You are here

Tản mạn về RAP… Việt

Tác giả: 
Nguyễn Thị Mỹ Liêm [1]

Rap được “du nhập” vào Việt Nam từ thập niên 1990. Trong giới âm nhạc chuyên nghiệp, đến nay, Rap vẫn chưa hoàn toàn được chấp nhận và cũng gần như chưa được công nhận là một nghệ thuật trình diễn. Tuy vậy, Rap vẫn có một số lượng người lựa chọn thưởng thức, làm theo, là “thú chơi” và thậm chí, chọn làm nghề! Một số khác, còn cho Rap là “nghệ thuật dân gian đương đại”, “nghệ thuật trình diễn”. Vậy, Rap có phải là nghệ thuật dân gian đương đại không? Nếu là nghệ thuật trình diễn, Rap mang thông điệp gì cho đời sống xã hội hiện nay?

1. Rap… có đặc điểm của âm nhạc dân gian?

Được sinh ra từ những thập niên 70, 80 thế kỷ XX ở Mỹ, Rap ở giai đoạn này thường do các “hoạt náo viên” trong các buổi tiệc, các buổi diễn sử dụng để thu hút khán giả[2]. Họ chính là các MC[3] - người dẫn chương trình trong các buổi trình diễn, các buổi lễ… Trong ngành công nghiệp giải trí, họ là người điều khiển các game show trên truyền hình, chương trình âm nhạc, sự kiện lễ hội, các cuộc hội họp, hội thảo… và Rap là cách họ thu hút sự tập trung của mọi người. Từ những năm 80, thuật ngữ “rap music” bắt đầu được sử dụng ở Mỹ và bài hát Rapper’s Delight do The Sugarhill Gang thể hiện được phát hành năm 1979 được xem như hiện tượng âm nhạc, đưa Rap đến với mọi người với tư cách là một thể loại âm nhạc.

Sau này, Rap trở thành một lối trình diễn: kể về một câu chuyện, nêu một ý nghĩ nào đó bằng một bài văn có vần với sự trình diễn bằng cách nói nhanh, thu hút, kèm ngôn ngữ hình thể, nhảy múa… và thường gắn với trào lưu văn hóa hip hop. Có thể hình dung: Rap là nói nhanh, nói có nhịp điệu một bài văn vần trên nền âm thanh của một “nhạc beat”[4]. Bằng cách thể hiện một mình hoặc kết hợp cùng nhau Rap có nhiều mục đích khác nhau, nhưng rõ nhất và đúng tính chất của Rap là lối chơi đối kháng (như một trận chiến - Rap battle), tranh tài giữa những người hát Rap (rapper), giữa các nhóm Rap...

Có thể hiểu Rap như một trò chơi chữ nghĩa:

- Rapper sử dụng từ ngữ để đặt ra hoặc ứng tác một bài nói - ca từ (skill lyric)[5] sao cho thật thú vị về đề tài, nội dung (đa dạng, gần như tất cả các đề tài nào cũng có thể sử dụng làm bài Rap); các câu kết nối nhau bằng nhiều lối gieo vần; sử dụng nhiều lối nói ẩn dụ, so sánh, hoán dụ; nhiều hình ảnh, sinh động, tạo ấn tượng hoặc sự tưởng tượng của người nghe… Điểm quan trọng là bài nói phải có tính liên kết về nội dung và hình thức của lối nói vần vè. Nhiều người còn cho: “Rap, về bản chất là thơ”[6]. Cách làm này khiến chúng ta dễ liên tưởng đến việc đặt một bài vè, đồng dao hoặc lối hát nói đối đáp nam nữ trong dân ca các dân tộc Việt Nam. Ngày trước, trai gái cũng đối đáp chọc ghẹo nhau trong hát Ví, hát Đúm, hát Trống quân… ở miền Bắc hay lối hò huê tình ở miền Nam, người ta cũng “hát chiến” với nhau:

Một chàng trai hát Ví trêu ghẹo cô gái gánh rau gặp trên đường:

Gánh nặng mà đi đường dài

Để anh gánh đỡ một vai nên chồng

Cô gái đáp trả không nhân nhượng:

Gánh thì chị trả tiền công

Mặt kia chẳng đáng làm chồng chị đâu

Có bạo mồm, bạo miệng lắm thì như một anh trai quê miền Nam:

Ước gì anh làm con kiến càng…

Bò quanh quai nón… hun (hôn) nàng cái chơi!

Để rồi bị cô gái “trả đũa”:

Ước gì em làm con kiến hôi

Bò quanh quai nón… “đái” trôi con kiến càng.

