You are here

Âm nhạc dân gian Bahnar trong một số tác phẩm âm nhạc đương đại

Tác giả: 
Lê Xuân Hoan

Tôi nhận được thông báo từ tháng 01 năm 2013 về cuộc Hội thảo Khai thác và phát huy Âm nhạc dân gian trong quá trình hội nhập quốc tế do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại thành phố Quảng Ngãi ngày 22/3/2013. Lúc đầu, tôi không có ý định viết hay nói gì về vấn đề này cả, bởi lẽ: dạo này công việc khá bận rộn (chẳng việc gì ra việc gì mà cứ như nuôi con mọn), nên ít có thời gian đầu tư, trong lúc đó sự hiểu biết của bản thân còn nông cạn; hơn nữa, tôi nghĩ hội thảo mà chỉ diễn ra trong một buổi, e rằng mọi người chẳng nói/ nghe được gì nhiều; vả lại, không khéo lại vẫn “những điều biết rồi, nói mãi, khổ quá”... Nhưng, là người trân trọng, quý mến những giá trị của nền âm nhạc truyền thống (nếu không muốn gọi là đam mê), nên tôi xin mạo muội đăng kí được trình bày ở đây một vài ý kiến cụ thể liên quan đến chủ đề này.

Bahnar là một dân tộc lớn, nói tiếng Môn – Khơ me ở Tây Nguyên, số dân hiện nay ước tính khoảng trên 25 vạn người, trải rộng từ Kon Tum, Gia Lai xuống một số huyện miền núi các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Riêng ở tỉnh Gia Lai, người Bahnar có khoảng 145.000 người, sống tập trung tại các huyện: K’Bang, thị xã Anh Khê, huyện Công Ch’ro, Mang Yang, Đăk Đoa, Chư Păh, một số ít sống rải rác ở xã thuộc các huyện Chư Sê, Ia Pa và thành phố Pleiku.

 1. Một số đặc điểm của âm nhạc dân gian Bahnar ở Gia Lai

Như chúng ta đã biết, mỗi dân tộc, mỗi vùng dân tộc do điều kiện địa lý, lịch sử, ngôn ngữ, tâm lý, đặc biệt là ý thức thẩm mỹ, phong tục tập quán khác nhau nên đã hình thành những truyền thống văn hóa khác nhau, trong đó có âm nhạc. Đặc điểm âm nhạc của mỗi dân tộc bao giờ cũng được biểu hiện thông qua các phương tiện diễn tả của nó, đó là: thang âm điệu thức, giai điệu, tiết tấu và hòa thanh... Do đó, khi nghiên cứu đặc điểm âm nhạc của một dân tộc, chúng ta không thể không tìm hiểu các phương tiện biểu hiện của nó.

Thế nhưng, chẳng hiểu từ bao giờ trong giới âm nhạc và đặc biệt trong giới báo chí, khi nhắc đến âm nhạc Tây Nguyên người ta thường gán cho một cụm từ “Bốc lửa”, “Rock Cao nguyên”... Nói như vậy không phải là sai, nhưng cũng không phải hoàn toàn chính xác về mặt khoa học. Bởi, Tây Nguyên như thường gọi là địa bàn hành chính của 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắk Nông và Lâm Đồng. Ở đây, có trên giới 20 thành phần dân tộc bản địa thuộc 2 nhóm ngôn ngữ khác nhau: Môn Khơme và Malayô - Pôlônêxia. Giữa các thành phần dân tộc ấy, do sự tác động của quy luật giao lưu văn hoá, địa bàn cư trú đan xen, trình độ phát triển kinh tế xã hội còn thấp..., nên đã tạo ra một số nét văn hoá tương đồng và dị biệt, trong đó có âm nhạc.

Rồi, cũng chẳng hiểu từ lúc nào, trong giới âm nhạc lại gán cho âm nhạc Tây Nguyên một điệu thức D dur (Rê trưởng) bất di, bất dịch và cho đó là “Điệu thức Tây Nguyên, Phong cách Tây Nguyên”!? Chính vì thế, đầu các tác phẩm âm nhạc (Thanh nhạc, khí nhạc) các tác giả thường ghi phong cách Tây Nguyên, rất ít thấy các tác giả ghi phong cách Êđê hay Bahnar, Jrai ....
Cả hai quan niệm nói trên, đều phản ánh sự nhận thức chưa đầy đủ nếu không muốn gọi là thiếu nghiên cứu một cách nghiêm túc.

