You are here

Trò chuyện cùng Soprano Lan Quỳnh

Tác giả: 
Đông Nguyên (thực hiện)

Lan Quỳnh tốt nghiệp ngành Thanh nhạc của Trường Sư phạm Nghệ thuật TƯ, hiện đang theo học Cao học Thanh nhạc tại Học viên Âm nhạc QGVN dưới sự hướng dẫn của giảng viên Tân Nhàn. Quỳnh tham gia Operaphilia từ đợt 2 và có lần ra mắt không chính thức đầu tiên với bản aria Doll’s song tạo được hiệu ứng khá mạnh với khán giả. Trong Hòa nhạc Giáng sinh Operaphilia sắp tới tại Nhà thờ lớn Hà Nội vào ngày 21/12, bạn sẽ là người mở màn concert với bản aria quen thuộc của Handel: “Let bright the Seraphim” cùng nghệ sĩ trumpet Bình Phan. Nhóm quyết định thực hiện một bài phỏng vấn ngắn để bạn bộc lộ những cảm nhận của mình về các tác phẩm bạn thể hiện, tuy nhiên Quỳnh đã chia sẻ nhiều hơn thế với không ít tâm huyết và những suy nghĩ, trăn trở riêng của bạn khá thú vị. Bài khá dài, nên nếu bạn nào ngại “bức tường chữ” thì có thể ngắm hình giọng soprano trẻ xinh đẹp này thôi cũng được.

Là người mở đầu cho concert quan trọng này cảm giác của Quỳnh như thế nào?

Lan Quỳnh (LQ): Rất lo lắng và có đôi chút áp lực. Nhưng em nghĩ em sẽ biến nó thành động lực để chuẩn bị thật tốt về bài vở. Thực ra vốn đây không phải bài em nhận từ đầu, nhưng vì một bạn trong nhóm vướng vấn đề về sức khỏe nên em đã được phân công tập dự bị để bọc lót. Ngay từ khi em được giao, em đã rất trân trọng, đối với em cũ người mới ta, em không bao giờ nghĩ rằng bài của người khác thì mình sẽ xem nhẹ và em sẽ phải biến phần thể hiện của mình trở thành duy nhất.

Đây là một bản aria Da capo rất điển hình của thời kỳ baroque – bản aria có phần nửa sau “quay trở lại” (Da capo) giai điệu ban đầu nhưng thường được những nghệ sĩ virtuoso phát triển thêm bằng các note trang trí hoa mĩ. Quỳnh liệu có định thực hiện những biến tấu riêng cho phần trình diễn của mình không?

“Let bright the Seraphim” là bài hát mở đầu nên yêu cầu quan trọng nhất với em là tính an toàn chứ không phải sự trưng trổ cá nhân. Tuy vậy em vẫn sẽ thực hiện một số biến tấu vừa phải cho phần Da capo để tạo sự mới mẻ. Vừa rồi em có tham dự một concert Kèn đồng của nhóm Brass Community, trong đó anh Bình Phan có trình diễn một số biến tấu khá thú vị từ các aria opera quen thuộc, nó cho em rất nhiều cảm hứng. Ngoài ra em cũng tham khảo sự sáng tạo của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác trong bài này để cuối cùng ra được một phần biến tấu phù hợp nhất với màu giọng và năng lực hiện tại của mình.

Là một Coloratura soprano, những bài giai điệu nhanh và tươi vui có vẻ không làm khó em?

Đúng, em có những thuật lợi nhất định về âm vực cao và độ linh hoạt của giọng. Có thể khán giả thông thường dễ thấy ấn tượng ở các note cao, các kĩ thuật chạy note hay hoa mĩ – nhưng coloratura soprano cũng có những hạn chế nhất định – đó là rất không dễ có thể hát thật tình cảm và sâu sắc, đặc biệt trong những tuyến giai điệu trữ tình và có tính legato cao. Tuy nhiên không có ai là hoàn hảo cả. Khó khăn đó càng khiến em phải hoàn thiện mình nhiều hơn để có thể trình diễn được thật đa dạng nhiều phong cách và kịch mục khác nhau.