Nghe kiểu đối đáp vậy cũng đã bị xem là quá thô, quá tục rồi. Thế mà, nếu chúng ta lắng nghe lối đối đáp của Rap, thì kiểu bạo mồm xưa cũng vẫn văn hoa lắm, bởi Rap hết sức tục tằn: “Anh đếch cần gì ngoài em” (tác giả Đen Vâu, Thành Đồng, Vũ) hoặc chèn vào câu Rap là những từ chửi có liên quan đến… bộ phận sinh dục, xuất hiện thường xuyên trong hầu hết các bài Rap chiến! Điểm khác biệt lớn nhất giữa Rap và các thể loại âm nhạc dân gian Việt Nam có thể thấy chính là từ ngữ. Từ ngữ sử dụng trong Rap rất thông tục, đôi khi thô tục (càng thô tục càng… hay?) và có tiếng lóng (ngôn ngữ riêng của cộng đồng Rap), thậm chí có cả tiếng chửi, từ tục tĩu. Ngôn từ thô tục trên Rap chiến nhằm mục đích hạ bệ đối phương nên càng nặng nề, tiêu cực. Ngược lại, các thể loại dân ca nói chung đều có lời văn hoa, duyên dáng, trau chuốt, tôn trọng nhau, dù trong những bài hát đối đáp, chọc ghẹo trong giao duyên.

Trong Rap chiến, đề tài được đưa ra trước để thách đấu, các rapper chuẩn bị và thi diễn với nhau. Rap cũng có lối thi thố kiểu “ứng khẩu” (freestyle battle), là đối đáp vần vè được các rapper ứng khẩu tại chỗ. Điều này cũng là đặc điểm ứng tác, ứng khẩu của các thể loại dân ca Việt Nam ngày xưa.

- Một bài Rap “trình diễn” chỉnh chu đều yêu cầu được thể hiện với nhạc nền. Việc chọn nhạc nền cũng quan trọng, thể hiện đẳng cấp của rapper. Nhạc nền có thể là nhạc beat hoặc một bản ghi âm tác phẩm âm nhạc nào đó với yêu cầu kết hợp, chặt chẽ với lời. “Nhạc beat” hoặc “nhạc Rap” thường ít có giai điệu mà chỉ là tiết điệu, được thu âm sẵn và phát thanh với cường độ lớn, nhịp độ nhanh, đôi khi sử dụng lối hòa trộn âm thanh, nhạc điện tử.

Rapper nói nhanh (thậm chí rất nhanh), không cần đúng thanh điệu tiếng Việt (không dấu thanh), không phải là nhịp điệu của câu văn vần nhưng phải “ăn nhịp” với nhạc, tránh trật nhịp, không “ăn” với nhịp điệu của bài nhạc (offbeat). Sự kết hợp với âm nhạc phải chặt chẽ, hợp lý; âm nhạc cần làm nổi bật phần lời được trình bày bằng giọng đọc rõ, kịch tính, thu hút người nghe. Đó là những điểm cộng trong đánh giá của giới rapper.

- Trình diễn Rap cần sự biểu cảm để thu hút, rapper có thể kết hợp với ngôn ngữ hình thể, động tác, cách di chuyển, đôi khi cả nhảy múa, sử dụng đạo cụ và trang phục. Tất cả những yếu tố này đều tự do, không có quy chuẩn. Phần lớn rapper chọn những trang phục cá tính, khác lạ, đặc biệt là trang phục của trào lưu văn hóa Hip hop, chọn lựa những động tác của lối nhảy Breakdance, của động tác kịch câm v.v... Đó là sự khác biệt cơ bản của Rap so với các thể loại dân ca Việt Nam. Dân ca thường được sinh ra trong các hoạt động đời sống nên được thể hiện cùng với những động tác của hoạt động đời sống: ru, hò lao động, điệu hát trong thờ cúng… Đó là tính nguyên hợp của âm nhạc dân gian.

Tuy có những điểm tương đồng, nhưng Rap khó có tính dân gian bởi phần lời, phần cốt lõi của Rap, luôn được “giữ bản quyền”. Rap không phải là sáng tạo của dân gian và cũng không có tính nguyên hợp của một sáng tác dân gian, mặc dù đôi khi cũng có ứng khẩu trong Rap chiến. Một điểm khác biệt sâu sắc của Rap so với thể loại âm nhạc dân gian Việt Nam chính là loại từ ngữ được sử dụng, về văn hóa trong sử dụng từ ngữ. Hơn nữa, âm nhạc - phần nhạc (nền) của Rap là sản phẩm âm nhạc có trước và cũng có tác giả. Công của người trình diễn là kết hợp giữa lời (có tác giả) với phần nhạc (có tác giả) để thể hiện như một cách tự giới thiệu mình, đưa ý tưởng riêng hoặc trong các “rap battle” để thể hiện sự khôn khéo đối đáp, đọc - diễn thu hút, nhanh nhạy trong cuộc “khẩu chiến” trên nền nhạc… Vậy nên, đừng vội vàng gọi Rap là “âm nhạc dân gian”.

