You are here

Sự bộc trực đến cực đoan của Nguyễn Đức Toàn

Tác giả: 
Nguyễn Đình San

Nói đến Nguyễn Đức Toàn, công chúng yêu âm nhạc, đặc biệt là bộ đội đều rất quen biết bởi tên ông gắn với nhiều bài hát nổi tiếng: “Quê em”, “Bài hát Ngô Mây”, “Noi gương Lý Tự Trọng”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Chiều trên bến cảng”, “Tình em biển cả”, “Bài ca người lái xe”, “Đào công sự”, “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương”…

Ông chẳng những nổi tiếng là một nhạc sỹ tài hoa, một hoạ sỹ bán được nhiều tranh mà còn được biết là một người rất thẳng thắn, cương trực, bộc lộ tính cách một cách mạnh mẽ có phần cực đoan. Ai mới gặp ông, ở những phút đầu dễ nghĩ ông lạnh lùng, khinh khỉnh, khó gần, nhưng nếu chơi lâu, trở nên thân quen sẽ thấy ông rất chân tình, đôn hậu, cởi mở. Hiểu nhau rồi, ông chuyện trò rất rôm rả khiến đối tượng khó rút chân ra được.

Cố nhạc sỹ, họa sỹ Nguyễn Đức Toàn.

Tôi coi Nguyễn Đức Toàn như người thầy trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc, người anh, người bạn lớn. Tuy hơn tôi đến 17 tuổi nhưng ông xưng hô một cách rất thân mật là “ông, tôi” tuy tôi luôn “anh, em”. Có thể do tôi cũng chân tình, thẳng thắn, sẵn sàng bộc lộ rõ quan điểm và gu thẩm mỹ tương đồng mà ông coi tôi như một người bạn vong niên, đã sẵn sàng tâm sự nhiều điều về cuộc sống và nghệ thuật, không dè dặt.

Ông có tính cách mạnh mẽ, rất “đàn ông” với việc bộc lộ ý nghĩ một cách thẳng thắn, không né tránh, không tìm cách nói khéo để khỏi mất lòng người khác. Nhiều người dễ bị sốc khi nghe ông nói chuyện bởi ông sẵn sàng phản ứng có phần thái quá mỗi khi họ nói những điều ông cho là sai, khó chấp nhận. Nhiều bài hát của Nguyễn Đức Toàn được ra đời từ những kỷ niệm, những nguyên cớ và hoàn cảnh khá thú vị.

Ví như “Hà Nội – một trái tim hồng” nếu không có một lần ông bị CSGT tuýt còi do đi vào đường ngược chiều thì có lẽ bài hát đã không được hoàn thành nhanh như thế. Số là sắp đến dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Thủ đô (1994), Nguyễn Đức Toàn được mời sáng tác về Hà Nội. Ông đang loay hoay tìm ý tứ mới vì khi đó đã có nhiều bài hát hay về Thủ đô.

Người sáng tác mà đang trăn trở tìm tòi thì dễ đãng trí, xao nhãng mọi việc khác. Thế là ông đi vào đường ngược chiều mà không biết. Bị CSGT tuýt còi, ông thành tâm xin lỗi và nói lý do vô ý của mình. Gặp đúng chàng CSGT trẻ yêu âm nhạc, đặc biệt là rất thích bài “Chiều trên bến cảng” của ông, anh ta đã “tha”, còn chúc ông sáng tác bài về Hà Nội thành công.

Anh còn lấy làm hân hạnh được quen biết Nguyễn Đức Toàn và xin ông số điện thoại. Thế là sau đó ít ngày, anh gọi điện hỏi thăm ông đã sáng tác xong bài về Hà Nội chưa. Sau kỷ niệm rất đáng nhớ này, Nguyễn Đức Toàn đã có thêm cảm hứng để cho ra bài hát khá nhanh. Ông đã mời người CSGT trẻ đến nhà hát cho nghe. Và đó là công chúng đầu tiên được thưởng thức bài hát nổi tiếng này, tất nhiên là qua giọng hát thô mộc của tác giả. Hôm đó, tôi đang ngồi chơi ở nhà ông, chứng kiến câu chuyện giữa ông và người chiến sỹ Công an trẻ kia. Anh ta nói với Nguyễn Đức Toàn:

- Nhạc sỹ có nhiều bài hát hay vậy mà không thấy sáng tác bài nào về Công an chúng em?

Tôi giật mình khi ông trả lời:

- Thú thật, trước khi gặp rồi tiếp xúc với cậu, mình không có cảm tình với các cậu nên không thể sáng tác. Hy vọng từ cậu mà mình thay đổi được định kiến sai lầm và có thể viết được.

Tôi chỉ sợ ông nói tiếp lý do vì sao ông như vậy nên chen ngang gần như cướp lời ông;

- Bây giờ chắc anh đã hiểu về các đồng chí ấy. Chắc chắn ngày một ngày hai sẽ có bài hát hay về Công an thôi.

Tranh của Nguyễn Đức Toàn.

Sau khi chàng CSGT trẻ ra về, tôi nói với ông:

- Anh thẳng thắn quá, lại còn có ý nghĩ chưa chuẩn nữa. Ngành, nghề, địa phương nào cũng có người hay, kẻ dở. Chẳng nên định kiến nghề nghiệp như vậy.

