You are here

Từ Thế Giới Mới - Giao Hưởng Số 9 của ANTONÍN DVOŘÁK

Bản thảo chép tay Giao hưởng 9 của Antonín Dvořák

Đối với nhiều khán giả đi nghe nhạc cổ điển lâu năm, có một lệ “ngầm” mà có lẽ mỗi người đều tự nhận thấy, đó là hạn chế không vỗ tay ở khoảng nghỉ giữa các chương trong một tác phẩm như concerto, giao hưởng, hoặc có chăng thì vỗ tay khi vừa hết chương đầu. Lý do đơn giản là để không làm đứt mạch âm nhạc xuyên suốt cả tác phẩm dài. Thói quen này có thể gọi là “lệ”, không là quy tắc cứng nhắc, bởi thực chất vỗ tay là biểu hiện vô tư nhất của người mến mộ cái đẹp khi muốn tán thưởng một màn trình diễn nghệ thuật tuyệt vời. Trong lịch sử trình diễn giao hưởng, có một tác phẩm đã khiến cho cả nhà hát vang rền tiếng vỗ tay như sấm sau từng chương, không chỉ lúc hết chương 1 hay kết toàn bộ tác phẩm, và tác giả cảm thấy mình phải đứng dậy và cúi chào cảm tạ công chúng: nhạc sỹ đó là Antonín Dvořák, trong buổi công diễn Giao hưởng số 9 “Từ thế giới mới” của ông ngày 16 tháng 12 năm 1893 tại New York.
Khi bản giao hưởng được xuất bản, nhiều dàn nhạc phía châu Âu đã lựa chọn biểu diễn ngay, và tác phẩm lập tức phổ biến ra khắp hai bên Tân thế giới và Cựu thế giới. Sự nhiệt tình của khán thính giả khắp địa cầu đã chứng minh cho sức mạnh hoà hợp lòng người của âm nhạc: trong bản “Từ thế giới mới”, người ta vừa nghe thấy quen thuộc từ truyền thống Tây Âu do Beethoven xác lập, chất liệu dân ca dân vũ của Anh-điêng, vừa cảm nhận được chút gì đó từ dòng nhạc tâm linh của người Mỹ gốc Phi… Dường như, Dvořák đã vay mượn từ âm nhạc của quê hương Bohemia, đặc biệt là trong các điệu nhảy Slav (Xla-vơ) và thang âm ngũ cung.
Giao hưởng 9 được Dvořák viết không chỉ bởi ông đã nghe thấy thanh âm người Mỹ đàn hát, mà còn được chắp bút khi ông nhìn thấy một nước Mỹ non trẻ đang hình thành, cả ở thành phố New York nơi ông làm giám đốc Nhạc viện quốc gia, và cả ở thảo nguyên Iowa nơi ông tới mùa hè.
Vẫn giữ lối kết cấu 4 chương của thể loại, Dvořák đưa hơi thở mới mẻ vào tác phẩm bằng nhiều chất liệu nhạc từ nhiều vùng miền:
Chương 1 có khởi đầu với một đoạn dẫn nhập Adagio chậm, chứa đựng âm hình chủ đạo (leitmotif). Bắt đầu vào tốc độ rất nhanh Allegro molto là cấu trúc sonata: phần trình bày gồm chủ đề 1 Mi thứ nhanh nhẹn, chủ đề 2 Sol thứ mang dáng dấp điệu nhảy polka Czech và âm hình kết gần với giai điệu Swing Low, Sweet Chariot – một bài hát truyền thống của người Mỹ gốc Phi. Chương nhạc kết thúc bằng một coda, có chủ đề chính do kèn đồng chơi trên nền tutti toàn dàn nhạc.
Chương 2 Largo - chậm nghiêm trang, bắt đầu bằng chuỗi hợp âm do khối kèn hơi diễn tấu. Sau đó kèn Cor Anh chơi chủ đề chính nổi tiếng, dàn dây đệm khẽ tiếng. Phần giữa chương khơi dậy một tâm trạng hoài nhớ và cô liêu… dần dẫn tới một đoạn hành khúc tang lễ trên nền gảy pizzicato.
Chương 3 là một chương scherzo viết ở hình thức ba phần, phần đầu Molto vivace rất nhanh, rộn ràng; phần giữa Poco sostenuto hơi kìm nén. Chương 3 chịu ảnh hưởng từ sử thi Khúc ca Hiawatha (The Song of Hiawatha) của Henry Wadsworth Longfellow. Ở Coda của chương 3 ta lại nghe vang vọng chủ đề chính chương 1.
Chương 4 Allegro con fuoco – nhanh sôi nổi mang hình thức sonata. Phần mở đầu của chương ngắn gọn, sau đó chủ đề chính do kèn horn và trumpet trình bày, tương phản với phần đệm hợp âm của cả dàn nhạc. Chủ đề 2 do bè clarinet chơi trên cao, trên nền láy rền tremolo của tổ dây. Chương nhạc đạt tới cao trào cực điểm ở coda, trong đó chất liệu từ ba chương trước được sử dụng lần cuối. Cuối cùng, bầu không khí khải hoàn khép lại cả chương cũng như toàn bộ tác phẩm.
Về sau, năm 1956 nhạc trưởng kiệt xuất Leonard Bernstein đã nghiên cứu, lần theo dấu vết từng chủ đề trong tác phẩm, tìm thấy nguồn gốc Pháp, Scotland, Đức và cả Czech của mỗi giai điệu ấy. Bernstein kết luận: đây là một tác phẩm mang tính đa dân tộc. Điều này có lẽ ứng với tinh thần của thời đại mới, khi các công dân trên toàn cầu đều hướng tới hội nhập và giao lưu, chia sẻ tinh hoa văn hoá cùng nhau.

Nghe tác phẩm do nhạc trưởng Bernstein chỉ huy https://youtu.be/E7YaiW6vmPk
 

Tác phẩm đã được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trình diễn trong buổi Hoà nhạc Toyota 2022 vào ngày 28 tháng 7 tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh, và ngày 5 tháng 8 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji.

 

  

 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.