2. “Chất đương đại” trong Rap

Cho đến nay, ở Việt Nam, Rap là thể loại được giới trẻ hưởng ứng. Những người chơi Rap hình thành một cộng đồng, ở đó, các thành viên, “rapper” luôn muốn thể hiện mình. Họ luôn tạo nên phong cách riêng thể hiện sự tự do, phóng túng; thích thể hiện những khác biệt như nhuộm tóc, có hình xăm trên người, mặt quần áo khác lạ (rộng thùng thình, rách,…), đội nón ngược, đeo phụ kiện (xích, vòng cổ, vòng tay…); cách nói và sử dụng từ ngữ khác lạ (tiếng lóng) v.v… Mỗi thành viên đều cố tạo những nội dung riêng (không giống ai), tìm phần nhạc đệm thật thích hợp, luyện cách trình bày và tự thu hình ghi âm, đưa lên mạng (youtube, tiktok, Zing MP3, Nhaccuatui, Apple Music, Spotify…) để tự giới thiệu mình và cũng để… kiếm tiền (nếu được nhiều người vào xem). Trên internet, cộng đồng Rap có những bài viết trao đổi kinh nghiệm đặt nội dung lời, kinh nghiệp trình bày, trình diễn sao cho thu hút hoặc nhận xét, đánh giá, bình phẩm các video, clip Rap do người khác thực hiện. Họ thực hiện bằng sự say mê, ganh đua còn vì lợi ích kinh tế. Rapper ở Việt Nam phục vụ ở các quán bar, phòng trà, làm MC ở các sự kiện của giới trẻ, thực hiện Rap cho các kênh quảng cáo và càng nổi tiếng thì càng thu nhập cao. Rap thâm nhập vào các tiết mục biểu diễn trên sân khấu giải trí, trong chương trình game show, ca nhạc… và trở thành nghề kiếm sống.

Những khác biệt về nói năng (dùng từ ngữ tục tằn, tiếng lóng, xưng hô mày tao…), hình thức bên ngoài (trang phục khác lạ, hành động khác lạ…) và cả những gì được mang ra trình diễn trước công chúng… khiến Rap khó được chấp nhận trong đời sống văn hóa Việt Nam. Được xem là một trong bốn thành tố của trào lưu văn hóa Hip hop[7]: Breakdance (nhảy múa), Graffini (nghệch họa) và DJ (disk jokey, deejaging - hòa trộn âm thanh), Rap xuất hiện sau nhưng lại được ứng dụng nhiều hơn. Tuy nhiên, Hip hop nói chung và Rap nói riêng vẫn khó có thể được các nhà nghiên cứu văn hóa chấp nhận. Trong bài viết Văn hóa Hip hop qua video[8], tác giả Trần Ngọc Thêm cho là một “thứ văn hóa ‘phản văn hóa’”. Nhiều phụ huynh không muốn cho con tiếp xúc với trào lưu văn hóa Hip hop kể cả Rap, bởi cho đó là lập dị, quậy phá, nói tục. Chưa kể, người ta nhận thấy những ý kiến chống Rap qua những bài viết: Trên cả “thảm họa”!, Hay ho gì “Rap bẩn”! (Lệ Minh - báo Người Lao Động, 2013), Loạn nhạc trẻ (Minh An - báo Sài Gòn Giải Phóng online, 2012) v.v…

Mỗi loại hình trong trào lưu văn hóa Hip hop đều có cộng đồng riêng và trở thành trò chơi cho giới trẻ hiện nay[9]. Những thành viên trong mỗi cộng đồng khi tham gia vào cuộc chơi đều phải rèn luyện, phấn đấu không ngừng: trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau và tìm tòi trên hệ thống mạng, trong cộng đồng để luyện “ngón nghề”; tự giới thiệu mình trên hệ thống mạng xã hội bằng các video, clip; thách đấu - tham dự những trận “Rap battle” hay “Hip hop battle”… để từ đó khẳng định vị trí, tài năng trong cộng đồng. Trong bốn thể loại của trào lưu văn hóa Hip hop tại Việt Nam, đến nay, chỉ trừ Graffini là chưa được công khai phổ biến bằng các hình thức thi thố trên truyền thông, các thể loại khác đều đã có được những hoạt động công khai trên hệ thống truyền thông hoặc trong đời sống văn hóa xã hội[10].