Tiết mục solo thứ 2 trong concert của Quỳnh là trích đoạn “Et incarnatus est” từ bản Mass giọng Đô thứ của Mozart – bản aria từng được chính vợ của Mozart thể hiện trong lần công diễn đầu tiên. Quỳnh có cảm nhận gì về tác phẩm này?

Khi em mới tập tác phẩm này, em không hề hiểu phần lời, em chỉ thấy nó là một tác phẩm khó và em phải tìm mọi cách chinh phục nó thôi. Nhưng đến lúc bắt đầu vỡ bài, em mới biết được rằng phần lời Latin là từ Kinh Tin Kính, em cảm thấy có một điều gì đó rất linh thiêng, như là một ngọn nguồn gì đó chảy sẵn trong người mình. Em là người theo Đạo và Kinh Tin Kính là Kinh vẫn thường được người Công giáo bọn em đọc cầu nguyện hàng ngày. Em cảm thấy vô cùng hạnh phúc và vinh dự khi được hát những lời hát này ngay tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội – đấy là một cơ duyên mà em không bao giờ dám mơ tới, nên dù tác phẩm khó và thách thức đến mấy em cũng sẽ cố gắng thể hiện thật tốt.

Nó khó như thế nào?

Em đã học tác phẩm được 2 năm rồi, và em nghĩ còn cần thêm rất nhiều thời gian nữa. Bản aria khá dài với rất nhiều phân đoạn nhỏ mà mỗi phân đoạn là những màn phô diễn kĩ thuật hoa mĩ vô cùng phức tạp. Từng ô nhịp, từng note nhạc đều cần được xử lý và nghiền ngẫm. Nó ám ảnh em suốt một thời gian dài, lúc nào em cũng nghĩ đến nó, kể cả lúc nấu cơm, lúc dọn dẹp nhà cửa, ... Em cứ chăm chỉ tập từng câu nhạc, từng chút, từng chút một mới có thể ngấm từ từ. Thực sự là không đơn giản.

Nếu nó khó như vậy thì liệu có khó cho người nghe không? Nhất là khán giả concert có thể không phải là những người nghe có kinh nghiệm mà chỉ là giáo dân hay một vị khách vãng lai nào đấy tới nhà thờ?

Em nghĩ là không. Bản aria này giai điệu khá đẹp và bắt tai. Nó khó cho người hát chứ không hề khó cho người nghe.

“Khó cho người hát dễ cho người nghe” - có vẻ như là tính chất chung của âm nhạc Mozart nhỉ?

(Cười) Vâng, có lẽ vậy. Nên em tin là mọi người sẽ thích tác phẩm này, nhất là khi nó lại được vang lên tại một không gian thiêng liêng như tại Nhà thờ.

Em đến với Opera và Thanh nhạc cổ điển như thế nào?

Em vốn không hề biết Opera là gì. Em sinh ra và lớn lên ở dưới Hưng Yên và cho đến tận cấp 3 em cũng không có một khái niệm gì về thanh nhạc cả. Hồi đó, em may mắn thi đỗ vào trường SPNTTW, đỗ cả ngành SPAN và ngành Thanh nhạc biểu diễn – Thanh nhạc chỉ là được vớt thôi vì năm đó trường thiếu chỉ tiêu. Giọng hát của em phẩm chất ban đầu không hề tốt, rất mỏng, yếu và chua nữa, nhiều thầy cô cũng khuyên thẳng rằng em không nên theo nghề này với giọng hát bẩm sinh như vậy, chỉ nên theo sư phạm thôi. Nhưng em không bỏ cuộc, em tự đặt quyết tâm và bảo với cô rằng: “con sẽ không bỏ đâu, con thi đỗ rồi là con phải học”. Cũng chia sẻ thật với anh, em học văn hóa không quá xuất sắc, nên khi em vào được đại học, em đã quyết định đây sẽ là con đường duy nhất của mình – là thứ mình sẽ phải thật giỏi và phấn đấu đến cùng.

Phải chăng chính môi trường học tập đã khiến em yêu thích thanh nhạc cổ điển?

