You are here

Tôi đã chiến đấu và sáng tác âm nhạc từ Hàm Rồng, Thanh Hóa

Tác giả: 
Ngọc Khuê

(Kỷ niệm ngày Hàm Rồng chiến thắng, 3 và 4 tháng Tư 1965)

Nhập ngũ ngày 18/2/1965 vào huấn luyện tân binh được khoảng 20 ngày, đầu tháng 3/1965 chúng tôi có lệnh hành quân đi chiến đấu, bổ xung cho đơn vị pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng, Thanh Hoá. Và 1 tháng sau, ngày 3/4/1965 đại đội pháo 37 ly của chúng tôi bắt đầu tham gia trận đầu tiên tại trận địa Đình Hương (phía làng Hạc Oa), bắt đầu cho gần mười năm trời sống và chiến đấu tại Hàm Rồng, Thanh Hoá, nơi có biết bao kỷ niệm đã theo tôi suốt một thời quân ngũ. Những người lính Hàm Rồng cùng với người dân nơi đây đã bảo vệ cây cầu thân yêu của mình, của huyết mạch giao thông của cả nước ấy thật kiên trung và cực kỳ dũng cảm, gan dạ! Ngày ấy đã thấy vậy. Bây giờ nghĩ lại, hoặc vào thăm Hàm Rồng càng thấy đúng như vậy.

Có thể hình dung được không khi nhìn lại trận địa mình năm xưa gần ngay sát đầu cầu, các trận địa “Cồn Đu” phía bắc, hoặc trận địa tạm bên bờ Nam sông Mã, đoạn qua đầu cầu phao sau này, mới thấy lính ta gan dạ biết nhường nào. Nếu bom “hắn” thả xuống, tất nhiên phần nhiều là không trúng cầu, thì hẳn là hắn rơi sát trận địa mình rồi. Có nhiều đồng đội đã hy sinh ngay trên mâm pháo, ngay trên trận địa. Những trận đánh mà tôi nhớ nhất thời đầu đó là: trận đầu ngày3 và 4/4/65, trận 31/5/65, những trận liên tiếp trong 3 ngày 21, 22, 23/9/66… Và nhiều trận nữa mà mỗi trận ta đều bắn rơi máy bay Mỹ và nhiều trận bắt sống giặc lái. Có những đồng đội hy sinh được nhiều người biết đến, nhưng cũng có những đồng đội hy sinh chỉ những người trong cùng một đại đội biết. Bởi vì thời gian cuộc chiến trôi đi khắc nghiệt quá. Vừa mới trận đánh lúc rạng sáng, lại nối tiếp ngay lúc đang trưa, rồi chiều tà, rồi đêm… cứ thế cho một tuần, một tháng, một năm trôi đi, dũng cảm và gan dạ, không bao giờ rời xa, bỏ chạy, ít nhất là những người tôi biết. Thương cho một cậu ở đại đội tôi, cậu ta hy sinh lúc còn đang trẻ, 19 tuổi, binh nhất, cậu ta không làm thành một “tấm gương” nào cho mọi người trong trung đoàn biết đến. Nhưng chiến tranh là thế, bom đạn giặc nó cướp đi mất anh trong lúc anh đang nạp đạn cho khẩu đội pháo chiến đấu. Một sự hy sinh không âm thầm như những chiến sĩ biệt động… nhưng cũng không ồn ào, chỉ biết tiếc thương nhau.

Về sau, tháng 7/1967 tôi được điều về dạy văn hóa (Cấp II) ở Trường Văn hóa Trung đoàn, học viên hầu hết là các cán bộ Trung đội, đại đội mà trước đây mới chỉ học hết cấp I, hoặc chưa học hết cấp II. Tôi đã viết những dòng thơ thế này về cái trường văn hoá trung đoàn mà tôi đã dạy hồi đó:

….Thế mà sau bao năm gặp lại hả hê

Đầu bạc cả, răng rụng vài ba chiếc

Nhớ cái thuở trẻ trung nhìn lên trời biếc

Mà ước mơ có một ngày nào...

Thương quá cái ông hay hút thuốc lào

Giờ nằm lại giữa chiến trường khói lửa.

Nhớ lắm cái ông ván cờ còn dang dở,

Đã nằm lại nơi đâu... quân “Tốt” đã đi rồi.

Ơi cái trường thân thiết nhất của tôi,

Có phải dạy thôi đâu mà tôi còn học được.

Cái dũng cảm hiên ngang, cái dạn dày gan góc,

Cái chí khí người trai theo suốt cuộc đời tôi...

Cho đến bây giờ là tròn 57 năm Hàm Rồng chiến thắng. Tôi có gần 10 năm ở tại Hàm Rồng (3/1965 đến 6/1974). Chừng ấy năm chiến đấu tại Hàm Rồng Thanh Hoá đủ để tôi hiểu về người lính và những nỗi gian truân, vất vả và hy sinh của những đồng đội tôi. Nó đã, ngay từ năm 1966 khi tôi vừa 19 tuổi, thôi thúc tôi sáng tác, bắt đầu từ cây sáo trúc trên tay trên trận địa bên cầu, tôi đã có sáng tác đầu tay: Tiếng hát bên dòng sông Mã (sau đó tham gia Hội diễn Quân khu, Quân chủng được giải nhất và được thu thanh ngay trên đài Tiếng Nói Việt Nam). Rồi tiếp đó, nhiều ca khúc của tôi được ra đời cho chiến sĩ Hàm Rồng như: Kéo pháo vào trận địa, Tổ khúc Hàm Rồng ta đó, Cái mặt thằng Mỹ, Tiếng còi tàu, Hàm Rồng có bóng dừa xanh, Pháo ta bảo vệ giao thông vận tải, Đồi Quyết Thắng – Thơ Từ Nguyên Tĩnh, v.v…

