You are here

“Vẽ Phúc đang say”

Tác giả: 
Đặng Hữu Phúc

Kỷ niệm đúng 40 năm một bữa liên hoan (22 tháng 4/1981)

Năm 1981, Việt Nam đang ở dưới đáy của sự cùng cực.

Cũng là năm mà lần đầu tiên tôi viết nhạc film để “làm ăn”, ra với cuộc đời.

Đó chỉ là nhạc cho một phim Thời sự tài liệu (TSTL) có tên “Tuổi thơ và trách nhiệm” của đạo diễn Trần Thịnh, mọi người vẫn gọi ông là Thịnh râu (1932 – 1986), thực ra film TSTL chỉ cần nhạc nền, chọn nhạc cũng được, không cần thiết phải sáng tác.

Chân dung đạo diễn Trần Thịnh củah hoạ sĩ Bùi Xuân Phái vẽ tối 22 tháng 4/1981

Vì sao ông lại biết tôi và mời tôi viết nhạc? đó là do nhạc sĩ Văn Cao giới thiệu.

Ảnh chụp nhạc sĩ Văn Cao chúc mừng tác giả đêm Recital đầu tiên của Đặng Hữu Phúc (15/11/1978)

Lúc đó là năm 1981, không dễ để cho một nhạc sĩ trẻ, mới ra trường được chen vai vào chốn làm ăn khi đó vốn đã rất ít việc.

Dĩ nhiên là sóng gió nổi lên, đầu tiên là ngay xưởng phim TSTL phản đối (người phụ trách về âm nhạc của xưởng phim khi đó là ông Đào Việt Hưng). Nhưng đạo diễn Trần Thịnh chơi rất quyết liệt: ông đe trả lại film nếu xưởng không đồng ý cho tôi làm nhạc.

Ảnh đạo diễn Trần Thịnh

Xưởng film tạm thời đồng ý, nhưng họ lại đưa ra một chướng ngại vật thứ hai: theo quy định phải là hội viên Hội Nhạc sĩ mới được viết nhạc, và tiền thù lao, theo quy định, phải gửi về Hội Nhạc sĩ, nếu không phải là hội viên thì không lĩnh được.

Cái này thì đúng quy trình và tôi chịu đầu hàng rồi.

Thất vọng, tôi đem chuyện này nói cho nhạc sĩ Trọng Bằng biết, lúc đó ông cũng có vai vế trong Hội Nhạc sĩ, ông Trọng Bằng nói: cứ chuyển tiền về Hội theo tên ông, và ông sẽ nhận giúp tôi tiền nhuận bút.

Vậy là bế tắc đã được khai thông.

Cũng xin nói luôn là tiền nhuận bút cũng chả đáng bao nhiêu, nhưng thời điểm đó, chả ai có việc gì làm, không có thu nhập gì, cả xã hội lúc đó đói thực sự theo nghĩa đen.

Phụ lục: một câu chuyện về nhuận bút viết nhạc cho phim khi đó, khoảng năm 1988, đạo diễn Lưu Hà nhờ tôi viết nhạc, cũng cho phim TSTL, anh nói: tôi sẽ trả nhuận bút, tiền tác giả cho anh tương đương 100 quả trứng gà (thời giá bây giờ 100 quả trứng gà x 3.000₫ = 300.000₫ = khoảng 13 usd).

...Rồi mọi chuyện cũng xong xuôi, lần đầu tiên tôi được lĩnh tiền nhuận bút, to chuyện đấy chứ! Và lĩnh nhuận bút là phải khao, thời đó là vậy.

Đạo diễn Trần Thịnh nói tôi làm bữa liên hoan và mời: bác Văn Cao, bác Bùi Xuân Phái, nhà thơ Dương Tường, tôi mời thêm ông Trọng Bằng (đã giúp tôi lấy được nhuận bút). Tất nhiên là còn đạo diễn Trần Thịnh và tôi trong buổi liên hoan đó, tất cả 6 người.

Chân dung nhạc sĩ Văn Cao do Bùi Xuân Phái vẽ tối 22/4/1981

Hồi đó không có nhà hàng như bây giờ, vì vậy liên hoan chỉ có làm tại nhà.

Tôi khi đó ở một cái chái vẩy thêm từ gara ôtô ở 25 phố Trần Bình Trọng, vốn là một biệt thự từ thời Pháp của gia đình bác sĩ Hoàng Đình Cầu, thứ trưởng bộ Y tế lúc bấy giờ.