Rất tiếc, chúng tôi chưa có điều kiện nghiên cứu sâu về truyền thống âm nhạc dân gian của các tộc người ở Tây Nguyên mà chỉ mới bước đầu tìm hiểu một số nét đặc trưng trong âm nhạc dân gian Jrai và Bahnar ở Gia Lai; vả lại, nguồn tư liệu nghiên cứu về âm nhạc Tây Nguyên cũng rất ít ỏi, nếu không nói là thiếu. Do đó, những vấn để được chúng tôi trình bày ở đây là hoàn toàn mang tính chủ quan, rất mong sự trao đổi của các nhạc sĩ.

Giống như nhiều dân tộc bản địa ở Tây Nguyên, từ ngàn đời nay, bằng trái tim, khối óc với khát vọng vươn tới những mục tiêu cao đẹp, đồng thời với việc bảo vệ, giữ gìn cuộc sống bình yên cho cả cộng đồng dân tộc trước sự xâm lăng của kẻ thù, người Bahnar đã sản sinh ra một kho tàng văn hoá dân gian vừa phong phú vừa độc đáo, trong đó, âm nhạc là một thành tố quan trọng, thu hút nhiều nhà nghiên cứu, sáng tác trong và ngoài tỉnh quan tâm. Có thể nói, âm nhạc hầu như có mặt trong tất cả các loại hinh sinh hoạt văn hoá dân gian của người Bahnar: âm nhạc gắn liền với lễ hội, văn học, phong tục tập quán và là linh hồn của nhảy múa... Trải qua bao biết thiên của lịch sử, âm nhạc cũng như văn hoá dân gian Bahnar vẫn còn giữ được vẻ mộc mạc, hồn nhiên, lắng đọng nhưng không kém phần tinh tế, bay bổng như chính bản chất các chủ thể đã sáng tạo ra nó. Sự mộc mạc, nguyên sơ trong chất liệu chế tác nhạc cụ; sự mềm mại, uyển chuyển trong giai điệu, tiết tấu; âm hưởng đượm buồn, lắng đọng nhưng lại tinh tế vang xa. Tất cả những điều đó đã tạo cho âm nhạc dân gian Bahnar một phong cách độc đáo, vừa gần gũi, hồn nhiên, trầm hùng và chững chạc vừa linh thiêng, xa xăm huyền thoại, đặc biệt là lối sử dụng quãng 4 tăng trong tiến hành giai điệu (TS. Lều Kim Thanh gọi là quãng 4 già) và lối kết lửng – một kiểu kết câu/đoạn hết sức độc đáo.

Về thang âm điệu thức: Cho đến nay, người Bahnar ở Gia Lai vẫn còn sử dụng nhiều dạng thang âm điệu thức được coi là rất cổ, bởi nó được hình thành và phát triển từ buổi bình minh của nhân loại. Đó là hệ thống thang 3 âm, 4 âm, 5 âm, 6 âm và các phương thức kết hợp dạng thức của nó. Trong khuôn khổ tham luận này, tôi xin giới thiệu đôi nét về thang âm điệu thức 5 âm trong âm nhạc dân gian Bahnar ở Gia Lai. Đó là hệ thống thang âm điệu thức 5 âm hết sức phong phú và độc đáo. Nó vừa là một hiện tượng mang tính phổ quát trong âm nhạc dân gian của các dân tộc Việt Nam, vừa là hiện tượng mang tính đặc thù của kho tàng âm nhạc dân gian Bahnar. Trong âm nhạc dân gian của các dân tộc, chúng ta có thể tìm thấy một số dạng thang âm điệu thức tương đồng về mặt cấu tạo, nhưng cách vận động của những giai điệu lại phụ thuộc rất nhiều về mặt tâm lý, thổ ngữ, thi hiếu thẩm mĩ… của mỗi dân tộc, nên âm hưởng và phong cách không thể giống nhau.

Nghiên cứu thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Bahnar ở Gia Lai, chúng tôi thấy, thang 5 âm có ba loại cơ bản sau đây:

- Thang 5 âm I: Đây là loại thang 5 âm tương đồng với điệu (thức) Bắc của người Việt (Kinh). Cấu tạo của thang âm này, như sau: Đô – Rê – Fa – Sol – La

 

Dạng thang âm này chiếm 06/ 180 = 0,3% trong tổng số những bài dân ca, dân nhạc được phát hiện, tính đến thời điểm này.

- Thang 5 âm II: Đây là loại thang 5 âm được chúng tôi coi là "đặc sản" của người Jrai - một tộc người sống gần kề với người Bahnar ở Tây Nguyên. Cấu tạo của thang âm này, như sau: Đô – Mi – Fa – Sol – Si

 

Dạng thang âm này thường được các nhạc sĩ gọi là "điệu thức Tây Nguyên"!?

