You are here

Âm nhạc Cách mạng và Báo chí

Tác giả: 
Cát Vận

Tháng 12 năm nay, chúng ta kỷ niệm 60 năm thành lập Hội NSVN cũng vừa đúng 80 năm Tân nhạc Việt Nam ra đời. Theo hồi ký của nhạc sĩ Lê Thương, những bài hát đầu tiên của nền Nhạc mới Việt Nam đã được in trên báo Ngày nay từ năm 1938, nghĩa là âm nhạc đã có mặt trên báo chí cũng đã tròn 8 thập niên! Trong bài tham luận này, theo yêu cầu nội dung Hội thảo, xin chỉ đề cập tới âm nhạc Cách mạng trên các phương tiện báo in, báo nói, báo hình và sau này là báo mạng.

Chúng ta rất tự hào khi được biết, bài hát cách mạng đầu tiên được in trên báo chính là bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao. Theo hồi ký của nhạc sĩ: “Tôi tự tay viết bài Tiến quân ca lên đá in trong trang văn nghệ đầu tiên của tờ báo Độc Lập” (Hồi ký Văn Cao “Tại sao tôi viết Tiến quân ca” trong sách Nửa thế kỷ Hội Nhạc sĩ Việt Nam-trang 75 ). Từ đó đến nay, tuyên truyền âm nhạc trên báo chí đã trở thành một truyền thống tốt đẹp và không thể thiếu được với các loại hình báo chí và báo chí đã trở thành một kênh thông tin âm nhạc cách mạng trong suốt những giai đoạn lịch sử vừa qua.

Trong các loại hình báo chí, thông tin và tuyên truyền âm nhạc cách mạng thích hợp nhất, hiệu quả nhất, mạnh mẽ nhất là báo nói - báo phát thanh - mà tiêu biểu nhất là Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngay sau ngày 2-9-1945, đúng một tuần sau ngày 7-9-1945 bài ca Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi đã vang lên trên sóng Tiếng nói Việt Nam và trở thành nhạc hiệu chính thức của Đài cho tới hôm nay và cũng sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, bài hát Chiến thắng Điện Biên của Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã trở thành Nhạc chờ mở đầu một ngày phát thanh mới cho các chương trình trong nước và nước ngoài trên sóng TNVN. Chỉ thế thôi, trong những ngày ác liệt của cuộc chiến tranh cứu nước hai bản nhạc ấy đã trở thành niềm tin đối với đồng bào vùng tạm chiếm, vùng tự do trên khắp đất nước cũng như đồng bào Việt Nam sống xa Tổ quốc khi bát được tìn hiệu của Đài TNVN. Ngày nay, với sự bùng nổ của thông tin và kỹ thuật phát thanh hiện đại, TNVN cùng với các hệ thống phát thanh truyền hình trong cả nước đã tạo nên một kênh thông tin khổng lồ về âm nhạc cách mạng, đặc biệt là ca khúc. Âm nhạc đã vang lên trong 24/24 giờ ngày và đêm trong đó có nhưng chuyên mục giới thiệu nhũng bài ca ra đời trong những năm tháng xây dựng và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc như Ký ức âm thanh, Bài ca đi cùng năm tháng cùng các chương trình ca nhạc trong những ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Phát thanh có lợi thế hơn truyền hình vì có thể nghe ở mọi nơi, mọi lúc song truyền hình bổ sung thêm những hình ảnh cụ thể làm cho những bài hát các mạng sống động hơn, hấp dẫn hơn trong đó có các chương trình truyền hình trực tiếp biểu diễn âm nhạc trong các ngày lễ lớn hoặc các chương trình dành riêng cho những bài ca đi cùng năm tháng như Giai điệu tự hào

