You are here

Hà Nội Mến Yêu Của Tôi

HÀ NỘI MẾN YÊU CỦA TÔI

Tác giả: Diễm Nguyệt

Hà Nội- trái tim của cả nước - là đề tài của biết bao áng văn thơ, âm nhạc.

Viết về Hà Nội có rất nhiều bài thơ, ca khúc, là tình cảm của những nhà thơ, nhạc sĩ đối với Thủ đô ngàn năm văn hiến. Có những ca khúc đi cùng năm tháng, sống mãi với thời gian. Lại có những bài hát tuy mới ra đời, nhưng người nghe vẫn cảm nhận được nét rêu phong cổ kính, trầm mặc của một Thăng Long hào hoa, cũng như tình cảm vẹn nguyên của tác giả dành cho Thủ đô yêu dấu.

Ca khúc “Hà Nội mến yêu của tôi” (Nhạc Lê Xuân Hòa, lời thơ Đỗ  Minh Hòa) là một bài hát như thế.

Phần lời của bài hát như sau:

“Tôi yêu Hà Nội thủ đô, nét đẹp nguyên sơ con đường lá đỏ. Tôi yêu phố cổ rêu phong sắc màu mùa thu hồ Gươm xanh thắm. Uy nghi Hoàng thành Thăng Long, di tích còn đây, lịch sử ngàn năm. Văn Miếu đất học rạng danh, những người hùng anh, và hôm nay thênh thang rực rỡ Ba Đình.

Hà Nội ơi! Năm tháng chiến tranh qua rồi. Hà Nội ơi! Xinh tươi phố phường đông vui. Hồ Tây xanh trong những ngày nắng đỏ, sông Hồng mênh mang những chiều lộng gió. Chợ Đồng Xuân náo nức những người qua.

Một tình yêu tôi hát về Hà Nội. Là trái tim Tổ quốc mãi ngàn năm. Hà Nội linh thiêng hào hoa văn hiến, Hà Nội trong tôi thủ đô yêu dấu, trọn niềm tin khúc hát Hà Nội ơi”.

Bài hát được viết ở giọng Đô trưởng, khúc thức a,b,b’.

Mở đầu bài hát, tác giả đã dẫn ta đi dạo quanh Hà Nội, cùng dạo bước trên những con đường lá đỏ, với nét đẹp nguyên sơ. Ta như thấy trước mắt những hàng cây trút lá mùa thu, tạo nên một nét đẹp riêng của Hà Nội. Những con phố Hoàng Diệu, Quang Trung rợp bóng cây, và cùng sóng bước nhẹ nhàng khoan thai, thả hồn vào thiên nhiên thân thiện.

Theo chân tác giả, chúng ta cùng đến thăm phố cổ với những ngôi nhà mái ngói rêu phong nhuốm màu thời gian. Và Hồ Gươm xanh thắm như gợi lại câu chuyện Rùa vàng trao gươm báu, sự tích vua Lê trả gươm, để rất đỗi tự hào. Và đây, Hoàng thành Thăng Long uy nghi những chiến công hiển hách, Văn Miếu ghi danh các bậc tiền nhân bởi hàng bia tiến sĩ, khẳng định một vùng đất học, rạng danh bảng vàng.

Đến Ba Đình rực nắng, chúng ta như thấy Bác vẫn trên đài cao, vẫy tay chào đồng bào trong Lễ tuyên ngôn độc lập, giọng Người ấm áp vang lên “Tôi nói đồng bào nghe rõ không…”. Để mỗi chúng ra rưng rưng khóe mắt, cảm xúc dâng trào và thêm yêu Hà Nội, thêm tự hào là người Thủ đô.

Nét nhạc trong đoạn a đều sử dụng các nốt nhạc thấp sol-mi- đô, kết hợp với tiết tấu chùm 3, đảo phách tạo nên sự dặt dìu, hoài niệm của người nghe trước những di tích lịch sử ngàn năm mà cha ông ta để lại cho đời sau. Kết thúc đoạn a là tiết tấu ngân dài với nhiều dấu nối, chuẩn bị cho cao trào của đoạn b tiếp sau đó.