Thực ra cũng không hẳn. Khi mới vào trường em chỉ nghĩ là mình phải thật chăm chỉ thôi, em chưa có một cái định hướng về con đường mình sẽ theo đuổi. Cái ngọn lửa đam mê chỉ thực sự bùng lên khi lần đầu tiên em được tới nhà hát, xem các vở nhạc kịch, các buổi hòa nhạc của các nghệ sĩ gạo cội như cô Tố Loan, cô Thăng Long, hay nghệ sĩ Trang Bùi. Cái tần số rung của giọng hát trong thanh nhạc cổ điển đặc biệt lắm, nó thực sự chạm vào trái tim em ngay cả em không hiểu gì lời. Em cảm thấy hạnh phúc khi được nghe các nghệ sĩ hát trực tiếp trên sân khấu như thế và em đã khóc – đấy là cái khoảnh khắc mà em nhận ra rằng em nhất định phải làm được giống họ. Em về nói với các cô giáo chuyên ngành của em là em muốn theo đuổi thanh nhạc cổ điển – có lẽ cô đã thấy được đam mê nhiệt huyết đó và hai cô trò đã từng bước dìu dắt nhau trên con đường này. Điểm số của em dần cải thiện, điểm chuyên ngành tốt nghiệp cũng trong số top đầu và em cũng bắt đầu gặt hái được một số giải thưởng ca hát nhỏ. Hiện em đang tiếp tục theo học hệ cao học của Học viện Âm nhạc QG. Tất nhiên giọng hát em bây giờ cũng chưa phải gì ghê gớm nhưng đã ít nhiều có sự trưởng thành và loại bỏ được những nhược điểm, lỗi sai cơ bản. Em sẽ tiếp tục phấn đấu tiếp để hoàn thiện nó và có thể đứng trên sân khấu lớn như những nghệ sĩ opera mà em ngưỡng mộ.

Dự định trong tương lai của Quỳnh là gì?

Dự định thì nhiều nhưng trong thời điểm dịch dã thế này thì chẳng tính được điều gì. Trước mắt em muốn tham gia một số cuộc thi cổ điển, thính phòng quy mô lớn hơn ở trong nước để tích lũy thêm kinh nghiệm. Em cũng có mơ ước sau này có thể trở thành diễn viên solist của nhà hát Nhạc vũ kịch. Còn hiện tại em vẫn đang dạy hát thôi, ít nhất là qua việc đó, em có thể truyền được ngọn lửa và ước mơ của mình với học sinh như những gì mình đã nhận được. Nhưng để có thể làm được tất cả những việc đó thì em cũng cần có lượng kiến thức và chuyên môn vững vàng hơn nữa. Và việc tham gia Operaphilia góp phần bồi đắp và củng cố cho em rất nhiều.

Operaphilia mang lại cho em điều gì?

Có thể rất nhiều bạn ở ngoài nghĩ rằng Operaphilia chỉ là một nhóm nghệ sĩ biểu diễn, và tham gia nhóm là để được hát solo, được tiếp cận khán giả. Phần nào cũng đúng nhưng không hoàn toàn vậy. Bọn em được tham gia các buổi offline để cùng nghe nhạc, cùng trao đổi về kiến thức lịch sử thanh nhạc, phong cách, từng thời kỳ hay các nhà soạn nhạc quan trọng. Những buổi sinh hoạt đó giúp cho em rất nhiều về việc hiểu âm nhạc, hiểu tác phẩm và hoàn thiện bản thân về mặt trình diễn còn các concert thường kỳ chỉ là kết quả tất yếu của nó mà thôi. Em không quan trọng việc được hát solo, kể cả hát một câu hát đệm, hát bè hợp xướng cũng không sao hết. Các thành viên trong nhóm cũng khá đa dạng về xuất phát điểm dù đều là người học chuyên nghiệp, có những anh chị là nghệ sĩ tên tuổi của nhà hát, có những em đang học cao đẳng và trung cấp năm nhất năm 2, nhưng không ai có sự phân biệt cả. Mọi người đều coi nhau là những người bạn có chung niềm đam mê là có thể truyền được tình yêu âm nhạc của mình cho khán giả phổ thông. Đam mê thì luôn cần phải giữ, và khi có mục tiêu, có quyết tâm thì mọi thứ đều có thể làm được.

Cảm ơn Quỳnh và chúc buổi diễn sắp tới sẽ diễn ra thành công!

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.