Nhân nói về ca khúc Kéo pháo vào trận địa này, tôi lại nhớ một chuyện rất vui:

Khoảng năm 1969 – 1970 gì đó, đoàn Pháo Cao xạ Hàm Rồng chúng tôi rất vinh dự được đón tiếp đoàn nhạc sĩ vào thăm và thâm nhập sáng tác. Đoàn có giáo sư nhạc sĩ FERE (Liên Xô) cùng đoàn nhạc sĩ Việt Nam do nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng đi. Tôi được cùng đơn vị đón tiếp đoàn và được hát ca khúc này trước đoàn nhạc sĩ. Rất vui khi được hát và tặng bài hát này (do tôi đã cặm cụi chép tay thành mấy bản), giáo sư Fere và nhạc sĩ Đỗ Nhuận rất khen ngợi. Đó cũng là động lực cho tôi sáng tác những ca khúc sau này!

Rồi sau đó, khi chuyển về Quân chủng, tôi tiếp tục công việc của một người lính làm văn nghệ (cả quần chúng lẫn chuyên nghiệp) và tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc cho bộ đội. Những sáng tác của tôi, hình như bao giờ cũng có dấu ấn của một thời lửa đạn Hàm Rồng. Ca khúc Nhặt chiếc lá rơi (ca sĩ Đức Long, ca sĩ Mai Hoa đã hát) có đoạn:

Ngày nào có em,

người con gái ấy,

dòng sông êm ả,

cây cầu lùi xa.. .

….Tôi như người có lỗi để thời gian cứ trôi.

Còn làm gì hơn được để cho em bây giờ.

Tôi, tôi đi tìm ký ức, tuổi thanh xuân đâu rồi.

Tôi như là Từ Thức trở về xóm làng xưa.

Nhặt chiếc lá rơi, ngỡ thời gian qua rồi….

Ký ức trong tôi là Em, Nhặt chiếc lá rơi, Gặp gỡ đồng đội… đều là những tâm huyết của tôi và cùng một điểm bắt đầu: Đó là Hàm Rồng – một thời lửa đạn.

Năm 1995, kỷ niệm 30 năm Hàm Rồng chiến thắng, anh em cựu chiến binh đoàn pháo cao xạ bảo vệ Hàm Rồng năm xưa chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo và bà con tỉnh Thanh Hoá, thị xã Thanh Hoá (Lúc đó chưa lên Thành phố), huyện Hoằng Hoá, huyện Đông Sơn, làng Nam Ngạn đón chúng tôi vào thăm chiến trường xưa, ngay trong chuyến đi đó tôi đã sáng tác ca khúc Gặp gỡ đồng đội. Bài hát này đã được đông đảo anh em cựu chiến binh đón nhận, thường xuyên hát trong những lần kỷ niệm hoặc đồng đội gặp nhau! Những năm gần đây, ca khúc này đã trở thanh bài hát chính thức của chương trình ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI trên kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam (QPVN)

Đồng đội ơi, ta về với nhau

Ta trở về thăm một thời oanh liệt.

Như năm xưa ta vừa mới bên nhau,

Mười tám đôi mươi trời xanh biếc trên đầu…

Chính cái thuở “mười tám đôi mươi trời xanh biếc trên đầu” ấy đã bắt đầu cho một cuộc đời binh nghiệp, đã ghi một dấu ấn chẳng thể phai mờ. Xúc động biết bao khi bà con nơi đã cùng chúng tôi chiến đấu năm xưa vẫn nhận ra từng người một, vẫn nhớ đến chú lính mới ngày nào, vừa vô đây đã hát cho cả đại đội pháo và bà con nghe bài Con ếch xanh (dân Idonesia), rồi sáng tác nhiều bài hát cho bộ đội và quân dân Hàm Rồng. Bây giờ, tôi lại hát cho bà con nghe Làng lúa làng hoa, một ca khúc về mùa xuân, về Hà Nội mà trong đó tôi đã gửỉ gắm cả tình yêu Hàm Rồng Thanh Hoá trong nét nhạc luyến láy đầy chất dân gian sông nước… Chất liệu hò sông Mã “dô tá, dô ô ô ô ta à” tôi đã mang vào sử dụng trong cách luyến láy của Làng lúa làng hoa: Nơi anh đã gie o o o mầm... Và đó cũng là yếu tố luyến láy chủ đạo trong bài hát này. Tôi cảm thấy những năm tháng “mười tám đôi mươi” ấy của tôi và đồng đội tôi thực sự là những năm tháng đầu đời đầy ấn tượng, nó đã đi theo tôi trong suốt chặng đường quân ngũ và sáng tác âm nhạc, nó đã giúp tôi hình thành đậm nét một hình tượng người chiến sĩ Quân đội nói chung, hình ảnh người chiến sĩ cao xạ pháo Hàm Rồng anh hùng nói riêng trong sáng tác của mình.

 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.