Do sự sáng tạo của nghệ sĩ trình diễn Rap chủ yếu ở việc sắp xếp từ ngữ, phần âm nhạc là một sản phẩm ghi âm có trước nên giới âm nhạc chuyên nghiệp vẫn chưa chấp nhận Rap là thể loại âm nhạc. Nhưng, ở các nước, Rap không chỉ là âm nhạc đường phố bởi đã có những tên tuổi đình đám như Dr. Dre, Eminem, Usher, Jay-Z…

Trong thời đại internet, Rap cùng với các loại hình của trào lưu văn hóa Hip hop dễ dàng xâm nhập vào Việt Nam. Do ngộ nhận về giá trị của văn hóa, không phân biệt “cái lạ” khác “cái mới”, chưa nhận thấy được bản chất Rap cũng giống như đồng dao, hay nói vè… cũng là lối nói theo nhịp điệu những câu văn vần, khiến giới trẻ cảm thấy: biết Rap là “hiện đại”, biết “hát Rap là biết chơi”.... Điểm khác nhau là Rap luôn có âm thanh của nhạc beat, của nhạc điện tử với cường độ lớn, diễn sân khấu với những kỹ xảo ánh sáng, cùng với đám đông cuồng nhiệt; ai cũng có thể làm Rap, sản xuất video Rap, giới thiệu hay tiếp cận Rap dễ dàng và bất cứ lúc nào trên internet v.v… Giới trẻ thấy Rap đương đại do ở chỗ này! 

3. Để Rap được công nhận

Dù đã có những hoạt động thể hiện sự tồn tại mạnh mẽ trong đời sống xã hội hiện nay, Rap nói riêng và các thể loại trong văn hóa Hip hop nói chung vẫn chưa được số đông xã hội chấp nhận như một thành tố của nền văn hóa việt Nam đương đại. Tuy nhiên, theo giám đốc Học viện Illstyle & Peace Productions, ông Brandon Albright trong bài viết Người trẻ và Hip hop[11] thì: “Thể loại nghệ thuật này vốn được sinh ra để nói về hòa bình, về quyền bình đẳng của các màu da và trong những năm gần đây còn được sử dụng để tuyên truyền, nói đến những vấn đề chung của cả nhân loại như HIV/AIDS hay biến đổi khí hậu”. Ông cũng nói thêm: “Thực tế, ngành công nghệ âm nhạc theo hướng thương mại hóa và những cá nhân mạo danh Hip hop để thỏa mãn cái tôi âm nhạc xấu xí của mình đã góp phần vào việc tạo nên những quan điểm sai lầm này trong mắt phụ huynh, giới trẻ vì thế cũng tiếp nhận những giá trị không thật của Hip hop. Hip hop chân chính không cổ xúy nổi loạn, không bày ra những kiểu ăn mặc quái dị và không nói xấu về phụ nữ hay nói về tình yêu hoặc tình dục như một trò rẻ tiền”. 

Ở chiều hướng cởi mở, với góc nhìn thiện cảm, Rap giống như một trò chơi ngôn ngữ, một cách trao dồi từ ngữ, kiến thức, luyện trí nhớ. Thay vì chơi game, hút thuốc lá điện tử…, chơi Rap “có vẻ” lành mạnh hơn, tiến bộ hơn với nội dung thời sự, đóng góp cho xã hội. Chơi Rap phải liên tục trao dồi, tìm tòi đề tài, ngôn từ hấp dẫn, tìm cách trình diễn thu hút… Khi đã khẳng định được mình trong cộng đồng thì càng phải Rap mới hơn, hay hơn.

Để Rap được xã hội chấp nhận thì các rapper, nhóm và cả cộng đồng Rap cần nghiên cứu chọn lựa loại ngôn từ sử dụng. Hãy chọn sự thanh lịch, đúng theo văn hóa Việt Nam để chuyển đổi Rap. Để bước ra thế giới, rapper Việt Nam phải giỏi tiếng Anh và hướng đến những phong trào tiến bộ, nhân văn. Với âm nhạc, để tìm được một giai điệu âm nhạc phù hợp với nội dung bài Rap, rapper cũng cần hiểu biết về âm nhạc, nghe nhiều thể loại âm nhạc và nhạy cảm với âm nhạc để có phần “nhạc beat” hợp với Rap hơn.