Cái phòng này (gọi là phòng cho oai) rộng chỉ có 9,5 m2, làm bằng tre nứa, mái lợp giấy dầu Liên Xô. Khi trời mưa, nhất là ban đêm, mưa lộp bộp trên mái, vì vậy gọi là cái lều thì đúng hơn.

Phía sau là căn lều 9,5m2 bằng tre nứa, lợp giấy dầu mà tôi ở 10 năm
Vì không có ảnh chụp nào, nên đành đưa 2 bức ảnh này lên để minh hoạ

Xin nói thêm một chút về cái phòng này, thời đó, chả ai có phòng riêng, nhà tôi ở phố Lò Đúc, chỉ một phòng 32 m2, gồm bố mẹ và bảy anh chị em ở. 

Chật chội và chung đụng, mâu thuẫn các thế hệ, nên tôi vào ở tập thể học sinh trường Âm nhạc Việt Nam, Ô Chợ Dừa suốt thời học sinh, dễ đến 6-7 năm.

Sau khi tốt nghiệp 1979, không được ở ký túc xá nữa. Về nhà thì không ở được, tôi đi tìm chỗ ở có thể kê được cái piano còn hành nghề viết nhạc.

Hà Nội khi đó chưa mở rộng, chỉ có khu phổ cổ từ thời Pháp, đất Hồ Tây còn để hoang chưa có ai ở.

Tìm một chỗ ở Hà Nội lúc đó, như mẹ tôi nói với tôi “khó như tìm đường lên trời”...

Xoay sở mãi, cuối cùng tôi cũng tìm được cái chái 9,5 m2 này, với giá 2 chỉ rưỡi vàng.

Lúc đó ở Hà Nội, ai có “vòm” riêng, dù là chỉ vài mét vuông, cũng là lý tưởng.

Trở lại buổi liên hoan sáu người từ chiều đến tối hôm đấy...

Tôi đi mua vài lạng thịt bò và mấy quả cà chua, nhờ cô Minh, con gái bác sĩ Hoàng Đình Cầu thái hộ thịt.

Rồi ra phố Trần Quốc Toản mua bánh phở và nước phở của một cửa hàng bán phở, đun thì mượn cái bếp dầu, nồi niêu, bát đũa của nhà bác sĩ Hoàng Đình Cầu. 

Phở tự nấu! Tất cả món ăn của bữa liên hoan chỉ có thế, đương nhiên quan trọng nhất vẫn là rượu, rượu quốc lủi, thời đó chỉ có rượu sắn Làng Vân.

Nhà không có bàn ghế gì, nên rải chiếu xuống nền nhà, tất cả khách và chủ đều ngồi dưới đất, ai dựa lưng vào đâu thì tuỳ.

Khoảng 5h chiều bác Phái đạp cái xe đạp cà tàng đến, đầu tiên, bác tặng tôi một bức tranh Phố Phái nhỏ.

Tranh họa sĩ Bùi Xuân Phái tặng cho tác giả bài viết 22/4/1981

Bác Văn Cao được vợ bác đưa đến, rồi đạo diễn Trần Thịnh, nhà thơ Dương Tường...

Chân dung Dương Tường của Bùi Xuân Phái vẽ tối 22/4/1981

Cuối cùng là ông Trọng Bằng, ông đi xe máy Peugeot 102 màu đỏ đến.

Vào phòng, thấy các ông Văn Cao, Bùi Xuân Phái thì ông Trọng Bằng có vẻ ngại, vì lúc đó, các cụ là thành phần “phản động” (những tinh hoa trí thức còn sót lại) tốt nhất là nên tránh để khỏi ảnh hưởng đến sự nghiệp quan trường đang lên của ông, vì vậy ngồi một lát, nóng ruột, ông nói tôi làm trước cho ông một bát phở, ông ăn trước để về có việc (ông chuẩn bị dẫn Đặng Thái Sơn lần đầu đi biểu diễn ở một số nước như Tây Đức, Nhật Bản… sau khi đoạt giải Chopin danh giá lần thứ X, 1980), ăn xong ông về ngay. Tôi còn nhớ cụ Phái đã ký hoạ chân dung ông bằng than và tặng ông đem về.

Và cuộc vui chỉ có uống và uống. Cụ Phái vẽ luôn tay, cụ Văn Cao cũng vẽ và ngồi vào đàn piano chơi tuỳ hứng (Improviser), cụ chủ yếu chơi bằng nắm đấm, cánh tay, khuỷu tay, cùi chỏ... rất là sấm sét.