Đối với người Bahnar ở Gia Lai, dạng thang 5 âm này được ứng dụng trong 11 dân ca trong tổng số 180 bài bản dân ca và dân nhạc = 0,6%

- Thang 5 âm III: Đây là dạng thang âm đặc biệt được ứng dụng phổ biến trong kho tàng âm nhạc dân gian Bahnar ở Gia Lai. Cấu tạo của dạng thang âm này, như sau: Đô – Rê – Fa# - Sol – La

 

Cho đến nay, chúng tôi chưa tìm thấy bất cứ một bài dân ca, dân nhạc nào của các dân tộc Tây Nguyên ngoài dân tộc Bahnar có ứng dụng loại thang 5 âm này. Dạng thang âm này được ứng dụng 121 bài trong tổng số 180 bài dân ca, dân nhạc = 66%. 
Hàng âm được dùng phổ biến trong nhạc hát và nhạc đàn như sau:

 

Hàng âm ở trên, thực chất là Thang 5 âm III kết hợp với Thang 5 âm III ở hai âm vực khác nhau, trong đó, âm Sol và âm La là 2 âm chung. Đây chính là Thang 5 âm III được dịch lên một quãng 5 đúng.

 

Nếu chồng 2 thang âm này lên nhau, thì ta sẽ có một dạng thang 5 âm hòa điệu quãng 5. Và, thực tế trong diễn tấu đàn Goong và cồng chiêng, đồng bào Bahnar rất ưa chuộng lối sử dụng quãng 5 hòa điệu.

Hình thức này không chỉ được áp dụng khá phổ biến trong nghệ thuật diễn tấu đàn Goong, trong bài chiêng Grong kapô (Đâm trâu) mà còn được dùng khá phổ biến trong nhiều bài bản khác, với nhiều bộ cồng chiêng khác nhau thuộc nhiều làng khác nhau.

Các dạng thang 5 âm và các phương thức kết hợp thang 5 âm trong âm nhạc dân gian Bahnar là sự kế thừa và phát triển từ các dạng thang 4 âm với các phương thức kết hợp thang 4 âm trong âm nhạc dân gian Bahnar, đồng thời đó cũng là hệ quả của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hoá âm nhạc giữa người Bahnar với các dân tộc khác đã từng sinh sống trên mảnh đất Cao nguyên này. Ở đây chúng ta thấy, thang âm Bahnar có âm cùng tên nhưng không cùng giá trị cao độ ở những quãng 8 khác nhau, đó là âm đô1 – đô2. Vấn đề này, khi tìm hiểu âm nhạc fôn-clo Bahnar ở An Khê, tác giả Tô Ngọc Thanh cũng đã nhận xét: “Do chỗ cấu tạo theo cách dịch lên một quãng năm đúng, hàng âm thanh Bahnar chứa những âm cùng tên nhưng không cùng giá trị cao độ ở các quãng tám khác nhau như các âm đô1 và đô2 thăng ¼ cung, sol1 và sol2 thăng ¼ cung. Độ cao của các âm này chỉ có giá trị trong một quãng tám nó có mặt mà thôi”.

Giai điệu của những bài ca, điệu nhạc thường được vận động trong một âm vực quãng 6, trong đó âm rê là âm dựa. Những bài bản có giai điệu vận động trong một âm vực rộng hơn, thường thấy trong âm nhạc dân gian Bahnar ở Gia Lai là những bài bản được ứng dụng các thủ pháp kết hợp thang âm, hoặc là kết hợp với thang 3 âm, 4 âm, hoặc là kết hợp với ba dạng thang 5 âm kể trên, trong đó, quãng 4 tăng/già và quãng 8 tăng/già là những âm điệu đặc trưng của người Bahnar.

