You are here

Thay "áo mới" cho nghệ thuật hàn lâm

Tác giả: 
Vương Hà

Ở các quốc gia phát triển, hàng trăm năm qua, nghệ thuật hàn lâm với opera, ballet hay nhạc giao hưởng... vẫn đến được với người dân như "cơm ăn nước uống", là bởi cách tiếp cận thật tự nhiên. Cũng theo cách ấy, ở Việt Nam những năm trở lại đây, hàng loạt chương trình nghệ thuật hàn lâm đã được các nhà hát công lập, đơn vị tư nhân tổ chức trong sự đầu tư công phu, nhiều hình thức thể hiện tự nhiên, gần gũi hơn với công chúng.

Nghệ thuật hàn lâm không còn cô đơn

Những ngày cuối năm 2019, hai đêm “Rock Symphony” của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO) dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi (hiện là nhạc trưởng, giảng viên Học viện Âm nhạc và nghệ thuật quốc gia Macedonia) mang đến những trải nghiệm thú vị. Khán phòng Nhà hát TP Hồ Chí Minh chật kín khán giả và sôi động những tiếng vỗ tay, tiếng hát theo các ca khúc “We are the world”, “We will rock you”… Nhiều tác phẩm âm nhạc bất hủ khác được biểu diễn trong chương trình, như: “Bohemian Rhapsody”, “Barcelona”, “Still loving you”…; những trích đoạn của Boney M, Elvis Presley. Và cả những tuyệt phẩm của Mozart, Beethoven, để minh chứng cho thấy các nhà soạn nhạc cổ điển cũng có thể chia sẻ sân khấu với nhạc pop, rock. Còn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, “Rock Symphony-We are the champions” diễn ra trong những ngày đầu năm 2020 có sự góp mặt của ban nhạc Black Long, nghệ sĩ guitar Tim Tran, ca sĩ Tố Loan, Huy Đức, Bùi Trang, Thanh Bình… của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB), được đánh giá là “món lạ” cho sân chơi nghệ thuật Thủ đô.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi chính là “nhân tố” tạo nên “cú bắt tay” giữa nhạc cổ điển và rock, pop với cả hai nhà hát ở hai miền đất nước, mang đến sự tươi mới cho âm nhạc. Theo lý giải của nhạc trưởng Lê Phi Phi: “Rock Symphony là một hình thức rock hóa nhạc giao hưởng hoặc ngược lại, nâng tầm giao hưởng cho các ca khúc pop, rock. Chúng tôi thực hiện những chương trình này trên tinh thần đưa nghệ thuật hàn lâm tiệm cận với công chúng. Mặt khác, chúng tôi cũng muốn góp một phần giúp giới trẻ, những người yêu rock hiểu thêm về cổ điển, cũng như những người mê cổ điển có thể đến gần hơn với rock, pop”.

Vở nhạc kịch “Người tạc tượng” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng cuối năm 2019 tạo tiếng vang cho nghệ thuật hàn lâm Việt Nam.

Vở ballet “Hồ Thiên Nga” sau khi được VNOB dàn dựng tháng 10-2019 và công diễn đến nay với hơn 10 buổi luôn trong tình trạng “cháy vé”, đã được ví như “cơn địa chấn”. Dựng một tác phẩm nghệ thuật hàn lâm chuẩn mực của thế giới, được hàng trăm nhà hát lớn, nổi tiếng trên thế giới dàn dựng cả trăm năm qua làm “hạt nhân” cho dịp kỷ niệm 60 năm VNOB là cả sự quyết tâm lớn. Cùng lúc, VNOB dàn dựng lại vở nhạc kịch nổi tiếng của nhạc sĩ Đỗ Nhuận “Người tạc tượng” từng gây tiếng vang với 100 buổi diễn sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng đã chứng minh, với bề dày truyền thống, với sự nhiệt huyết của các thế hệ cùng tài năng nghệ thuật ballet, opera mà nhà hát đang có, nhất định sẽ thành công. Và thành công đã hiển hiện rõ, khi opera “Người tạc tượng” khẳng định vị thế của một thể loại âm nhạc đỉnh cao, của chính người Việt sáng tạo luôn được đông đảo khán giả đón chờ, thưởng thức. NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Giám đốc VNOB chia sẻ, chưa khi nào mà không khí tập luyện, háo hức chờ đến buổi diễn, thăng hoa hòa trong cảm xúc của khán giả cùng nghệ sĩ như thời gian qua.

