố từng phần rải rác trên Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Thông báo khoa học và Tạp chí Âm nhạc của Viện Âm nhạc cũng như trong một số hội thảo khoa học về cồng chiêng Tây Nguyên. Vẫn biết trong nghiên cứu không bao giờ có tiếng nói cuối cùng, bên cạnh đó, hệ thống tư liệu điền dã của tôi chắc hẳn là còn bé nhỏ so với một kho tàng nghệ thuật khổng lồ như cồng chiêng Tây Nguyên. Xin được công bố những gì tôi hiện có trong “Tiếng vọng đại ngàn” như một dấu mốc trên cả chặng đường còn dài phía trước.
So với những người đi trước, tôi không được may mắn bằng họ ở điều kiện nghiên cứu nằm vùng hàng tháng, thậm chí hàng năm trời trên Trường Sơn- Tây Nguyên. Nhưng có lẽ điều thuận lợi mà tôi có được lại chính là đợt khảo sát trên một diện rộng kéo dài suốt Nam - Bắc, Bắc - Nam Tây Nguyên trong một thời gian liên tục và cấp tập. Chính đó là điều kiện vô cùng thuận lợi cho người nghiên cứu có được cái nhìn đối sánh tức thời và tương đối toàn diện. Thành thử tạo đà cảm hứng cho hướng mày mò, xoáy sâu trọng tâm vào việc giải mã sự phong phú, đa dạng và độc đáo của cồng chiêng Tây Nguyên trên phương diện nghệ thuật. Từ đó thử nêu ra một vài quy luật nội tại trong âm nhạc cồng chiêng.
Mặt khác, cũng xin giãi bày thêm rằng sở dĩ tôi có được sự tập trung cao độ trong nghiên cứu bởi thiết nghĩ, chắc hẳn mình sẽ khó có nhiều cơ hội để trở lại với mảng đề tài này. Dãy Trường Sơn là một miền đất không dễ đến nếu không có những chương trình đầu tư nghiên cứu lớn. Hy vọng những đóng góp của công trình sẽ khai quang một số vấn đề nghệ thuật cơ bản, giúp ích cho việc nghiên cứu kế tiếp sau này.
Hệ thống tư liệu vang mà công trình lấy làm căn cứ bao gồm:
+Hơn 10 giờ băng tiếng thu thanh trong đợt điền dã tháng 5/2004. Băng tiếng loại cassette MAXELL UDII-POSITION IEC TYPE II/HIGH, được thu bởi máy ghi âm SONY TCD5 PRO-II và 2 microphone TECHNICA PRO-100.
+Khoảng 3 giờ băng tiếng thu thanh đợt biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên tại Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội tháng 10/2004. Băng tiếng loại DAT, được thu bởi máy Sony PCM-M1 DAT Recorder, microphone loại Sony ECMMS957 Stereo Microphone.
+Khoảng 1,5 giờ băng tiếng thu thanh trong đợt điền dã tháng 1/2006. Băng tiếng loại cassette MAXELL UDII-POSITION IEC TYPE II/HIGH, được thu bằng máy ghi âm SONY TCD5 PRO-II và 2 microphone TECHNICA PRO-100.
+Gần 3 giờ băng tiếng thu thanh trong đợt điễn dã tháng 11- 12/2007. Băng tiếng loại cassette MAXELL UDII-POSITION IEC TYPE II/HIGH, được thu bởi máy ghi âm SONY WALKMAN PROFESSIONAL với stereo microphone AUDIO- TECHNICA AT822.
+Băng âm thanh Liên hoan âm nhạc châu Á Thái Bình Dương tại Tp Hồ Chí Minh năm 1990.
+CD “Viet Nam Musiques des montagnards - Collection du centre national de la recherche scientifique et du musee de L'homme - Muséum National d'Histoire Naturelle” do Pháp sản xuất.
+CD “Music from Vietnam 5, minorities from the central highland and coast” do Thụy Điển sản xuất.
