You are here

Sức mạnh kỳ diệu của 'Niềm hy vọng"

Tác giả: 
Phan Việt Hùng

1. Ảnh trên được chụp tháng 12/1987 tại Công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Trong ảnh, bên cạnh NSND Liên Xô Iosif Kobzon lừng danh là một người phụ nữ vóc dáng nhỏ nhắn với nụ cười rạng rỡ tươi tắn.

Bà chính là Nghệ sĩ Nhân dân Liên xô Aleksandra Pakhmutova, Anh hùng lao động XHCN, hai lần nhận Giải thưởng Nhà nước Liên xô. Năm đó, bà 58 tuổi. Bà sang Việt Nam để tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ cho tuổi trẻ 2 nước Liên Xô, Việt Nam trên công trường thanh niên cộng sản Hòa Bình.

Ngày 9/11 Aleksandra Pakhmutova, tượng đài của âm nhạc Xô viết, tròn 92 tuổi. Xin chúc bà sức khỏe, trường thọ bên cạnh người chồng yêu quý của bà.

Người Việt Nam yêu nhạc Nga biết đến bà nhiều qua các ca khúc Thời thanh niên sôi nổi, Tạm biệt Moskva (bài hát bế mạc Olympic 80), Em không thể khác được, Cánh chim hạnh phúc, Hy vọng, Chúng ta đã từng trẻ trung sao... Các bài hát trên đều được nhạc sĩ phổ thơ của chồng mình, nhà thơ N.Dobronravov.

Niềm hy vọng (Надежда) - năm 2021 vừa tròn 50 năm đến với khán thính giả. Bài hát này Pakhmutova sáng tác năm 1971, được nữ ca sĩ Edita Piekha hát lần đầu, nhưng Anna German mới là người thể hiện bài hát này hay nhất, thành công nhất.

Trong lời bài hát, ngôi sao xa lạ lấp lánh trên cao, như chứng kiến cuộc chia tay của anh và em, người ở lại Moskva, người lên đường đi khai phá những vùng đất mới của Tổ quốc. Đó là nơi có những buổi bình minh âm u lạnh lẽo, sương mù và mưa... Niềm hy vọng chính là kim chỉ nam trong cuộc đời và Thành công là phần thưởng cho những ai có lòng quả cảm... Bài hát ngay lập tức nổi tiếng, như một lời hiệu triệu tuổi trẻ Xô viết đến với các công trình thanh niên cộng sản như tuyến đường sắt Baikal-Amur... Nhiều năm sau, chúng ta cũng đã có những bài hát mang âm hưởng như thế, thúc giục tuổi trẻ đi xây dựng vùng kinh tế mới khi đất nước vừa hoàn toàn thống nhất: "Anh tạm biệt miền quê ta đó, tới vùng đất đồi bạt ngàn xa xôi...".

Những bài hát của một thời đã xa, như tiếng vọng lại của một thế hệ khát khao cống hiến hết mình cho Tổ quốc thân yêu. Đến nay, dù Liên Xô đã 30 năm không còn nữa, nhưng người Nga vẫn hát Niềm hy vọng. Ngày 4/11 vừa qua, nhân ngày Thống nhất dân tộc, các tổ lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, công sở của nước Nga đã cùng nhau hát vang bài hát này. Sau nửa thế kỷ, bài hát vẫn có sức sống thật mãnh liệt.

2. Không chỉ vậy, rất ít người được biết bài hát Niềm hy vọng còn có một sức mạnh vô song, có thể cứu thoát một con người khỏi ngục tù.

Năm 1973, sau khi tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền của tổng thống Sanvador Allende ở Chi-lê, độc tài Pinochet lên nắm quyền và bắt đầu truy lùng các chiến hữu thân cận của Allende.

Thứ trưởng Bộ nội vụ Toro Vega đem bốn đứa con chạy sang tỵ nạn ở Liên Xô. Cậu út Alvaro và các anh chị được đi học cùng với các bạn bè Liên Xô ở thủ đô Moskva. Cậu tham gia sinh hoạt trong một tổ đội viên có tên "Niềm hy vọng", chính là tên của bài hát nổi tiếng của nữ nhạc sĩ Aleksandra Pakhmutova và cũng được coi là bài hát chính thức của nhóm. Alvaro cũng đã được đi nghỉ ở trại hè Artek cùng các bạn trong nhóm.

Một thời gian sau, Alvaro quyết định quay trở lại Chile, bởi theo luật khi đó, nếu trước 18 tuổi mà vắng mặt ở Chile thì sẽ bị tước quốc tịch. Về nước, khi đã là sinh viên, Alvaro tích cực tham gia các hoạt động chống lại chính quyền Pinochet. Tại một cuộc biểu tình ở Santiago, Alvaro và bạn thân là Oracio Lire bị bắt và tống giam.

Mẹ của Alvaro (khi đó sống lưu vong ở Algierie) khi biết tin dữ đã viết một bức thư cho thầy giáo Ephim Steyberg, phụ trách nhóm "Niềm hy vọng" ngày nào mà con bà từng là thành viên. Thầy Ephim chạy đi gõ cửa các nơi, yêu cầu có cách gì đó can thiệp với chính quyền Pinochet để phóng thích Alvaro. Nhưng các cánh cửa đều đóng im ỉm.

Khi hay tin, báo "Sự thật thiếu niên" (Пионерская правда) liền nhập cuộc. Ban biên tập đã cho in lên báo lời kêu gọi bạn đọc nhỏ tuổi cả nước cắt tấm áp phích in trên báo để gửi về Tòa soạn.

Bức ảnh cùng câu chuyện về Alvaro đã làm lay động hàng triệu trái tim đội viên Liên Xô. Kết quả, Tòa soạn đã nhận được... 40 triệu bức thư phản hồi, gửi kèm tấm áp phích kêu gọi trả tự do cho Alvaro và người bạn Orasio Lire.

40 triệu bức thư này sau đó không hiểu bằng cách nào đã được Liên Xô gửi đến văn phòng của tổng thống độc tài Pinochet. Nếu biết rằng dân số Chile khi đó chỉ khoảng 11 triệu người, thì con số 40 triệu nó ấn tượng đến nhường nào. Nó gây một sức ép khủng khiếp, khiến Pinochet sau đó phải trả tự do cho Alvaro Toro Vega và Oracio Lire.

Đó là chiến dịch của thiếu nhi Liên Xô mang tên AMIGO.

Sau này, Alvaro trở thành luật sư và có dịp sang thăm lại Moskva.

Alvaro chụp ảnh tại Quảng trường Đỏ, nơi ông đã từng có một thời hoạt động sôi nổi cùng các bạn nhỏ Xô viết trong nhóm "Niềm hy vọng".

 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.