Tranh Bùi Xuân Phái, vẽ NS Văn Cao đang chơi đàn tuỳ hứng tối 22/4/1981
Cụ Phái đề ở góc trên là Improviser Salon

Các cụ vẽ một lúc thì hết giấy, đến bây giờ tôi vẫn còn tiếc vì sự chuẩn bị phương tiện cho các cụ vẽ quá sơ sài, vì ngay lúc đó, cụ Phái đã nói vậy.

Vì cơn vẽ đang đà thăng hoa, cụ Phái liền vớ luôn quyển sách nhạc (Schedrin ballet Ana Karenina) và vẽ vào đó, cụ chủ yếu vẽ chân dung tất cả mọi người, đặc biệt, cụ Phái vẽ cụ Văn Cao, do quá hiểu nhau, nên chỉ cần mấy nét phác hoạ chì là đã ra ngay thần thái cụ Văn Cao.

Ảnh chụp quyển sách nhạc mà cụ Phái vẽ đè lên

Chân dung nhạc sĩ Văn Cao với chén rượu do Bùi Xuân Phái vẽ tối 22/4/1981

Có lúc mất điện, chuyện bình thường thời đó, rồi lại có lại, các cụ vẫn say sưa vẽ và chuyện trò rôm rả…

Tôi thì uống say quá, nên ngủ luôn, tuy mình là chủ nhà, kiêm nấu nướng, nhưng chả biết tôi có làm được phở cho các cụ ăn không, các cụ ra về thế nào… bây giờ không nhớ được nữa…..

“Tự nhiên mất điện mà tôi cứ viết trong bóng tối.
Vẽ Phúc đang say” - cụ Phái viết rất hồn nhiên

Sau này, mỗi lần tôi tới thăm cụ Phái ở phố Thuốc Bắc, cụ đều ký họa tôi, lúc thì bằng bút sắt, lúc thì bút dạ, cụ còn tự mình chọn một bức tranh Phố Phái nhỏ, vẽ phố Đông Thái tặng tôi.

Cụ Văn Cao thì tôi gặp từ 1974 và vẫn thường gặp cụ, cụ cũng vẽ chân dung tôi bằng bút dạ. Nhà cụ ở phố Yết Kiêu, cũng gần cái lều của tôi.

Tôi nhớ một buổi tối, cụ đến căn lều của tôi (cụ đi đâu cũng có bác gái đưa đi, đón về), rồi trong lúc ngồi chơi, mưa to, sấm chớp đùng đùng, hai bác cháu cùng đối ẩm.

Lúc đó cuộc thi chọn quốc ca mới (1981) đang ở giai đoạn chung kết, cụ trầm ngâm nói với tôi “Bác sẽ ra đi cùng với bài quốc ca”....

Hôm nay, 40 năm đã ở phía sau, nhìn lại những bức ký hoạ này, cảm thấy như giọng nói các cụ vẫn đâu đây. Thời gian đúng là như bóng câu qua cửa, nhanh như chớp mắt.

Đạo diễn Trần Thịnh mất khi mới 54 tuổi (1932-1986).

Bác Văn Cao, Bác Bùi Xuân Phái cũng đã quy tiên. Các bác cùng thế hệ với cha tôi, một thế hệ đau đớn, đói nghèo, bị o ép về tinh thần.

Người xưa nói “Bĩ cực, thái lai” nhưng Bĩ cực của cả một dân tộc kể “Từ ấy” đã kéo dài đến hết cả một đời người, cả mấy thế hệ.

Cuộc sống bây giờ thay đổi nhiều, tranh cụ Phái bây giờ đắt giá nhưng đời các cụ chả được hưởng, nhìn lại thế hệ các cụ bị đoạ đầy, khổ sở, ngẫm lại ta không khỏi ngậm ngùi.

------------------------------------------------------

(*) Tư liệu tham khảo thêm: thời điểm 1981, các cụ: Văn Cao 58 tuổi (1923-1995), Bùi Xuân Phái 61 tuổi (1920-1988), Dương Tường 49 tuổi, Trần Thịnh 49 tuổi, Trọng Bằng 50 tuổi.

Chân dung tác giả bài viết. 
Ký hoạ của Bùi Xuân Phái tối 22/4/1981

Tranh Bùi Xuân Phái vẽ Đặng Hữu Phúc đang say
Góc tranh cụ đề: tối 22.4.81

Hà nội 22 tháng 4 năm 2021
Đặng Hữu Phúc

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.