Không kể lời nói đầu, kết luận và phần phụ lục, kết cấu cuốn sách gồm 3 phần:
-Phần 1: Cấu tạo, phương pháp kích âm và biên chế các dàn cồng chiêng
-Phần 2: Thang âm
-Phần 3: Bài bản và nghệ thuật diễn tấu
Trong công trình này, chúng tôi phân cồng chiêng Tây Nguyên thành hai vùng địa văn hóa nghệ thuật Bắc và Nam. Tiêu chí phân loại căn cứ một phần trên cơ sở địa lý hành chính kết hợp với những đặc điểm nghệ thuật chung nhất của nghệ thuật cồng chiêng các cộng đồng tộc người.
+Vùng Bắc Tây Nguyên bao gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và một phần Đắk Lắk. Các nhóm tộc người được nghiên cứu gồm Bah Nar Kon Kơ Đeh, Gia Rai Aráp, Xê Đăng Xteng, Êđê K’pah, Êđê Bih và Brâu.
+Vùng Nam Tây Nguyên bao gồm các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và một phần tỉnh Đắk Lắk. Các nhóm tộc người được nghiên cứu gồm Chu Ru, Cơ Ho, Mạ, M'nông Noong, M'nông P'râng và M'nông Gar.
Ở đây, chúng tôi coi Đắk Lắk như một vùng đệm -giao thoa giữa 2 vùng Bắc và Nam Tây Nguyên. Trong địa bàn này, sẽ thấy nghệ thuật cồng chiêng các nhóm tộc người Êđê K’pah, Êđê Bih thuộc về vùng Bắc Tây Nguyên nhưng tộc người M'nông Gar lại được xếp vào phong cách nghệ thuật vùng Nam Tây Nguyên. Mặt khác, vẫn biết rằng Tây Nguyên là một vùng văn hóa rộng lớn, không chỉ giới hạn trong địa giới hành chính của 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Song do nguồn tư liệu có hạn, chúng tôi không thể nắm bắt được nghệ thuật cồng chiêng của toàn bộ các tộc người. Bởi vậy, xin hãy coi hệ thống các giá trị được trình bày ở công trình này chỉ là những gì mang tính đại diện, cơ bản nhất của nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên mà không phải là toàn bộ những gì Tây Nguyên có.
Nhân đây, tôi xin gửi lời tri ân với PGS.TS Vũ Nhật Thăng và GS.TSKH Tô Ngọc Thanh- 2 người thầy đã trực tiếp dìu dắt, hướng tôi vào cái nghiệp lang thang, tìm về với tinh hoa cổ nhạc của tổ tiên từ ngàn xưa để lại. Chính 2 ông cũng là những đồng nghiệp lớn, đã chia sẻ với tôi những điều trăn trở và biết bao nỗi nhọc nhằn khi tiến hành công trình. Tôi xin có lời cảm tạ sâu sắc tới GS.TS Trần Văn Khê, người đã trực tiếp phản biện cho công trình. Ông đã động viên, khích lệ rất nhiều để tôi có thêm niềm tin trên con đường dài phía trước. Xin cảm ơn các đồng nghiệp ở Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đặc biệt những đồng nghiệp ở các sở Văn hóa 5 tỉnh Tây Nguyên, đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình thu thập tư liệu điền dã để tôi tiếp tục tiến hành công trình này!
Cuối cùng, xin dành tặng cuốn sách này cho đồng bào Tây Nguyên, những người con của dãy Trường Sơn, đã chuyển giao cho tôi kho tàng kiến thức vô giá cùng với những thanh âm huyền diệu, như tiếng vọng trên đại ngàn hùng vĩ. Và, cuốn sách này coi như lời xin lỗi cậu con trai đầu lòng bé bỏng! Tôi đã không thể săn sóc cháu lúc mới chào đời bởi toàn bộ tâm lực đã giành hết cho cồng chiêng Tây Nguyên./.
Hà Nội, mùa Hạ năm 2020
ĐĂNG BÌNH LUẬN