Đơn vị nghệ thuật công lập có VNOB, HBSO, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam và mới đây đã có thêm dàn nhạc tư nhân-The Sun Symphony Orchestra (Tập đoàn Sun Group) đã làm phong phú nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam. Có những điểm tựa vững chắc-là các dàn nhạc, mà mỗi năm nhiều hơn và dày hơn những chương trình, sự kiện của nghệ thuật hàn lâm, như: Festival Âm nhạc quốc tế Á-Âu; Giai điệu mùa thu; Festival âm nhạc quốc tế Hạ Long; Luala Concert đường phố Hà Nội; Hòa nhạc "Điều còn mãi"; các cuộc thi piano, violon, opera trong nước và quốc tế liên tục được tổ chức; sự kiện hòa nhạc theo chuyên đề, theo liveshow concert của các ca sĩ tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hay dàn nhạc The Sun Symphony Orchestra… đã góp phần thay áo mới cho nghệ thuật hàn lâm của Việt Nam. Phải kể đến trong đó là sự trưởng thành vượt bậc cho các ca sĩ, nhạc công, diễn viên, biên đạo… nỗ lực theo đuổi loại hình nghệ thuật khổ công rèn luyện và học tập này. Vào những ngày cuối tháng 2 vừa qua, nghệ sĩ múa Nguyễn Thu Huệ (người hóa vai thiên nga đen và thiên nga trắng, trình diễn gần 4 giờ trong vở ballet “Hồ Thiên Nga”) đã được Tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh “là một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất năm 2020”.

Cứ đi rồi sẽ tới…

Trong nghệ thuật, trước hết phải hiểu rồi mới có thể yêu. Chính vì vậy, thay vì ngồi chờ, một số nhà hát giao hưởng, thính phòng đã mạnh dạn chủ động đưa âm nhạc hàn lâm xuống đường, ra phố, về nông thôn tìm khán-thính giả. PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam, chia sẻ: “Nhạc kịch “Cô Sao” về với bà con các dân tộc tỉnh Sơn La, diễn ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh; gần đây nhạc kịch “Lá đỏ” diễn phục vụ nhân dân tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Khán giả rất thích, mặc dù nhiều người trong số họ chưa bao giờ được xem thể loại biểu diễn đó. Như thế có nghĩa, khi nghệ sĩ mang đến khán giả những tác phẩm nghệ thuật đích thực, có chất lượng cao thì luôn chiếm được tình cảm”. Cũng theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, tuy opera và ballet không xuất hiện thường xuyên trên sân khấu, trên truyền hình như những loại hình nghệ thuật khác, nhưng sự kiên định, duy trì loại hình nghệ thuật đỉnh cao có tính hội nhập quốc tế là chủ trương đúng đắn của Chính phủ.

Diễn viên Nguyễn Thu Huệ trong vở ballet kinh điển “Hồ Thiên Nga” được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất năm 2020. Ảnh: Thanh Tùng.

Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó chú trọng công tác đào tạo tài năng đỉnh cao nhạc hàn lâm. Theo đó, trong thời gian từ năm 2017 đến 2021, học sinh, sinh viên thuộc đề án này ngoài việc học trong nước, hằng năm, đề án cử trung bình 5 tài năng ở mỗi lĩnh vực đi thực tập ngắn hạn (không quá 6 tháng) ở nước ngoài. Từ năm 2021 trở đi phấn đấu hằng năm chọn 7 tài năng tốt nghiệp xuất sắc cử đi đào tạo cao cấp ở trong nước và nước ngoài… “Trong âm nhạc, trong điệu múa hay một bản concerto phải luôn có tinh thần văn hóa, tinh thần nhân ái, tính dân tộc. Chúng tôi kỳ vọng sau này Việt Nam có nhiều tác phẩm nhạc kịch, giao hưởng, thính phòng, bởi chúng ta vô cùng nhiều những câu chuyện của đất nước, của lịch sử, câu chuyện của các cuộc kháng chiến và cả câu chuyện của những mối tình dân gian và hiện đại. Ngày nay, các bạn trẻ có trình độ cao, giao tiếp thông tin rất nhiều, Nhà nước cần tin tưởng, giao nhiệm vụ đặt hàng các tác giả trẻ để họ có cơ hội, vinh dự được cống hiến; ngược lại tác giả trẻ cần liên kết thành những ê kíp với nhau để sáng tạo. Chắc chắn chúng ta sẽ có tác phẩm tốt và có chất lượng, có lý do để hòa nhập với quốc tế”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho hay.

Cứ đi rồi sẽ tới, sẽ mở rộng con đường. Tinh thần đó đang được các nghệ sĩ, nhà hát bắt tay thực hiện. Chương trình nghệ thuật “Giai điệu trẻ” nằm trong dự án đưa nghệ thuật hàn lâm đến với khán giả trẻ tuổi, do HBSO thực hiện vào ngày 29 hằng tháng đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, tạo một sân chơi nghệ thuật cho các bạn trẻ TP Hồ Chí Minh nói riêng và phía Nam nói chung; “Around the world”-con đường để tiếp cận khán giả một cách hiệu quả của VNOB, thông qua việc thúc đẩy nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hàn lâm từ nhà trường. “Tôi mong muốn khán giả sẽ quan tâm, tò mò và dần dần thưởng thức những chương trình nhạc vũ kịch của VNOB bằng cách bỏ tiền ra mua vé chứ không chờ được tặng”, NSƯT Trần Ly Ly cho biết.

(Nguồn: https://www.qdnd.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.