Sau báo nói và báo hình, phải kể đến báo in mà trong đó cơ quan ngôn luận chính thức của Hội NSVN là nơi chuyển tải nhiều thông tin đa chiều và đa dạng nhất về các chuyên ngành âm nhạc. Đó là Bản tin âm nhạc, Tập san âm nhạc, Tạp chí âm nhạc, Thề giới âm nhạc, Âm nhạc và Thời đại và nay là Âm nhạc Việt Nam. Chặng đường đường gần nửa thế kỷ của Báo nhạc luôn luôn chuyển động tìm hướng tiếp cận mới với cuộc sống, với sự phát triển đi lên của Hội. Và một minh chứng cho hướng tiếp cận ấy chính là sự ra đời của Website Hội NSVN. Website của Hội vừa là cổng thông tin điện tử của Hội vừa mang tính chất báo mạng với nhiều chuyên mục thông tin về các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình và đào tạo cũng như những thông tin về hoạt động âm nhạc trong nước và nước ngoài. Đáng kể nhất là mục giới thiêu tác phẩm, lần đầu tiên người yêu nhạc có thể nghe được các tác phẩm nổi tiếng và các tác phẩm mới trên trang mạng của Hội cũng như những chương trình biểu diễn âm nhạc kinh điển do các nghệ sĩ trong nước và nước ngoài  trình diễn. Website cũng giới thiệu nhiều bài báo hay viết về âm nhạc của các cơ quan báo chí khác cúng như nhiều bài viết của các nhạc sĩ Hội viên. Đặc biệt, có một kênh thông tin có giá trị về học thuật dành cho người nước ngoài và trong nước muốn tìm hiểu, nghiên cứu về âm nhạc cách mạng, âm nhạc đương đại và âm nhạc truyền thống Việt Nam đó là kênh thông tin của Viện Âm nhạc qua các số tạp chí từ Thông báo khoa học cho đến Nghiên cứu âm nhạc được phát hành từ nhiều thập niên trở lại đây. Cũng nhằm mở rộng thông tin âm nhạc, Hội NSVN đã thành lập Câu lạc bộ Nhà báo và Công luận hồi đầu nhứng năm 90 thế kỷ trước và Câu lạc bộ Âm nhạc và Báo chí đầu những năm 2000 kết hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức được nhiều kỳ sinh hoạt  bổ ích, nhưng rất tiếc sau đó vì nhiều điều kiện nên không tiếp tục được.

Bên cạnh thông tin chính thống này là hàng loạt những tạp chí, báo tuần, báo ngày hầu như đều có bài về âm nhạc các mạng như báo Nhân dân (gồm cả kênh Truyền hình), Hà Nội mới, Quân đội nhân dân (gồm cả kênh Truyền hình), Tiền phong, Lao động…và trên các tạp chí Diễn đàn văn nghệ của Liên hiệp các Hội VHNT trung ương và Tạp chí Lý luận Phê bình Văn học, Nghệ thuật của Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT trung ương và tạp chí của các Hội VHNT các tỉnh, thành phố. Các nội dung thông tin đều tập trung giới thiệu những nhạc sĩ có đóng góp lớn cho nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam, các tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT cũng như các tác giả khác qua các chuyên mục âm nhạc về những bài ca đi cùng năm tháng, những sáng tác mới về công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Báo chí đã trở thành người đồng hành cùng âm nhạc các mạng trong suốt các giai đoạn lịch sử và cả trước khi Hội NSVN được thành lập và khi Hội NS được thành lập báo chí đã có thêm nhiều nhà báo âm nhạc, nhiều nguồn thông tin để khai thác. Chỉ tiếc rằng, một số nhà báo trẻ hiện nay còn chưa có quá trình tiếp cận với âm nhạc cách mạng nên có những thông tin chưa chuẩn xác, có những đánh giá, nhận xét còn sơ lược, vội vàng trước nhiều hiện tượng về âm nhạc; và trên các mặt báo tuần, báo ngày rất ít hoặc không thấy các bàn nhạc được in khiến cho nạn mù nhạc càng có điều kiện phát triển. Hiện tượng này có từ sau thời kỳ Đổi mới, có lẽ kinh tế thi trường đã cướp đi vị tri này trên trang báo để thay bằng quảng cáo chăng?

Tuy nhiên, từ diễn đàn này chúng tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn các nhà báo tâm huyết, các nhà báo luôn đồng hành, tiếp cận với âm nhạc cách mạng góp sức cùng Hội NSVN trên con đường Đồng hành cùng dân tộc.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.