You are here

Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam tuổi Trăng tròn

Tác giả: 
Trương Ngọc Xuyên

Khu Di tích Đình – Đền Hào Nam nơi thờ Đức Thánh Linh Lang Đại vương tọa lạc cuối ngõ 29 phố Vũ Thạnh, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa - Hà Nội. Bỏ lại sau ồn ào của phố thị, bước chân vào cổng Đình là hai cây hoa Gạo rực rỡ sắc đỏ những ngày của tháng 3 và thoang thoảng mùi hương thơm của hoa Ngọc Lan, Hoàng Lan, trong khuôn viên Đình được bao trùm với rất nhiều cây cổ thụ như Xoài, Muỗm, Đa, hoa Đại, những cây này đã được công nhận là “cây Di sản” với hàng trăm năm tuổi ôm trọn mái đình và hồ bán nguyệt, không gian của Đình rộng thoáng mát mẻ tĩnh lặng. Vào ngày tuần, rằm, ngày lễ, du khách đến thăm viếng, thắp hương trong Đình - Đền sẽ bắt gặp nhiều âm thanh Trống phách, đàn ca, sáo, nhị… say đắm thu hút người nghe vang vọng từ phía trong Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam. Đây là trụ sở làm việc và nơi luyện tập của Trung tâm từ chục năm qua được Ban quản lý khu Di tích Đình – Đền Hào Nam cho mượn để Trung tâm có nơi có chốn đi về.

Tuổi 15 của Trung tâm qua đi vào năm 2020, thời cao điểm của đại dịch Covid-19 nên Trung tâm không tổ chức Lễ kỷ niệm. Vào những ngày đầu tháng 3 năm 2021, Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam vừa tròn 16 tuổi, anh em nghệ sĩ quây quần bên nhau sau những ngày dịch Covid-19 đã tạm lắng để cùng nhau ôn lại chuyện nghề, chuyện đời, vui buồn…

Nhìn lại từ những ngày đầu thành lập: Ngày 01 tháng 3 năm 2005, Bộ trưởng, Bộ Nội vụ có công văn số 393/BNV-TCPCP cho phép thành lập Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam, tiếp ngay sau đó ngày 07 tháng 3 năm 2005 Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam (nay là Chủ tịch) ra Quyết định số 09/2005/QĐ-HNS về việc thành lập Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam, cũng cùng ngày 07 tháng 3 năm 2005, Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam có Quyết định về việc phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam. Trung tâm là tổ chức phi chính phủ hoạt động về nghệ thuật biểu diễn Âm nhạc dân gian, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tự trang trải về tài chính, có con dấu và tài khoản riêng, chịu sự quản lý trực tiếp của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Trung tâm phát triển nghệ thuật Việt Nam ra đời và hoạt động nhằm mục đích: Đoàn kết, giúp đỡ, phát huy các tài năng âm nhạc truyền thống và đương đại. Tổ chức các chương trình Hội thảo và biểu diễn trong nước, giao lưu Quốc tế, giới thiệu các tác phẩm, tác giả đương đại cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống. Sưu tầm bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật âm nhạc truyền thống. Phối hợp với các đơn vị văn hóa nghệ thuật để xây dựng, phổ biến kịp thời, đầy đủ Chủ trương Chính sách của Đảng và Nhà nước; đào tạo truyền dạy âm nhạc dân gian.

Về cơ cấu tổ chức: Trung tâm có:

- Ban Giám đốc (Giám đốc và các Phó Giám đốc).

Các Phòng, Ban:

- Văn phòng;

- Phòng Nghệ thuật biểu diễn;

- Phòng Giáo vụ - Đào tạo;

- Phòng Nghệ thuật Quần chúng;

- Đoàn nghệ thuật thanh thiếu niên “Ánh Dương”;

- Ban Văn nghệ Miền núi, Biên giới - Biển đảo;

- Ban Nghiên cứu - Sưu tầm và các Câu lạc bộ nghệ thuật.

Chất lượng đội ngũ: Hầu hết đều có trình độ đại học, trên đại học và nhiều cá nhân là Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân Ưu tú.