Mặt khác, phần lớn các bài hát dân ca Bahnar thường bắt đầu bằng một âm bậc 6 của thang âm điệu thức có giá trị trường độ bằng 1,5 đến 4 phách thậm chí 5 phách. Âm này vừa có tác dụng thu hút sự chú ý của người thưởng thức vừa tạo cho người thể hiện một trạng thái tâm lý ổn định, tự tin. Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) YBrơm - người con của dân tộc Bahnar cũng đã từng nhận xét, âm nhạc gian của người Bahnar mang tính chất “cung đình”, đặc biệt là trong âm nhạc cồng chiêng. Thật vậy, đến với âm nhạc dân gian Bahnar ta có cảm giác như đang lọt vào một không gian tĩnh mịch, trầm hùng, tôn kính, huyền ảo và linh thiêng, nhưng lại rất gần gũi, mộc mạc và nguyên sơ. Chính vì thế, các nhà nghiên cứu đã khẳng định, cồng chiêng Bahnar nói riêng, Tây Nguyên nói chung là một loại nhạc cụ dùng để phục vụ các lễ hội truyền thống, là phương tiện để con người “đối thoại với các vị thần linh” – chữ dùng của GS.Tô Ngọc Thanh. Đối với người Tây Nguyên, với quan niệm đa thần “vạn vật hữu linh” nên mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội đều có các thần trú ngụ trong đó. Thần linh không phải ở đâu xa lạ mà gần gũi với con người như tiếng cồng, tiếng chiêng, như dòng sông, bến nước. Thần ở trong nhà ở, nhà rông, thần ở trong cồng chiêng, trong ché rượu... Điều đặc biệt, ở đây, là mối quan hệ giữa con người với các Yang (thần) và các Atâu (ma) rất bình đẳng, tác động qua lại, gắn bó với nhau một cách bền vững để tạo nên vẻ đẹp hồn nhiên của cuộc sống.

Trên cơ sở thế giới quan và nhân sinh quan như vậy, văn hóa dân gian nói chung và âm nhạc dân gian Bahnar nói riêng có mặt trong mọi hoạt động của con người với những mật độ thưa dày khác nhau, tuỳ theo từng thời gian trong năm.

2. Âm nhạc dân gian Bahnar trong một số tác phẩm âm nhạc đương đại

Tuy có muộn hơn so với các dân tộc thiểu số ở miền Bắc nước ta, nhưng từ lâu âm hưởng, phong cách của âm nhạc dân gian Bahar đã được một số nhạc sĩ ở nước ta tiếp thụ và vận dụng vào trong các sáng tác của mình, bước đầu tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn yêu nhạc trong cả nước, nhất là đồng bào dân tộc Bahnar và Tây Nguyên.

Một trong những người đầu tiên giới thiệu những bài dân ca Tây Nguyên qua sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam đến với bạn bè trong và ngoài nước từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, và cũng là người kế thừa và phát huy tinh hoa âm nhạc Tây Nguyên, trong đó có âm nhạc dân gian Bahnar là nhạc sĩ Y Dơn (Rơ chăm Yơn 1927 - 2003). Ông đã sáng tác hàng trăm ca khúc mang đậm phong cách Tây Nguyên, hiếm thấy nhạc sĩ nào có được. Nhiều ca khúc của ông đã trở thành dân ca mà “Gặt lúa" là một tác phẩm tiêu biểu (chúng tôi cũng đã giới thiệu tác phẩm này trên Báo Gia Lai cách đây khoảng gần chục năm). Nói chính xác hơn, “Gặt lúa” là một ca khúc do nhạc sĩ Y Dơn sáng tác vào khoảng cuối những năm bảy mươi của thế kỷ trước (sau ngày miền Nam giải phóng) đã được quần chúng nhân dân “dân gian hóa” thành bài ca “Gặt lúa đông xuân”. Đây là một trường hợp giống như ca khúc “Giận mà thương” của nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong và ca khúc “Ru con Nam bộ” của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ...đều là những ca khúc được “dân gian hóa” thành những khúc dân ca. “Gặt lúa” không chỉ là tác phẩm được phát triển từ dân ca Bahnar với việc mô phỏng tiếng chim Prôtôk mà còn được nhạc sĩ Y Dơn sáng tác bằng song ngữ (Bahnar - Kinh). Ngay từ đầu tác phẩm, nhạc sĩ Y Dơn đã sử dụng một nốt bậc 6 của thang âm điệu thức có trường độ kéo dài 1, 5 phách với ca tư “Ê” – một mô - tip phổ biến trong dân ca Bahnar để xây dựng giai điệu của tác phẩm. Sau đó, giai điệu được phát triển theo mô hình làn sóng với việc sử dụng nhiều nốt thêu D – C# - D và nhiều nốt đồng âm có giá trị trường độ khác nhau, đứng cạnh nhau, như nốt A, nốt D, nốt F#... tạo âm hưởng và phong cách Bahnar rất rõ nét.

