You are here

Vincenzo Bellini (1801-1835)

Tác giả: 
Trần Trung Dũng (tổng hợp)

“Con người của Bellini cũng giống như những giai điệu của ông: duyên dáng, lôi cuốn và nhạy cảm…Ồng rất thông minh và luôn có những cảm nhận đầy sức sống…Ông ý thức khá rõ về những gì mình muốn và ông hoàn toàn toàn không giống với kiểu nghệ sĩ ngây thơ và thiên về bản năng như một số người vẫn mô tả.” – Ferdinand Hiller

Vincenzo Salvatore Carmelo Francesco Bellini sinh ngày 3/11/1801 ở Catania, Sicily, Italia, là con trai của Rosario Bellini, một nghệ sĩ organ kiêm nhà soạn nhạc sân khấu. Theo những gì người ta kể lại thì tố chất thần đồng của Bellini được thể hiện đến mức khó tin. Một đứa bé mới 18 tháng tuổi đã có thể hát một aria của Valentino Fioravanti. Đứa bé này bắt đầu học lý thuyết âm nhạc khi mới hai tuổi, học piano năm lên ba và khi được năm tuổi đã có thể chơi tốt nhạc cụ này. Bất kể những điều trên có phải là sự thật hay không thì vẫn có một điều chắc chắn là Bellini đã lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc và sự nghiệp trở thành nhạc sĩ của cậu là điều không thể nghi ngờ. Bellini đã viết tác phẩm đầu tay của mình (Gallus cantavit) khi mới sáu tuổi. Cậu đã nhanh chóng trở thành một nhà soạn nhạc và nghệ sĩ trình diễn nổi tiếng trong hầu hết những phòng hòa nhạc của thị trấn. Thậm chí, cậu còn được mời làm người viết nhạc và nghệ sĩ organ cho một số nhà thờ.

Sau khi được người ông, Vincenzo Tobia dạy dỗ, Bellini rời Catania vào tháng 6/1819 để đến nhạc viện ở Naples, với một khoản tiền được chính phủ tự trị ở Catania cung cấp. Giai đoạn đó cũng là thời kỳ Bellini có mối tình với một cô gái tên là Maddalena Fumaroli. Tuy nhiên, bố của Maddalena, vốn là một quan chức ở địa phương, đã phản đối quan hệ này. Ông ta khi ấy đã chỉ coi Bellini như một nhạc công harpsichord bình thường. Năm 1822, Bellini tham gia vào lớp của Nicolò Zingarelli – giám đốc nhạc viện, nghiên cứu trường phái opera Neapolitan và các tác phẩm cho dàn nhạc của Haydn và Mozart. Với vở opera đầu tiên, Adelson e Salvini được trình diễn ở nhà hát Nhạc viện, Bellini đã trở thành một sinh viên đầy triển vọng. Donizetti đã từng hết lời tán dương Adelson e Salvini. Tiếp sau đó, vở Bianca e Gernando đã gặt hái được một số thành công ở Teatro San Carlo, điều này đã khiến ông bầu Barbaia muốn có một vở opera nữa của Bellini ở La Scala.

Trong những năm tiếp theo 1827 – 1833, Bellini ở Milan, nơi tất cả các cánh cửa đều mở rộng để đón ông. Bellini sống chỉ bằng tiền thu được từ các vở opera. Vở opera đầu tiên ở Milan, Il pirata (1827) đã có được thành công vang dội và đã bắt đầu cho sự cộng tác thân thiết và hiệu quả của Bellini với nhà thơ, nhà viết kịch Felice Romani. Bellini cũng có  một tình bạn gắn bó một với giọng tenor yêu thích của ông, Giovanni Battista Rubini, ca sĩ đã hát vai chính trong vở Bianca e Gernando.

Hậu thế nhớ về Bellini chủ yếu như một nhà soạn nhạc opera, đặc biệt là opera seria. Những bài dân ca Sicily và Naples đã từng tạo ra những ảnh hưởng đầu tiên đối với Bellini, sau đó là ảnh hưởng của Zingarelli, và trên hết chính là âm nhạc của Rossini. Buổi biểu diễn ở Naples vở Semiramide của Rossini năm 1824 là một trong những trải nghiệm âm nhạc mang tính quyết định nhất trong thời sinh viên của Bellini. Phong cách giai điệu mới mẻ trong những vở opera đầu tiên của ông đã cho thấy một sự đa cảm hóa và sự tôn thêm phong cách giai điệu của Rossini. Trong đó, vở Il pirata đã được mở rộng đến những cảm xúc sinh động và kịch tính. Với vở opera này, Bellini đã trở thành một trong những nhà soạn nhạc Ý có sức ảnh hưởng nhất; Donizetti và Pacini, Mercadante và Verdi, tất cả đều đã có sự học tập ông.