Ngay từ ngày đầu khi được phép thành lập năm 2005. Trung Tâm đã quy tụ được nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân hàng đầu Việt Nam về âm nhạc dân gian như GS-TS Minh Khang, giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Giám đốc đầu tiên của Trung tâm), Nhạc sĩ Thao Giang, các NSƯT Văn Ty, NSND Xuân Hoạch, NSND Hạnh Nhân, NSND Thanh Ngoan…, với tấm lòng nhiệt huyết và yêu nghệ thuật dân gian dân tộc các nghệ sĩ đã vượt qua những khó khăn, đã tự bỏ công, bỏ của đi điền dã trên khắp mọi miền đất nước, tìm ra những nghệ nhân còn sót lại trong quần chúng, sưu tầm các làn điệu hát Xẩm, hát Văn, Trống quân, dân ca các vùng miền... để ghi âm, phục dựng nâng cao phát triển đưa lên sân khấu biểu diễn. Nhạc sĩ Thao Giang là người đầu tiên đã đưa nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu từ Ninh Bình ra Hà Nội biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI với bài “Theo Đảng trọn đời”, được nhạc sĩ Thao Giang chỉnh sửa và biên soạn lại. Vào cuối thập niên 1980 thế kỷ XX được sự ủng hộ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và sự khuyến khích của nhạc sĩ Hồng Đăng (lúc đó là Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam), Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam được thể nghiệm lần đầu tiên đưa lên sân khấu bộ môn hát Chầu Văn và Diễn xướng giá đồng (do NSND Thúy Mùi và nghệ sĩ Thanh Huyền thể hiện) đã mang lại kết quả rất tốt đẹp. Đó cũng là tiền đề cho sự phát triển nghệ thuật diễn xướng trong tín ngưỡng thờ Mẫu trong Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Điểm lại những thành tích 16 năm xây dựng và phát triển mà Trung tâm đã đạt được:

Về công tác sưu tầm, bảo tồn phục dựng phát triển nghệ thuật truyền thống, Trung tâm đã sưu tầm, phục dựng nâng cao được hàng trăm các làn điệu dân ca các vùng miền trong cả nước. Đặc biệt là bộ môn Hát Xẩm đã được nhạc sĩ Thao Giang cùng nhóm nghệ sĩ sưu tầm đã phục dựng phát triển, viết thêm phần nhạc “Lưu không” chuyển điệu cho phong phú, chỉnh sửa hoàn chỉnh nâng cao hơn 10 làn điệu hát Xẩm như: Xẩm thập ân, Xẩm huê tình, Xẩm phồn huê, Xẩm tàu điện, Xẩm nhà tơ, Xẩm hò khoan, Xẩm sai, Xẩm chợ, Xẩm ngâm, Xẩm xoan…

Trên cơ sở các làn điệu hát Xẩm, các nghệ sĩ đã chọn những bài thơ nổi tiếng để lồng điệu. Đơn cử như những bài thơ: “Giăng sáng vườn chè”, “Lỡ bước sang ngang”, “Chân quê” của Nguyễn Bính; “Cô hàng nước” của thi sĩ Á nam Trần Tuấn Khải; “Mục hạ vô nhân” của Nguyễn Khuyến; “Nhớ Mẹ ta xưa” của Nguyễn Duy… và Thơ của nhiều tác giả khuyết danh cũng như đương đại khác. Ngày nay hát Xẩm được phổ biến rộng rãi trong quần chúng trong nước cũng như cộng đồng người Việt ở nước ngoài, Xẩm được biểu diễn trên các sân khấu lớn và ở các cuộc thi “Sao Mai” toàn quốc. Để khuyến khích các tài năng trẻ và những nghiên cứu có giá trị về hát Xẩm, Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đã lập ra “Giải thưởng Trần Quốc Đĩnh” nhằm tôn vinh nghệ thuật hát Xẩm.

Ngoài hát Xẩm, các bộ môn hát Văn, hát Trống Quân được Trung tâm sưu tầm, hệ thống lại bài bản, dàn dựng đưa lên sân khấu biểu diễn trong và ngoài nước.