Sang đoạn b, nét nhạc chợt vút lên cao với các nốt đố, rế, mí. Ca từ “Hà Nội ơi, năm tháng chiến tranh qua rồi” cho ta thấy một Hà Nội yên bình, phố phường đông vui sầm uất, người và xe hối hả ngược xuôi. Mảnh gương xanh Hồ Tây lộng gió với những cảnh đẹp xa mờ bên kia bờ. Chợ Đồng Xuân buôn bán giao thương tấp nập, và sông Hồng lộng gió với những cây cầu bắc ngang điểm thêm nét đẹp hiện đại của Thủ đô. Kết thúc đoạn b, nét nhạc được lấy nguyên tiết tấu của đoạn a với những dấu nối giữa các nốt son (là bậc 5 của giọng Đô) như chờ đợi, hẹn hò.

Đoạn b’ lấy lại gần như nguyên tiết tấu của đoạn b, như khẳng định tình cảm của tác giả với mảnh đất ngàn năm văn hiến. “Một tình yêu tôi hát về Hà Nội, là trái tim Tổ quốc mãi ngàn năm”. Một Hà Nội linh thiêng hào hoa, thành phố vì hòa bình – nơi để mỗi người dân gửi trọn niềm tin, để mỗi chúng ta khi đi xa vẫn nhớ về nơi ấy – một thành phố vừa cổ kính rêu phong, vừa hiện đại trong hội nhập, là trung tâm văn hóa và kinh tế của đất nước, là trái tim của đất mẹ Việt Nam. Nét nhạc được kết ở âm chủ tạo nên sự chặt chẽ về khúc thức âm nhạc, cho ta cảm giác bình yên, một kết thúc vẹn tròn.

Đây là ca khúc phổ thơ, nhưng ta không thấy sự lặp lại thường có, mà với tài năng của mình, nhạc sĩ Lê Xuân Hòa đã cho chúng ta một ca khúc với âm hưởng dặt dìu mênh mang, lại trào dâng niềm tư hào, mà vẫn vẹn nguyên cảm xúc.

Có một điều tôi muốn bật mí cùng các bạn: tác giả thơ (doanh nhân Đỗ Minh Hòa) và tác giả âm nhạc (nhạc sĩ Lê Xuân Hòa) hai tác giả cùng tên Hòa, lại đều có phu nhân tên Hương. Rất trùng hợp, ngẫu nhiên mà thú vị. Doanh nhân Đỗ Minh Hòa là người nổi tiếng làm từ thiện nhiều năm nay. Bất cứ địa chỉ nào khó khăn mà anh biết, cũng đều đến thăm hỏi động viên rất kịp thời. Nồi cháo từ thiện Hòa Hương đã nhiều năm đồng hành cùng bệnh nhân ở các bệnh viện lớn, giúp họ phần nào vượt qua khó khăn để chiến đấu với bệnh tật. Gia đình anh cả 3 thế hệ đều say mê làm từ thiện, như một niềm vui. Anh chị cũng là người làng hoa Ngọc Hà, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nên tình yêu với Hà Nội đã được viết lên thành thơ. Nhạc sĩ Lê Xuân Hòa có cùng đồng cảm, đã bật ra những nét nhạc dặt dìu, để chúng ta có được ca khúc “Hà Nội mến yêu của tôi” ngọt ngào mà say đắm lòng người.

Bài hát được thu thanh vào tháng 2 năm 2023, qua giọng hát của ca sĩ Tuấn Dũng thể hiện. Sau khi nghe “Hà Nội mến yêu của tôi”, chúng ta cùng tự hào mình là người thủ đô yêu dấu - mảnh đất văn hiến ngàn năm. Tự hào thốt lên hai câu thơ:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch, cũng người Tràng An.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
9 + 3 =