Ở Milan, Bellini thường xuyên được các ông bầu săn đón, những người vẫn muốn có một vở opera mới với khả năng thành công gần như chắc chắn. Tuy nhiên, Bellini đã không bao giờ nhận lời viết một vở opera mang tính hài hước. Ông đã rất khôn khéo trong việc sử dụng tài năng của mình và cũng rất thận trọng giới hạn thể loại các tác phẩm của mình. Bellini cũng không muốn viết quá nhiều như Rossini và Donizetti. “Tôi đã tự hạn chế mình trong việc viết nhạc, không nhiều hơn một tác phẩm mỗi năm. Tôi sẽ thuyết phục các ông bầu rằng, sự thành công của những vở opera phụ thuộc nhiều vào việc lựa chọn một chủ đề hay, vào những nốt nhạc biểu cảm ấm áp và sự tương phản của những cảm xúc” – Bellini đã viết những dòng này vào năm 1828. Và ông đã thực hiện đúng theo điều đó. Trên thực tế, Bellini đã là môt trong số ít những nhà soạn nhạc thời đó có thể sống được dựa vào thu nhập từ chính các tác phẩm của mình.

Vở La straniera (1828) thậm chí còn thành công hơn cả Il pirata. Nó là tâm điểm của những tranh luận trên báo chí vì phong cách mới cũng như những dịch chuyển hòa âm liên tục của nó đến những âm điệu ở xa. Bellini đã phơi bày những trải nghiệm trong đời sống xã hội và thói phô trương, ăn diện mà Heinrich Heine đã từng nhấn mạnh trong bức chân dung văn học về Bellini của ông (Florentinische Nächte, 1837). Vở Zaira (1829) của Bellini thất bại ở Teatro Ducale, nhưng Venice lại chào đón I Capuleti e i Montecchi, cũng dựa trên những bối cảnh ở Italia giống như Romeo và Juliet của Shakespeare. Sau vở I Capuleti e i Montecchi, Bellini đã thực sự có được sự trưởng thành lớn lao trong nghệ thuật. Nhưng cũng kể từ thời điểm đó, nỗi bất hạnh và đau đớn của bệnh tật bắt đầu đeo bám lấy Bellini. Một chứng viêm ruột quái ác đã hành hạ ông trong suốt phần đời còn lại.

Bellini đã dành một thời gian dài để dưỡng bệnh ở hồ Como, Lombardy. Trong thời gian này, Bellini cũng đang lao vào một cuộc ái tình say đắm với Giuditta Cantù, vợ của một địa chủ và nhà sản xuất lụa tên là Ferdinando Turina. Vụ rắc rối tình ái này của Bellini đã từng được lãng mạn hóa trong những tác phẩm văn học nổi tiếng, nhưng những sự thực thì không được hay như thế. Có một điều rất trớ trêu là, mối quan hệ này chính là kết quả của một sự tính toán chính xác và có chuẩn bị từ trước. Chính bản thân Bellini dường như cũng đã từng nói đến điều này vào năm 1828, trong một bức thư ông gửi cho người bạn Francesco Florimo (một nhà lịch sử âm nhạc và cũng là người viết tiểu sử chính thức của Bellini). Những “sự sa ngã” kiểu như thế này khiến cho chúng ta khó có thể hiểu được về ông một cách đầy đủ. Thực ra những người bạn và những người viết tiểu sử về Bellini cũng thường có những mô tả khác nhau và tương đối mâu thuẫn. Theo như Florimo thì Bellini có “một tâm hồn thuần khiết, đáng yêu, hiền lành, khiêm nhường nhưng dễ xúc động và thiếu thận trọng”, Giovanni Ricordi thì lại viết rằng Bellini là “một con người nóng nảy, sôi sục, lúc nào cũng sẵn sàng bùng lên thành ngọn lửa.” Tuy nhiên, theo Heinrich Heine, Bellini là người “tốt bụng và có phong cách khá quý phái. Tâm hồn ông chắc chắn là luôn luôn trong sạch và không bao giờ bị làm hoen ố bởi bất cứ âm mưu xấu xa nào.”

Năm 1831, hai vở La sonnambula và Norma ra đời. “Thất bại, thất bại, hoàn toàn thất bại”, ngay sau buổi diễn đầu tiên của vở Norma, Bellini đã nói như vậy. Tuy nhiên, trong các tối tiếp theo, các khán giả đã hiểu được rằng, họ đang được thưởng thức một tác phẩm tuyệt vời. Trong một chuyến công diễn đến Naples và Catania vào tháng 1/1832, vở Norma lại một lần nữa đem lại cho Bellini sự thành công vang dội cũng như những chào đón nồng nhiệt. Cả vở La sonnambula cũng đã giành được thắng lợi trên các sân khấu châu Âu. Tuy nhiên, vở opera cuối cùng mà Bellini viết ở Italia, Beatrice di Tenda đã thất bại ở Venice năm 1833. Sự thất bại của tác phẩm này cùng với những xung đột trong quá trình làm việc đã khiến Bellini quyết định chấm dứt hợp tác với Romani.