Biểu diễn giới thiệu âm nhạc dân gian là một trong những nhiệm vụ chính của Trung tâm. Sau một năm thành lập Trung tâm đã có những tiết mục âm nhạc đặc sắc được vinh dự biểu diễn trong các hoạt động văn hóa phục vụ Hội nghị cấp cao APEC 2006 tổ chức tại Việt Nam. Hơn 15 năm nay khán giả Thủ đô và du khách quốc tế đã quen với sân khấu trên những tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội như: Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Ngang, Hàng Đào, sân khấu chợ đêm Đồng Xuân và khu Di tích Quốc gia Văn Miếu - Quốc Tử Giám, địa chỉ quen thuộc mà những tối cuối tuần khán giả được thưởng thức những tiết mục hát Xẩm, hát Văn và những bộ môn nghệ thuật dân gian đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phí vật thể của nhân loại do các nghệ sĩ của Trung tâm biểu diễn.

Mở rộng các hoạt động biểu diễn phục vụ quần chúng, Trung tâm đã tổ chức nhiều chương trình biểu diễn phục vụ vùng biên giới, biển đảo, vùng sâu vùng xa. Những chuyến đi biểu diễn giao lưu đầy cảm xúc với đồng bào các dân tộc và các chiến sĩ ở các đồn biên phòng tại huyện Mường Tè - Lai Châu; tham gia Lễ hội Ném Còn quốc tế Việt Nam - Lào - Trung Quốc tại Lai Châu, mà nòng cốt là những diễn viên trẻ của Đoàn nghệ thuật Thanh thiếu niên “Ánh Dương” của Trung tâm.

Không chỉ biểu diễn trong nước, những năm vừa qua Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đã đi biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt Nam và giao lưu quốc tế tại một số nước châu Âu như Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Séc… những chương trình nghệ thuật của Trung tâm được bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt ở nước ngoài đánh giá cao và đón nhận nhiệt tình.

Số lượng buổi diễn hàng năm của Trung tâm đạt trung bình trên, dưới 100 buổi/năm, đây cũng là con số không thua kém với một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp được Nhà nước bao cấp.

Song song với việc sưu tầm bảo tồn và dàn dựng biểu diễn, Trung tâm coi trọng việc đào tạo, truyền dạy cho lớp trẻ và quần chúng. Để có những lực lượng trẻ, đội ngũ kế thừa những Di sản Âm nhạc dân gian, Trung tâm đã xin phép Bộ Giáo dục - Đào tạo cấp mã ngành đào tạo, Trung tâm đã liên kết với Học viện Âm nhạc Huế đào tạo ở bậc đại học và cao học chuyên ngành hát Xẩm - Trống Quân, hát Văn, hát Quan Họ và nhạc cụ truyền thống. Kết quả khóa đầu tiên (2011-2016) đã đào tạo và cấp bằng cho 20 cử nhân. Năm 2018 có 06 thạc sĩ (trong đó có 03 thạc sĩ đã được cấp bằng), có một số học viên của khóa đào tạo này hiện nay đang đảm nhiệm các trọng trách ở các Đoàn nghệ thuật. Để đáp ứng nhu cầu học tập của đông đảo quần chúng ở mọi lứa tuổi, Trung tâm thường xuyên mở các lớp dạy hát dân ca, nhạc cụ truyền thống, thu hút đông đảo người tham gia.

Hàng năm nhân ngày Âm nhạc Việt Nam 03/9, Trung tâm thường xuyên tổ chức những chương trình Liên hoan nghệ thuật quần chúng Đàn và Hát Dân ca ở hai địa điểm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để các Câu lạc bộ nghệ thuật có cơ hội giao lưu và thể hiện những tiết mục đặc sắc của mỗi Câu lạc bộ. Ở mỗi cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng như vậy đã có tới gần một trăm Câu lạc bộ tham gia ở mọi lứa tuổi, phong phú về thể loại (địa điểm Hà Nội: tham gia có các Câu lạc bộ đến từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Vĩnh Phúc…; địa điểm thành phố Hồ Chí Minh: tham gia có các Câu lạc bộ đến thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đắc Lắc…). Kết thúc Liên hoan các Câu lạc bộ, cá nhân, được tặng Giấy khen của Ban tổ chức. Qua các cuộc Liên hoan, Trung tâm đã thu nhận được nhiều kết quả trong việc khuyến khích phong trào nghệ thuật dân gian truyền thống cũng như tìm ra được nhiều tiết mục đặc sắc của các dân tộc.

Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam, tổ chức xã hội hóa, tự chủ tài chính 100%, từ khi thành lập tới nay Trung tâm luôn luôn đón nhận được sự yêu mến từ quần chúng nhân dân về tinh thần cũng như vật chất. Trung tâm đã chấp hành tốt các nghĩa vụ, chính sách cũng như các phong trào của Đảng, Nhà nước đề ra. Đối với địa phương, Trung tâm đã cùng với Ban quản lý Di tích Đình – Đền Hào Nam, năm 2009 phục dựng lại điệu Múa “Con đĩ đánh bồng” một điệu Múa cổ của làng Hào Nam, quận Đống Đa, Hà Nội. Năm 2018 Trung tâm đã giúp đỡ xây dựng cho phường Khương Hạ, quận Thanh Xuân Hà Nội xây dựng dàn nhạc Lễ với hơn 30 người.

Với các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp: Năm 2018, 2019 Trung tâm đã phối hợp với Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam mở lớp tập huấn truyền dạy những kỹ năng, phong cách, thể cách hát truyền thống cho lực lượng nghệ sĩ trẻ một số bộ môn hát Xẩm, hát Văn, Ca Trù...

Phát huy những thành quả đã được qua 15 năm, Trung tâm đặt ra mục tiêu phát triển và kế hoạch 5 năm tiếp theo:

1. Công tác sưu tầm, nghiên cứu: Điền dã ghi chép tài liệu và học truyền khẩu tại chỗ hai dòng hát Xẩm Hà Nam và Xứ Nghệ.

2. Về đào tạo và truyền dạy: Tiếp tục liên kết với Học viện Âm nhạc Huế (hoặc một cơ sở đào tạo nghệ thuật khác) mở 5 chuyên ngành đào tạo ở bậc đại học gồm: Ca Trù, hát Chầu Văn, hát Quan Họ, hát Xẩm - Trống Quân và nhạc cụ truyền thống, đi đôi với việc đào tạo là thường xuyên mở các lớp dân ca, dân nhạc truyền dạy cho các Câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng.

3. Về biểu diễn: Tiếp tục xây dựng tiết mục, chương trình biểu diễn giới thiệu những kết quả sưu tầm, nghiên cứu, nâng cao chỉnh sửa các thể loại dân ca, dân nhạc từ các địa phương thu thập được tại sân khấu thủ đô và thành phố Hồ Chí Minh

4. Hoàn thiện thủ tục xin phép Bộ Nội Vụ thành lập “Quỹ hỗ trợ nghệ thuật truyền thống Việt Nam”.

Ghi nhận những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, Trung tâm đã được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các Bộ, Ban, Ngành như: Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch; Đài Tiếng nói Việt nam; Hội Nhạc sĩ Việt Nam…

16 năm một chặng đường đã đi qua, Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, phục trang đạo cụ, phương tiện vận chuyển thiếu thốn, lạc hậu. Không có trụ sở làm việc, phải tự túc kinh tế, bươn chải trong môi trường khắc nghiệt của kinh tế thị trường, cộng với khó khăn của đại dịch Covid-19. Khó khăn chồng chất khó khăn, song với tinh thần đoàn kết, yêu nghề của tập thể lãnh đạo, nghệ sĩ của Trung tâm đứng đầu là Giám đốc “Thuyền trưởng” nhạc sĩ Thao Giang, người mà cả đời dành hết tâm huyết của mình cho sự nghiệp âm nhạc dân tộc đã chèo lái “Con thuyền” Trung tâm, cùng với sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trung tâm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều các tổ chức, các mạnh thường quân chung tay giúp đỡ, chắc chắn Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam sẽ có nhiều bước phát triển bền vững.

Hà Nội, tháng 4/2021

Trương Ngọc Xuyên Phó Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam

Một số hình ảnh hoạt động âm nhạc của Trung tâm:

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.