Đồng thời với nhạc sĩ Y Dơn là nhạc sĩ Nhật Lai (1931 – 1987). Vốn là người hoạt động âm nhạc tại Tây Nguyên trong những năm chống Pháp rồi ra Bắc tập kết và công tác tại Đoàn Văn công Tây Nguyên ngay từ những ngày đầu thành lập, Nhật Lai được đồng nghiệp đánh giá không chỉ là người đi tiên phong trong việc kế thừa, phát triển tinh hoa âm nhạc Tây Nguyên mà còn là nhạc sĩ thực sự có tài năng bẩm sinh, ham hiểu biết, tìm tòi và sáng tạo. Mọi sáng tác của ông đều bắt nguồn từ nền tảng của âm nhạc dân gian của các dân tộc. Ngôn ngữ âm nhạc dân gian nhất là âm điệu của người Êđê, Jrai, Bahnar…được ông đưa vào tác phẩm của mình một cách khoé léo, tinh tế làm cho các tác phẩm của ông vừa mang âm hưởng dân tộc vừa mang tính hiện đại. Vì thế, nghe tác phẩm của ông, nhất là ca khúc nhiều người cứ tưởng là dân ca. Trong hàng loạt tác phẩm nổi tiếng của ông thì nhiều tác phẩm được ông khai thác từ âm nhạc Tây Nguyên. Về âm điệu, phong cách Bahnar có các tác phẩm: Đợi chờ, Cha con, Người đi săn… Những tác phẩm ấy không chỉ có ý nghĩa về mặt nội dung, tư tưởng hay tính nghệ thuật mà còn có ý nghĩa lịch sử văn hoá, nó đánh dấu bước phát triển mới của “tân nhạc” Việt Nam. Theo chúng tôi biết, ca khúc Đợi chờ đã gắn liền với sự nghiệp hoạt động âm nhạc của ca sĩ H’Ben từ lúc bước vào nghề đến lúc nghỉ hưu. Có lẽ vì thế mà nhiều người cứ tưởng Đợi chờ là một bài dân ca Bahnar. Phần lớn các tác phẩm múa mang phong cách dân gian nổi tiếng trước đây của NSND YBrơm đều do nhạc sĩ Nhật Lai viết nhạc trên cơ sở chất liệu âm nhạc của người Bahnar, trong đó, không thể không kể đến các tác phẩm: Múa trống Tây Nguyên; Giã gạo (Dưới đêm trăng); Múa khiêl; Greng neeng… Đó là những tác phẩm đã đưa sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của YBrơm lên đến đỉnh cao với hàng chục huy chương vàng, bạc trong các kỳ hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc mà giải thưởng lớn nhất, cao quý nhất là danh hiệu NSND đợt đầu (1983) và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, năm 2002. Trao đổi với chúng tôi, NSND Y Brơm, nói: “Những gì mà tôi có hôm nay, không thể không kể đến sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình và quý báu của nhạc sĩ Nhật Lai. Hồn dân tộc được thể hiện rất rõ trong âm nhạc của Nhật Lai và chính âm nhạc của Nhật Lai đã đem lại cho tôi nguồn cảm hứng mạnh mẽ, giúp tôi có được những tác phẩm múa mà như nhiều người đã biết. Rất tiếc, những bản nhạc ấy tôi không còn giữ được, vì trước đây không có công nghệ như ngày nay để lưu giữ, hơn nữa, như nhạc sĩ biết đấy, nhạc múa nó không giống nhạc để hát”.

Mặc dù không có may mắn hoạt động âm nhạc trong vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như nhạc sĩ Nhật Lai, nhưng với tình cảm kính trọng Anh hùng Núp - dân tộc Bahnar - người Tây Nguyên đầu tiên “bắn Pháp chảy máu”, đồng thời, với ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật trong kho tàng âm nhạc dân gian, dân tộc, từ miền Bắc xa xôi, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, nhạc sĩ Trần Quý đã sáng tác ca khúc Hát mừng Anh hùng Núp. Ngay sau khi ra đời, Hát mừng Anh hùng Núp mau chóng vang lên khắp mọi miền đất nước, góp phần động viên quân dân cả nước, đặc biệt nhân dân Tây Nguyên “theo anh Núp Tây Nguyên kết đoàn…học tập gương chiến đấu bền một lòng qua gian nan trong bao năm. Gương này soi sáng khắp núi rừng Tây Nguyên, theo anh Núp đi tiên phong, còn tranh đấu tới ngày toàn thắng… ”. Mở đầu tác phẩm là đoạn dạo nhạc với tốc độ chậm (lento). Ở đây, tác giả đã minh hoạ cảnh núi rừng Tây Nguyên bằng cách tạo âm thêu (nốt C# đứng xen giữa 2 âm D) và đảo phách mô phỏng phong cách dân gian với kĩ thuật diễn tấu nhanh dần lên (poco accelerando). Do đó âm hưởng của đoạn nhạc thể hiện rất rõ phong cách Bahnar và Tây Nguyên. Ngoài phần dạo nhạc, Hát mừng Anh hùng Núp được nhạc sĩ Trần Quý viết ở thể 2 đoạn đơn tái hiện. Thang 5 âm không có bán âm, dạng A – C – D – F – G. Điệu thức Dm. Giai điệu tiến hành bình ổn, không có nhảy quãng rộng mà chuyển động theo mô hình làn sóng và chuyển động ngang trên một nốt đồng âm, xoay quanh 2 nhóm ba âm: A quãng tám nhỏ – C1 – D1 và F1 – G1 – A1. Hát mừng Anh hùng Núp đã đạt Giải thưởng Hội Văn Nghệ Việt Nam (1953 – 1955). Được biết, đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu, đánh dấu con đường phát triển âm nhạc của nhạc sĩ Trần Quý.