Một số hoạt động của giới trẻ cần được ghi nhận như việc đưa hát Xẩm, Bài chòi, hô Lô tô vào Rap, nhiều nội dung Rap còn sử dụng cả thơ Tố Hữu[12]. Nhưng vẫn là “đọc” lại nội dung của các thể loại này, còn phần giai điệu âm nhạc của Xẩm, lối đặt vần và nhịp điệu của Lô tô v.v… vẫn chưa thể đưa vào Rap bởi bản chất Rap là nói, không phải là hát!

Không riêng Rap, Breakdance, Graffini hay âm nhạc điện tử và tất cả những loại hình văn hóa từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam đang là những cơn sóng mạnh mẽ, có thể cuốn trôi nền tảng văn hóa Việt trong giới trẻ, vốn nhạy cảm và thích cái mới lạ. Để gìn giữ văn hóa truyền thống, không nên “bài ngoại”, cấm cản. Văn hóa ngoại lai cần được nhìn nhận ở những mặt tiến bộ, tiếp thu và biến đổi chúng bằng chính sức mạnh văn hóa nội sinh như chúng ta đã từng làm với rất nhiều loại hình văn hóa du nhập khác trong lịch sử văn hóa dân tộc. Cách biến đổi, sáng tạo thành những loại hình văn hóa mang màu sắc mới cũng chính là bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Có như vậy, không riêng Rap, Hip hop… chúng ta sẽ có nhiều loại hình văn hóa trong đời sống xã hội, những loại hình ngoại lai sẽ được biến đổi cho phù hợp và chấp nhận bởi sự tiến bộ của nó. Rap cũng vậy, được chấp nhận như một trò chơi âm nhạc mang tính dân gian trong cuộc sống “đương đại”.


[1] Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm hiện là giảng viên Đại học Sài Gòn.

[2] Paul Edwards (2009): How to Rap: The Art and Science of the Hip hop MC (Làm sao để Rap: Nghệ thuật và Khoa học của nghề dẫn chương trình Hip hop). Chicago Review Press, USA.

[3] master of ceremonies

[4] “Beat” là thuật ngữ tiếng Anh,  trong lý thuyết âm nhạc cơ bản, beat có nghĩa là nhịp, phách: khi sử dụng để chỉ phần trường độ cả ô nhịp (nhịp 2/4, 3/4, 6/8…) hoặc các phần nhỏ trường độ trong ô nhịp (1 phách, 2 phách, 3 phách…). Trong Rap, “beat nhạc” có nghĩa là phần tiết tấu nhanh được thể hiện bằng dàn nhạc hoặc nhạc cụ trống và nhạc cụ đệm (thể hiện phần hòa âm) ghi âm sẵn được phát khi diễn Rap.

[5] Nên cũng có thuật ngữ “lyricist” để gọi những người viết ca từ cho Rap nhưng không biểu diễn.

[6] Alexs Pate (2010), In The Hesrt of the Beat: The Poetry of Rap, The Scarecrow Press Inc. USA.

[7] Cùng tên với một thể loại nhạc - nhảy múa trên đường phố có những động tác phức tạp, thử thách, liều lĩnh… nhưng đó chính là breakdance. Văn hóa Hip hop xuất hiện từ những năm 60 thế kỷ XX ở những khu đô thị Mỹ, đặc biệt là khu ghetto (ổ chuột) The Bronx, New York.

[8] Trần Ngọc Thêm: Văn hóa Hip hop qua video (2009), truy xuất từ link 20/11/20 http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/thu-vien-so-sanh-anh-video/thu-vien-video/1409-tran-ngoc-them-van-hoa-hip-hop-qua-video.html

[9] Trong bốn thành tố này, DJ là nghề pha trộn âm thanh trong các phòng trà, vũ trường để tạo hưng phấn cho người nhảy múa. Các thể loại này đều phát triển nhờ các cuộc thi đấu - so tài.

[10] - Rap đã được tổ chức thành game show Rap Việt trên HTV2, các cuộc thi Aiyoo Battle Rap (2018), Beck’stage Unexpected rap Fest (2019)… đều được sự tài trợ lớn.

- DJ hay âm nhạc điện tử, âm nhạc underground… đã được tổ chức thành nhiều cuộc liên hoan ở Việt Nam mà điển hình là “Monsoon Music Festival” (Liên hoan âm nhạc điện tử Gió mùa) hàng năm từ 2012.

- Breakdance thường xuyên được đưa vào biểu diễn trong một số chương trình giải trí, truyền hình, trên đường phố ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Đặc biệt, cuộc thi Battle of the year (cuộc chiến của năm) và Battle of the year châu Á (nhiều tiết mục Breakdance, Hip hop Việt Nam đoạt giải).

[11] Báo tuổi trẻ, ngày 10/6/2010.

[12] Trong chương trình Rap Việt 5.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.