- Tôi phải cái đã định kiến điều gì thì rất khó xoá.

- Nếu không được cậu ấy “tha”, chắc anh còn chưa hết định kiến về họ. Thế là cũng dở đấy. Vì anh ta đã vượt qua nguyên tắc, vượt qua luật mà tha cho anh. Thế là mọi người không bình đẳng trước pháp luật rồi.

- Thôi. Đếch lý sự với ông nữa. Tôi chịu thua!

Nguyễn Đức Toàn là nhạc sỹ “độc chiếm” sự thành công riêng trong mảng ca khúc viết về những liệt sỹ, anh hùng đã ngã xuống cho sự trường tồn của Tổ quốc. Ông đã “khóc” rất hay, rất sâu sắc về các liệt sỹ. Có lần tôi hỏi vì sao ông chỉ viết về những người đã nằm xuống mà không viết về những người còn sống.

Ông thẳng thắn trả lời: Rất đơn giản vì những người đã khuất thì hành vi anh hùng của họ đã được khẳng định. Họ không còn nhưng công trạng, tác dụng của họ vẫn còn mãi. Họ vẫn sống mãi trong trái tim hậu thế. Còn những người đang sống thì không thể biết thế nào. Có thể hôm nay họ là anh hùng nhưng ngày mai họ không còn giữ được phẩm giá tốt đẹp mà thoái hóa, biến chất. Chẳng đã có người như vậy đó sao?

Nguyễn Đức Toàn khó giấu được những vui buồn, nhất là những lúc không hài lòng, vừa ý điều gì. Kỳ đại hội Nhạc sỹ toàn quốc nào ông cũng phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến sắc sảo, chí lý nhưng dễ khiến những người có trách nhiệm mất lòng.

Ví như có lần sau khi phê phán nhiều khiếm khuyết, hạn chế của những người có trách nhiệm điều hành hoạt động của Hội, ông nói cứ tình trạng như hiện tại thì nên giải tán các hội văn học nghệ thuật, ít nhất là Hội Nhạc sỹ vì không có hiệu quả, vô bổ, chỉ gây mất đoàn kết và tốn kém tiền ngân sách của Nhà nước.

Mọi người vỗ tay rào rào, tán thưởng. Không ai nghĩ ông nói vậy vì bất mãn, cay cú điều gì mà chỉ thấy ông quá thẳng thắn, đã nói cái điều mà nhiều người nghĩ nhưng không phải ai cũng dám công khai nói ra. Nói điều trên xong, ông nói tiếp là sẵn sàng chờ đợi việc bị khai trừ ra khỏi Hội. Tuy nhiên, ngay cả những người bị “chạm nọc” cũng cười một cách rất vui vẻ.

Nếu là người khác phát ngôn thì dễ bị coi là do cay cú, bất mãn nhưng với Nguyến Đức Toàn thì không, bởi ông là người có sự nghiệp thành đạt vẻ vang với sự nổi tiếng và những phần thưởng cao quý rất xứng đáng: Được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2000, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba.

Nguyễn Đức Toàn hay được giới báo chí tìm, muốn phỏng vấn. Tôi từng chứng kiến một nữ phóng viên đến nhà hỏi ông: “Bác có những bài hát nào đáng kể, được nhiều người ưa thích?”. Ông bực mình mời thẳng cô ta ra về: “Cô không biết một bài nào của tôi thì đến phỏng vấn tôi làm gì? Một nhạc sỹ mà không có bài nào để nhà báo họ biết thì có cớ gì để lên báo? Thôi, xin lỗi cô. Hôm nay tôi mệt, có lẽ không tiếp chuyện cô được”. Tất nhiên cô nhà báo phải tiu nghỉu rút lui.

Một trong những điều ông ghét nhất là sự vô ơn, bạc nghĩa, ăn ở không có tình. Ông kể có ca sỹ nọ khi cần bài hát của ông để tham dự một Liên hoan ca hát lớn ở quốc tế thì đến săn đón, năn nỉ xin bài. Đến khi may mắn đoạt được giải thưởng lớn thì về nước đã lặn mất tăm, không hề trở lại báo tin vui với ông và có lời cảm ơn.

Nguyễn Đức Toàn là nhạc sỹ thì ai cũng biết bởi những bài hát nổi tiếng. Nhưng ít người biết ông còn là họa sỹ với tấm bằng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Đông Dương danh giá trước đây (Những họa sỹ lớn nhất của nền hội họa Việt Nam đều từng học ở trường này ra).

Ông nói cả âm nhạc và hội họa đều đam mê. Nhưng để có kinh tế thì ông phải trông vào hội họa vì mỗi bức vẽ bán được hàng chục triệu đồng, còn ca khúc thì chỉ thu được hiệu quả tinh thần vì có nhiều bài nổi tiếng mà ông chẳng thu được một xu nào.

Ngày 7/10/2016, Nguyễn Đức Toàn qua đời, để lại một khoảng trống lớn trong làng nhạc Việt Nam và sự hụt hẫng không dễ bù đắp trong lòng công chúng hâm mộ.

(Nguồn: https://vnca.cand.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.