Để ghi nhớ chiến công của Anh hùng Núp, đồng thời ghi nhận sự đóng góp quý báu của nhạc sĩ Trần Quý đối với nhân dân Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, sau ngày miềm Nam được giải phóng, “Bắc – Nam sum họp một nhà”, tỉnh Gia Lai – Kon Tum trước đây (nay Gia Lai) đã chọn tác phẩm Hát mừng Anh hùng Núp làm nhạc hiệu cho Đài Phát thanh và Truyền hình của tỉnh.

Được thừa hưởng những giá trị độc đáo của âm nhạc dân gian Tây Nguyên ngay từ khi còn là nhạc công của Đoàn Văn công Tây Nguyên những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, sau khi gặt hái được khá nhiều thành công trong việc đưa âm hưởng và phong cách Êđê vào trong các sáng tác của mình, cuối những năm 90 thế kỷ 20 đến nay, nhạc sĩ Nguyễn Cường tiếp tục nghiên cứu và sáng tác nhiều tác phẩm thể hiện rõ âm hưởng và phong cách Bahnar, đặc biệt là việc vận dụng quãng đặc trưng như trên vừa nêu. Tiêu biểu là các tác phẩm: “Gió bay về ngàn”, “Giờ em đã có anh” và Hoà tấu nhạc cụ Ấn tượng Ia Ly…. Trong tác phẩm “Gió bay về ngàn”, nhạc sĩ Nguyễn Cường vừa khai thác và sử dụng quãng 4 tăng (G1 – Db1) vừa mô phỏng âm điệu Hơ amon - hát kể - trường ca. Đó là lối tiến hành giai điệu trên những nốt đồng âm (nốt rêb và nốt mi ở điệu thức Eb dur) trong khuôn khổ 2 nhịp 2/2, đó là những nốt đơn. Còn tác phẩm “Giờ em đã có anh” thì tác giả lại vừa sử dụng quãng 4 tăng (E1 – Bb quãng tám nhỏ) vừa sử dụng nhiều âm thêu và âm lướt tạo cho giai điệu mềm mại, uyển chuyển, gần gũi, tâm tình.

Những tác phẩm ấy, một lần nữa, khẳng định năng lực sáng tạo dồi dào của người nhạc sĩ tài danh này.