Thất vọng và buồn bực vì công việc ở Turina đã không đi đến đâu, Bellini trở về London, nơi mà La sonnambula và Norma đã thành công vang dội ở Drury Lane với soprano nổi tiếng Malibran. Sau đó ông lại qua Paris, ở đây ông được giới âm nhạc chào đón nồng nhiệt và nhà hát Italien đã ký với ông hợp đồng một vở opera mới. Vở I Puritani đã ra đời như vậy. Năm ngày sau lần trình diễn đầu tiên tác phẩm này vào tháng 1/1835, Bellini được phong danh hiệu Bắc đẩu Bội tinh (Légion d’honneur), và sau này vua của Naples đã trao cho ông huy hiệu của Accademia Borbonica. Ông quyết định ở lại Paris và nghĩ đến một số công việc trong tương lai ở đó. Cần nói thêm rằng, trong thời kỳ ở Paris, Bellini đã trở thành một người bạn thân của Chopin, Paer và Rossini. Chính Rossini cũng đã từng nói về Bellini như sau: “Anh ấy có một tâm hồn thật đẹp, một dáng vẻ sắc sảo, thanh tú và trang nhã”.

Khi mới chưa đầy 34 tuổi, đang trong giai đoạn rất thành công của sự nghiệp thì Bellini đã phải từ giã cuộc đời. Ông mất ngày 23/9/1835 ở Puteaux, gần Paris vì bệnh viêm ruột cấp tính. Trong lễ tang ngày 2/10/1835, cả Cherubini và Rossini đều đã đến và đứng giữ quan tài. Bellini được chôn ở nghĩa trang Père Lachaise, Paris. Thi hài ông được chuyển đến nhà thờ ở Catania năm 1876. Có thể nói Vincenzo Bellini là một trong những nhà soạn nhạc quan trọng nhất của nền opera Italia những năm đầu thế kỷ 19. Người ta vẫn coi ông là bậc thầy trong thể loại opera bel canto. Ảnh hưởng của Bellini ở mức độ nào đó đã vượt ra ngoài lĩnh vực opera. Chopin rất ngưỡng mộ Bellini, đặc biệt là trong sự diễn đạt giai điệu của ông. Mặc dù Bellini được biết đến chủ yếu như một nhà soạn nhạc opera nhưng bản Oboe Concerto của ông cũng khá nổi tiếng.

Bellini được biết đến nhiều nhất qua vở opera Norma của ông. Vai diễn Norma được coi là một trong những vai diễn khó nhất đối với các nghệ sĩ soprano. Trong suốt thế kỷ 20, chỉ có một số ít ca sĩ là có khả năng hát vai này thành công: Rosa Ponselle đầu những năm 1920 và sau này là Joan Sutherland trong những thập niên 1960 và 1970. Maria Callas là Norma nổi tiếng của thời kỳ sau chiến tranh; bà đã diễn vai này nhiều lần và có hai lần thu âm trong các phòng thu. Ngày nay, vở Norma của Bellini trở thành một trong những vở opera nổi tiếng nhất trên thế giới.

Đặc trưng tinh túy trong âm nhạc opera của Bellini là mối quan hệ gần gũi của nó với lời thoại. Ông đã không đi tìm kiếm sự phác họa âm nhạc đối với từng nhân vật, nhưng nội dung và tâm trạng của mỗi cảnh lại được đưa vào sự biểu đạt âm nhạc thấu đáo cùng với lời thoại được diễn cảm một cách chính xác. Phong cách giai điệu của ông, mà “Casta diva” nổi tiếng của Norma là một ví dụ hoàn hảo, được đặc trưng bởi việc xây dựng những tuyến giai điệu rộng rãi từ những đơn vị âm nhạc nhỏ bé. Trong khi đó, sự xử lý nhịp điệu của ông mang tính quy ước hơn, những giai điệu của ông được hỗ trợ bởi một số hòa âm giàu màu sắc và kín đáo, tế nhị, qua sự thể hiện hiệu quả của nhân tố dàn nhạc. Hơn bất cứ nhà soạn nhạc Ý nào trong những năm 1830, Bellini là cực tiểu hóa sự khác nhau giữa aria và recitative. Tầm diễn đạt của Bellini thực tế là đã vượt xa những khía cạnh ủy mị và mảnh mai yếu đuối trong nghệ thuật của ông, điều mà vẫn thường bị người ta nhấn mạnh quá mức.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.