Đặc biệt, năm 2005, được sự bảo trợ về mặt tài chính cuả Nhà nước và sự cộng tác đắc lực của một số đồng nghiệp, nhạc sĩ An Thuyên đã hoàn thành vở nhạc kịch (opéra) Đất nước đứng lên chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên rất nổi tiếng của nhà văn Nguyên Ngọc. Đây là một hình thức âm nhạc lớn mang tính chất kinh điển. Bằng ngôn ngữ âm nhạc kết hợp với múa, hội họa và ánh sáng, nhạc kịch Đất nước đứng lên đã ca ngợi tình đoàn kết dân tộc, tình cảm thiêng liêng đối với Đảng, Bác Hồ, sự kiên cường, bất khuất, dũng cảm chống Pháp xâm lược của đồng bào dân tộc Bahnar ở làng Kông Hoa nói riêng, các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Bố cục của tác phẩm gồm 6 màn: “Bom đạn và câu hỏi lớn”, “Trên rẫy và tiếng người đi”, “Bắn Pháp chảy máu”, “Cơn đói kinh hoàng và niềm tin”, “Cách mạng”, “Chiến đấu, chiến thắng và vinh quang”. Toàn bộ nội dung của tác phẩm được thể hiện trên sân khấu gần hai giờ đồng hồ với gần 30 bản hợp xướng (choir), đơn ca - khúc hát độc lập có nội dung sâu sắc (aria) và song ca (duo) kết hợp giữa âm nhạc điện tử và âm nhạc cồng chiêng, t’rưng, klông pút, alar…vừa mang tính hiện đại vừa mang tính dân tộc độc đáo. Sự độc đáo không chỉ được thể hiện ở sự kết hợp hài hoà giữa dàn nhạc điện tử với dàn nhạc dân tộc mà còn được thể hiện rõ nét trong việc khai thác và vận dụng những quãng đặc trưng trong giai điệu, hoà âm và phối khí. Đó là việc vận dụng quãng 4 tăng như trên đã nêu và kiểu hoà âm quãng 4, quãng 5, quãng 8 đồng điệu v.v... Với sự tham gia biểu diễn của 120 diễn viên là học sinh, sinh viên của Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, trong đó, có 80 em là con em của các dân tộc Tây Nguyên, nhạc kịch Đất nước đứng lên đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong giới chuyên môn và khán thính giả cả nước. Đặc biệt, giữa những ngày tháng 8 lịch sử năm 2005, cán bộ, nhân dân thành phố Pleiku và bà con quê hương của Anh hùng Núp đã được trực tiếp thưởng thức vở nhạc kịch đầy ấn tượng này. Rất tiếc, đến nay, chúng tôi vẫn chưa có được tác phẩm nhạc kịch “Đất nước đứng lên” với tư cách là một ấn phẩm (sách nhạc, đĩa nhạc) để có thể phân tích sâu hơn.

Đối với Gia Lai và Kon Tum, đội ngũ nghiên cứu, sáng tác và biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp tuy còn quá mỏng, nhưng được thừa hưởng kinh nghiệm của những người đi trước, đồng thời được hấp thụ vốn âm nhạc dân gian, truyền thống của người Bahnar ngay trên mảnh đất ngàn đời của họ, những người hoạt động âm nhạc Gia Lai và Kon Tum cũng đã sáng tạo được nhiều tác phẩm mang âm hưởng, phong cách âm nhạc dân gian Bahnar đáng được trân trọng. Tác phẩm của họ không những đạt giải cao trong các kỳ hội thi, hội diễn nghệ thuật chuyên và không chuyên nghiệp mà còn được quần chúng trong và ngoài tỉnh biết đến, nhất là đồng bào các dân tộc địa phương. Tiêu biểu là các tác phẩm: Độc tấu đàn goong Chuyện kể của già làng của NSƯT Thảo Giang, Mong anh về của nhạc sĩ Ngọc Tường (Ngọc Tượng), Mặt trời trắng, Cao nguyên xanh của Ngọc Minh, Chư Păh quê hương tôi, Tháng ba mùa ning nơng của nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, Cao nguyên xanh của nhạc sĩ Kpa YLăng, Tiếng khóc của rừng lời thơ Kpa YLăng, nhạc Măng Ngọc, đặc biệt là nhiều tác phẩm nhạc múa của các nhạc sĩ: Lê Xuân Hoan, Nguyễn Hậu, Thảo Nam Giang, Khắc Phú và gần đây là ca khúc Tiếng đàn goong của già làng, Pleiku ơi Pleiku của nhạc sĩ Trương Đức Hà…

Điều đặc biệt là cùng với việc khai thác, sử dụng ngôn ngữ âm nhạc đặc trưng của người Bahnar, các nhạc sĩ cũng đã đưa các địa danh, các nhạc cụ và những vật dụng phổ biến ở Tây Nguyên, như: Gia Lai, Ia Ly, Pleiku, Mang Yang, Dak Tơve với tiếng cồng, tiếng chiêng, đàn goong, đàn t’rưng, vòng xoang, chiếc gùi, rượu cần..., vào trong các tác phẩm của mình một cách khéo léo, tạo cho người thưởng thức xa gần hiểu sâu hơn về Đất nước – Con người Tây Nguyên nói chung Bahnar nói riêng. Tuy nhiên, so với những tác phẩm mang âm hưởng và phong cách Jrai, như: Bóng cây Kơ - nia - Lời: thơ Ngọc Anh - Nhạc: Phan Huỳnh Điểu, Cô gái vót chông - Lời: thơ Mô - lô - y - cla - vi, Nhạc: Hoàng Hiệp, Em là hoa Pơ lang - Nhạc và lời: Đức Minh, Tháng ba Tây Nguyên - Lời: thơ Thân Như Thơ - Nhạc: Văn Thắng, Tình ca Tây Nguyên - Nhạc và lời: Hoàng Vân...thì những tác phẩm mang âm hưởng và phong cách Bahnar còn khá khiêm tốn cả về số lượng lẫn chất lượng nghệ thuật. Điều đó chứng tỏ, việc nghiên cứu, sưu tầm, tuyên truyền, giáo dục và quảng bá những giá trị tốt đẹp của kho tàng âm nhạc dân gian Bahnar chưa được là bao so với tiềm năng vốn có của nó. Do đó, nghiên cứu thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Bahnar là một việc làm thiết thực, chẳng những góp phần nhỏ bé của mình vào việc tìm hiểu những giá trị độc đáo trong kho tàng âm nhạc dân gian Bahnar mà còn giúp cho các nhạc sĩ sáng tác, biểu diễn, các nhà lý luận và các nhà quản lý văn hóa..., hiểu sâu hơn những nét đặc trưng của thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Bahnar ở Gia lai, từ đó, vận dụng vào trong lĩnh vực hoạt động chuyên môn của mỗi người một cách có hiệu quả, thiết thực góp phần vào sự nghiệp "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".


Đội cồng chiêng làng Jun, xã Giang Bắc, Đăk Pơ, Gia Lai


Đội ching đing (chiêng ống)xã Glar, Đăk Đoa, Gia Lai


Nghệ nhân Đinh Thị Rem, Đinh Thi Puôt làng Pơnang, xã Tú An, An Khê, Gia Lai

Tây Nguyên không chỉ là mảnh đất giàu tiềm năng văn hóa truyền thống của các dân tộc, mà còn là mảnh đất đã và đang “thay màu áo mới”. Những ngọn thác gầm réo năm xưa đã hóa thành dòng điện sáng. Những bãi bồi hoang hóa năm xưa đã hóa thành những cánh đồng lúa nước thẳng cánh cò bay. Những đồi núi trọc, bãi chiến trường năm xưa đã hóa thành những rừng cao su xanh ngát chân trời. Những kiếp người “còng lưng trong khát vọng” năm xưa đã trở thành chủ nhân của những sáng tạo và mọi sự sáng tạo của con người đều được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và tôn vinh, trong đó, sáng tạo âm nhạc là một lĩnh vực đặc biệt.

3. Kết luận

Trên đây là một vài đặc điểm của âm nhạc dân gian Bahnar ở Gia Lai và những tác phẩm âm nhạc đương đại được các nhạc sĩ khai thác từ chất liệu âm nhạc dân gian Bahnar ở Gia Lai. (Tuy nhiên, đây mới chỉ là những phác thảo bước đầu. Nếu có thời gian và công sức thì có lẽ mấy chục trang vẫn chưa thể nói hết được những đặc điểm của âm nhạc dân gian Bahnar ở Gia Lai, và những gì mà các nhạc sĩ của chúng ta đã thể hiện trong các tác phẩm của mình). Số lượng tác giả và tác phẩm nêu trên chưa nhiều nhưng cũng đủ để một lần nữa khẳng định vai trò to lớn của kho tàng âm nhạc dân gian các dân tộc nói chung, Bahnar nói riêng trong “sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Âm nhạc dân gian không chỉ là nguồn sữa ngọt lành nuôi dưỡng con người mà còn là nhu cầu thể hiện lẽ sống của con người, giúp con người vững bước tiến lên phía trước. Vì lẽ đó mà các nhà nghiên cứu thường nói, âm nhạc dân gian là trang mở đầu của âm nhạc chuyên nghiệp - bác học!

Như vậy, khai thác, phát huy những giá trị của kho tàng âm nhạc dân gian các dân tộc nói chung, Bahnar nói riêng là trách nhiệm công dân và lương tâm của người nghệ sĩ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Xuân Hoan (2007), Một số đặc trưng cơ bản của âm nhạc dân gian Jrai, Nxb Văn hoá dân tộc. Hà Nội.
2. Lê Xuân Hoan: Tìm hiểu thang âm – điệu thức trong âm nhạc dân gian Bahnar ở Gia Lai – Công trình nghiên cứu chưa công bố
3. Tô Ngọc Thanh (Chủ biên, 1988), Fôlclo Bâhnar, Sở VHTT Gia Lai - Kon Tum xuất bản
4. Nhiều tác giả: Về tính dân tộc trong âm nhạc Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1986...
5. Nhiều tác giả (1993), Thang âm - Điệu thức trong âm nhạc truyền thống một số dân tộc miền Nam Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thật Tp Hồ Chí Minh xuất bản

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.